Lào Cai: Phê duyệt Đề án “Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp cấp xã và tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2008 – 2010”

07/10/2008
Trước yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, việc phổ biến kịp thời mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đến mọi tầng lớp nhân dân là một trong những công tác quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XIII đã đề ra, cũng như những nhiệm vụ chính trị, an ninh quốc phòng của địa phương, vì thông qua công tác này đã góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của nhân dân.

           Trong những năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh. Các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã chủ động triển khai thực hiện tuyên truyền pháp luật cho cán bộ, nhân dân thuộc ngành mình, cấp mình dưới mọi hình thức đa dạng, phong phú, trên cơ sở lựa chọn những nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể. Tuy nhiên, vai trò của đội ngũ cán bộ cơ sở trong công tác này còn nhiều hạn chế;chưa tích cực, chủ động phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân; chưa tích cực tìm tòi, đổi mới và có những hình thức, biện pháp phù hợp để tuyên truyền pháp luật đến nhân dân; trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền pháp luật ở cơ sở còn nhiều hạn chế. Dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật trong nhân dân vẫn còn sẩy ra ở nhiều nơi, diễn biến phức tạp ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số….. Mặt khác số lượng các văn bản quy phạm pháp luật do Trung ương và địa phương ban hành ngày càng nhiều lại thường xuyên sửa đổi, bổ sung, thay thế. Vì vậy công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần tăng cường đầu tư hơn nữa về mọi mặt mới đáp ứng kịp thời nhu cầu học tập, nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân.

           Xuất phát từ thực trạng về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nêu trên, Sở Tư pháp Lào Cai với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Đề án “Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp cấp xã và tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2008 – 2010” và đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2740/QĐ-UBND ngày 29/9/2008, giao cho Sở Tư pháp phối hợp với Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Đề án.

           Đề án đề ra mục tiêu:

           - Phát huy vai trò của đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh trên cơ sở tăng cường năng lực phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ này, cụ thể: Bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ tư pháp cơ sở, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, nghiệp vụ hoà giải cho đội ngũ cán bộ tư pháp cấp xã, đội ngũ hoà giải viên ở cơ sở, Công an viên, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố và nhân dân ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; Hình thành cơ chế phối hợp có hiệu quả giữa cơ quan tư pháp và các cơ quan trong hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn trong phổ biến, giáo dục pháp luật, qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn

           - Nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật, chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn tăng cường ý thức quốc phòng toàn dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

           Đối tượng thụ hưởng trực tiếp của Đề án là đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch ở xã, phường, thị trấn; hoà giải viên ở cơ sở. Đối tượng thụ hưởng gian tiếp của Đề án bao gồm: Đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật, Công an viên, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố và nhân dân các xã, phường, thị trấn.

           Về kinh phí thực hiện Đề án: Tổng kinh phí dành cho việc triển khai thực hiện Đề án là trên 1 tỷ đồng, triển khai thực hiện trong 03 năm (2008, 2009 và năm 2010).

           Đề án được triển khai thực hiện sẽ tạo ra bước chuyển biến mới trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Thông qua các hoạt động trong khuôn khổ Đề án, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ ở cơ sở và nhân dân ở xã, phường, thị trấn được nâng cao theo đúng tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; các văn bản của trung ương và địa phương được phổ biến kịp thời đến mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh; qua đó giúp nhân dân hiểu, chấp hành đúng pháp luật, góp phần vào việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh./.

Châu Giang