Xã Ninh Tân (huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà): Hiệu quả từ các đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại cơ sở

08/10/2008
Là một xã miền núi thuộc diện khó khăn của huyện Ninh Hoà, Ninh Tân có 710 hộ với 3.106 nhân khẩu, trong đó hơn 98% dân số là người dân tộc thiểu số từ miền Bắc và Tây Nguyên di cư về, đời sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, nhận thức pháp luật hạn chế.

Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và chính quyền các cấp, Ninh Tân là một trong những địa phương có nhiều dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để phục vụ việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Đáng chú ý, họat ng trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách trong những năm qua ở Khánh Hoà nói chung và ở Ninh Tân nói riêng đã được chính quyền, các cơ quan tư pháp quan tâm triển khai thực hiện. Nhiều đợt trợ giúp pháp lý lưu động do Trung tâm trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước tỉnh kết hợp với Phòng Tư pháp huyện tổ chức đã tư vấn, giải đáp nhiều vướng mắc pháp luật của người dân trên địa bàn xã.

Qua các đợt TGPL, những vụ việc cụ thể được trợ giúp đã hình thành một nhịp cầu đối thoại giữa người dân và chính quyền xã. Không ít trường hợp sau khi được nghe hướng dẫn, phổ biến pháp luật, người dân hiểu ra rằng, vụ việc mà họ khiếu nại không phù hợp với quy định pháp luật và họ đã chủ động rút đơn, góp phần không nhỏ trong việc giảm áp lực giải quyết khiếu kiện, đơn thư tồn đọng, đơn thư vượt cấp và bảo đảm an ninh trật tự của địa phương. Năm 2005 địa phương có 8 đơn thư khiếu kiện, 2006 có 6 đơn khiếu kiện, 2007 có 4 đơn khiếu kiện, và 6 tháng đầu năm 2008 không có đơn thư khiếu kiện nào. Về phía chính quyền xã, thông qua sự trao đổi giữa người dân với Trung tâm TGPL cũng giúp chính quyền nhận ra được những thiếu sót trong quá trình quản lý, điều hành. Từ đó kịp thời chấn chỉnh, góp phần làm cho guồng máy nhà nước ở địa phương ngày một tốt hơn, được nhân dân tin tưởng.

Nhờ vào những lần TGPL và phổ biến pháp luật do Trung tâm tổ chức, kết quả chấp hành đúng pháp luật ở địa phương được phát huy. Đến nay, trên 95% người dân địa phương được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 98% các cặp vợ chồng đăng ký kết hôn trước khi làm lễ cưới, gần 100% trẻ em sinh ra được đăng ký khai sinh đúng hạn.

Bên cạnh đó, chính quyền xã luôn quan tâm đến hoạt động phổ biến pháp luật trong nhân dân. Đảng uỷ, UBND xã và các ban, ngành, đoàn thể cũng đã phối hợp tổ chức các cuộc thi lồng ghép tìm hiểu pháp luật trên các lĩnh vực như Hôn nhân và gia đình, Đất đai, Khiếu nại và tố cáo qua các hình thức hái hoa dân chủ, toạ đàm, Đài Truyền thanh xã...

Qua thực tế cho thấy, nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân, trong đó có người nghèo và đối tượng chính sách là rất lớn. Từ trình độ nhận thức hạn chế, không hiểu pháp luật nên một bộ phận người nghèo và đối tượng chính sách thường thụ động trong các quan hệ pháp luật, chưa thể tự bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật. Một phần cũng do họ không có điều kiện kinh tế để tiếp cận với các dịch vụ pháp lý nên thường phải chịu thiệt thòi khi có tranh chấp pháp luật xảy ra. Do đó, thông qua các phương thức thực hiện TGPL và phổ biến pháp luật, họ đã được trang bị những kiến thức pháp lý cơ bản để xử sự, không chỉ trong vụ việc cụ thể mà còn trong những vấn đề pháp lý tương tự.

Mong rằng, với sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa địa phương và Trung tâm TGPL, thời gian tới, công tác TGPL cho người nghèo và đối tượng chính sách của địa phương sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được để người dân có điều kiện tốt hơn trong việc nắm bắt kịp thời các quy định của pháp luật, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi cần thiết./.

Đặng Hữu