Sức sống từ một Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở Khánh Hoà

08/10/2008
Nằm ở phía Đông Nam của huyện miền núi Khánh Vĩnh, Sông Cầu có diện tích 2.513 ha, 251 hộ gia đình với 1.024 nhân khẩu sống tập trung tại 3 thôn dọc hai bên trục đường Tỉnh lộ 2 và Hương lộ 62 với đa phần là người Kinh đi xây dựng kinh tế mới từ năm 1978. Nghề nghiệp chính của những người dân ở đây là canh tác trên nương, rẫy, mùa vụ sản xuất phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên thu nhập bình quân đầu người không cao, đời sống kinh tế có nhiều khó khăn; trình độ dân trí và nhận thức pháp luật còn rất hạn chế.

Do vậy, việc đưa chính sách, pháp luật về trợ giúp pháp lý (TGPL) đến với người nghèo, người có công với cách mạng và những đối tượng yếu thế khác cư trú trên địa bàn xã luôn được Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Phú Yên coi trọng.

Nhận thức rõ yêu cầu đó nên ngay từ khi Cục Trợ giúp pháp lý có chủ trương cho phép thành lập Câu lạc bộ (CLB) trợ giúp pháp lý thí điểm thì Sông Cầu là một trong những xã đầu tiên của tỉnh Khánh Hoà được lựa chọn để áp dụng mô hình này.

Tháng 12/2006, CLB trợ giúp pháp lý xã Sông Cầu được thành lập với Ban chủ nhiệm gồm 05 người gồm một số cán bộ chính quyền, đoàn thể ở xã do 01 cán bộ Tư pháp xã chuyên trách làm Chủ nhiệm. Ngay từ khi mới thành lập, được sự quan tâm của Đảng uỷ xã, sự chỉ đạo trực tiếp của UBND xã và sự chỉ đạo, hướng dẫn của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Khánh Hoà nên Điều lệ tổ chức và hoạt động của CLB nhanh chóng được phê duyệt. Trên cơ sở đó, hoạt động của CLB đã được triển khai với nhiều hình thức phong phú nhằm tuyên truyền mục đích, ý nghĩa chính trị - xã hội - nhân đạo của chính sách TGPL của Đảng và Nhà nước đến từng hộ gia đình và từng đối tượng được hưởng TGPL miễn phí; tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của công dân, đồng thời thực hiện tư vấn pháp luật khi họ gặp những vướng mắc pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Qua lịch sinh hoạt định kỳ hàng tháng được tổ chức luân phiên tại các thôn, CLB đã tổ chức nói chuyện, toạ đàm về pháp luật. Tuỳ thuộc thời điểm sinh hoạt mà Ban Chủ nhiệm có định hướng tuyên truyền phổ biến những văn bản Luật, Nghị định nào thật cần thiết cho người nghe phù hợp với tình hình hiện tại, như khi địa phương chuẩn bị giao quân thì chủ đề sinh hoạt sẽ nói về Luật Nghĩa vụ quân sự, hay vào mùa khô, nguy cơ cháy rừng cao thì có chủ đề là tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng cháy, chữa cháy và Luật Bảo vệ và phát triển rừng v.v...

Từ vị trí công tác của mình, thông qua việc tiếp dân định kỳ tại trụ sở UBND xã nên Chủ nhiệm CLB có khả năng nắm bắt kịp thời các thắc mắc, mâu thuẫn của người dân trong địa bàn để tìm cách hướng dẫn, tư vấn cho họ, tránh được tình trạng thưa kiện không đúng. Đồng thời, qua đó chắt lọc, lựa chọn những tình huống pháp luật mang tỉnh phổ biến để đưa ra diễn đàn sinh hoạt CLB. Nhờ vậy, dưới sự điều hành của các thành viên Ban Chủ nhiệm, đã có nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận thẳng thắn của người dân xoay quanh từng tình huống pháp luật, tạo không khí dân chủ, cởi mở trong các buổi sinh hoạt để từ đây, những quy định của pháp luật từng bước thẩm thấu vào suy nghĩ và hành vi ứng xử của mỗi người.

Cùng với việc tư vấn pháp luật qua các buổi sinh hoạt, CLB đã thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật các lĩnh vực như Luật dân sự, Đất đai, Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật bảo vệ và chăm sóc trẻ em.v.v... Ban Chủ nhiệm CLB đã đề ra chỉ tiêu hàng năm tham mưu cho UBND xã tổ chức ít nhất một cuộc thi tìm hiểu pháp luật trên địa bàn để người dân hiểu biết sâu hơn về từng lĩnh vực cụ thể. Chẳng hạn năm 2007, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông, CLB đã đề xuất với UBND xã tổ chức thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ chủ yếu dành cho đối tượng thanh thiếu niên. Năm 2008 sẽ tổ chức thi tìm hiểu Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và phát triển rừng theo hình thức sân khấu hoá (đóng kịch, tiểu phẩm…).

Bên cạnh các buổi sinh hoạt định kỳ, CLB đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể ở xã như Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên v.v... đưa việc tuyên truyền pháp luật, tư vấn pháp luật lồng ghép vào các buổi sinh hoạt cho hội viên của các tổ chức này.

Với những giải pháp tích cực như vậy, sau hơn hai năm hoạt động, CLB đã tư vấn pháp luật cho 143 vụ việc; tổ chức được 97 buổi sinh hoạt thu hút sự tham gia của gần 1.000 lượt người là người nghèo, cận nghèo và những người dân ở địa phương; tham gia cùng Trung tâm TGPL trong 3 đợt TGPL lưu động về từng thôn của xã.

Những kết quả đạt được từ hoạt động của CLB đã góp phần tích cực vào việc giúp người dân nắm bắt được các quy định cụ thể của pháp luật, biết áp dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân và gia đình mình. Qua đánh giá của cấp uỷ và chính quyền xã thì kể từ khi CLB đi vào hoạt động đến nay, các vụ việc gây mất trật tự công cộng và khiếu kiện vượt cấp trên địa bàn, số vụ tranh chấp đất đai, dân sự, ly hôn ngày một giảm dần. Đây chính là hiệu quả thiết thức đem lại từ hoạt động TGPL thông qua sinh hoạt CLB.

Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, hạn chế cần phải sớm có giải pháp khắc phục như thành viên Ban Chủ nhiệm CLB, tuy nhiệt tình, hăng hái trong công tác nhưng thiếu kỹ năng tư vấn, kỹ năng điều hành sinh hoạt CLB; nhiều người chưa nhận thức hết vai trò, tác dụng của CLB nên tham gia các buổi sinh hoạt CLB của họ chưa đều đặn; sách và tài liệu pháp luật phục vụ cho hoạt động của CLB chủ yếu khai thác từ Tủ sách pháp luật và Bưu điện văn hoá xã nên vừa thiếu vừa không cập nhật kịp thời các văn bản pháp luật mới được ban hành.

 CLB trợ giúp pháp lý là mô hình mới nên rất cần phải có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp uỷ, chính quyền xã cũng như của Trung tâm TGPL nhà nước, bảo đảm cho hoạt động của CLB đúng mục tiêu, Điều lệ hoạt động. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, với sự quan tâm đó, cùng với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của các thành viên Ban Chủ nhiệm, hoạt động của CLB sẽ thu được nhiều kết quả cao hơn, góp phần tích cực vào việc đưa các quy định của pháp luật đi vào cuộc sống của người dân trên địa bàn; giúp chính quyền xã hoàn thành tốt nhiệm vụ ổn định an ninh trật từ và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuệ Minh