Nhìn lại 10 năm thực hiện pháp lệnh về tổ chức, hoạt động hoà giải cơ sở trên địa bàn Vĩnh Phúc

24/09/2008
Kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được từ năm 1997 đến nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị xã hội đổi mới phương pháp, tiếp tục chỉ đạo công tác hoà giải.

Trước khi chưa có Pháp lệnh về tổ chức hoạt động hòa giải ở cơ sở, các Tổ hòa giải ở Vĩnh Phúc hoạt động tự quản là chủ yếu, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền gặp nhiều khó khăn vì chưa có hành lang pháp lý rõ ràng, kinh phí hoạt động không có, nên công tác tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ rất hạn chế, chất lượng hòa giải dựa vào uy tín của thành viên Tổ hòa giải, lấy tình cảm hòa giải là chính nên chất lượng đạt được không cao.

          Từ khi Pháp lệnh về tổ chức hoạt động hoà giải ở cơ sở ra đời, Chính phủ đã ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh, bên cạnh đó các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động hòa giải từng bước được hoàn thiện, đây là những cơ sở pháp luật quan trọng mà Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã luôn bám sát, kết hợp với phong tục tập quán, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo công tác hòa giải ở cơ sở. Các Tổ hòa giải từng bước được kiện toàn với 1.632 Tổ. Đặc biệt năm 2004, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức tổng kết 15 năm xây dựng phong trào hòa giải ở cơ sở và 5 thực hiện Pháp lệnh về tổ chức hoạt động hoà giải ở cơ sở nhằm kiểm điểm, đánh giá những ưu, nhược điểm trong công tác hòa giải, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến để phát triển phong trào hòa giải kết hợp với việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư đi vào nề nếp có hiệu quả.

          Trước năm 1998, khi Pháp lệnh tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở chưa ra đời, tình hình các Tổ hòa giải hoạt động ít được kiện toàn, việc theo dõi tổ chức của tổ hòa giải gặp nhiều khó khăn. Từ khi Pháp lệnh ra đời với sự tham mưu tích cực của ngành tư pháp, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã chủ động ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn Tổ hòa giải, nâng cao chất lượng hoạt động về nội dung. Đến nay, đã kiện toàn được 1.698 Tổ hoà giải trên 1.510 thôn, tổ dân phố, bầu tổ trưởng, tổ viên theo đúng quy định. Về mô hình tổ chức của Tổ hòa giải, được bố trí nằm ở các thôn, tổ dân phố và một số tổ liên gia tự quản khi Pháp lệnh tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở ra đời đã chuyển đổi thành Tổ hòa giải. Tổ hòa giải có tổ trưởng và các tổ viên, bình quân mỗi tổ hòa giải có 11 tổ viên.

          Về cơ cấu tổ hòa giải gồm: Thành viên đại diện Ban Mặt trận tổ quốc, Chi hội phụ nữ, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Tổ trưởng dân phố, đại diện hội người cao tuổi, đại diện Hội cựu chiến binh, Chi đoàn thanh niên, Các già làng, trưởng bản, một số chức sắc tôn giáo ở cơ sở... Tổng số tổ viên là 9.831 người. Tổ viên Tổ hoà giải ở cơ sở do nhân dân bầu ra và được chính quyền cấp xã làm thủ tục công nhận theo quy định của pháp luật. 10 năm qua kiện toàn Tổ hòa giải theo Pháp lệnh tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở đã tăng được 66 tổ, 1.200 tổ viên. Các tổ viên tổ hòa giải là những nhân tố tích cực, nhiệt tình, trách nhiệm, được tập huấn kiến thức pháp luật cần thiết, có kinh nghiệm và uy tín trong nhân dân, bản thân và gia đình luôn gương mẫu, chấp hành đường lối, chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước đó  là những điều kiện thuận lợi để hoạt động và phát huy hiệu quả hòa giải ở cơ sở.

Từ năm 1998 đến nay, số vụ việc nhận hòa giải của các Tổ hòa giải là: 38.455 vụ việc trong đó: Hòa giải thành được 29.921 vụ việc, đạt 78%; Số vụ việc hòa giải không thành: 8.534 việc, chiếm 22,2% trong đó  số vụ việc hướng dẫn chuyển cơ quan chức năng giải quyết là: 6.987 việc, chiếm 18,2%; Số vụ việc đang hòa giải: 1.547 việc, chiếm 4%.

Ngay sau khi Pháp lệnh ra đời, bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành 3 kế hoạch về tăng cường công tác quản lý nhà nước về công tác tư pháp cơ sở và Tổ hòa giải nhân dân; kế hoạch về tổ chức thực hiện Chỉ thị của Tỉnh ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với các lĩnh vực công tác tư pháp. Ở cấp huyện và cấp xã: Công tác hòa giải đã được chỉ đạo triển khai lồng ghép vào các Nghị quyết của Đảng, HĐND và các chương trình, kế hoạch của UBND để thực hiện.

Nhận thức rõ vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở đối với đời sống cộng đồng dân cư, với phương châm hướng tư pháp về cơ sở, công tác chỉ đạo triển khai thi hành Pháp lệnh tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở được tổ chức đồng bộ ở các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị xã hội và địa phương. Hàng năm, UBND tỉnh giao cho Sở Tư pháp mở hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác tư pháp cơ sở cho cán bộ tư pháp cấp xã, trong đó có nội dung tập huấn nghiệp vụ hòa giải cơ sở. Trên cơ sở tập huấn tư pháp cấp huyện và cấp xã đã tham mưu với UBND cùng cấp mở hội nghị tập huấn cho Tổ trưởng Tổ hòa giải và các tổ viên.   Sở Tư pháp đã cử báo cáo viên tham gia tập huấn 42 lớp do các huyện, thị, thành tổ chức cho các tổ trưởng Tổ hòa giải để về triển khai ở cơ sở.

 Bên cạnh việc chỉ đạo mở hội nghị tuyên truyền, tập huấn cho Tổ hòa giải, đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền  trên các số Bản tin tư pháp phát hành 2 tháng/ 01 số bình quân mỗi số xuất bản 5.500 cuốn cho tổ hòa giải cơ sở. Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về hòa giải, các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến về hòa giải trên hệ thống thông tin đại chúng của tỉnh, xây dựng chuyên mục pháp luật và đời sống định kỳ 01 tháng/01 chuyên mục, phát hành 2 tháng 01 chuyên mục băng cát sét, đĩa CD bình quân mỗi số 930 chiếc để chuyển tải pháp luật nói chung, pháp luật hòa giải nói riêng đến nhân dân. Bên cạnh việc phát các tài liệu do Bộ Tư pháp cung cấp, đã chỉ đạo Sở Tư pháp  in 2.000 cuốn sổ tay nghiệp vụ hoà giải để phát cho các Tổ hoà giải ở cơ sở.

          Các huyện, thị, thành và UBND cấp xã đã chú trọng tập huấn nghiệp vụ hoà giải cho các hoà giải viên, tuyên truyền pháp luật về hòa giải qua các hội nghị của Đảng, chính quyền, đoàn thể, sinh hoạt khu dân cư. Một số huyện làm tốt như: Tam Dương, thành phố Vĩnh Yên,Tam Đảo, Bình Xuyên... Bên cạnh đó UBND tỉnh Vĩnh Phúc còn chỉ đạo triển khai tốt cuộc thi “hòa giải viên giỏi cơ sở” lần 1 và lần 2 ở 3 cấp do Bộ Tư pháp tổ chức, đạt 01 giải ba ở cấp Bộ. Công tác tuyên truyền pháp luật về hòa giải đã hỗ trợ tích cực cho hoạt động hòa giải.

    Được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành tư pháp đánh giá hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở, báo cáo kết quả với HĐND tỉnh và đề nghị hỗ trợ kinh phí cho Tổ hòa giải. Ngày 28/07/2004 HĐND tỉnh đã có Nghị quyết số 18/2004/NQ- HĐND hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Tổ hoà giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, với mức hỗ trợ là 15.000/Tổ/tháng, 180.000đ/Tổ/ năm, tổng 1 năm tỉnh hỗ trợ cho Tổ hòa giải là 293.760.000đ. Ngày 19 tháng 12 năm 2007 HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã có Nghị quyết số 27/2007/NQ-HĐND tỉnh nâng mức hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của Tổ hòa giải ở cơ sở lên 30.000đ/Tổ/ tháng, 360.000đ/Tổ/năm, tổng 1 năm kinh phí hỗ trợ cho Tổ hòa giải 587.520.000đ; tuy kinh phí hỗ trợ cho các Tổ hoà giải không nhiều, song cũng đã động viên, khuyến khích  để hoạt động hoà giải ngày càng phát triển mạnh mẽ, rộng khắp đem lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Về kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác hòa giải cơ sở: Hàng năm UBND tỉnh giao cho Sở Tư pháp ban hành kế hoạch triển khai công tác hòa giải cơ sở, kiểm tra công tác tư pháp cơ sở nói chung trong đó có công tác hòa giải. Trên cơ sở kế hoạch hướng dẫn của Sở Tư pháp cấp huyện và cơ sở ban hành kế hoạch, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện. Bên cạnh đó hàng năm Sở Tư pháp thành lập các đoàn kiểm tra trực tiếp 1/3 tổng số xã toàn tỉnh (50 xã), đánh giá ưu điểm, nhược điểm trong chỉ đạo công tác hòa giải để xây dựng nhiệm vụ trong thời gian tới sát với yêu cầu thực tiễn.

Về thực hiện chế độ báo cáo, thống kê, tổ chức sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng: Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê theo đúng quy định. Đã tổ chức một hội nghị chuyên đề cấp tỉnh sơ kết 5 năm thực hiện pháp lệnh, hàng năm có tiến hành tổng kết gắn với hội nghị tổng kết công tác tư pháp các cấp. Qua đó lựa chọn các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong hoạt động hòa giải khen thưởng kịp thời để động viên, khuyến khịch, nâng cao chất lượng hòa giải trong thời gian tới.          

           Sự phối hợp giữa cơ quan Tư pháp với Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở: Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện pháp lệnh, Sở Tư pháp đã chủ động phối hợp với Sở Văn hóa Thông tin, các tổ chức đoàn thể ở tỉnh triển khai tuyên truyền, tổ chức thực hiện Pháp lệnh tổ chức hoạt động hòa giải ở cơ sở. Năm 2003, Sở Tư pháp đã ký kế hoạch liên tịch với Uỷ Ban mặt trận Tổ Quốc tỉnh, các tổ chức thành viên của Ủy Ban mặt trận Tổ Quốc tỉnh triển khai công tác PBGDPL kết hợp với công tác hòa giải cơ sở. Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể ở tỉnh, tổ chức thành công hai Hội thi hòa giải viện giỏi do Bộ Tư pháp tổ chức. Bên cạnh đó đã phối hợp với Hội nông dân tỉnh, Hội phụ nữ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh mở 50 hội nghị tập huấn cho gần 5.000 hội viên ở cơ sở tham gia tổ viên tổ hòa giải, với các nội dung pháp luật: Đất đai, dân sự, hôn nhân gia đình, khiếu nại, tố cáo và một số văn bản pháp luật mới liên quan đến hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Ở cấp huyện và cơ sở: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, HĐND, UBND Phòng tư pháp cấp huyện đã phối hợp chặt chẽ với Phòng Văn hóa, Ủy Ban mặt trận Tổ Quốc và các tổ chức thành viên hàng năm xây dựng kế hoạch thực hiện công tác hòa giải gắn với nội dung cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; thực hiện tốt Nghị quyết của HĐND tỉnh về xây dựng gia đình văn hóa, làng xã văn hóa gắn với triển khai thi hành Pháp lệnh hòa giải ở địa phương. Bên cạnh đó, Ban thường trực Mặt trận tổ quốc các huyện, thị, thành và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã đã phối hợp chặt chẽ với tư pháp cùng cấp thực hiện tốt công tác củng cố, kiện toàn tổ chức của các Tổ hòa giải ở cơ sở. Trên cơ sở đó tham mưu cho UBND cùng cấp chỉ đạo cơ sở quyết định thành lập các Tổ hòa giải đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng để hoạt động. Mặt trận tổ quốc ở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh cũng thường xuyên phối hợp Ban tư pháp theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn hoạt động của các Tổ hòa giải.

 Ngoài việc phối hợp tham gia chỉ đạo các đoàn thể cấp xã còn tham gia hoà giải các vụ việc mâu thuẫn phức tạp xảy ra ở địa phương; làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân gắn với hoạt động hòa giải ở cơ sở. Nhiều tổ hòa giải đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể nhân dân tham gia vận động các hộ gia đình thực hiện tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng như: Tổ hòa giải thôn Quảng Thiện, thôn Gò Cao xã Thiện Kế, Tổ hòa giải thôn Bá Cầu, Ngọc Bảo xã Sơn Lôi, Tổ hòa giải Thôn chùa Tiếng xã Hương Sơn- huyện Bình  Xuyên…

Công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc không ngừng được tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và sự phối hợp chặt chẽ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc  và các tổ chức thành viên của Mặt trận tổ quốc. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật không ngừng được hoàn thiện, các văn bản pháp luật về tư pháp và pháp luật về hòa giải từng bước hoàn thiện đồng bộ đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng nâng cao chất lượng. Quan trọng hơn đó là sự nhận thức ngày càng cao của nhân dân về phát huy quyền làm chủ trong việc tổ chức phong trào tự quản trong cộng đồng được kết hợp với truyền thống cách mạng, đoàn kết tương thân, tương ái lâu đời của nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã tạo ra động lực thúc đẩy các phong trào của quần chúng phát triển mạnh mẽ. Điển hình các đơn vị cấp xã và Tổ hòa giải làm tốt là: UBND xã Vân Hội- huyện Tam Dương; UBND xã Thái Hòa- huyện Lập Thạch; UBND xã Yên Dương – huyện Tam Đảo; Thị xã Phúc Yên ; UBND thị trấn Yên Lạc - huyện Yên Lạc; UBND xã Vũ Di- huyện Vĩnh Tường; Tổ hòa giải thôn Vân Sau- xã Vân Hội- huyện Tam Dương;  Tổ hòa giải thôn Phấn Khởi xã Đình Chu - huyện Lập Thạch; Tổ hòa giải thôn Phố Chợ xã Tam Quan; Tổ hòa giải thôn Ngọc Bảo xã Sơn Lôi – huyện Bình  Xuyên; Tổ hòa giải Tổ dân phố số 13 phường Hùng Vương- Thị xã Phúc Yên;Tổ hòa giải thôn đại tự 1 xã Đại tự- huyện Yên Lạc; Tổ hòa giải khu Nam thôn Bích Chu xã An tường- huyện Vĩnh Tường …

Trong 10 năm qua công tác hòa giải ở cơ sở đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thực hiện tốt cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư mà trọng tâm là xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, xây dựng nông thôn mới…Những kết quả đã đạt được của công tác hòa giải góp phần tích cực vào việc bảo vệ an ninh ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cuờng khối đại đoàn kết trong nhân dân, dập tắt nhiều mâu thuẫn, xích mích, vi phạm pháp luật nhỏ trong cộng đồng dân cư giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Kim Yến