Điện Biên: Mười năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở và tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn.

07/10/2008
UBND tỉnh Điện Biên đã tiến hành đánh giá kết quả sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh về Tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở và Quyết định số 1067/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính phủ. Qua đó cho thấy, công tác tổ chức và hoạt động hoà giải và xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách ở tỉnh Điện Biên được thực hiện tốt; góp phần rất lớn trong công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, việc củng cố tình làng nghĩa xóm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư.

             Từ khi có Pháp lệnh về Tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở năm 1998 và Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18-10-1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh được ban hành; UBND Tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo, các cấp chính quyền và các sở, ngành có liên quan của tỉnh đã quan tâm xây dựng và kiện toàn tổ chức tổ hoà giải đầy đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, hoạt động có hiệu quả. Đã từng bước nâng cao trình độ pháp luật và kỹ năng hoà giải cho các tổ viên Tổ hoà giải ở cơ sở, đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng của người dân trong cộng đồng dân cư. Đến nay trên toàn tỉnh Điện Biên đã có 1.544 Tổ hoà giải ở các thôn, bản, khu phố với 7. 069 tổ viên Tổ hoà giải; ở các xã, phường, thị trấn đều có tủ sách pháp luật và khai thác có hiệu quả.

            Cơ cấu tổ chức và thành viên của các Tổ hoà giải đa dạng, số lượng thành viên của Tổ hoà giải có ít nhất 5 người tham gia, hầu hết Tổ trưởng Tổ hoà giải là Trưởng thôn, trưởng bản, Tổ trưởng tổ dân phố; đối với một số vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì các Già làng, Trưởng dòng họ có uy tín làm tổ trưởng cùng với sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể quần chúng như: Mặt trận tổ quốc, Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội người cao tuổi... Trong 10 năm qua, các Tổ hoà giải ở thôn, bản, khu phố, cụm dân cư và các Ban hoà giải ở xã, phường, thị trấn trong tỉnh tiếp nhận 13.223 vụ việc; trong đó, dân sự; 3.785 vụ; Hôn nhân và gia đình: 3.700 vụ; Đất đai: 3.547 vụ; lĩnh vực khác 2.218 vụ. Kết quả hòa giải thành: 11.389 vụ, đạt 86,1%. Trong đó, Dân sự: 3.084 vụ, Hôn nhân và gia đình:3.097 vụ, Đất đai :2.864 vụ, Lĩnh vực khác : 2.344 vụ. Số vụ việc hòa giải không thành: 1.834 vụ, chiếm 13,9%.

            Có thể nói, 10 năm qua số vụ việc tranh chấp nhỏ trong nhân dân, trong cộng đồng dân cư không phải là ít; số vụ việc cần phải hoà giải còn nhiều, tình hình trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư còn khá phức tạp, vì vậy đòi hỏi các cấp, các ngành, các cơ quan, đoàn thể cần nỗ lực hơn nữa bằng nhiều hình thức, phương pháp khác nhau, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật sâu rộng trong nhân dân nhằm làm hạn chế tối đa các vụ việc cần phải hoà giải, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tình làng nghĩa xóm trong nhân dân, trong cộng đồng dân cư.

            Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, chỉ đạo của chính quyền các cấp, sự phối hợp đồng bộ của Mặt trận và các tổ chức thành viên cùng cấp, cùng với sự nhiệt tình, năng động, sáng tạo của các tổ viên Tổ hoà giải và công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật, hướng dẫn kỹ năng hoà giải, kiểm tra của ngành Tư pháp đã tạo điều kiện cũng cố, kiện toàn, ổn định về công tác tổ chức đối với các Tổ hoà giải ở cơ sở cũng như việc xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật đã được triển khai đồng bộ. Chính vì vậy, trong những năm qua các Tổ hoà giải ở địa phương ngày càng được kiện toàn, củng cố về số lượng cũng như chất lượng, các thôn, bản trong tỉnh đều được thành lập Tổ hoà giải; tổ trưởng Tổ hoà giải và các thành viên là những người có uy tín, có kinh nghiệm thực tiễn và được bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ; số vụ việc hoà giải thành trung bình hàng năm đạt tỷ lệ trên 70%, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và vận động nhân dân chấp hành pháp luật; phòng ngừa và hạn chế vi phạm pháp luật; bảo đảm trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, giảm một cách đáng kể các đơn thư khiếu nại, khiếu kiện lên cơ quan hành chính cấp trên hoặc cơ quan Toà án, tiết kiệm thời gian, mang lại lợi ích kinh tế, văn hoá xã hội, tinh thần không chỉ cho cá nhân, cho cộng đồng dân cư mà cho cả toàn xã hội.

            Bên cạnh những thành tích đã đạt được, công tác hoà giải ở cơ sở và tủ sách pháp luật hiện nay vẫn còn một số hạn chế nhất định cần được khắc phục để làm tốt hơn trong thời gian tới. Đồng thời đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp thực hiện những năm tiếp theo trong công tác hòa giải và tủ sách pháp luật góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị địa phương.

            Nhân dịp này, UBND Tỉnh tặng bằng khen cho 6 tập thể và 13 cá nhân và để nghị Bộ tư pháp khen thưởng cho 1 tập thể và 2 cá nhân.

Vũ Ngọc Hà - Sở Tư Pháp ĐB