Bắc Giang: Kết quả kiểm tra của HĐPHCTPBGDPL tỉnh về hoạt động của HĐPHCTPBGDPL các huyện, thành phố năm 2008

25/09/2008
Thực hiện Kế hoạch của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh về việc kiểm tra hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các huyện, thành phố năm 2008; Theo đó, 5 Tổ kiểm tra đã tiến hành kiểm tra hoạt động các Hội đồng PHCTPBGDPL huyện, thành phố và 17 Hội đồng PHCTPBGDPL xã, phường, thị trấn.

I. Hoạt động của HĐPHCTPBGDPL cấp huyện

 1. Tình hình tổ chức và hoạt động

Hội đồng cấp huyện thường xuyên được củng cố, kiện toàn, hầu hết Hội đồng cấp huyện đã kiện toàn về số lượng, đảm bảo cơ cấu thành phần, các ngành, lĩnh vực phát huy sức mạnh tổng hợp của địa phương. Chủ tịch Hội đồng cấp huyện là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND huyện, thành phố, trưởng phòng Tư pháp huyện, thành phố là Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng cấp huyện, các thành viên của Hội đồng cấp huyện là trưởng, phó các cơ quan, ban, ngành của huyện. Hội đồng PHCTPBGDPL cấp huyện đã có Quy chế hoạt động và phân công trách nhiệm cho từng thành viên theo dõi, phụ trách các lĩnh vực, địa bàn cụ thể. 

Hội đồng PHCTPBGDPL cấp huyện đã thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Hội đồng cấp tỉnh và chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương; xây dựng Kế hoạch hoạt động, ban hành các văn bản và triển khai thực hiện công tác tuyên truyền PBGDPL tại địa phương; đồng thời, chỉ đạo HĐPHCTPBGDPL cấp xã tổ chức thực hiện.

Đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp huyện thường xuyên được củng cố, kiện toàn và được bố trí ở các ngành, lĩnh vực làm công tác tuyên truyền pháp luật phù hợp với chuyên môn. Đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở được thành lập bước đầu đi vào hoạt động có nề nếp và đạt hiệu quả.

          Theo sự chỉ đạo của Hội đồng PHCTPBGDPL cấp huyện, Hội đồng PHCTPBGDPL cấp xã, thường xuyên được kiện toàn và hoạt động theo Quy chế. Đa số Hội đồng cấp xã hoạt động có hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức và chấp hành pháp luật của nhân dân. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của HĐPHCTPBDPL cấp huyện, cấp xã đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn so với các năm trước.  

2. Kết quả hoạt động của Hội đồng cấp huyện

a) Việc triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005-2010 của tỉnh (theo Quyết định số 212/2004/QĐ- TTg ngày 16/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ):

 Hội đồng PHCTPBGDPL cấp huyện đã  xây dựng Kế hoạch và chỉ đạo các ngành triển khai thực hiện công tác tuyên truyền của ngành và địa phương,  đồng thời chỉ đạo Hội đồng cấp xã xây dựng kế hoạch, tham mưu mở hội nghị phổ biến, tuyên truyền trên địa bàn. Hội đồng cấp xã đã xây dựng Kế hoạch Phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm và thường xuyên tổ chức thực hiện có hiệu quả các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương.

b) Kết quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của HĐPHCTPBGDPL cấp huyện 6 tháng đầu năm 2008

Hội đồng PHCTPBGDPL cấp huyện đã tập trung tuyên truyền những văn bản pháp luật quan trọng, liên quan đến đời sống hàng ngày của các tầng lớp nhân dân và các văn bản pháp luật mới được Quốc hội ban hành. Mỗi ngành thành viên tổ chức thực hiện việc tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực thuộc ngành mình phụ trách, đảm bảo việc tuyên truyền  phổ biến sâu rộng, có hiệu quả. Các văn bản được tuyên truyền phổ biến như: Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Nhà ở, Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Công chứng, Luật Luật sư, Luật Cư trú, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Bình đẳng giới, Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,  Luật Đất đai năm 2003, Pháp lệnh dân số, pháp luật về giao thông đường bộ, Bộ luật Dân sự năm 2005, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật phòng, chống ma tuý...

Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2008, một số văn bản thiết thực liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người dân và trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước như: Nghị định số 84/ 2007/NĐ - CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định bổ sung việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai; Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn... góp phần vào công cuộc cải cách hành chính nhà nước, phát huy quyền tự do, dân chủ trong nhân dân đã quan tâm, chú ý đến.  Bên cạnh đó, một số địa phương đã chủ động lựa chọn các hình thức, biện pháp phù hợp để tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa bước đầu đã thu được những kết quả tích cực.

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hệ thống thông tin đại chúng: Hội đồng cấp huyện đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành phối hợp với Đài truyền thanh huyện, thành phố thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục từ huyện đến cơ sở.  Hệ thống truyền thanh cơ sở đã dành thời lượng thích hợp để phát chuyên mục tìm hiểu pháp luật, giải đáp pháp luật và các thông tin pháp luật, mỗi tuần từ 2 – 3 buổi, mỗi buổi dành thời gian phát tin từ 10 – 15 phút.

Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hoà giải cơ sở: Đến nay, 10/10 huyện, thành phố đã kiện toàn 2563 (100%) tổ hoà giải và tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ hoà giải cho các thành viên tổ hoà giải. Tổng số vụ việc hoà giải phát sinh tại cơ sở 6 tháng đầu năm 2008 là 1918 vụ việc; số vụ hoà giải thành là 1629 đạt 84,93%, tăng 5,93% so với năm 2007. Công tác hoà giải hoạt động có hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc hoà giải những vụ việc, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, hạn chế các đơn thư vượt cấp, giữ gìn tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Một số huyện làm tốt công tác kiện toàn tổ chức hoà giải như: Yên Thế, Tân Yên, Lục Nam, Lạng Giang, Hiệp Hoà, thành phố Bắc Giang.

Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn: Hiện nay toàn tỉnh có 186 xã/229 xã, phường, thị trấn có điểm bưu điện văn hoá xã; việc luân chuyển sách pháp luật từ tủ sách pháp luật ở UBND các xã, đến 186 Điểm Bưu điện văn hoá xã (đạt 100% các điểm bưu điện văn hoá xã có sách pháp luật được luân chuyển đến), thu hút bình quân mỗi ngày có từ 2 đến 3 người đến tìm hiểu pháp luật/ 1 tủ sách pháp luật; các huyện, thành phố đã thực hiện tốt việc luân chuyển sách pháp luật từ tủ sách pháp luật ở UBND các xã, thị trấn đến Điểm Bưu điện văn hoá xã.

Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý: Phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước tỉnh, Tổ trợ giúp pháp lý tổ chức 21 đợt trợ giúp pháp lý lưu động với 387 vụ việc tại các xã, thị trấn của 6 huyện: Tân Yên, Yên Dũng, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang, Việt Yên.

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động của các Câu lạc bộ pháp luật như Câu lạc bộ thanh niên, Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm... đã phát huy thế mạnh trong việc tuyên truyền cho từng nhóm đối tượng ở địa phương. Hình thức sinh hoạt Câu lạc bộ trong đó có lồng ghép tuyên truyền pháp luật đã có tác dụng tích cực cho việc tuyên truyền PBGDPL tại địa phương, ngăn chặn được các tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Đặc biệt huyện Yên Thế đã nhân rộng mô hình CLB phòng chống tội phạm tại 100% các xã, thị trấn và các thôn bản trên địa bàn.

Hà Thanh Thuỷ