Thái Bình: Sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở

22/09/2008
Trong những năm qua, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở luôn xác định công tác hoà giải ở cơ sở có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đến nay, qua 10 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh, Chỉ thị số 14/CT-TU của Tỉnh uỷ về việc tổ chức thi hành Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở đã thu được những kết quả đáng ghi nhận:

         Về công tác tổ chức, triển khai thực hiện Pháp lệnh: Ngay sau khi có Pháp lệnh vê tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, Nghị định 160/19999/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/10/1999 quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở. Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai toàn văn Pháp lệnh, Nghị định và Chỉ thị của Tỉnh uỷ đến cán bộ chủ chốt các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, huyện. Trên cở hội nghị này, các huyện thành phố đều triển khai và quán triệt nghiêm túc sâu rộng tới tận thôn, tổ dân phố 286 xã phường thị trấn trong tỉnh. Mỗi hội nghị hơn 100 đại biểu tham dự.

          Tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn các huyện thành phố thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh và Nghị định hướng dẫn của Chính phủ về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở như Chỉ thị số 14/CT-TU ngày 23/4/1999 của Tỉnh uỷ về việc tổ chức thi hành Pháp lệnh Tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở. Sở còn phối hợp với UBMTTQVN tỉnh ban hành văn bản liên ngành số 01/LNTP-MT ngày 1/8/2002 để đôn đốc cơ sở tổ chức thực hiện tốt công tác hòa giải. Trên cơ sở đó, Phòng Tư pháp đã phối hợp với MTTQ cùng cấp tổ chức phối hợp kiểm tra và chỉ đạo lựa chọn giới thiệu, bầu tham gia vào tổ hoà giải ở tất cả các xã, phường, thị trấn trong huyện, thành phố.

          Về xây dựng và kiện toàn tổ chức Tổ hoà giải: Tổ chức tổ hoà giải ở Thái Bình được thành lập qua 2 giai đoạn: Trước khi có Quyết định 65/2002/QĐ-UB ngày 29/8/2002 của UBND tỉnh tổ hoà giải được thành lập ở xóm, tổ dân phố với số lượng tổ hoà giải là 2939. Sau khi có Quyết định số 65/QĐ-UBND ngày 29/8/2002 của UBND tỉnh về việc chuyển đổi mô hình tổ chức xóm thành thôn, Sở Tư pháp và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã có văn bản chỉ đạo kiện toàn lại tổ hoà giải ở thôn, tổ dân phố. Mỗi thôn, tổ dân phố thành lập 01 tổ hoà giải. Nếu địa phương nào đông dân cư, địa bàn rộng có thể thành lập thêm tổ ở cụm dân cư hoặc tăng thêm số lượng hoà giải viên bảo đảm các khu dân cư, cụm dân cư đều có hoà giải viên. Các tổ hoà giải kiện toàn trên cơ sở Ban Tư pháp xã phối hợp với UBMTTQVN cùng cấp, Trưởng thôn, Tổ trưởng dân phố tiến hành rà soát số lượng tổ hoà giải, hoà giải viên để đảm bảo đủ về số lượng, trình độ, chuyên môn nghiệp vụ và khả năng đáp ứng nhu cầu công tác, số người cần bổ sung hoặc thôi không làm hoà giải viên. Trên cơ sở đó đề xuất ý kiến, tổ chức việc họp thôn, tổ dân phố để lấy phiếu tín nhiệm và báo cáo danh sách để UBND cấp xã ra quyết định công nhận. Sau khi kết quả được công nhận thì thông báo công khai cho nhân dân biết để các tổ hoà giải và hoà giải viên thực hiện nhiệm vụ của mình. Đến nay ở Thái Bình đã kiện toàn được 2.070 tổ hoà giải, 100% số thôn có tổ hoà giải.

           Hàng năm, để nâng cao trình độ nghiệp vụ cho hoà giải viên, Sở đều có công văn chỉ đạo Phòng Tư pháp các huyện, thành phố phối hợp với MTTQ huyện và cơ sở tổ chức tập huấn nghiệp vụ hoà giải cho đội ngũ hoà giải viên cơ sở ít nhất 01lần/năm. Thông qua lớp tập huấn này, các hoà giải viên có cơ hội thảo luận, trao đổi những kinh nghiệm điển hình, biện pháp hoà giải hay ở địa phương để học tập.

           Cũng trong thời gian qua, Ngành Tư pháp đã biên tập và phát hành 5.000 cuốn tài liệu giới thiệu nội dung của pháp lệnh, 2.500 cuốn sách bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ hoà giải viên được cấp phát tới tất cả các tổ hoà giải trong toàn tỉnh; đã in hàng vạn tờ rơi, tờ gấp giới thiệu trích dẫn những quy định của pháp luật liên quan đến công tác hoà giải để làm tài liệu cho các hoà giải viên.

            Về mô hình tổ chức, cơ cấu, số lượng tổ viên tổ hoà giải: Trong những năm qua, xuất phát từ tình hình đặc điểm của địa phương, tổ chức hoà giải ở Thái Bình được thành lập ở 2 cấp. Có 270/286 xã, phường, thị trấn thành lập Ban hoà giải ở cấp xã do một đồng chí Phó Chủ tịch cấp xã làm trưởng ban, cán bộ Tư pháp hộ tịch làm phó ban, thành viên Ban hoà giải có từ 5 đến 7 thành viên là trưởng các ban, ngành đoàn thể của xã, phường, thị trấn tham gia. Đối với cấp thôn, tổ dân phố, mỗi thôn thành lập ít nhất 01 tổ hoà giải. Toàn tỉnh hiện có 2.070 tổ hoà giải có các thành phần tham gia như: Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố 1.908, Bí thư chi bộ 1.914, Ban công tác Mặt trận 1.090, Hội Phụ nữ 2.091, Hội Nông dân 1.533, Đoàn Thành niên 1.857, Cựu chiến binh 1.692, Hội người cao tuổi 1.801, các đối tượng khác 1.186... Ngoài ra còn có lực lượng tham gia của cán bộ chính quyền đoàn thể cơ sở, cán bộ nghỉ hưu có tâm huyết với việc hoà giải, một số nơi tổ hoà giải có đại diện dòng họ lớn, các vị chức sắc tôn giáo.

            Số lượng hoà giải viên trong tỉnh hiện có là 15.072 người được phân bổ theo quy mô hình của từng loại thôn. Thôn loại 1 có từ 7 đến 9 người, có nơi 9 đến 11 người, thôn loại 2 và loại 3 có từ 5 đến 7 người. Ở các tổ dân phố thuộc thành phố, thị trấn không có sự thay đổi về tổ chức tổ hoà giải mà vẫn giữ nguyên như cũ.

            Về kết quả thực hiện: Trong 10 năm qua các tổ hoà giải trong tỉnh đã thực hiện hoà giải 118.432 việc. Lĩnh vực dân sự 42.278, hôn nhân gia đình 30.382, đất đai 25.617, môi trường 1.997, các lĩnh vực khác 18.158. Kết quả đã hoà giải thành 99.790 việc (đạt 84,2%), số vụ việc hoà giải không thành 6.026, số vụ việc hướng dẫn chuyển cơ quan chức năng giải quyết 7.453, số vụ việc đang hoà giải 4.663.

            Trong gần 100 nghìn vụ, việc mà các tổ hoà giải, hoà giải viên đã hoà giải thành phải kể đến: Vụ hoà giải đông người (72 người) ở xã Đông Quý (Tiền Hải); Vụ hoà giải của người phụ nữ ở thôn Tân Dân xã Bắc Sơn, huyện Hưng Hà 3 năm, 3 lần xin ly hôn hay như vụ cụ bà (70 tuổi) làm đơn xi ly hôn với cụ ông (72 tuổi) ở thôn Dục Linh xã An Ninh huyện Quỳnh Phụ…

            Trên đây chỉ là 3 vụ trong hàng ngàn vụ, việc các Ban, Tổ hoà giải và các hoà giải viên đã hoà giải thành. Để có được kết quả đó, trước hết là do có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sắc của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương từ tỉnh đến thôn, tổ dân phố. Bên cạnh đó, phải kể đến sự cống hiến nhiệt tình công tác của đội ngũ hoà giải viên trong toàn tỉnh. Tiêu biểu là bà Ngô Thị Hồng Loan, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ, hoà giải viên thôn Phú Cốc xã Nam Bình huyện Kiến Xương; Ông Phạm Ngọc Truỳ- Tổ phó Tổ hoà giải Thôn Trực Nho xã Minh Quang, huyện Vũ Thư; Ông Trương Đức Toàn- Bí thư Chi bộ- Tổ trưởng Tổ hoà giải Thôn Trung Lang xã Nam Hải huyện Tiền Hải; Ông Nguyễn Danh Phương - Bí thư Chi bộ- Tổ trưởng Tổ hoà giải Thôn Phong Lẫm xã Thuỵ Phong, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bnh….

            Như vậy, bình quân mỗi năm hoà giải thành gần 10.000 việc. Bình quân mỗi năm mỗi xã, phường hoà giải thành khoảng 30 việc. Ngoài ý nghĩa kết quả về con số trên còn có tác dụng thiết thực của công tác hoà giải mang lại là vô cùng to lớn đã giúp cho mỗi công dân thấy rõ trách nhiệm của mình trước lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội. Chính thông qua hoạt động hoà giải số vụ việc phải đưa ra các cơ quan nhà nước giải quyết giảm đáng kể. Đơn thư khiếu nại, tố cáo và "điểm nóng" được hạn chế hơn nhiều. Kết quả hoà giải góp phần tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc của nhân dân cũng như giảm bớt gánh nặng cho chi tiêu ngân sách nhà nước. Ngoài ra hoà giải còn là một cách thức hết sức tự nhiên, đơn giản để đưa pháp luật đến với mỗi người dân, giáo dục con người tình nhân ái, sống có trách nhiệm và tuân theo pháp luật trong tinh thần hoà hợp cộng đồng./.

Nguyễn Ngọc Hiển