Sơn La: Thực trạng tổ chức và hoạt động pháp chế trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

25/09/2008
Sau khi Nghị định số 122/2004/NĐ-CP Ngày 18 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Doanh nghiệp Nhà nước và Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT/BTP-BNV ngày 24 tháng 01 năm 2005 của liên Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 122/2004/NĐ-CP có hiệu lực, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước trong lĩnh vực này tại địa phương tiến hành hướng dẫn, đôn đốc xây dựng, củng cố tổ chức pháp chế tại các cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân tỉnh và Doanh nghiệp Nhà nước.

Thực hiện sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, liên ngành Sở Nội vụ, Sở Tư pháp có văn bản số 113/SNV-STP ngày 06 tháng 4 năm 2005 về việc thực hiện Nghị định số 122/2004/NĐ-CP trong đó yêu cầu các Sở, ban, ngành căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của từng ngành xây dựng đề án về việc thành lập Phòng Pháp chế hoặc bố trí 01 cán bộ chuyên trách đảm nhiệm công tác pháp chế của đơn vị. Đồng thời hướng dẫn các Doanh nghiệp nhà nước căn cứ vào nhu cầu công tác pháp chế mà thành lập tổ chức pháp chế hoặc bố trí cán bộ pháp chế chuyên trách theo quy định tại Điều 10, Nghị định số 122/2004/NĐ-CP. Trước mắt nếu chưa thành lập được Phòng pháp chế thì mỗi Sở, ban, ngành cần bố trí một cán bộ làm công tác pháp chế  thuộc Văn phòng Sở. Xong do nguồn cán bộ có trình độ pháp lý hoặc cán bộ có khả năng làm công tác này hiện đang thiếu nguồn và đang có sự bất cập về trình độ nên các sở, ban, ngành mới bố trí được một cán bộ làm công tác pháp chế để bước đầu đi vào hoạt động.

Công chức được bố trí làm công tác pháp chế ở các Sở, ban, ngành đều là công chức xếp ngạch chuyên viên trở lên, có trình độ cử nhân luật hoặc cử nhân chuyên ngành khác, có kiến thức pháp lý hoặc nhận thức về mặt pháp lý và có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Hàng năm, Sở Tư pháp cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về công tác pháp chế tại địa phương tổ chức tập huấn nghiệp vụ pháp chế cho lực lượng cán bộ làm công tác này trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó buớc đầu nâng cao được nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác pháp chế tại các cơ quan đơn vị, từng bước nâng cao năng lực, kiến thức và khả năng tham mưu của đội ngũ này đối với lãnh đạo các ngành về mặt pháp lý bước đầu làm nền tảng cho công tác thẩm định văn bản và kiểm soát các loại văn bản được giao theo quy định của pháp luật.

Trong thời gian tới, Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La tiếp tục khảo sát và tìm nguồn cán bộ và chỉ đạo các sở, ban, ngành thực hiện tốt tinh thần của Nghị định số 122/2004/NĐ-CP của Chính phủ.

Riêng đối với Doanh nghiệp Nhà nước cho đến nay chưa có báo cáo cụ thể về việc thành lập bộ phận pháp chế (Uỷ ban nhân dân tỉnh đang tiến hành kiểm tra nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện công tác pháp chế tại các đơn vị này)./.

Bùi Huy Toàn