Vĩnh Phúc: 10 năm xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn

24/09/2008
Vĩnh Phúc là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng trung du Bắc bộ, có 3 vùng sinh thái đồng bằng, trung du và miền núi, diện tích tự nhiên 1.370 km2, dân số gần 1.022.000 người, có 8 đơn vị huyện, thị, thành, 137 xã, phường, thị trấn và nhiều dân tộc cùng sinh sống, nhưng chủ yếu là người dân tộc kinh, xen kẽ có người dân tộc Cao Lan, Sán Dìu, Sán Chay, Tày, Nùng, Dao… Năm 1997 sau khi tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc còn là một tỉnh thuần nông, điểm xuất phát kinh tế thấp, thu ngân sách toàn tỉnh chỉ đạt hơn 100 tỷ đồng, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.

       Hơn 10 năm qua dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh bằng những chủ trương, chính sách đổi mới phát triển kinh tế - xã hội, nền kinh tế của tỉnh đã có những mức tăng trưởng khá, thu ngân sách 8 tháng đầu năm 2008 đạt 6.700 tỷ đồng, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Ý thức pháp luật và trình độ dân trí của nhân dân từng bước được nâng lên.

          Kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được từ năm 1997 đến nay, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo  công tác xây dựng, khai thác, quản lý Tủ sách pháp luật của tỉnh trong những điều kiện thuận lợi và khó khăn.

          Ngay sau khi  có quyết định 1067/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng và quản lý Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch  chỉ đạo công xây dựng Tủ sách pháp luật ở cơ sở.

          Từ tháng 7/1999 Sở Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với cấp huyện chỉ đạo xây dựng đồng loạt Tủ sách ở tất cả các xã, phường, thị trấn đạt, 100%. Từ năm 2000 đến nay, hàng năm trong kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật của UBND tỉnh đều có nội dung chỉ đạo việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật. Đặc biệt là năm 2002 Sở Tư pháp đã khảo sát trực tiếp công tác xây dựng tủ sách pháp luật ở 35 xã trong toàn tỉnh, căn cứ vào báo cáo kết quả xây dựng tủ sách của cấp huyện đã tham mưu để UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 14/2002/CT-UB về tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật ở cơ sở và triển khai xây dựng tủ sách pháp luật trong cơ quan nhà nước, trường học. Bên cạnh đó năm 2006, 2007 UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai tích cực việc xây dựng Tủ sách pháp luật theo Thông tư liên tịch số 02 ngày 7/6/2006 của liên bộ: Tư pháp, Công an, Giáo dục và đào tạo, Lao động thương binh và xã hội, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam về hướng dẫn xây dựng Tủ sách pháp luật. Bám sát Chỉ thị của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể ở tỉnh đã chỉ đạo kịp thời xây dựng tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị mình. Tháng 10/2004 UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định 1067 của Thủ tướng Chính phủ và 2 năm thực hiện Chỉ 14 của UBND tỉnh về xây dựng tủ sách pháp luật. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã chủ động hướng dẫn, đôn đốc để các ngành, các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tủ sách pháp luật đến rộng rãi cán bộ và nhân dân, vì vậy chất lượng khai thác Tủ sách pháp luật đã từng bước được nâng lên rõ rệt.

100% UBND các huyện, thị, thành đã ban hành Kế hoạch chỉ đạo cấp xã xây dựng Tủ sách pháp luật. Ở cấp xã đã triển khai xây dựng Tủ sách cơ bản đáp ứng tiến độ, xây dựng quy chế quản lý, khai thác tủ sách, bố trí cán bộ quản lý, bố trí phòng đọc, xây dựng nội quy phòng đọc để cán bộ và nhân dân đến tìm hiểu sách pháp luật. Một số đơn vị cấp xã còn định kỳ hàng tuần, hàng tháng luân chuyển sách pháp luật ra điểm bưu điện văn hoá xã để nhân dân mượn đọc.

UBND cấp huyện, cấp xã đã chỉ đạo triển khai xây dựng xong tủ sách pháp luật ở cấp xã đạt 100% vào quý 3/1999. Đến nay 100% các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã xây dựng được 200 tủ sách pháp luật. Trong đó có nhiều đơn vị đã xây dựng được 2 tủ sách trở lên như Phường Đồng Tâm- Thành phố Vĩnh Yên, xã Duy Phiên, xã Kim Long, xã Đạo Tú-  huyện Tam Dương…. Tổng số đầu sách pháp luật của cấp xã là: 21.000 đầu sách, bình quân mỗi tủ sách có 236 đầu sách/Tủ. 

Nhìn chung, cơ cấu bộ phận sách pháp luật cấp xã  đã đảm bảo cơ cấu 4 bộ phận sách chủ yếu. Trong tổng số đầu sách pháp luật của cấp xã hiện nay có 75% đầu sách pháp luật còn hiệu lực, còn lại 25% số đầu sách pháp luật hết hiệu lực và đã được bổ sung bằng đầu sách mới. Còn lại những đầu sách cũ  vẫn được lưu giữ tại tủ sách để làm tài liệu tham khảo.

Thực hiện quyết định số 335/1999/QĐ-BTP ngày 22/11/1999 của Bộ trưởng  Bộ Tư pháp về quy chế mẫu xây dựng, quản lý và khai thác Tủ sách pháp luật, Sở tư pháp đã có văn bản hướng dẫn để cấp huyện chỉ đạo cấp xã xây dựng quy chế. Đến nay 100% các xã, phường, thị trấn đã xây dựng được quy chế  quản lý Tủ sách pháp luật, có 95 xã, phường, thị trấn  bố trí được phòng đọc riêng, chiếm 69%/tổng số xã toàn tỉnh để phục vụ cán bộ và nhân dân. Hàng năm trong chương trình công tác, UBND cấp huyện đã chỉ đạo lồng ghép công tác xây dựng Tủ sách pháp luật ở cơ sở; hỗ trợ kinh phí cho các địa phương có khó khăn để bổ sung sách pháp luật; phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra, vì vậy chất lượng công tác xây dựng tủ sách pháp luật ngày càng được nâng cao. Các huyện chỉ đạo triển khai tốt là : Bình Xuyên, Yên Lạc, Lập Thạch, Vĩnh Tường…Căn cứ  vào kế hoạch chỉ đạo xây dựng tủ sách pháp luật của các huyện, thị, thành hàng năm, UBND cấp xã đã chỉ đạo tăng cường  công tác quản lý, khai thác, sử dụng, mua bổ sung sách pháp luật mới.

          Tủ sách pháp luật ở cơ sở được đặt tại UBND cấp xã, chủ yếu do cán bộ tư pháp- hộ tịch chuyên trách quản lý, có mở sổ theo dõi mượn, trả theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Cán bộ tư pháp- hộ tịch chuyên trách  được phân công trực phòng đọc để phục vụ cán bộ và nhân dân đến tìm hiểu pháp luật; một số xã đã đưa tủ sách pháp luật vào thư viện (đối với xã có thư viện) giao cho cán bộ thư viện quản lý, cho mượn sách. Hàng tháng trung bình mỗi tủ sách có khoảng gần 100 lượt người đến mượn đọc. Các huyện có số người mượn, đọc sách nhiều là: Bình Xuyên  trên 3000lượt người/tháng, Vĩnh Tường, Yên Lạc gần 2.000 lượt người/tháng… Đối tượng chủ yếu đến tìm hiểu sách pháp luật là cán bộ cấp xã, cán bộ hưu trí, đoàn viên, hội viên của các tổ chức đoàn thể, học sinh và một bộ phận nông dân.                

Từ năm 1998 đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh cũng đã nhận được đầy đủ công báo do Chính phủ cấp theo Nghị định số 69/1998/NĐ-CP ngày 31/3/1998 gửi qua đường bưu điện, hàng năm công báo được đưa vào lưu giữ tại Tủ sách pháp luật để phục vụ cán bộ, nhân dân nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật.

          Tổng số kinh phí đầu tư đóng Tủ của các xã, phường, thị trấn là:255.650.000 bình quân 1.650.000đ/tủ; tổng kinh phí đầu tư mua sách là 1,1 tỷ đồng, bình quân mỗi tủ đầu tư mua 7.100.000 tiền sách. Bình quân chi phí đóng Tủ, mua sách là 8.750.000đ/tủ; Tổng kinh phí đóng tủ, mua sách là 1.356.000.000đ. Bình quân hàng năm mỗi xã đầu tư khoảng 500.000đ để mua sách pháp luật bổ sung. Từ khi có Chỉ thị 14 của UBND tỉnh, cấp xã đã đầu tư kinh phí mua bổ sung sách trong 2 năm(2003-2004) là 335.730.000 đ, trung bình mỗi tủ đầu tư bổ sung 1.080.000đ/năm. Kinh phí đầu tư hàng năm cho tủ sách pháp luật chủ yếu được trích từ nguồn ngân sách địa phương. Ngoài nguồn kinh phí do địa phương đầu tư, các Tủ sách pháp luật ở cơ sở còn được cấp huyện và cấp tỉnh cấp bổ sung đầu sách và một số tổ chức cá nhân hỗ trợ như: Xã Ngọc mỹ- Lập Thạch được trường Đại học mở Hà Nội hỗ trợ 10.000.000đ để mua sách pháp luật.

Từ năm 1998 đến nay UBND tỉnh đã hỗ trợ 4 đợt với tổng kinh phí gần 750 triệu đồng cho các ban Đảng của Tỉnh uỷ, 6 tổ chức đoàn thể của tỉnh, một số sở, ban, ngành của tỉnh và UBND cấp xã để mua sách pháp luật mới, trong đó kinh phí hỗ trợ cho cấp xã là 600.000.000đ, mỗi xã bình quân  hỗ trợ 120đầu sách/tủ. Một số huyện đã hỗ trợ đóng tủ, mua sách cho cấp xã như huyện: Bình Xuyên, Lập Thạch…

Qua 10 năm thực hiện Quyết định 1067/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ 07 năm thực hiện Chỉ thị số 14/CT-UB của UBND tỉnh công tác xây dựng Tủ sách pháp luật đã có sự chỉ đạo tích cực của các cấp uỷ, Đảng, chính quyền, các ngành đoàn thể bằng các kế hoạch chương trình cụ thể. Đặc biệt nhiều huyện uỷ như huyện uỷ Tam Dương, Yên Lạc đã có thông tri lãnh đạo công tác xây dựng Tủ sách pháp luật, vì vậy kết quả xây dựng Tủ sách pháp luật đã đảm bảo yêu cầu tiến độ, chất lượng đề ra. 100% các tổ chức đoàn thể, xã, phường, trị trấn trong tỉnh; cấp huyện và cơ bản các Sở, ban, ngành đã xây dựng được tủ sách pháp luật.

          Việc đầu tư xây dựng Tủ sách pháp luật đã được chú trọng. Các cấp đã hoàn thành sớm việc xây dựng tủ sách pháp luật theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh. Hàng năm chính quyền cơ sở cũng như các ngành, đoàn thể ở tỉnh đã có sự đầu tư kinh phí bổ sung đảm bảo cơ cấu đầu sách pháp luật theo quy định. Các huyện, thị, thành đã hỗ trợ sách pháp luật cho các xã khó khăn trong huyện và cấp xã đã dành một khoản kinh phí nhất định để bổ sung mua sách pháp luật phục vụ tích cực cho công tác PBGDPL.

          Việc quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật bước đầu đã đi vào nề nếp. Ở cơ sở đã có Quyết định thành lập tủ sách và có quy chế quản lý, sử dụng hầu hết đã bố trí được phòng đọc để phục vụ nhân dân đến tìm hiểu pháp luật. Các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã có sự chú ý đến việc tìm hiểu pháp luật thông qua tủ sách pháp luật ở cơ sở.

          Tủ sách pháp luật được triển khai, xây dựng trong 10 năm qua trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã đem lại hiệu quả tốt. Góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước của cán bộ, giúp cán bộ, công chức áp dụng, thực hiện đúng pháp luật, kịp thời giải quyết những vướng mắc của nhân dân góp phần nâng cao chất lượng công tác PBGDPL. Qua Tủ sách pháp luật, những quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân như: Dân sự, hình sự, đất đai, khiếu nại tố cáo, pháp luật giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở… đã đến được với đông đảo quần chúng nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong cán bộ và nhân dân; làm giải đáng kể tình hình vi phạm pháp luật, khiếu nại, tố cáo kéo dài, các tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Kim Yến