Tủ sách pháp luật ở Bắc Giang, "kênh" tuyên truyền có hiệu quả

24/09/2008
Bắc Giang là tỉnh thuần nông, song được sự chỉ đạo, giúp đỡ của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và các dân tộc trong tỉnh nên tình hình kinh tế, văn hoá, xã hội đã có những chuyển biến tích cực.

 Tuy nhiên việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng kinh tế thị trường cũng không tránh khỏi những tiêu cực nảy sinh làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; tình hình tệ nạn xã hội vẫn diễn biến phức tạp. Sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường đã có nhiều ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân, đã có sự phân hoá giầu nghèo, giữa nông thôn và thành thị. Những đặc điểm tình hình trên đã trực tiếp tác động làm phát sinh những việc vi phạm pháp luật và những tranh chấp trong nhân dân cần phải có những giải pháp hữu hiệu để giải quyết; Do vậy, việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật ở cơ sở thông qua tủ sách pháp luật nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật cho nhân dân, cùng với công tác hoà giải ở cơ sở đã luôn được cấp uỷ, chính quyền các cấp trong tỉnh quan tâm chỉ đạo, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân được nâng lên. Cùng với việc tổng kết 10 năm Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải cơ sở. Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể khẳng định những nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương trong lĩnh vực này thật đáng ghi nhận. Đến nay, 229/229 xã, phường, thị trấn  có tủ sách pháp luật được đặt tại trụ sở Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn phục vụ cho việc nghiên cứu, tìm hiểu, tham khảo cho cán bộ và nhân dân địa phương; mỗi tủ sách được trang bị gần 300 đầu sách pháp luật các loại.

Ngoài kinh phí đóng tủ sách, UBND các huyện, thành phố còn chỉ đạo các xã, phường, thị trấn trích ngân sách mua sắm trang thiết bị chuyên dùng cho tủ sách pháp luật như giá sách, tủ, bàn, ghế, tủ hoặc hộp thư mục, sổ đăng ký tổng quát, sổ đăng ký cá biệt, bảng giới thiệu, hướng dẫn tra cứu sách, báo, tài liệu pháp lý. Sách pháp luật được bổ sung hai đợt mỗi năm dựa trên việc rà soát, thống kê văn bản mới ban hành, văn bản hết hiệu lực và khảo sát nhu cầu sử dụng sách của cơ sở. Việc thống kê, theo dõi số lượng đầu sách pháp luật cũng được các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm túc, có sổ đăng ký cá biệt để ghi chép, theo dõi. Định kỳ có kế hoạch tổ chức kiểm kê lại các đầu sách pháp luật đang còn hiệu lực thi hành và những sách pháp luật đã hết hiệu lực thi hành.

Hiện nay, mỗi tủ sách  pháp luật gồm 4 loại sách, báo, tài liệu pháp lý như sau: Văn bản quy phạm pháp luật: Công báo trung ương và Công báo địa phương, các tập hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan ở Trung ương và địa phương ban hành; sách hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành; Sách pháp luật phổ thông: sách hỏi đáp, bình luận, giải thích pháp luật; Sách, tài liệu pháp lý phục vụ cho công tác quản lý, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, giảng dạy và học tập của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học; Báo, tạp chí pháp luật chuyên ngành của Trung ương và địa phương; Ngoài các sách, báo pháp luật trên, các địa phương đã bổ sung nhiều  loại, sách, tài liệu khác phục vụ nhu cầu đọc cña cán bộ, nhân dân.Công tác quản lý tủ sách pháp luật được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Hiện nay, tất cả các tủ sách được đặt tại trụ sở UBND xã đã tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ cơ sở và nhân dân khai thác.   Để quản lý và khai thác có hiệu quả tủ sách pháp luật, UBND tỉnh đã chỉ đạo  Sở Tư pháp hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng quy chế quản lý, khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật. Đến nay, 100% tủ sách pháp luật có quy chế quản lý, khai thác, sử dụng và được thông báo, niêm yết tại phòng đọc.

Tủ sách pháp luật ở các xã, phường, thị trấn được giao cho cán bộ Tư pháp - Hộ tịch trực tiếp quản lý. Các cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý, khai thác tủ sách pháp luật đã thực hiện tốt yêu cầu, nhiệm vụ như: cho mượn, tuyên truyền giới thiệu sách pháp luật, hướng dẫn việc sử dụng, bảo quản tài liệu, sách, báo pháp lý  theo quy định...

Công tác bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ công tác tư pháp trong đó có bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý tủ sách pháp luật, hướng dẫn cách thức phân loại, sắp xếp sách, báo, bảo quản tủ sách pháp luật, kiểm kê, bổ sung sách và nội quy mẫu cho tủ sách pháp luật, công tác tuyên truyền cho tủ sách được quan tâm.

          Sau 10 năm xây dựng và hoạt động, đã có 2.414.375 lượt người đọc tại chỗ và 1.534.375 lượt người mượn sách về nhà. Các huyện, thành phố đã tổ chức 212 cuộc tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân đọc và tìm hiểu các tài liệu, sách, báo pháp lý của tủ sách pháp luật; tổ chức 110 cuộc nói chuyện, giới thiệu, tài liệu, sách, báo pháp lý; các xã, phường, thị trấn đã tổ chức 265 cuộc tuyên truyền, giới thiệu sách, báo pháp lý và phát 2.523 buổi giới thiệu sách trên hệ thống truyền thanh cơ sở...

Để khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật có hiệu quả, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với Bưu điện tỉnh ban hành Kế hoạch liên  ngành số 19/KH-TP- BĐ ngày 24/3/2005 về việc luân chuyển sách pháp luật từ tủ sách pháp luật  ở các xã đến các điểm bưu điện văn hoá xã. Việc luân chuyển sách pháp luật đến Bưu điện văn hoá xã đã đem lại hiệu quả thiết thực, số người đến nghiên cứu, đọc sách, mượn sách tăng lên đáng kể.

Ngoài việc luân chuyển sách pháp luật, các mô hình khai thác tủ sách pháp luật có hiệu quả đã được các địa phương thực hiện như: Giới thiệu sách, báo bằng tuyên truyền miệng, tổ chức các cuộc nói chuyện giới thiệu sách.  Tổ chức giới thiệu sách trên hệ thống truyền thanh cơ sở. Tuyên truyền, giới thiệu sách, báo bằng các cuộc thi tìm hiểu pháp luật. Phối hợp với các cơ quan, đoàn thể trong việc sử dụng sách pháp luật để tuyên truyền phổ biến pháp luật.

Hàng năm, việc thanh tra, kiểm tra về công tác hoà giải và xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật tại xã, phường, thị trấn được tiến hành theo kế hoạch định kỳ, kiểm tra đột xuất và chế độ thông tin báo cáo. Qua kiểm tra, nhìn chung UBND xã, phường, thị trấn và UBND các huyện, thành phố đã thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của cấp trên. Tuy nhiên, một số địa phương còn có những sai sót trong việc quản lý, khai thác và sử dụng tủ sách. Những sai sót đó đã được đoàn kiểm tra yêu cầu UBND cấp xã kịp thời chấn chỉnh, khắc phục.

Hàng năm, việc tổ chức sơ kết 6 tháng đầu năm và tổng kết năm về công tác hoà giải; công tác xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật tại xã, phường, thị trấn được thực hiện lồng ghép tại các hội nghị sơ kết, tổng kết công tác của ngành tư pháp. Năm 2005, UBND tỉnh đã tổ chức tổng kết 5 năm thi hành Pháp lệnh tổ chức và hoạt động hoà giải ơ cơ sở, đánh giá kết quả thực hiện Pháp lệnh và đề ra phương hướng nhiệm vụ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động hoà giải trên địa bàn tỉnh. Năm 2008, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh giao cho Sở Tư pháp chỉ đạo các huyện, thành phố tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở và Quyết định số 1067/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt dự án xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn.

Việc đầu tư phát triển tủ sách pháp luật được UBND tỉnh quan tâm. Hàng năm, UBND tỉnh đã bố trí cấp kinh phí bổ sung cho tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn là 1.000.000 đồng/1 tủ. Ngoài nguồn kinh phí UBND tỉnh đã cấp hàng năm, các huyện, thành phố đã chủ động cấp thêm kinh phí bổ sung sách, báo pháp luật cho tủ sách như các huyện.

Giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn là Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền trong công tác xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn làm cho các cấp, các ngành nhận thức đầy đủ về vị trí, ý nghĩa, vai trò của việc xây dựng và sử dụng tủ sách pháp luật ở cơ sở. Đẩy mạnh và khai thác có hiệu quả tủ sách pháp luật hiện có, tiếp tục chỉ đạo nhân rộng việc xây dựng các ngăn sách, tủ sách pháp luật ở các thôn, xóm, cụm dân cư, nhà văn hoá, các cơ quan, trường học nhằm tạo điều kiện cho cán bộ và nhân dân có nhiều điều kiện tiếp cận, nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật; gắn việc khai thác tủ sách pháp luật với các hoạt động chuyên môn hành chính- Tư pháp tại cơ sở đặc biệt là công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tiếp tục đầu tư kinh phí hỗ trợ để tăng số lượng các đầu sách, quan tâm bố trí phòng đọc và các trang thiết bị thiết yếu phục vụ cho công tác xây dựng, khai thác, quản lý và sử dụng tủ sách pháp luật ở cơ sở. Thực hiện và duy trì việc luân chuyển sách từ tủ sách pháp luật ở xã đến các Điểm Bưu điện văn hoá xã, nhà văn hoá, thư viện thôn, bản, tổ dân phố để phục vụ đông đảo nhân dân. Thực hiện tốt công tác thông tin, giới thiệu về tủ sách pháp luật nhằm thu hút người đến đọc và tìm hiểu sách pháp luật. 

Hà Thanh Thuỷ