Phù Mỹ - Bình Định: Tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở

22/09/2008
Ngày 17.9, UBND huyện Phù Mỹ, Bình Định tổ chức tổng kết 10 (1998-2008) năm thực hiện Pháp lệnh tổ chức và hoạt động hoà giải cơ sở trên địa bàn huyện từ năm 1998 đến năm 2008.

Phù Mỹ là huyện đồng bằng phía bắc của tỉnh Bình Định, có diện tích tự nhiên 54.888 ha, toàn huyện có 17 xã, 2 thị trấn, 163 thôn, dân số 193.963 người, có 1 xã miền núi (Mỹ Châu), 1 xã đặc biệt khó khăn (Mỹ Đức) và 6 xã bãi ngang (Mỹ Thành, Mỹ Thọ, Mỹ An, Mỹ Cát, Mỹ Thắng, Mỹ Lợi). Từ khi có Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tổ chức triển khai thực hiện công tác hoà giải ngay từ cơ sở, không để vụ việc từ đơn giản trở thành phức tạp nên tình trạng khiếu kiện vượt cấp, đông người, không đúng pháp luật ngày càng giảm.

Toàn huyện có 19 Ban hoà giải với tổng số 152 thành viên và 164 tổ hoà giải với 1.142 hoà giải viên (trong đó có 1 tổ hoà giải của ban đầm vạn), được thành lập do đồng chí Bí thư chi bộ, Trưởng thôn hoặc Trưởng ban công tác mặt trận làm tổ trưởng tổ hoà giải. Mỗi tổ hoà giải có từ 7 đến 9 đồng chí, do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban. Công tác tổ chức xây dựng đội ngũ cán bộ và qua củng cố, kiện toàn đã kịp thời đưa những người có uy tín, trách nhiệm vào tổ hoà giải nên những mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân được hoà giải thành trên cơ sở thấu tình đạt lý, trong hoà giải đã phân tích, giải thích các quy định của pháp luật, kết hợp với các mối quan hệ tình cảm, truyền thống, đạo lý tốt đẹp của quê hương dân tộc Việt Nam. Các vụ hoà giải thành năm sau luôn cao hơn năm trước, việc chấp hành pháp luật của nhân dân trên địa bàn huyện ngày càng tốt hơn, việc tranh chấp, khiếu nại của công dân dược giải quyết kịp thời, ý thức chấp hành pháp luật của người dân càng nâng lên, quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm; các vụ vi phạm tranh chấp đất đai, an ninh trật tự, hôn nhân gia đình ngày càng hạn chế.

Từ năm 1998 đến nay toàn huyện đã hoà giải 9.100 vụ việc, hoà giải thành      8.190 vụ việc, đạt tỷ lệ trên 90%..Trong đó Tổ hoà giải hoà giải thành 7.335 vụ, Ban hoà giải hoà giải thành 855 vụ việc. Năm 1998 tỷ lệ hoà giải thành 65%, năm 2002 tỷ lệ hoà giải thành 77,5%; năm 2008 tỷ lệ hoà giải thành trên 90%. Cụ thể, mâu thuẫn, tranh chấp đất đai, đường đi lối lại: 39,20%; hôn nhân gia đình 6,53%; quan hệ dân sự 17,57% các tranh chấp khác 36,69%. Nổi bật trong 10 năm các tổ hoà giải, ban hoà giải đã làm tốt công tác hoà giải có Ban hoà giải xã Mỹ Hoà, Mỹ Trinh, Mỹ Hiệp, Mỹ Quang, Mỹ Cát, Mỹ Thọ, Mỹ Châu, Mỹ Lộc. Tổ hoà giải có tổ hoà giải của các thôn: Phước Thọ, Hội Khánh, An Lạc 2 (Mỹ Hoà), Chánh Thuận, Trung Hội (Mỹ Trinh), Vạn Phước Đông, Thạnh An, Bình Tân Đông (Mỹ Hiệp), Trung Thành 1, Trung Thành 2 (Mỹ Quang), Trung Bình, Trung Thuận (Mỹ Chánh Tây), Chánh Khoan Tây, Chánh Khoan Nam (Mỹ Lợi), Vạn Lương, Châu Trúc (Mỹ Châu), Xuân Bình Bắc, Xuân Bình Nam (Mỹ Thành), An Hoà, Trung Xuân, Hiệp An (Mỹ Chánh)…Có nhiều phương pháp hoà giải hay, nắm được kỹ năng, nghiệp vụ, nguyên tắc, trình tự hoà giải là kiên trì, tổ chức nhiều lần trong suốt quá trình thực hiện hoà giải, phù hợp với nguyện vọng của các bên tranh chấp  nên kết quả đạt tỷ lệ cao.

Để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về công tác hoà giải ở cơ sở, ngay từ khi có pháp lệnh và Nghị định 160/1999/NĐ-CP ngày 18/10/1999, Phòng Tư pháp là cơ quan tham mưu giúp việc cho UBND huyện đã xây dựng chương trình công tác, theo dõi, đánh giá kết quả trong tháng, quý, năm của lĩnh vực này, hàng năm có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra, uốn nắn kịp thời những thiếu sót. Năm 2000, tổ chức 19 lớp tập huấn cho các thành viên và tổ viên tổ hoà giải ở 19 xã trong huyện. Năm 2004, tổ chức hội thi “Hoà giải viên giỏi” ở các xã và ở huyện. Năm 2007, Phòng Tư pháp tổ chức 2 lớp tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng hoà giải cho 9 xã phía bắc huyện có 130 tổ viên, 10 xã phí nam huyện có 150 tổ viên. Kết quả đã nâng được kỹ năng và khả năng hoà giải, vận dụng được kiến thức pháp luật, đạo đức xã hội và kinh nghiệm trong cuộc sống để giải thích, hướng dẫn, thuyết phục, cảm hoá các bên tranh chấp, mẫu thuẫn nhằm xoá bỏ bất đồng đạc được thoả thuận phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội. Về kinh phí cho công tác hoà giải, chỉ có 60% số xã trong huyện chi cho các vụ hoà giải thành, 40% số xã còn lại hầu như không có kinh phí.

Công tác hoà giải ở cơ sở trong thực tế đã khẳng định không thể thiếu mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan Tư pháp với Mặt trận và các đoàn thể. Văn bản phối hợp chủ yếu là quy chế hoạt động của Ban hoà giải quy định chức năng, nhiệm vụ của thành viên. Các hoạt động phối hợp cụ thể: sau khi sự việc mâu thuẫn tranh chấp xảy ra, đối tượng tranh chấp là đoàn viên, hội viên của đoàn thể nào thì cán bộ tư pháp phối hợp với đoàn thể đó trực tiếp tìm hiểu sự việc phát sinh, tâm tư nguyện vọng,  động viên tự dàn xếp thoả thuận từ trong gia đình, dòng họ, trực tiếp tham gia hoà giải từ cấp thôn lên đến cấp xã để nắm chắc tình hình phân tích, giải thích một cách thấu tình đạt lý mới đạt tỷ lệ hoà giải thành cao.

Qua 10 năm thực hiện Pháp lệnh tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở đã tạo ra bước chuyển biến mới trong việc nâng cao nhận thức hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân trên địa bàn, góp phần vào việc giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, giúp cho việc quản lý, điều hành xã hội bằng pháp luật, phục vụ tốt cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tạo nên ý thức chủ động, tích cực tìm hiểu pháp luật và thói quen chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân, tình hình vi phạm pháp luật ở địa phương năm sau giảm hơn năm trước, về tội phạm hình sự giảm đáng kể, các vụ tranh chấp dân sự, đất đai, hôn nhân gia đình theo quy định của pháp luật cũng được hoà giải ở cơ sở. Từ đó lượng đơn thư khởi kiện đến toà án và các cơ quan chức năng giảm đáng kể. Năm 2002 tăng 10%, năm 2005 tăng 12 %, năm 2008 tăng 17%. Tính chất vụ việc tranh chấp cũng phức tạp hơn nên đòi hỏi cán bộ làm công tác hoà giải cũng phải có kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ thuyết phục tốt hơn mới đáp ứng số vụ hoà giải thành trên 90%.      

Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong 10 năm qua, đưa công tác hoà giải ngày càng đi vào chiều sâu, thường xuyên, rộng khắp trong nhân dân, chú trọng hoà giải trên các lĩnh vực mà pháp luật quy định như Bộ luật dân sự năm 2005, Luật Đất đai năm 2003, Luật thương mại, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật hôn nhân gia đình…; hoà giải theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật. Tổ chức quán triệt sâu sắc Pháp lệnh này và Nghị định 160/1999/NĐ-CP của Chính phủ làm cho cán bộ từ huyện đến cơ sở và toàn thể nhân dân trong huyện nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác hoà giải trong thời kỳ Công nghiệp hoá - hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.  Mỗi thành viên hoà giải của xã, tổ hoà giải thôn với chức năng nhiệm vụ được nhân dân giao phó có những đóng góp tích cực, đưa công tác hoà giải thật sự đi vào cuộc sống hàng này ở khu dân cư. Hoà giải nên vận dụng kiến thức pháp luật, đạo đức xã hội để giải thích, hướng dẫn, thuyết phục, cảm hoá các bên tranh chấp, mâu thuẫn đạt được thoả thuận giải quyết tranh chấp phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội, trên tinh thần hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau, xoá bỏ những mặc cảm và bỏ qua những thiếu sót của nhau. Trường hợp hoà giải không thành thì giải thích, hướng dẫn các bên tranh chấp xử sự cho phù hợp với pháp luật, làm thủ tục cần thiết đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết (không để dân đi lên huyện trong khi chưa có thủ tục giải quyết của xã).

Nguyễn Huỳnh Huyện