Ngành Tư pháp Thái Bình: Kết quả thực hiện Nghị quyết 49/NQ-TW

18/09/2008
Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách Tư pháp đến 2020, ngành Tư pháp Thái Bình đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận:

        Về công tác triển khai, quán triệt Nghị quyết: Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thái Bình, Ban Chấp hành Đảng ủy và lãnh đạo Sở đã triển khai, quán triệt Nghị quyết đến tất cả cán bộ, đảng viên trong cơ quan, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức cho cán bộ công chức học tập, nghiên cứu nghị quyết. Trong công tác chỉ đạo và xây dựng chương trình kế hoạch công tác, thường xuyên đặt mục tiêu và biện pháp cụ thể nhằm triển khai tổ chức thực hiện tốt nghị quyết. Sở Tư pháp đã tham mưu, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng kế hoạch, chương trình hành động chung của tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết. Đồng thời Sở Tư pháp xây dựng kế hoạch riêng của ngành cụ thể hoá những việc mà ngành phải triển khai thực hiện. Những nội dung cơ bản của Nghị quyết và các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương cũng như kế hoạch của ngành đã được triển khai, quán triệt đến tất cả cán bộ công chức trong ngành.
         Nhằm đảm bảo việc thực hiện Nghị quyết có hiệu quả, trong chương trình công tác hàng năm, Sở Tư pháp bám sát nội dung Nghị quyết xây dựng chương trình công tác, phân công cụ thể cho từng đơn vị, từng cán bộ quản lý đơn vị cơ sở, định rõ thời gian để triển khai thực hiện.
         Nhìn chung công tác triển khai, quán triệt Nghị quyết được thực hiện rất chặt chẽ, toàn diện. Thông qua việc quán triệt, triển khai Nghị quyết cán bộ, đảng viên trong cơ quan đã nhận thức sâu sắc sự quyết tâm của Đảng và nhà nước ta trên con đường đổi mới, phát triển đất nước. Trong đó tiến trình cải cách hành chính, cải cách Tư pháp là chủ trương có tính đột phá, tiến tới xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của dân, do dân và vì dân. 
         Về kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao. 
         Thứ nhất, về công tác thi hành án dân sự: Chỉ đạo sát sao việc triển khai thực hiện Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ về công tác thi hành án dân sự. Ngành Tư pháp đã tích cực tham mưu cho Ban chỉ đạo thi hành án của tỉnh và huyện duy trì hoạt động, kịp thời chỉ đạo các vụ việc phức tạp. Kết quả công tác thi hành án dân sự 3 năm qua đều tăng hơn so với những năm trước đây: Năm 2005 về việc đạt 74,1 % (vượt 24,1%); về tiền đạt 82,95 % (vượt 33% chỉ tiêu của Bộ). Năm 2006 về việc đạt 84% (vượt 24%) về tiền đạt 81% (vượt 31%). Năm 2007 số án đưa ra thi hành là 7440 việc. Trong đó đã giải quyết xong cao hơn năm trước 194 việc đạt 83% (vượt 10%). Về tiền, giá trị hiện vật năm 2007 đạt 82% % (vượt 27%). Hàng chục xã có từ 10 đến 20 bản án phải đôn đốc đã thi hành xong 100%. 
         Thứ hai, về các hoạt động quản lý, hành chính Tư pháp: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, tham mưu cho Tỉnh uỷ ra Chỉ thị số 13/CT- TU ngày 21/11/2002 về tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Tham mưu cho UBND tỉnh Tổng kết 5 năm (2003 - 2007) thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo Chỉ thị 32/CT-TW của Ban Bí thư TW Đảng và Quyết định số 13/QĐ-UBND thực hiện Chương trình quốc gia về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Xây dựng kế hoạch, biên soạn tài liệu, tổ chức tuyên truyền sâu rộng Luật bầu cử Đại biểu quốc hội, phục vụ cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII. Tham mưu cho Tỉnh uỷ ra văn bản số 347/CV-TU ngày 22/5/2007 chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện thông báo số 74-TB/TW của Ban Bí thư TW Đảng nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 32/CT -TW về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. 
        Tổ chức sơ kết 4 năm thực hiện Quyết định 325/2003/QĐ-UBND của UBND tỉnh về xây dựng Hương ước, Quy ước thôn làng, tổ dân phố. Triển khai các văn bản xây dựng nếp sống văn hóa mới, thực hiện pháp lệnh dân số năm 2003, gắn vào nội dung Hương ước, Quy ước. Qua đó tiếp tục đẩy mạnh công tác này trên địa bàn toàn tỉnh. Tăng cường chỉ đạo thực hiện cơ chế "Một cửa" bố trí cán bộ có trách nhiệm tiếp, giải quyết các yêu cầu của công dân thuân tiện trong lĩnh vực Hộ tịch, lý lịch Tư pháp và công chứng. 
        Hàng năm, mỗi quý ấn hành một số Bản tin tư pháp (800 cuốn/số) phục vụ tốt cho công tác tuyên truyền pháp luật và bổ sung tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn. Tính đến nay, toàn tỉnh có 2.070 tổ hoà giải với 15.072 hoà giải viên. Trong năm các tổ hoà giải đã tiến hành thụ lý 4.994 việc, đã hoà giải thành 4160 việc, đạt tỷ lệ 82%./.

Ngọc Hiển