Điểm sáng tư pháp Nghĩa Hoà

08/10/2008
Nghĩa Hoà là xã miền núi của huyện Lạng Giang - Bắc Giang. Những năm trước đây, đời sống kinh tế của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tình hình an ninh, trật tự rất phức tạp, tình trạng vi phạm pháp luật thường xuyên xẩy ra…Bằng ý chí, sự nỗ lực vượt bậc, với sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, đến nay xã Nghĩa Hoà có nền kinh tế - xã hội nhiều khởi sắc và trở thành điểm sáng trong công tác tư pháp của huyện Lạng Giang.

Nằm phía Đông Bắc huyện Lạng Giang, giáp với tỉnh Lạng Sơn, xã Nghĩa Hoà có 1.865 hộ dân với 7.945 nhân khẩu. Phần lớn người dân ở đây sống bằng nghề nông và kinh tế đồi rừng, trình độ dân trí và thu nhập bình quân đầu người so với các xã trong huyện vẫn còn thấp. Những năm trước đây tình hình an ninh – chính trị, trật tự xã hội rất phức tạp, đây là địa bàn bọn tội phạm thường lợi dụng để hoạt động như: Trung chuyển và tàng trữ chất ma tuý, trộm cắp, cờ bạc…Đây cũng là địa phương xẩy ra khiếu kiện thường xuyên, trong đó khiếu kiện về đất đai là nghiêm trọng nhất.

Đứng trước tình hình đó, Đảng uỷ, chính quyền xã Nghĩa Hoà rất quan tâm coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, coi trọng việc thành lập các tổ hoà giải và đẩy mạnh hoạt động của các tổ hoà giải cơ sở, coi việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Ban Tư pháp xã được Đảng uỷ, chính quyền xã giao cho nhiệm vụ là hạt nhân, nòng cốt giúp chính quyền xã Nghĩa Hoà thực hiện các chủ trương trên.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Ban Tư pháp xã đã thường xuyên phối hợp với MTTQ, Ban văn hoá - thông tin, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hoàn thành tốt các kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật mà Đảng uỷ và UBND xã đề ra. Trong đó tập trung tuyên truyền bằng các hình thức như tuyên truyền miệng, trong hội thi, phát hành tờ gấp, tờ rơi các văn bản pháp luật có nội dung liên quan thiết thực đến đời sống kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương như: Pháp lệnh ưu đãi người có công, Luật Khiếu nại – tố cáo, Luật Giao thông đường bộ, Pháp lệnh hoà giải cơ sở, Pháp lệnh dân số, Luật Đất đai, Luật Phòng, chống ma tuý, Luật phòng, chống tham những, lãng phí, và những văn bản pháp luật về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đến khu dân cư cho hàng nghìn lượt người. Ngoài ra, Ban Tư pháp xã kết hợp với Ban văn hoá - thông tin tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của xã 7 nhóm chương trình tuyên truyền pháp luật như: Một số vấn đề cơ bản về tổ chức và hoạt động của HĐND – UBND, các quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc bảo vệ môi trường và nghĩa vụ của người sử dụng đất…Với thời lượng mỗi tháng 50 giờ. Đồng thời, Ban Tư pháp xã chủ động phối hợp với các ngành ở địa phương tập trung củng cố xây dựng phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc, đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, củng cố lòng tin trong nhân dân.

Bằng nhiều biện pháp và sự cố gắng nỗ lực đó, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân trên địa bàn đã được nâng lên, việc tranh chấp, khiếu kiện về đất đai giảm rõ rệt. Ban Tư pháp kết hợp với MTTQ xã tham mưu cho UBND xã kiện toàn và thành lập 10 tổ hoà giải cơ sở với 52 tổ viên, cùng UBND xã chỉ đạo và rà soát việc xây dựng qui ước, hương ước ở các thôn, xóm. Đến nay, 10/10 thôn của xã đã có hương ước, quy ước, góp phần tích cực trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư.

Những năm gần đây, nhiệm vụ của Ban Tư pháp xã ngày càng nặng nề hơn. Để hoàn thành nhiệm vụ của mình, Ban Tư pháp xã đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành trong việc tiếp dân và giải quyết công việc bảo đảm đúng quy định, nhanh, gọn, không gây phiền hà, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, được đông đảo nhân dân trong xã tin tưởng, quý mến.

Với những đóng góp đó, Ban Tư pháp xã Nghĩa Hoà đã cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương từng bước ổn định tình hình chính trị – an ninh xã hội, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để nền kinh tế của xã ngày càng phát triển./.

Hoàng Giang