Thực trạng công tác quản lý, khai thác tủ sách pháp luật ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

25/09/2008
Tủ sách pháp luật tại các xã, phường, thị trấn (gọi tắt là tủ sách pháp luật cơ sở) là nơi tập hợp, lưu giữ, phổ biến và quản lý tài liệu, sách, báo pháp luật; là nơi cung cấp nguồn tài liệu, giúp cán bộ chính quyền cơ sở vận dụng đúng pháp luật để giải quyết công việc ở địa phương, giúp nhân dân có công cụ pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đây cũng là phương tiện giúp mọi công dân không có điều kiện đến các trung tâm nghiên cứu, các thư viện lớn để tiếp cận tìm hiểu các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nâng cao kiến thức, nhận thức và trình độ dân trí cho cán bộ và nhân dân, là hình thức sinh hoạt văn hoá, giải trí lành mạnh và là một trong những công cụ để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật một cách có hiệu quả.

 Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, ngày 25/11/1998, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 1067/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án xây dựng và quản lý tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn; Chỉ thị số 01/1999/CT-BTP, ngày 28/01/1999 Bộ trưởng Bộ tư pháp về việc triển khai dự án xây dựng, quản lý Tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn; Thông tư liên tịch số 05/TTLT/TP-TC ngày 28/01/1999 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện dự án xây dựng và quản lý tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn là những nhằm khai thông, tháo gỡ những ách tắc trong việc triển khai thực hiện chủ trương này của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi để các cấp chính quyền có cơ sở thực hiện đồng bộ, rộng khắp có hiệu quả.

Thực hiện các văn bản trên, ngay từ đầu năm 1999 Sở Tư pháp đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành công văn số 1809/CV-UB triển khai thực hiện việc xây dựng hệ thống Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, đồng thời chỉ đạo các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Đức Phổ, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành và thị xã Quảng Ngãi (các huyện đồng bằng) đến ngày 31/12/1999 phải xây dựng 100% tủ sách pháp luật; các huyện còn lại phải xây dựng từ 60-70% tủ sách pháp luật. Đồng thời Sở Tư pháp cũng ban hành văn bản hướng dẫn Phòng Tư pháp các huyện, thị xã giúp UBND cùng cấp triển khai xây dựng hệ thống Tủ sách pháp luật ở địa phương, ngay trong năm 1999, triển khai tất cả 13/13 huyện, thị xã với tổng kinh phí là 220.000.000đ, đã xây dựng được 178/178 tủ sách xã, phường, thị trấn. Việc xây dựng và đưa vào hoạt động bước đầu các tủ sách đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân đến đọc, mượn, tìm hiểu những vấn đề liên quan đến chế độ, chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước mới ban hành. Những năm đầu mới hình thành số người đến khai thác đạt khoảng 80% số đầu sách hiện có.

Tuy đã được triển khai xây dựng rất sớm từ những năm 1999, nhưng trong một thời gian dài do thiếu sự quan tâm, chỉ đạo từ các cấp, các ngành liên quan cho nên việc đầu tư, bổ sung cho hệ thống Tủ sách pháp luật ở các xã trong tỉnh đã có sự chững lại và xuống cấp nghiêm trọng cả về số lượng và chất lượng. Tháng 7/2007, Đoàn kiểm tra công tác Phổ biến giáo dục pháp luật kiểm tra đồng loạt tại 14/14 huyện, thành phố, trong các nội dung kiểm tra có kiểm tra thực tế công tác quản lý, khai thác tủ sách pháp luật, qua đó đã có sự đánh giá khá toàn diện và đầy đủ thực trạng hệ thống tủ sách pháp luật trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Qua kiểm tra cho thấy hiện chỉ có 165/180 xã, phường, thị trấn có tủ sách pháp luật, trong đó số tủ sách được quản lý, khai thác có hiệu quả khoảng 60%, trung bình mỗi ngày có từ 3-7 lượt người tham gia mượn sách (cá biệt có lúc trên 20 lượt người/ngày). Tuy nhiên số Tủ sách có mở sổ sách theo dõi, quản lý đúng quy định chỉ khoảng 30%. Tủ sách có số lượng sách nhiều nhất khoảng 1.000 đầu sách các loại, ít nhất có khoảng 40-60 đầu sách các loại, trong đó có khoảng 35-40% các đầu sách pháp luật còn hiệu lực thi hành.

- Kiểm tra thực tế tại một số xã, phường, thị trấn cho thấy nhận thức của lãnh đạo chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn về công tác phát đầu tư xây dựng tủ sách cơ sở là khá tốt, xác định rõ ràng về tầm quan trọng, ý nghĩa, vai trò, vị trí của tủ sách pháp luật cơ sở. Đa số đều thống nhất rằng tủ sách pháp luật của cấp xã là một nguồn tư liệu quan trọng, là hệ thống cung cấp thông tin chính thống tại địa phương và là nguồn tư liệu quý giá phục vụ cho công tác quản lý của chính quyền cấp xã cũng như công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân địa phương.

- Các huyện đồng bằng: Các Phòng Tư pháp đã có sự chỉ đạo khá chặt chẽ, thường xuyên về công tác xây dựng, quản lý Tủ sách pháp luật, hằng năm đều tham mưu cho UBND bố trí kinh phí để bổ sung cho tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn (có huyện UBND giao phòng Tư pháp huyện kinh phí mua sách bổ sung cho cấp xã, có một số huyện giao kinh phí cho cấp xã bổ sung tủ sách pháp luật). Hầu hết các tủ sách pháp luật cơ sở hàng năm đều được bố trí kinh phí để mua bổ sung sách, văn bản mới ban hành để phục vụ cho cán bộ và nhân dân. Trung bình, mỗi tủ sách này đều được UBND xã, phường bố trí từ 300.000- 700.000đ/năm; cá biệt có phường được bố trí 2-3 triệu đồng/năm.

 - Có thể nhận xét sơ bộ ban đầu rằng nơi nào lãnh đạo cấp UBND xã, phường, thị trấn quan tâm công tác đầu tư xây dựng, phát triển tủ sách sách pháp luật cơ sở thì thường xuyên bổ sung kinh phí đầu tư cho tủ sách pháp luật tốt, có chất lượng thì cũng đồng nghĩa với việc xã đó có số lượng người mượn tìm hiểu, tham khảo nhiều, trình độ dân trí cao hơn hẳn những nơi khác.

Chất lượng hoạt động của các tủ sách pháp luật cơ sở: các huyện đồng bằng có hệ thống tủ sách pháp luật hoạt động hiệu quả, trung bình mỗi ngày có từ 3-7 người đến mượn sách. Riêng huyện Tư nghĩa có 02 đơn vị cấp xã có 02 Tủ sách pháp luật là thị Trấn La Hà và thị trấn Sông Vệ, nơi đây có mặt bằng dân trí khá cao so với nới khác, cán bộ xã cũng là người gắn bó lâu năm và có năng lực chuyên môn tốt. Tủ sách pháp luật phường Trần Hưng Đạo, thành phố Quảng Ngãi có trên 1.000 đầu sách các loại và hàng ngàn Công báo, tạp chí có nội dung tuyên truyền giáo dục pháp luật.

Nguyên nhân của thực trạng trên do một số lãnh đạo chính quyền cấp huyện, cấp xã chưa nhận thức đầy đủ được ý nghĩa, vai trò của tủ sách pháp luật, do vậy ít quan tâm chỉ đạo việc xây dựng, củng cố cũng như bố trí kinh phí cho hoạt động này. Bên cạnh đó là hạn chế trong vai trò tham mưu của cán bộ Tư pháp nên ở một số địa phương trong tỉnh hệ thống tủ sách pháp luật hoạt động không hiệu quả, có nơi không có tủ sách pháp luật hoặc bỏ quên nội dung này trong nhiệm vụ công tác Tư pháp.

Có nơi, tủ sách bỏ trống, không có sách hoặc sách chỉ là các văn bản pháp luật hết hiệu lực, có tủ sách chỉ dùng để chứa những đồ linh tinh mà không có cuốn sách nào; có tủ thì có vài ba cuốn sách...Bên cạnh đó nguồn văn bản pháp luật có tính hệ thống cao và được cấp phát thường xuyên là công báo Chính phủ cũng không được cấp xã thấy được hết ý nghĩa, vai trò để bảo quản, sử dụng cho cẩn thận. Các chồng công báo sắp xếp một cách tràn lan trong phòng: ở dưới đất, trên nóc tủ, bụi bặm, mọt mối, hoen ố...Có thể nói đây là một thực tế đáng buồn trong nhận thức về ý nghĩa, vai trò của văn bản pháp luật trong đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Với thực trạng tủ sách pháp luật và hiệu quả sử dụng tủ sách pháp luật cũng như nhận thức về tầm quan trọng của văn bản pháp luật như hiện nay thì thật tình không hiểu khi xử lý công việc hàng ngày, cán bộ cấp xã lấy nguồn văn bản ở đâu, căn cứ vào văn bản nào để giải quyết công việc đúng theo pháp luật

Từ hạn chế trong nhận thức, lãnh đạo chính quyền nhiều nơi không bố trí nguồn kinh phí cho việc bổ sung sách, báo, tạp chí cho Tủ sách pháp luật, một vài nơi có nhưng rất ít, kinh phí được bố trong  năm chỉ đủ mua từ 1-3 cuốn sách.

Bên cạnh đó, khó khăn lớn nhất trong việc duy trì hệ thống tủ sách pháp luật hiện nay là thiếu kinh từ cả hệ thống, Quảng Ngãi là một tỉnh có tỉ lệ hộ nghèo trên 26%, trong đó có 7/14 huyện là miền núi, hải đảo thuộc diện đặc biệt khó khăn là: Ba Tơ, Sơn Hà, Trà Bồng, Tây trà, Sơn Tây, Minh Long, Lý Sơn. Có những xã mỗi năm thu ngân sách chỉ vài chục triệu đồng, kinh phí phụ thuộc trên cấp, do vậy không có nguồn nào chi cho Tủ sách pháp luật.

Vị trí đặt Tủ sách không thuận lợi:

Hầu hết các Tủ sách pháp luật được đặt ngay trong phòng làm việc của Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn. Có nơi đặt trong phòng làm việc của Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch xã. Đây là điều gây tâm lý e ngại cho người dân khi họ muốn tìm sách để đọc. Việc Tủ sách pháp luật được đặt trong trụ sở UBND xã là chưa thật hợp lý, dẫn đến việc không thể phục vụ yêu cầu của nhân dân. Bên cạnh đó, trụ sở của chính quyền cấp xã hiện nay là chưa đảm bảo, rất nhiều xã cán bộ không có phòng làm việc, vậy nên cũng không thể có chỗ cho tủ sách pháp luật. Nhiều nới tủ sách được vào kho hoặc những chỗ “ bí mật” đến nỗi chỉ có cán bộ Tủ pháp mới biết và mở mỗi khi cần.

Chưa có nội quy quản lý, khai thác tủ sách:

Từ 178 Tủ sách pháp luật cơ sở năm 1999, qua đợt kiểm tra vừa qua chỉ còn lại 165/180 xã, phường, thị trấn còn tủ sách pháp luật (15 xã không có Tủ sách chủ yếu tập trung ở các huyện Tây Trà, Sơn Tây, Sơn Hà, Trà Bồng, Lý Sơn). Trong số 165/180 Tủ sách hiện có, cũng chỉ có khoảng 60% là hoạt động, trong đó khoảng 30% là có hiệu quả.

Nhìn chung, phần lớn các tủ sách hoạt động chưa hiệu quả là do không có nội quy khai thác tủ sách rõ ràng: Không có người quản lý trông coi cụ thể, không có sổ giao, nhận sách, cho mượn, thu hồi…Do vậy, tình trạng thất thoát sách, báo, tạp chí là rất nhiều, tình trạng “cha chung không ai khóc”, sách báo để lung tung vương vãi, không người quản lý và tình trạng xuống cấp, tủ sách trống rỗng là điều hiển nhiên.

Nhận thức của cán bộ, nhân dân:

 Cũng từ nhận thức chưa thấu đáo, công tác tuyên truyền trong nhân dân còn hạn chế, chưa đến nơi đến chốn của chính quyền cơ sở, nên nhiều Tủ sách pháp luật chỉ có cán bộ xã đọc, có tình trạng cán bộ thì coi đó là Tủ sách của mình nên giữ khư khư, nhân dân thì không dám đến mượn vì cũng nghĩ đó là tủ sách của cán bộ.

Đa số Tủ sách ở các xã, phường, thị trấn hiện nay giao cho cán bộ Tư pháp - Hộ tịch; trong khi đó cấp xã hiện nay chỉ có 1 cán bộ phụ trách công tác này với gần 20 nhiệm vụ, do vậy việc buông lỏng quản lý Tủ sách là điều không tránh khỏi.

Mặt khác, tủ sách pháp luật ít có người dân tìm đọc là vì họ chưa ý thức tìm hiểu pháp luật, chỉ khi đụng đến quyền lợi thì họ mới tìm sách đọc. Cũng cần nói thêm rằng, Tủ sách pháp luật còn thiếu những loại văn bản liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân như chính sách đền bù đất đai, giải phóng mặt bằng, giá đất đai, khiếu nại, tố cáo…v.v. Khi người dân cần ở Tủ sách pháp luật thì không có, trong khi đó họ có thể đi tìm ở các hiệu sách bên ngoài một cách dễ dàng hơn. Tâm lý của người dân là đến một lần không có, lần sau sẽ không đến nữa.

Khi được hỏi về thực trạng khai thác tủ sách pháp luật thì đa số đều lắc đầu ngán ngẩm. Câu trả lời chung là hầu như không có hoặc có rất ít người dân đến tìm sách đọc, còn lại chỉ có cán bộ xã mượn khi công việc có liên quan cần tra cứu. Đôi khi cán bộ xã cần mượn sách cũng không có sách cần mượn. Có những xã từ khi thành lập tủ sách pháp luật đến nay đầu sách pháp luật mới hầu như không được bổ sung, đa số những loại sách  này đã cũ,  nhiều văn bản đã hết hiệu lực mà nguyên nhân chủ yếu là không có kinh phí.

Với thực trạng như trên Tủ sách pháp luật chưa được khai thác một cách có hiệu quả. Trong khi đó, nhiều người dân vẫn đói luật. Khi có việc liên quan đến pháp luật phải nhờ luật sư tư vấn hoặc nhờ trợ giúp pháp lý chứ họ không thể tự tìm hiểu, nghiên cứu vụ việc của mình.

Cán bộ quản lý Tủ sách:

Cán bộ quản lý tủ sách cũng là nhân tố góp phần làm nên thực trạng này, nhiều cán bộ trong nhiều năm liền không hề có tham mưu, đề xuất  nào đối với cấp trên để trang bị văn bản mới vào tủ sách địa phương. Trong khi đó hệ thống các văn bản pháp luật của chúng ta hiện nay thật sự chưa ổn định và thường xuyên có sự thay đổi, bổ sung, có nhiều trường hợp văn bản cũ chưa kịp cập nhật thì đã ra đời một văn bản mới.

Thường xuyên thay đổi cán bộ xã là một tình trạng chung hiện nay trong khi tủ sách pháp luật lại cần phải có người có khả năng, có kiến thức pháp luật quản lý để giúp định hướng và hướng dẫn cho nhân dân tham khảo cũng như giải thích những nội dung mà người đọc chưa hiểu rõ. Đấy chính là một yếu tố tác động đến tinh thần ham học hỏi, tìm tòi cũng như thói quen đọc sách của bạn đọc. Quản lý tủ sách pháp luật hiện nay thường được giao cho cán bộ tư pháp xã hoặc cán bộ văn phòng kiêm nhiệm, nhưng hai đối tượng này cũng không tránh khỏi tình trạng thường xuyên thay đổi vị trí công tác do đó cũng tác động không nhỏ đến hiệu quả khai thác các tủ sách.

 Có thể nói, chất lượng hệ thống Tủ sách pháp luật hiện nay là chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế trong đời sống hàng ngày của công dân. Tủ sách pháp luật hiện nay chủ yếu là những loại sách luật mà thiếu các văn bản hướng dẫn thi hành, trong khi đó, các xã, phường, thị trấn cũng chưa quan tâm đến việc xây dựng tủ sách pháp luật cho địa phương mình. Kinh phí dành cho mua sách mới ở nhiều địa phương lại hạn chế, thậm chí có nơi không cấp kinh phí cho việc này.

Chính vì vậy, cần thiết phải ban hành văn bản có giá trị pháp lý cao về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật, tăng cường đôn đốc, chỉ đạo việc thực hiện. (Chỉ thị của Thủ tướng); đồng thời phải tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân, tạo phong trào, nếp văn hoá trong đọc, tìm hiểu và thực hiện chủ trương, pháp luật của nhà nước. Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành liên quan để thực hiện Thông tư liên tịch số 02/2006/TTLT Liên bộ Tư pháp - Công an - Quốc phòng - Giáo dục - Lao động Thương binh & Xã hội và Tổng liên đoàn lao động Việt Nam hướng dẫn việc sử dụng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị, trường học (trước đây là Chương trình phối hợp 253/BTP-Tủ sách pháp luật ngày 02/3/2001) ở các cơ quan, đơn vị, địa phương, trường học, vì thực tế đã có triển khai nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện (chủ yếu là bố trí nguồn kinh phí hàng năm cho tủ sách).

Bên cạnh đó, phải bố trí nguồn kinh phí duy trì cho việc mua, cập nhật sách, văn bản mới vẫn đang là một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay, với nguồn kinh phí của xã, phường, thị trấn thì đầu tư cho Tủ sách pháp luật là điều hết sức khó khăn. Vì vậy phải có văn bản chỉ đạo từ cấp uỷ, chính quyền tỉnh, huyện để khi xây dựng kế hoạch ngân sách hàng năm các cấp phải dành khoản kinh phí nhất định cho việc đầu tư bổ sung tủ sách pháp luật  Điểm đặt Tủ sách phải thuận lợi: Để Tủ sách pháp luật phát huy được hiệu quả, cần phải đặt tủ sách ở những nơi công cộng như: Thư viện, nhà văn hoá xã, phường, thị trấn hay bưu điện văn hoá xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên cái khó của việc luân chuyển này là người phụ trách công việc ở Bưu điện văn hoá xã thường rất bận rộn với công việc chuyên môn của mình, bên cạnh đó khả năng nắm bắt các quy định của pháp luật có hạn nên khó khăn trong việc hướng dẫn người dân nên tìm đọc loại sách nào để đáp ứng với nhu cầu tìm hiểu. Vì vậy, theo ý kiến của chúng tôi nên đặt tủ sách ở nhà văn hóa xã hoặc nhum văn hoá xã nhưng có cán bộ trông coi riêng.

 - Cán bộ quản lý: Cần có cán bộ chuyên trách quản lý tủ sách, có thể xem xét mô hình hợp đồng với cán bộ hưu trí có kinh nghiệm để chuyên tâm quản lý, theo dõi tủ sách hơn là giao cho cán bộ Tư pháp xã, vốn đã vất vả với khối lượng công việc khổng lồ như hiện nay. Đồng thời, thường xuyên bổ sung và nâng cao chất lượng sách, nhất là những loại sách phục vụ theo yêu cầu của nhân dân.

Vai trò ý nghĩa của Tủ sách pháp luật là rất quan trọng đối với việc nhận thức pháp luật của cán bộ và nhân dân, tuy vậy để Tủ sách pháp luật có hiệu quả đòi hỏi không chỉ riêng ngành Tư pháp, mà còn là sự chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành liên quan, phải có sự phối hợp đồng bộ trong công tác triển khai, một nhân tố quan trọng khác đó là công tác tuyên truyền để cán bộ, nhân dân hiểu, thấm và tuân thủ pháp luật. Sự thành bại của một chủ trương đòi hỏi phải có sự nhận thức và hành động đồng bộ không chỉ của cán bộ công chức một ngành, một địa phương mà là của toàn hệ thống chính trị - xã hội.

 

Mạnh Thắng