Một số kết quả 10 năm thực hiện Quyết định số 1067/QĐ-TTg về xây dựng và quản lý tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lào Cai

24/09/2008
Trong những năm gần đây, cùng với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó Đảng và Nhà nước ta rất chú trọng tới vấn đề xây dựng tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn nhằm góp phần nâng cao kiến thức pháp lý cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân.

Thực hiện Quyết định số 1067/QĐ-TTg ngày 25/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt dự án xây dựng và quản lý tủ sách pháp luật ở xã phường, thị trấn, ngày 20 tháng 9 năm 1999, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch số 641/KH-UB về việc triển khai thực hiện Dự án xây dựng và quản lý tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong ba năm (1999 - 2001). Sở Tư pháp Lào Cai có trách nhiệm thống kê, lập danh mục các loại sách pháp luật, tài liệu tham khảo đảm bảo 04 bộ phận sách, báo, tài liệu pháp lý gồm: Bộ phận văn bản quy phạm pháp luật có: Công báo, tập hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do địa phương ban hành, một số sách hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có liên quan trực tiếp đến nhân dân và chính quyền địa phương; Bộ phận sách pháp luật phổ thông bao gồm: Sách hỏi đáp, bình luận, giải thích pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân; các tờ gấp tuyên truyền, phổ biến pháp luật; Bộ phận sách hướng dẫn nghiệp vụ công tác chính quyền, hành chính, tư pháp cơ sở; Bộ phận báo pháp luật của trung ương và địa phương, nhằm phục vụ yêu cầu quản lý Nhà nước, đáp ứng nhu cầu nâng cao trình độ, kiến thức pháp luật cho cán bộ, nhân dân trong tỉnh. Đồng thời, hướng dẫn Phòng Tư pháp cấp huyện giúp UBND cùng cấp triển khai việc xây dựng tủ sách pháp luật đảm bảo về số lượng, chủng loại sách theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp và bố trí đầu tư kinh phí cho việc đóng tủ đựng sách pháp luật, chuẩn bị trang thiết bị phòng đọc cho tủ sách pháp luật cấp xã.

Tỉnh Lào Cai có 164/164 xã, phường, thị trấn đã xây dựng xong tủ sách pháp luật, với số lượng đầu sách có từ 100 - 250 cuốn đảm bảo đủ 04 bộ phận, sách báo, tạp chí theo hướng dẫn của Bộ tư pháp. Tủ sách pháp luật của Bộ đội Biên phòng gồm 14 tủ, mỗi tủ có từ 50 đầu sách pháp luật trở lên, hàng năm tủ sách pháp luật được bổ sung theo các đợt tuyên truyền và do đơn vị tự trích kinh phí mua bổ sung. Theo báo cáo của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn tỉnh Lào Cai, hiện nay đã xây dựng được 429 tủ sách pháp luật, cơ bản đầy đủ 04 nhóm sách, báo, tạp chí theo quy định.

Về quy mô và phương thức đầu tư cho tủ sách pháp luật: Năm 1999, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh theo Kế hoạch số 641/KH-UB, Sở Tư pháp đã lập danh mục đầu sách, mua và cấp phát sách pháp luật cho các xã vùng II và vùng III với hơn 60 đầu sách mỗi loại, đảm bảo đủ 04 bộ phận sách báo theo quy định; kinh phí thực hiện trong năm 1999 ngân sách tỉnh cấp là 1.200.000đồng/xã cho các xã vùng III và 900.000đồng/xã cho các xã vùng II; các xã vùng I còn lại tự cân đối kinh phí từ nguồn ngân sách xã để mua. Từ năm 2000 đến nay, việc đầu tư kinh phí mua bổ sung sách cho tủ sách pháp luật được phân cấp cho ngân sách huyện, xã tự cân đối để mua. Việc bổ sung sách, tài liệu pháp luật cho tủ sách pháp luật được cập nhật thông qua các kênh như: Hội nghị tuyên truyền pháp luật (2 đợt/năm), các ấn phẩm do Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp biên soạn, các ngành đỡ đầu các xã đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135 đầu tư cho tủ sách pháp luật.

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp tại Chỉ thị số 01/1999/CT-BTP ngày 28/01/1999 “Tủ sách cần được đặt ở một nơi thuận tiện để cán bộ và nhân dân có thể đọc tại chỗ, mượn nghiên cứu, tham khảo nhưng cần ưu tiên đặt tại trụ sở Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn …. Tủ sách pháp luật phải được thống nhất giao cho cán bộ Tư pháp chuyên trách và Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn quản lý và phục vụ”, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thành phố hướng dẫn các xã, phường, thị trấn đặt tủ sách pháp luật ở nơi thuận tiện, theo báo cáo cũng như qua kiểm tra thực tế cho thấy hầu hết các xã, phường, thị trấn đều đặt tủ sách pháp luật tại trụ sở Uỷ ban nhân dân xã và giao cho cán bộ tư pháp chuyên trách xã quản lý, theo dõi. Tủ sách pháp luật cấp xã được mở cửa thường xuyên vào các ngày trong tuần và một số xã có niêm yết nội quy, quy chế khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật tại nơi đặt tủ sách pháp luật. Việc đặt tủ sách pháp luật tại trụ sở Uỷ ban nhân dân xã có nhiều thuận lợi như: Uỷ ban nhân dân là trung tâm của các cơ quan hành chính, thuận lợi về giao thông, thuận tiện cho việc quản lý và khai thác tủ sách pháp luật; là nơi nhân dân thường xuyên đến liên hệ công việc, khi cần người dân có thể tra cứu những vấn đề có liên quan; cán bộ tư pháp có thể hướng dẫn, giải thích pháp luật khi cần thiết.

Công tác tập huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ về quản lý, khai thác và sử dụng tủ sách pháp luật cho đội ngũ cán bộ tư pháp xã chuyên trách quản lý tủ sách pháp luật chủ yếu lồng ghép trong các lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác Tư pháp cơ sở, các lớp sơ cấp luật, trung cấp luật cho đội ngũ cán bộ Tư pháp - hộ tịch, qua các hội nghị giao ban… qua đó nhằm giúp cho đội ngũ này có được phương pháp quản lý và khai thác tủ sách pháp luật, cách phân loại sách, báo, cách sắp xếp, quản lý sách, báo, tài liệu một cách khoa học và dễ tra cứu.

Về phân loại, sắp xếp sách báo, bảo quản tủ sách pháp luật: Nhìn chung các xã đã mở sổ theo dõi cho mượn sách, số lượng sách được bổ sung hàng năm vào sổ đăng ký cá biệt theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Định kỳ vào ngày 31/12 hàng năm, cán bộ tư pháp quản lý tủ sách pháp luật có trách nhiệm kiểm kê lại sách trong tủ sách pháp luật, lập danh mục số lượng sách pháp luật còn hiệu lực, hết hiệu lực đồng thời có kế hoạch đề xuất bổ sung sách pháp luật cần thiết.

Qua 10 năm khai thác tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn cho thấy: Số lượng người đọc, nghiên cứu tại chỗ và mượn về nhà tìm hiểu là 303.248 người (Trong đó: số người đọc sách pháp luật ở cấp xã là 257.915 lượt người; số người đọc sách pháp luật trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học là 45.333 lượt người). Đối tượng khai thác tủ sách pháp luật chủ yếu là: cán bộ, chính quyền, đoàn thể, tổ viên tổ hoà giải và nhân dân có nhu cầu đến mượn tài liệu của tủ sách pháp luật để nghiên cứu giải quyết các công việc hàng ngày và hướng dẫn cho người dân hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ công dân; cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên sử dụng tài liệu để nghiên cứu, tham khảo và áp dụng vào các môn học giáo dục công dân, pháp luật trong nhà trường…

Để việc khai thác tủ sách pháp luật có hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng, từng vùng, hàng năm Sở Tư pháp đã chủ động lựa chọn nội dung để biên soạn thành các tài liệu pháp luật ngắn gọn, thiết thực với nhân dân. Trên cơ sở đó, UBND cấp xã có trách nhiệm nhân bản thành tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật cấp phát cho đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hoà giải viên cơ sở làm tài liệu tuyên truyền pháp luật.

Trên cơ sở Chương trình phối hợp số 253/BTP-TSPL giữa Bộ Tư pháp, Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông), Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Tổng Công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam, các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã ban hành văn bản hướng dẫn việc luân chuyển sách định kỳ giữa tủ sách pháp luật xã với các Điểm Bưu điện văn hoá xã và Đồn biên phòng (đối với những xã biên giới). Tuy nhiên, việc phối hợp khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật qua hình thức trao đổi, luân chuyển sách báo pháp luật hiệu quả chưa cao.

Thực hiện Quyết định số 1067/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 01 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn phòng Tư pháp phối hợp với phòng Kế hoạch - Tài chính cấp huyện và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn bố trí nguồn kinh phí xây dựng tủ sách pháp luật theo quy định. Kinh phí để bổ sung đầu sách hàng năm do ngân sách cấp xã đảm bảo, nhưng đối với các xã trên địa bàn tỉnh Lào Cai phần lớn là các xã đặc biệt khó khăn, nguồn thu trên địa bàn hầu như không có, nên việc ưu tiên đầu tư cho tủ sách pháp luật chưa được đảm bảo và mới chỉ có một số xã, phường, thị trấn của huyện, thành phố có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển mới dành được một khoản kinh phí để bổ sung cho tủ sách hàng năm.

Một số mô hình tủ sách pháp luật, ngăn sách pháp luật đặc thù ở địa phương

1. Hệ thống điểm bưu điện văn hoá xã

Theo báo cáo của Bưu điện tỉnh Lào Cai, hiện nay đã xây dựng lồng ghép được tủ sách pháp luật tại 123 điểm Bưu điện Văn hoá xã với khoảng trên 100 đầu sách/tủ. Tủ sách pháp luật tại điểm Bưu điện Văn hoá xã rất phong phú, đa dạng như: sách pháp luật, sách kinh tế - nông nghiệp, sách hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi… do đó đã thu hút được đông đảo nhân dân đến mượn đọc sách tại chỗ. Hàng năm, Bưu điện tỉnh Lào Cai đầu tư kinh phí (trung bình mỗi điểm khoảng 20 đầu sách bổ sung sách cho các điểm bưu điện văn hoá xã.

Một số điểm bưu điện văn hoá xã đã thực hiện được việc luân chuyển sách cho tủ sách pháp luật xã. Điểm bưu điện văn hoá xã có ưu điểm là nơi công cộng và không bị tâm lý e ngại như khi vào trụ sở Uỷ ban nhân dân nên tại đây đã thu hút được một số lượng người đến đọc và mượn sách, bước đầu thu được kết quả đáng khích lệ.

2. Tủ sách pháp luật tại các Đồn biên phòng

Thực hiện Chương trình phối hợp số 253/BTP-TSPL hiện nay đã xây dựng được 14 tủ sách pháp luật ở Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, các đơn vị tiểu đoàn, đội cơ động và 11 đồn biên phòng. Tại Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã bố trí 01 phòng đọc, trong đó có ngăn sách pháp luật phục vụ nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu của đông đảo cán bộ, chiến sĩ của đơn vị. Nguồn bổ sung cho tủ sách pháp luật chủ yếu thông qua các nguồn như: Hội nghị tuyên truyền pháp luật cấp tỉnh, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng cấp phát, cá nhân tự quyên góp, trích từ quỹ đơn vị….. Sách pháp luật của các Đồn biên phòng thường xuyên được luân chuyển cho các tổ công tác để đến với nhân dân ở từng thôn, bản. Mỗi cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng đều là người truyền tải thông tin pháp luật từ sách, báo pháp luật đến dân. Đây là một trong những cơ quan tích cực tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới nhân dân, góp phần nâng cao trình độ văn hoá pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số góp phần xoá đói giảm nghèo, giữ gìn sự bình yên khu vực biên giới.

3. Tủ sách pháp luật của khuyến nông, phụ nữ, thanh niên xã: Hiện nay trên địa bàn tỉnh Lào Cai các đơn vị như phụ nữ, thanh niên, khuyến nông xã cũng đã xây dựng lồng ghép được 82 tủ sách, trong đó có cả sách, tài liệu về pháp luật. Đây là một mô hình xây dựng tủ sách có hiệu quả, thu hút được đông đảo cán bộ, nhân dân tới nghiên cứu tham khảo.

4. Tủ sách pháp luật ở cơ quan, doanh nghiệp và trường học

Thực hiện Thông tư liên tịch số 02/2006/TTLT-BTP-BCA-BQP-BGDĐT-BLĐTBXH-TLĐLĐVN ngày 07/6/2006 của liên bộ Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam hướng dẫn việc xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tổ chức triển khai thực hiện. Hiện nay đã xây dựng được 429 tủ sách pháp luật trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học. Việc xây dựng tủ sách pháp luật ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học là một chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm góp phần tích cực trong việc nâng cao tinh thần thực hiện quy chế dân chủ, giảm bớt tranh chấp lao động, nâng cao thu nhập của doanh nghiệp và cải thiện đời sống người lao động và là tài liệu nghiên cứu phục vụ việc giảng dạy, nghiên cứu của giáo viên và học sinh, sinh viên.

Qua 10 năm thực hiện chủ trương của Chính phủ về xây dựng tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn cho thấy đây là một chủ trương đúng đắn, nhằm thực hiện mục tiêu “Quản lý xã hội bằng pháp luật”, trang bị tài liệu làm việc để giải quyết các công việc hàng ngày trong quá trình quản lý, chỉ đạo, điều hành của cấp chính quyền cơ sở. Việc xây dựng tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn bước đầu đã tạo ra một nguồn cung cấp tài liệu về pháp luật kịp thời, cơ bản, chính xác giúp cho cán bộ, nhân dân có điều kiện nghiên cứu, tìm hiểu vận dụng đúng pháp luật và nâng cao trình độ dân trí về pháp luật, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Tủ sách một số xã đã bổ sung các văn bản mới để giúp người đọc nắm bắt kịp thời chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Sau 10 năm triển khai thực hiện, hoạt động Tủ sách pháp luật cơ bản đã phát huy vai trò nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, là hình thức hữu hiệu góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức sống và làm việc theo pháp luật của cán bộ, nhân dân đồng thời tạo điều kiện để nhân dân thực sự tham gia vào hoạt động giám sát việc thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Từ việc triển khai mô hình tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn chúng ta đã phát triển nhiều mô hình tủ sách pháp luật có hiệu quả khác như: tủ sách, ngăn sách pháp luật tại các điểm bưu điện văn hoá xã; tủ sách pháp luật tại các đồn biên phòng; tủ sách khuyến nông, phụ nữ, thanh niên... Tất cả các mô hình đó đều nhằm huy động các nguồn đầu tư, nhân lực của các cấp chính quyền, các ngành và toàn thể xã hội tại địa phương để hướng tủ sách pháp luật về gần dân hơn và tiện ích hơn đối với cán bộ cơ sở và người lao động. Thực tế kiểm tra cũng như qua báo cáo cho thấy đối tượng mượn tài liệu tham khảo, nghiên cứu hiện nay chủ yếu là: Cán bộ chính quyền, Uỷ ban nhân dân, các tổ chức đoàn thể, tuyên truyền viên pháp luật, hoà giải viên ở cơ sở mượn tài liệu của tủ sách pháp luật để giải quyết công việc hàng ngày, hướng dẫn cho người dân hiểu biết pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ công dân trước khi giải quyết công việc ở cơ sở.

Qua 10 năm triển khai thực hiện việc xây dựng tủ sách pháp luật theo chỉ đạo của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Lào Cai cho thấy: Cơ bản đã thu được kết quả đáng phấn khởi, có được kết quả này trước hết là do sự nhận thức đúng đắn về vai trò, tác dụng của tủ sách pháp luật đối với hoạt động quản lý nhà nước, quản lý pháp luật của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các đoàn thể xã hội và thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học. Đặc biệt có sự đóng góp công sức trí tuệ và lòng nhiệt tình trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn, là nhân tố rất quan trọng cho việc hoàn thành kế hoạch xây dựng tủ sách pháp luật và đưa tủ sách pháp luật vào khai thác sử dụng đều đặn, nề nếp./.

Ngọc Khánh