Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng tổ chức sơ kết 10 năm thực hiện Đề án “Rà soát, bổ sung và xây dựng các VBQPPL của thành phố về phòng, chống tội phạm; tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật và trách nhiệm công dân về bảo vệ an ninh trật tự”

18/09/2008
Thực hiện Kế hoạch số 7069/KH-UBND ngày 31/12/2007 của Chủ tịch UBND thành phố về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm năm 2008 và Công văn số 21/CV-CATP ngày 25/2/2008 của Cơ quan thường trực phòng, chống tội phạm về việc thực hiện một số nội dung trong Kế hoạch thực hiện chương trình phòng, chống tội phạm, ngày 17/9/2008, Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng đã tổ chức sơ kết 10 năm thực hiện Đề án: “Rà soát, bổ sung và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của thành phố về phòng, chống tội phạm; tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật và trách nhiệm công dân về bảo vệ an ninh trật tự”

Hội nghị đã đánh giá kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 09/CP và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm của ngành Tư pháp thành phố Đà Nẵng, kết quả Kết quả triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm ở thành phố, trong đó, đối với công tác rà soát, bổ sung và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của thành phố về phòng, chống tội phạm, Sở Tư pháp thành phố và các Phòng Tư pháp quận, huyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã tiến hành lên danh mục, rà soát và hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương về phòng, chống tội phạm. Đến nay, đã tập hợp, rà soát xong các văn bản ban hành trong 10 năm (1998-2008) với kết quả: 950 văn bản quy phạm pháp luật được rà soát, trong đó có 572 văn bản còn hiệu lực thi hành.

Ngoài ra, Sở Tư pháp thành phố đã phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan soạn thảo, góp ý, thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tội phạm, trình UBND ban hành về công tác giữ gìn an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm ở địa phương. Riêng cấp thành phố, trong 10 năm qua đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành 131 văn bản quy phạm pháp luật về an ninh - trật tự, phòng, chống tội phạm, trong đó có 10 Nghị quyết, 30 Chỉ thị và 91 Quyết định

Bên cạnh việc thực hiện rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, từ năm 1997 đến nay, Sở Tư pháp triển khai việc in ấn, phát hành “Tập văn bản quy phạm pháp luật của HĐND-UBND thành phố Đà Nẵng” nhằm giúp cho việc quản lý, theo dõi, cập nhật văn bản của thành phố dễ dàng hơn.

Đồng thời, từ năm 2005 đến nay, Sở Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tham gia soạn thảo, tham gia góp ý, thẩm định 30 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của UBND thành phố có nội dung liên quan về an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm.

Các Phòng Tư pháp quận, huyện cũng đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình trong công tác công tác thẩm định, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương. Qua rà soát cho thấy, đến nay có 50 văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, trong đó có 10 Nghị quyết, 26 Quyết định, 14 Chỉ thị của Uỷ ban nhân dân quận, huyện ở địa phương còn hiệu lực thi hành. Qua kiểm tra, nhiều địa phương đã phát hiện kịp thời những văn bản không còn phù hợp và tham mưu cho Chủ tịch UBND quận, huyện kịp thời sửa đổi, bổ sung, như các văn bản liên quan đến công tác tổ chức hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành 814 đã bị thay thế bởi quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm ở quận, huyện.

Đối với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm, trong những năm qua, Sở Tư pháp đã xây dựng và chỉ đạo đội ngũ báo cáo viên thực hiện công tác tuyên truyền các nội dung pháp luật có liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Khiếu nại - Tố cáo, Luật Cư trú, Luật bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Pháp lệnh Giám định tư pháp, Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, Pháp lệnh Hoà giải ở cơ sở và các văn bản pháp luật khác tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố. Hằng năm, Sở Tư pháp còn tổ chức nhiều hội nghị tập huấn tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma tuý, mại dâm cho cán bộ, công chức của ngành tư pháp. Về phía các cơ quan tiến hành tố tụng, công tác điều tra, xét xử và thi hành án cũng tập trung thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục pháp luật, thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo quần chúng nhân dân.

  Là cơ quan thường trực Hội đồng PHCT Phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố, hằng năm Sở Tư pháp đã thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho UBND thành phố trong việc ban hành Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong đó, để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, các văn bản được tuyên truyền, phổ biến được chia thành từng nhóm, tuỳ thuộc vào nội dung của văn bản mà cơ quan thường trực Hội đồng sẽ tham mưu để đưa vào nhóm nội dung cần tuyên truyền, phổ biến thường xuyên hoặc nhóm nội dung cần ưu tiên tuyên truyền trong kế hoạch. Các thành viên của Hội đồng đã tổ chức phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ và nhân dân nội dung các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó tập trung vào các văn bản mới được ban hành, có liên quan đến đời sống nhân dân, các lĩnh vực trọng điểm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước ở địa phương như pháp luật về dân sự, kinh tế (như Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Thuế thu nhập cá nhân…); về quyền dân chủ của công dân (như Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Đặc xá, các quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở…); về an ninh, trật tự (như Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP, Luật Biên giới quốc gia, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm…); về hội nhập kinh tế quốc tế (như Luật Đầu tư, Luật Thương mại, các quy định liên quan đến việc Việt Nam gia nhập WTO…); về văn hoá -  xã hội (như Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em, Pháp lệnh người cao tuổi, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo…).

  Đặc biệt, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 1780/KH-UBND ngày 29/3/2008 về tuyên truyền, phổ biến Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Để góp phần xoá bỏ những định kiến về giới và phòng, chống tình trạng bạo lực gia đình đang diễn ra ngày càng phổ biến ở nhiều nơi, các cơ quan, đơn vị thành viên trên địa bàn thành phố đã chủ động tổ chức triển khai tuyên truyền sâu rộng về Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn thành phố. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh trật tự ngày càng coi trọng, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình “5 không” của thành phố.

  Công tác phối hợp giữa Sở Tư pháp với các cơ quan, đoàn thể như Sở Giáo dục và Đào tạo, Thành đoàn Đà Nẵng, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố vẫn tiếp tục được duy trì và phát huy hiệu quả. Ngoài ra, việc phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hệ thống thông tin đại chúng ngày càng được cải tiến và sử dụng có hiệu quả. Chương trình phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng chuyên mục “ Pháp luật và đời sống” để đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tội phạm; đưa tin, bài, các chuyên đề, phóng sự về công tác phòng, chống ma tuý, tội phạm trên sóng phát thanh và truyền hình. Báo Đà Nẵng và Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng là hai cơ quan ngôn luận được đông đảo quần chúng quan tâm, theo dõi nên việc phối hợp với các cơ quan này trong công tác tuyên truyền, phổ biến được duy trì thường xuyên. Các chuyên trang, chuyên mục trên báo, đài được củng cố, cải tiến và tăng về số lượng, chất lượng.

  Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tuyên truyền pháp luật trên địa bàn thành phố, 6 tháng đầu năm 2008, Sở Tư pháp phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng (Ban Khoa giáo) xây dựng các tiểu phẩm tuyên truyền dưới hình thức tiểu phẩm, sân khấu hoá về những lĩnh vực liên quan đến đời sống hàng ngày, trong đó có phòng, chống tội phạm, chương trình đã nhận được sự quan tâm và đồng tình ủng hộ đặc biệt của dư luận thành phố.

  Song song với hình thức tuyên truyền miệng thì tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng là một trong những hình thức đưa pháp luật đến với người dân một cách có hiệu quả. Tài liệu tuyên truyền pháp luật đã được Sở Tư pháp biên soạn, phát hành đa dạng và chú trọng hơn về hình thức để hấp dẫn người đọc, người xem như tài liệu Hỏi - đáp, sổ tay pháp luật, tờ gấp, tờ rơi…

Trong 10 năm qua, Sở Tư pháp đã tiến hành nghiên cứu, biên soạn và phát hành hàng nghìn tài liệu tuyên truyền pháp luật (trong đó có nội dung về các quy định của Bộ luật Hình sự về tội phạm). Ngoài ra, Bản tin Tư pháp được xuất bản và phát hành định kỳ với nội dung gắn hoạt động của các ngành với việc giới thiệu văn bản mới, gương điển hình về chấp hành pháp luật… Đây là diễn đàn cho cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân tham gia nghiên cứu, phản ánh, trao đổi và là một trong những kênh thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiệu quả, bổ ích trên địa bàn thành phố.

Hoạt động tuyên truyền thông qua hình thức cổ động trực quan, sân khấu hoá, thi tìm hiểu pháp luật trong quần chúng nhân dân và ở các ngành đoàn thể, địa phương tiếp tục được chú trọng bởi đây là hình thức đặc biệt trong việc chuyển tải nội dung pháp luật đến với mọi người một cách hiệu quả. Trong nhiều năm qua, Sở Tư pháp đã tổ chức nhiều cuộc thi với quy mô lớn trong phạm vi toàn thành phố, được đông đảo nhân dân hưởng ứng tham gia như: thi tìm hiểu Bộ luật Hình sự, Luật phòng, chống ma tuý với hình thức sân khấu hoá mang tên “Vươn tới ước mơ xanh”, cuộc thi “hộ tịch viên giỏi”, thi “tìm hiểu Luật Phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”… Các cuộc thi tìm hiểu pháp luật đã thực sự trở thành hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả, hấp dẫn đối với người dân. Điểm nổi bật thông qua cuộc thi tìm hiểu pháp luật là thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia và có tính xã hội hoá cao.

Như vậy, trong 10 năm qua, ngành Tư pháp thành phố Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực trong công tác tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 09/CP và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, tập trung chủ yếu vào việc triển khai thực hiện Đề án số IV với nội dung tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm và trách nhiệm công dân về bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Qua đó nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm và nghĩa vụ, ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, công chức và nhân dân, tăng cường và giữ vững trật tự kỷ cương, an toàn xã hội, ngăn ngừa có hiệu quả vi phạm pháp luật trong đời sống xã hội tại địa phương./.

Thu Hường