Công tác xây dựng và khai thác tủ sách pháp luật trên địa bàn tỉnh Kon Tum

25/09/2008
Tủ sách pháp luật (TSPL) là một kênh thông tin quan trọng trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nên ngay sau khi có Quyết định số 1067/QĐ-TTg ngày 25/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án xây dựng và quản lý TSPL ở xã, phường, thị trấn, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 02/1999/CT-UB ngày 16/01/1999 “Về việc xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng TSPL ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh”; Quyết định 625/QĐ-UB ngày 22/03/1999 “Về việc ban hành Kế hoạch xây dựng và quản lý TSPL ở xã, phường, thị trấn từ năm 1999 đến năm 2001”.

Cùng với việc chỉ đạo triển khai xây dựng TSPL ở cấp xã trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp chủ trì phối hợp cùng Sở Văn hoá-Thông tin (nay là Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch), Bưu điện tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh ký kết chương trình phối hợp, thực hiện việc luân chuyển sách, báo pháp luật giữa TSPL cấp xã với điểm Bưu điện-văn hoá xã, ngăn sách pháp luật của tủ sách các Đồn Biên phòng theo Chương trình số 253/BTP-TSPL, ngày 2/3/2001 của: Bộ Tư pháp-Bộ Văn hoá thông tin-Bộ đội biên phòng-Tổng công ty Bưu chính viễn thông. Ngoài ra, hàng năm đều có văn bản hướng dẫn, đôn đốc, tổ chức kiểm tra việc công tác TSPL đối với các địa phương. Năm 2001, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo việc tổng kết giai đoạn 1 triển khai dự án xây dựng TSPL theo tinh thần Công văn số 1439/BTP-TSPL ngày 22/11/2001 của Bộ Tư pháp.

          Với những việc làm cụ thể nêu trên, đến nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có 95/97 xã, phường, thị trấn xây dựng TSPL (một số xã mới thành lập nên chưa kịp xây dựng). Các TSPL trên địa bàn tỉnh đều có 4 bộ phận sách theo quy định và số lượng đầu sách tương đối phong phú, điển hình là các xã, phường của thị xã Kon Tum bình quân mỗi TSPL có từ 120 đến 160 đầu sách; huyện ĐắkHà có từ 150 đến 200 đầu sách; huyện Đắkglei bình quân mỗi TSPL có 100 đầu sách... Thực hiện Quyết định 625/QĐ-UB ngày 22/03/1999 của UBND tỉnh, từ năm 2000 kinh phí bố trí trong dự toán chi hàng năm ngân sách cấp xã là 2 triệu đồng để mua bổ sung sách, báo, tạp chí, tài liệu chuyên môn cho tủ sách của các xã theo danh mục do Sở Tư pháp hướng dẫn. Đặc biệt, tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số do điều kiện còn nhiều khó khăn, UBND tỉnh đã chỉ đạo, giao trách nhiệm các đơn vị đỡ đầu theo tinh thần Nghị quyết 01 (nay là Nghị quyết 04) của Tỉnh uỷ trang bị ban đầu mỗi xã 01 tủ sách, đồng thời thường xuyên hỗ trợ kinh phí để làm phong phú thêm các loại tài liệu pháp luật của tủ sách. Ngoài ra, từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Chương trình 135 (giai đoạn 1 và 2)... Sở Tư pháp đã mua và trang bị bổ sung sách, tài liệu pháp luật tại các xã nghèo, đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật trong cán bộ và nhân dân

          Định kỳ hàng năm, Sở Tư pháp tiến hành kiểm tra, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt việc khai thác, quản lý TSPL tiến hành phân loại, xây dựng mục lục để tiện cho việc theo dõi, hướng dẫn. Đến nay hầu hết các tủ sách đều có nội quy việc đọc, mượn sách tại tủ sách, về quyền và trách nhiệm đối với cán bộ quản lý tủ sách, trách nhiệm của bạn đọc. Số lượng người làm công tác quản lý TSPL hiện nay là 100 người/95 TSPL. Cán bộ quản lý tủ sách chủ yếu là cán bộ tư pháp-hộ tịch kiêm nhiệm, chịu trách nhiệm quản lý lập sổ theo dõi cán bộ, nhân dân ở địa phương đến tham khảo tìm hiểu, tra cứu. Về trình độ chuyên môn của cán bộ làm công tác quản lý TSPL có 05 người tốt nghiệp đại học, cao đẳng; 40 người tốt nghiệp trung cấp... Công tác tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý TSPL cũng được coi trọng. Ngoài việc tập huấn chuyên ngành, hàng năm cán bộ quản lý TSPL còn được tham gia các lớp tập huấn về công tác thư viện do ngành VHTT tổ chức theo kế hoạch liên ngành.

          Các hình thức được địa phương áp dụng trong khai thác TSPL là đọc tại chỗ, một số nơi còn cho mượn đọc. Thời gian phục vụ cán bộ và nhân dân là vào giờ hành chính, trong các ngày làm việc, kể cả ngày thứ bảy. Việc nhân bản các tài liệu pháp luật để phát cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn được một số địa phương thực hiện tốt. Ngoài ra, các địa phương còn tổ chức giới thiệu nội dung tài liệu pháp luật qua phương tiện truyền thanh cơ sở. Một số huyện, thị đã tiến hành luân chuyển sách giữa TSPL với điểm bưu điện văn hoá xã, ngăn sách pháp luật ở các đồn biên phòng, đưa sách về thôn, làng, tổ dân phố; phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể trong việc sử dụng sách pháp luật để tuyên truyền pháp luật bằng các hình thức cho nhân dân ở cơ sở. Lồng ghép tuyên truyền, giới thiệu nội dung sách pháp luật trong các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt tổ chức chính trị- xã hội. Bên cạnh mô hình TSPL theo quy định thì tại tỉnh Kon Tum có thêm loại hình ngăn sách pháp luật ở các đồn biên phòng, tủ sách Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý.

          Có thể khẳng định rằng trong thời gian vừa qua công tác TSPL được tiến hành kịp thời, thường xuyên, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Quá trình triển khai công tác TSPL luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm của các cấp uỷ và chính quyền địa phương, đặc biệt là UBND cấp xã. Bên cạnh đó, được sự phối hợp, đồng tình ủng hộ của các ban, ngành, đoàn thể và quần chúng nhân dân, nhất là giữa ngành Tư pháp; Bộ đội Biên phòng; Văn hoá - Thể thao - Du lịch trong việc luân chuyển sách báo pháp luật giữa TSPL xã, phường, thị trấn với tủ sách điểm bưu điện văn hoá xã, tủ sách, ngăn sách đồn Biên phòng. Từ nguồn ngân sách địa phương, và các nguồn khác, các TSPL tại các địa phương, đơn vị thường xuyên được mua bổ sung các đầu sách cho TSPL; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tìm hiểu pháp luật trong cán bộ và nhân dân. Đây là sự nỗ lực cố gắng lớn của các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị trong điều kiện của một tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Việc khai thác TSPL được quan tâm và từng bước đi vào nề nếp. Mỗi TSPL đều có cán bộ phụ trách; có quy chế quản lý, khai thác, lập số theo dõi; ngoài ra các cơ quan, đơn vị đã chú trọng tăng cường luân chuyển sách giữa các tủ sách để phát huy tối đa việc khai thác sử dụng tủ sách. TSPL được xây dựng góp phần vào công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật tới mọi người dân, giảm bớt tình trạng khiếu kiện do không hiểu biết pháp luật, giúp người dân hiểu và chấp hành các quy định của pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của cán bộ và chính quyền cơ sở.

Mặc dù, đã đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng vẫn còn một số khó khăn, tồn tại như vẫn còn tình trạng không ít tủ sách được đặt ở những vị trí không thuận lợi để cho nhân dân dễ thấy, dễ khai thác. Nguyên nhân là do diện tích trụ sở ở UBND cấp xã có hạn nên nhiều tủ sách được bố trí ở những vị trí tận dụng khoảng không gian, thậm chí có tủ sách được bố trí tại phòng làm việc không thuận tiện cho công dân đến đọc sách khi có nhu cầu. Điều này không phù hợp, làm hạn chế người đến đọc sách. Các TSPL bố trí, sắp xếp sách chưa khoa học, không có sức lôi cuốn người dân đến với tủ sách; trong khi trình độ chuyên môn, kỹ năng của đa phần cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý TSPL còn nhiều hạn chế, mặt khác chưa đẩy mạnh công tác tuyên truyền về TSPL nên chưa có sức thu hút đối với nhân dân tự giác đến khai thác, tìm hiểu. Hình thức khai thác tủ sách còn đơn điệu hầu hết tủ sách không có danh mục các đầu sách, giới thiệu sơ lược nội dung chủ yếu của sách. Một số TSPL ở các xã vùng sâu, vùng xa chưa xây dựng được nội quy, quy chế quản lý, khai thác và sử dụng tủ sách nên để xảy ra tình trạng mất sách. Việc luân chuyển sách giữa các tủ sách tuy đạt được kết quả bước đầu song vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế. Việc mua bổ sung, trang bị kịp thời tài liệu, sách báo cho tủ sách tại nhiều địa phương chưa kịp thời; các TSPL hiện nay chủ yếu là những văn bản luật, thiếu các văn bản hướng dẫn thi hành. Nguyên nhân là do chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc bố trí kinh phí mua bổ sung các đầu sách. Đội ngũ cán bộ quản lý TSPL ở địa phương đều do cán bộ tư pháp-hộ tịch kiêm nhiệm, nhìn chung còn hạn chế khả năng định hướng và hướng dẫn cho nhân dân tham khảo sách cũng như khả năng giải thích những nội dung mà người đọc chưa hiểu... Đây cũng là một nguyên nhân làm hạn chế hiệu quả của việc khai thác TSPL.

Để xây dựng, khai thác tốt các TSPL trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ như: tiếp tục chỉ đạo xây dựng TSPL bảo đảm 100% đơn vị cấp xã, các cơ quan, trường học, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có TSPL. Kiểm tra đánh giá toàn diện thực trạng xây dựng khai thác TSPL, phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại yếu kém. Tăng cường thực hiện chương trình đã ký kết giữa cơ quan tư pháp với các cơ quan liên quan trong luân chuyển sách giữa các TSPL. Đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong xây dựng, khai thác TSPL. Thí điểm triển khai hình thức “cán bộ tư pháp chủ động mang sách, báo, tài liệu đến người dân mượn đọc” tại một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng./.

Phạm Văn Chung