Huyện Bảo Thắng triển khai thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở

19/09/2008
Bảo Thắng là một huyện vùng thấp của tỉnh Lào Cai có diện tích 680.219 km2. Dân số trên 104.000 người với 17 dân tộc anh em chung sống ở 258 thôn, tổ dân phố, 12 xã và 03 thị trấn, có 01 xã giáp với nước láng giềng Trung Quốc.

Những năm qua, tình hình phát triển kinh tế-xã hội của huyện tương đối ổn định, tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt trên 17%, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân cũng từng bước được nâng cao. Bên cạnh đó, Bảo Thắng cũng gặp những khó khăn nhất định đó là huyện có 101 thôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, trình độ văn hoá còn hạn chế; nhiều thôn ở xa trung tâm, giao thông đi lại khó khăn. Sự phát triển kinh tế không đồng đều giữa các vùng, giữa dân tộc đa số với thiểu số, những mâu thuẫn, xích mích phát sinh trong các quan hệ gia đình, quan hệ xã hội vẫn còn tồn tại và diễn ra phức tạp, nhất là trong các lĩnh vực: Hôn nhân và gia đình, đất đai, tranh chấp dân sự... Các tệ nạn xã hội mại dâm, nghiện ma tuý, cờ bạc có chiều hướng gia tăng. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và công tác hoà giải ở cơ sở nói riêng.

Những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Huyện uỷ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, các cấp uỷ đảng, chính quyền xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác hoà giải. Xác định đây là hoạt động hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên tranh chấp đạt được thoả thuận, tự nguyện giải quyết với nhau những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ, nhằm xây dựng tình làng, nghĩa xóm, giữ gìn tình đoàn kết trong nội bộ cộng đồng dân cư, củng cố và phát huy những tình cảm, đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm giữ vững trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Nhất là từ khi Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua và triển khai về cơ sở. Trên cơ sở bám sát vào các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và các nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, nghị quyết Hội đồng nhân dân huyện về nâng cao hiệu lực lãnh đạo của cấp uỷ đảng trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, công tác hoà giải ở cơ sở, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các phòng, ban, đoàn thể cấp huyện và UBND cấp xã cụ thể thể hoá công tác hoà giải vào các chương trình, kế hoạch công tác hàng năm.

Do làm tốt chức năng quản lý nhà nước về công tác hoà giải ở cơ sở nên trong 10 năm qua (1998 - 2008) công tác hoà giải trên địa bàn huyện Bảo Thắng đã có những chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng. Tính đến hết tháng 6/2008 các tổ hoà giải được thành lập ở 258 thôn, tổ dân phố với 1.271 hoà giải viên, là những người có uy tín ở địa phương, có hiểu biết về đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, thường xuyên được củng cố, kiện toàn và tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hoà giải... Các tổ hoà giải trên địa bàn huyện đã tiếp nhận 5.837 vụ việc, hoà giải thành 4.962 vụ, đạt tỷ lệ hoà giải thành là 85%. Từ những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã tặng bằng khen cho 03 tập thể và 07 cá nhân trên địa bàn huyện đã có thành tích xuất sắc trong công tác hoà giải ở cơ sở.

Tuy nhiên, để công tác hoà giải trên địa bàn huyện Bảo Thắng đạt hiệu quả cao hơn thì cần khắc phục một số tồn tại như: Một số xã, thị trấn chưa dành sự quan tâm đúng mức, nhất là kinh phí bảo đảm cho công tác hoà giải; chưa thường xuyên tổ chức sơ, tổng kết để đánh giá rút kinh nghiệm; chưa kịp thời biểu dương khen thưởng các cá nhân và tập thể điển hình tiên tiến có nhiều cố gắng trong hoạt động hoà giải và luôn tâm huyết với nhiệm vụ được nhân dân giao phó; một số tổ hoà giải và hoà giải viên chưa phát huy được vai trò trách nhiệm của mình, thiếu tích cực, chủ động, chưa tâm huyết với công việc, nên số vụ việc hoà giải không thành phải chuyển cấp trên giải quyết còn cao, chiếm từ 10 - 15 %...

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác hoà giải ở cơ sở trong thời gian tới chính quyền xã, thị trấn trên địa bàn huyện cần bố trí hỗ trợ kinh phí cho tổ hoà giải và hoà giải viên. Định kỳ tổ chức sơ, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để khắc phục những tồn tại, yếu kém đồng thời, biểu dương khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân điển hình, có thành tích xuất sắc trong công tác hoà giải ở cơ sở... 

 

Trần Lan Hương - Sở Tư pháp Lào Cai