TP Hồ Chí Minh: Đề ra giải pháp nâng cao công tác hòa giải cơ sở

24/09/2008
Theo UBND TP.HCM sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, đã có nhiều vụ tranh chấp được giải quyết thuận lợi, công khai, dân chủ, góp phần nâng cao chất lượng hoà giải, nhận thức pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.

Được biết, trong thời gian tới, một số chỉ tiêu cần phải đảm bảo gồm: 100% xã - phường, thị trấn đều có tổ chức hoà giải cơ sở; 100% hoà giải viên được nhân dân bầu ra phải được Chủ tịch UBND xã - phường, thị trấn công nhận; từ 65% đến 70% các hoà giải viên hàng năm phải được tập huấn kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hoà giải; tỷ lệ hoà giải thành công hàng năm đạt trên 75%; hàng năm đạt 100% quận - huyện đều có sơ kết tổng kết công tác hoà giải ở địa phương. Bên cạnh đó, thành phố sẽ vận động các cán bộ, công chức, các luật gia, luật sư và các cán bộ ở các cấp các ngành đã nghỉ hưu tại địa phương, vận động các tổ chức chính trị ở cơ sở tham gia vào hoạt động hoà giải nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng hoà giải.

Cũng theo UBND TP.HCM, giải pháp cho thời gian tới là Hội đồng phối hợp Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp phải xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về hoà giải với UBMTTQ và tổ chức thành viên, nhất là việc xây dựng lực lượng, tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật và nghiệp vụ cho hoà giải viên. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ cho hoà giải viên dưới nhiều hình thức phong phú, sinh động, hỗ trợ các loại tài liệu tuyên truyền pháp luật cho các hoà giải viên; phối hợp với lực lượng cảnh sát khu vực hoặc Công an xã để thực hiện các vụ việc hoà giải phức tạp ở địa phương qua đó nâng cao uy tín của hoạt động hoà giải cơ. Ngoài ra, Hội đồng phối hợp còn phải tổ chức rút kinh nghiệm về mô hình tổ chức tổ hoà giải ở cơ sở, từ đó rút ra một mô hình hiệu quả nhất để triển khai thống nhất trên địa bàn toàn thành phố.

UBND TP mạnh dạn kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ quy định cụ thể mô hình tổ chức hoạt động hoà giải ở cơ sở phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cấp này và kinh phí trong hoạt động để động viên khuyến khích hoạt động ngày càng trở nên hiệu quả hơn.

Liên quan đến tủ sách pháp luật phường, xã, UBND TP.HCM cho biết, “Qua 10 năm thực hiện tại TP HCM, UBND các cấp đã xây dựng được hơn 2.200 tủ sách pháp luật ở các đơn vị phục vụ cho người dân mượn đọc và nghiên cứu”. UBND TP.HCM cũng đề ra phương hướng và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật cấp phường, xã. Theo đó, UBND các cấp phải tăng cường lãnh đạo việc xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật, mở rộng quy mô theo hướng thư viện pháp luật. Bên cạnh đó, cần bổ sung các đầu sách pháp luật mới kết hợp với việc thống kê, rà soát, hệ thống lại tủ sách, lập danh mục những sách, văn bản luật đã hết hiệu lực pháp luật để người dân tiện tra cứu. Chưa hết, hàng năm đẩy mạnh công tác tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý các tủ sách để nâng cao trình độ hiểu biết kiến thức pháp luật. Ngoài ra, cần tiếp tục luân chuyển, trao đổi sách giữa các tủ sách ở các UBND hoặc tủ sách ở các khu phố, tổ dân phố, ấp nhân dân với nhau nhằm tạo điều kiện cho người dân đọc được nhiều sách hơn…

Phong Trần