Hải Phòng sau hơn hai năm thực hiện việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc theo Nghị định số 158/2005/NĐ-CP

03/10/2008
Qua hơn hai năm triển khai thực hiện Nghị định số 158/2005NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch thay thế Nghị định số 83/1998/NĐ-CP trên địa bàn Hải Phòng đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả nhất định, cụ thể như sau:

Năm 2006: UBND cấp huyện đã thực hiện 593 trường hợp thay đổi, cải chính hộ tịch; 03 trường hợp xác định lại dân tộc. UBND cấp xã đã thực hiện 956 trường hợp thay đổi, cải chính hộ tịch.

Năm 2007: UBND cấp huyện đã thực hiện 1.031 trường hợp thay đổi, cải chính hộ tịch; 03 trường hợp xác định lại dân tộc. UBND cấp xã đã thực hiện 1460 trường hợp thay đổi, cải chính hộ tịch.

9 tháng đầu năm 2008: UBND cấp huyện đã thực hiện 1.197 trường hợp thay đổi, cải chính hộ tịch và 16 trường hợp xác định lại dân tộc tại UBND cấp huyện. UBND cấp xã thực hiện 664 trường hợp thay đổi, cải chính hộ tịch.

Sở Tư pháp Hải Phòng đã giải quyết 9 việc thay đổi, cải chính hộ tịch. Trong đó, năm 2006 là 05 trường hợp, năm 2007 là 03 trường hợp và năm 2008 là 01 trường hợp.

Phần lớn số việc là yêu cầu cải chính (chiếm 92%); nội dung cải chính chiếm đến 80% là cải chính phần khai về cha mẹ; 80% việc thay đổi là yêu cầu thay đổi về người được khai sinh (thay đổi họ từ họ của mẹ sang họ của cha, thay đổi chữ đệm…)

So với tổng số việc thay đổi, cải chính hộ tịch thành phố Hải Phòng đã thực hiện năm 2004 là 422 trường hợp, năm 2005 là 424 trường hợp thì có thể thấy có sự tăng mạnh về tổng số việc được giải quyết, chứng tỏ được phần nào tính ưu việt của các quy định mới.

Qua thống kê, đánh giá sơ bộ, có thể thấy: Tuy là nhiệm vụ mới được phân cấp nhưng nhiều đơn vị trên địa bàn thành phố như quận Hồng Bàng, Ngô Quyền, Đồ Sơn, huyện Tiên Lãng đã triển khai thực hiện khá tốt, giải quyết việc cho người có yêu cầu đảm bảo thời gian quy định, tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật; trong quá trình giải quyết ở cấp huyện đã có sự phối hợp tốt giữa cán bộ tư pháp hộ tịch, cán bộ khu dân cư và lãnh đạo các trường học trên địa bàn, giải quyết tốt các sai lệch về tên, năm sinh cho trẻ em, đảm bảo thống nhất văn bằng, học bạ cho học sinh. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng sai lệch, phải thay đổi, cải chính hộ tịch là:

- Người dân chưa ý thức được vai trò của dữ liệu hộ tịch, xem nhẹ tính chính xác của giấy tờ hộ tịch nên khi đi đăng ký hộ tịch cung cấp thông tin không chính xác như khai  nhầm tên đệm, khai sai năm sinh, hay sử dụng tên thường gọi; nhiều trường hợp người đi đăng ký hộ tịch- thường là đăng ký khai sinh cho trẻ em - không phải là cha, mẹ của trẻ mà là ông, bà, cô, dì, chú, bác nên không nắm rõ thông tin về cha mẹ đẻ, cung cấp thông tin sai lệch dẫn đến giấy tờ hộ tịch không chính xác, không thống nhất với nhau, giấy tờ hộ tịch của con không thống nhất với giấy tờ hộ tịch của cha mẹ.

- Cán bộ đăng ký hộ tịch trước đây do có nhiều hạn chế trong nghiệp vụ nên đã đăng ký không đúng quy định, ghi không chính xác các nội dung trong giấy tờ hộ tịch, sai lệch so với thông tin người dân cung cấp, ghi sai lệch giữa giấy tờ hộ tịch với sổ gốc. Bản thân người có yêu cầu đăng ký hộ tịch chưa nhận thức được vai trò của giấy tờ hộ tịch nên cũng không kiểm tra kỹ, gây khó khăn cho bản thân và cho cả cơ quan quản lý nhà nước trong việc sửa chữa, điều chỉnh.

- Trước đây có một thực tế, nhất là ở khu vực nông thôn, do nhận thức pháp luật hạn chế nên người dân thường đến UBND cấp xã xin cấp bản sao giấy khai sinh để sử dụng, nhưng với nội dung sai lệch (thường là khác về năm sinh để phục vụ mục đích đi học sớm, đi làm sớm…), cán bộ xã do coi nhẹ trách nhiệm, do nể nang cấp, dẫn đến sau này các giấy tờ như CMND, Hộ khẩu, văn bằng học bạ khi cần đối chiếu lại thì không đúng nội dung như khai sinh gốc.

Với việc phân cấp thẩm quyền thực hiện việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc theo Nghị định số 158/2005/NĐ-CP đã thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính, cải cách tư pháp, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhân dân.

Phương Anh