Bình Định: Qua 10 năm xây dựng và quản lý tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn

25/09/2008
Từ năm 1999, Bình Định là một trong những tỉnh trong cả nước sớm hoàn thành công tác xây dựng tủ sách pháp luật theo ngày Quyết định số 1067/QĐ-TTg ngày 25/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Dự án xây dựng và quản lý tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn. Từ đó đến nay, việc khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật đã đem lại nhiều kết quả thiết thực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

  Thực hiện Quyết định số 1067/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 01/1999/CT-BTP ngày 28/01/1999 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc triển khai dự án xây dựng, quản lý tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn và Thông tư Liên tịch số 05/1999/TTLT/TC-TP ngày 28/01/1999 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Dự án xây dựng và quản lý tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn, Sở Tư pháp Bình Định đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 07/1999/CT-UB ngày 24/4/1999 triển khai việc xây dựng, quản lý và sử dụng tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, trường học. Để triển khai thực hiện Chỉ thị số 07/1999/CT-UB của UBND tỉnh Bình Định, Giám đốc Sở Tư pháp đã ban hành Kế hoạch số 471/KH-TP ngày 08/7/1999 về việc kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện công tác đăng ký hộ tịch, công chứng, xây dựng tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn. Đồng thời, trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh, Sở Tư pháp, các huyện, thành phố trong tỉnh đều ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã tập trung xây dựng tủ sách pháp luật, quy chế sử dụng tủ sách pháp luật theo đúng quy định và đầu tư trang bị, bổ sung các đầu sách mới cho tủ sách pháp luật. Hàng năm, Sở Tư pháp, UBND các huyện, thành phố đều có văn bản hướng dẫn danh mục các đầu sách, tài liệu pháp luật mới và biên soạn các tài liệu về kiến thức pháp luật gửi cho các xã, phường, thị trấn, làng, thôn, khu phố trong tỉnh để bổ sung cho tủ sách pháp luật. Đồng thời, hàng năm cũng có văn bản hướng dẫn và tổ chức kiểm tra công tác xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật nhằm tìm ra cách thức, biến pháp khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật có hiệu quả và phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.        

  Kết quả về xây dựng tủ sách pháp luật: Năm 1999, Bình Định là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước có 100% xã, phường, thị trấn xây dựng tủ sách pháp luật và đến nay do sự thay đổi địa giới hành chính, Bình Định có 7 xã, phường, thị trấn mới được thành lập ( Năm 1999: Bình Định có 152, năm 2008 có 159 xã, phường, thị trấn) cũng được hỗ trợ xây dựng tủ sách pháp luật và đưa vào khai thác, sử dụng. Trong đó: Công an tỉnh Bình Định xây dựng và tặng 15 tủ sách pháp luật, cung cấp sách pháp luật cho 15 xã có phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc tiêu biểu. Sở Tư pháp Bình Định hỗ trợ cấp 15 tủ sách pháp luật và 18 bộ sách pháp luật cho các xã nằm trong diện đặc biệt khó khăn, chủ yếu là các xã thuộc 03 huyện miền núi là Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão.Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn thực hiện xây dựng tủ sách pháp luật tại các cơ quan, đơn vị, trường học, nhà rông của các làng, tại các trụ sở thôn, khu vực và cụm dân cư. Hiện nay, trong toàn tỉnh có 21.024 tủ sách pháp luật tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học; 57 tủ sách pháp luật tại các điểm nhà rông, bưu điện văn hoá xã, trung tâm giáo dục cộng đồng, trụ sở thôn, khu vực và cụm dân cư.

  Sau 10 năm thực hiện Quyết định 1067/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay 100% tủ sách pháp luật trên địa bàn tỉnh đều được xây dựng với 04 bộ phận sách, báo, tài liệu pháp lý: Bộ phận văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương; bộ phận sách pháp luật phổ thông; bộ phận sách hướng dẫn nghiệp vụ công tác chính quyền, hành chính, tư pháp ở cơ sở; bộ phận sách, báo của trung ương và địa phương. Ở một số xã, phường, thị trấn còn bổ sung một số loại sách khác phục vụ cho nhu cầu tìm hiểu của nhân dân như: sách về lịch sử địa phương, lịch sử quân đội, thân thế sự nghiệp của các vị lãnh tụ, công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước; sách tham khảo về y tế, nông nghiệp, kinh tế, chứng khoán…Mỗi tủ sách pháp luật được trang bị từ 100 đến 150 đầu sách, một số xã, phường, thị trấn có số lượng đầu sách rất lớn từ 200 đến 250 đầu sách (các xã, phường ở TP. Quy Nhơn, huyện Hoài Nhơn,…).

Hàng năm, trên cơ sở các danh mục sách, văn bản pháp luật mới có hiệu lực, các văn bản hết hiệu lực do Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp cung cấp và tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội ở địa phương; UBND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh xác định số lượng sách cần mua bổ sung, trang bị tăng thêm đầu sách cho tủ sách pháp luật để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật thông qua tủ sách pháp luật của nhân dân. Trung bình mỗi năm, mỗi xã, phường, thị trấn bổ sung từ 10 đến 15 đầu sách mới (chưa kể các loại sách, báo pháp luật và công báo được cung cấp miễn phí). Tủ sách pháp luật ở cấp xã hiện nay phần lớn là các loại sách, báo, tài liệu pháp luật hiện đang còn hiệu lực phục vụ cho nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân, bên cạnh đó còn có những tài liệu đã hết hiệu lực vẫn được lưu trữ để tham khảo, tra cứu khi cần thiết. 

   Về quản lý tủ sách pháp luật: Để tiện cho nhu cầu tra cứu của cán bộ, nhân dân, tủ sách pháp luật thường được đặt ngay tại phòng tiếp dân, phòng làm việc của cán bộ Tư pháp –hộ tịch các xã, phường, thị trấn, điểm Bưu điện văn hoá xã hoặc Trung tâm giáo dục cộng đồng, phục vụ theo giờ hành chính vào những ngày làm việc trong tuần. Riêng ở một số tủ sách pháp luật đặt tại điểm bưu điện văn hoá xã thì phục vụ nhu cầu tra cứu của cán bộ, nhân dân theo giờ hành chính của tất cả các ngày trong tuần. Nhìn chung, các xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, trường học đều bố trí tủ sách pháp luật ở những nơi phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, học sinh và toàn thể nhân dân tham gia tìm hiểu pháp luật.

Về đội ngũ cán bộ phụ trách tủ sách pháp luật: Ở hầu hết các xã, phường, thị trấn trong tỉnh, việc phụ trách theo dõi, quản lý tủ sách pháp luật được phân công cho cán bộ tư pháp-hộ tịch, một số ít xã, phường, thị trấn được giao cho cán bộ Văn phòng UBND hoặc cán bộ bưu điện văn hoá xã. Đối với các cơ quan, đơn vị, trường học thì do cán bộ pháp chế, cán bộ thư viện phụ trách. Đội ngũ cán bộ này thường xuyên được tập huấn về nghiệp vụ xây dựng và quản lý tủ sách pháp luật. Năm 1999, thực hiện Quyết định 1067/QĐ-TTg, Sở Tư pháp đã mở lớp tập huấn chuyên đề về xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật cho hơn 200 đại biểu là cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn và cán bộ làm công tác thư viện. Hàng năm, trong các đợt tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp cấp xã, Sở Tư pháp đều đưa nội dung xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật vào chương trình tập huấn. Nhằm trang bị cho cán bộ quản lý tủ sách pháp luật cấp xã những kiến thức cơ bản về công tác thu thập sách, báo, tạp chí pháp luật; đăng ký thống kê sách, phân loại, hệ thống hoá sách và tổ chức khai thác có hiệu quả tủ sách pháp luật. Ngoài ra, Sở Tư pháp Bình Định đã biên soạn nhiều tài liệu có liên quan đến việc xây dựng tủ sách pháp luật, Bản tin“Tư pháp Bình Định” phát hành định kỳ cũng có nhiều bài viết về việc xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật.

Căn cứ Quyết định số 335/1999/QĐ-BTP ngày 29/11/1999 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về xây dựng quy chế, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật, Sở Tư pháp hướng dẫn cho UBND các xã, phường, thị trấn ban hành Quy chế xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách ở cơ quan, địa phương mình và lập sổ sách theo dõi hoạt động của tủ sách pháp luật để tổ chức khai thác, sử dụng có hiệu quả.

Về khai thác tủ sách pháp luật: Hầu hết, UBND các xã, phường, thị trấn đều tổ chức khai thác tủ sách pháp luật theo các hình thức đọc tại chỗ, sao chụp, nhân bản tài liệu hoặc cho mượn về tra cứu, tìm hiểu.  Đối với một số lĩnh vực pháp luật liên quan thiết thực đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của công dân, Sở Tư pháp biên soạn thành các tài liệu pháp luật ngắn gọn, thiết thực, dễ nhớ, dễ hiểu như: tài liệu hỏi đáp về Dân số, Gia đình và Trẻ em; Giao thông đường bộ; Đất đai, Hôn nhân gia đình,... cấp phát xuống các thôn, làng, tổ dân phố, cụm dân cư phục vụ cho nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân. Đài Truyền thanh ở cấp huyện, cấp xã cũng xây dựng lịch phát sóng trên hệ thống loa truyền thanh những tin, bài, tài liệu tuyên truyền pháp luật. Cán bộ Tư pháp - Hộ tịch các xã, phường, thị trấn đã phối hợp chặt chẽ với Đài Truyền thanh huyện, xã để giới thiệu các loại sách, báo của tủ sách pháp luật; phối hợp với cán bộ làng, thôn để giới thiệu danh mục sách, Tạp chí, Báo pháp luật...thông qua các cuộc họp dân, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, nhân dân khai thác và sử dụng có hiệu quả tủ sách pháp luật. Ngoài ra, việc luân chuyển sách pháp luật từ tủ sách pháp luật đặt ở xã đến Điểm Bưu điện văn hoá được một số xã thực hiện thường xuyên, phục vụ kịp thời nhu cầu đọc sách của nhân dân. Ở một số địa phương đã có sự phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể trong việc sử dụng tủ sách pháp luật để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức các hội thi tìm hiểu, buổi toạ đàm, lễ hội truyền thống,… Lồng ghép tuyên truyền giới thiệu nội dung của sách pháp luật trong các buổi sinh hoạt như: hái hoa dân chủ, thanh niên với công tác phòng chống tội phạm, câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, câu lạc bộ tiền hôn nhân,...

Về đầu tư kinh phí: Hàng năm, thực hiện Thông tư 05/1999/TTLT/TC-TP của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện Dự án xây dựng và quản lý tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn; Trung bình hàng năm nguồn ngân sách của các xã, phường, thị trấn dành cho việc bổ sung, trang bị thêm sách pháp luật cho tủ sách pháp luật thường từ 200.000đ đến 500.000đ, có một số xã, phường có thể được đầu tư từ 500.000đ đến 700.000đ. Cá biệt, một số nơi chưa cấp kinh phí cho tủ sách pháp luật.

Tuy các tủ sách pháp luật đều đã được xây dựng và đưa vào hoạt động nhưng quá trình khai thác, sử dụng chưa thường xuyên bổ sung, trang bị thêm đầu sách mới; kinh phí đầu tư cho việc thay thề sách pháp luật mới còn hạn chế. Vì vậy, số lượng sách, tạp chí, báo pháp luật,…trang bị trong tủ sách pháp luật cấp xã ở Bình Định hiện nay còn ít, lạc hậu, hạn chế về chủng loại, đặc biệt thiếu những văn bản hướng dẫn thực hiện luật. Vị trí đặt tủ sách pháp luật chưa thuận lợi cho người dân tìm đến tra cứu, tìm hiểu. Sự phối hợp luân chuyển sách, báo pháp luật giữa tủ sách pháp luật tại trụ sở UBND cấp xã đến tủ sách pháp luật đặt tại điểm bưu điện văn hoá xã, nhà rông, trụ sở thôn, thư viện các cơ quan, trường học,… ở một số nơi chưa được thực hiện. Chế độ thù lao, phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ phụ trách tủ sách chưa được đặt ra. Cán bộ tư pháp-hộ tịch cấp xã ở Bình Định quá tải công việc, người đến mượn, đọc sách và đối tượng mà các tủ sách pháp luật phục vụ chủ yếu là cán bộ cấp xã. Không ít xã, phường, thị trấn trong tỉnh mặc dù đã có tủ sách pháp luật nhưng chưa mở cửa phục vụ nhân dân tìm hiểu, tra cứu sách, báo pháp luật.

Nguyện nhân là do sự chủ động tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu pháp luật tại tủ sách pháp luật cấp xã của cán bộ, nhân dân còn hạn chế. Hoạt động tuyên truyền về tủ sách pháp luật chưa thực hiện thường xuyên dẫn đến rất ít người dân biết đến tủ sách pháp luật, phần lớn là cán bộ, công chức cấp xã khai thác, sử dụng. Tủ sách pháp luật chủ yếu được khai thác để tra cứu phục vụ cho những công việc cụ thể của các cơ quan, ban, ngành. Vị trí đặt tủ sách pháp luật cũng không thuận lợi cho người dân đến tra cứu, tìm đọc sách báo pháp luật, họ còn có tâm lý ngại vào cơ quan nhà nước để mượn hoặc đọc sách pháp luật; thủ tục mượn, trả sách quá rườm rà. Mặt khác, phần lớn người dân chỉ quan tâm đến việc tham khảo sách pháp luật khi có vấn đề phát sinh liên quan đến quyền lợi của họ. Mặt khác, sự phát triển của công nghệ-thông tin cũng tạo ra cho người dân tìm hiểu pháp luật thông qua các kênh thông tin khác...Cách bố trí, sắp xếp của các tủ sách pháp luật chưa khoa học, số lượng đầu sách, các lĩnh vực sách còn hạn chế, không đủ sức lôi cuốn, thu hút người dân quan tâm và tìm đọc..Ngoài ra, hiệu quả khai thác tủ sách pháp luật chưa cao, một phần là do tình trạng không ổn định trong việc bố trí cán bộ quản lý tủ sách. Thường xuyên thay đổi cán bộ tư pháp –hộ tịch cấp xã, trong khi tủ sách pháp luật lại cần người có khả năng, có kiến thức pháp luật quản lý để định hướng cho người tìm hiểu đọc tham khảo, cũng như hướng dẫn những nội dung mà người đọc chưa hiểu rõ.

Để tiếp tục tổ chức thực hiện Quyết định 1067/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Dự án xây dựng và quản lý tủ sách pháp luật, vì đây cũng là một hình thức quan trọng giúp cán bộ, nhân dân tiếp cận, tìm hiểu chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, xây dựng nếp sống văn minh.

          Để thực hiện, Chính phủ, Bộ Tư pháp cần có văn bản thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn trong việc xây dựng, khai thác và quản lý tủ sách pháp luật. Nghiên cứu, xem xét đặc thù của từng vùng miền khác nhau, từ đó đưa ra cách thức phù hợp về các mô hình quản lý, khai thác tủ sách pháp luật phù hợp cho từng địa phương. Có thể đặt công tác xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật vào chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ, và coi đây là một chương trình mục tiêu, nhằm hỗ trợ kinh phí cho địa phương thực hiện tốt công tác nâng hiểu biết pháp luật của cán bộ, nhân dân thông qua tủ sách pháp luật. Cần mở rộng đối tượng phục vụ của tủ sách pháp luật ở cấp xã đến tận thôn, làng, khối phố, tổ dân cư và phát huy tác dụng các mô hình tủ sách pháp luật tại trụ sở thôn, nhà rông, trường học,…kết hợp luân chuyển sách pháp luật cho nhau, tăng cường đầu sách cho tủ sách pháp luật, đáp ứng nhu cầu tìm đọc và tra cứu của cán bộ và nhân dân ở cơ sở. Phát huy được tác dụng, việc khai thác và sử dụng sách có hiệu quả, tránh được tình trạng mua sách tràn lan gây lãng phí mà không ai đọc! Bộ Tư pháp cần phối hợp với Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn cụ thể việc lập kinh phí đầu tư cho tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn từ Trung ương đến cơ sở để duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn. Trong đó, cần có chế độ phụ cấp cho các bộ phụ trách tủ sách pháp luật, nhằm động viên kịp thời sự nhiệt tình trách nhiệm, để họ làm tốt hơn việc quản lý và khai thác hiệu quả tủ sách pháp luật.

Nguyễn Huỳnh Huyện