Sơn La: Sơ kết giai đoạn 1 Đề án thứ tư phát huy vai trò của cơ quan Tư pháp trong phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ nhân dân ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh

25/08/2008
Ngày 15/8/2008, Tiểu ban Chỉ đạo Đề án thứ tư Chương trình 212 của tỉnh do Sở Tư pháp chủ trì đã tiến hành sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Đề án thứ tư phát huy vai trò của cơ quan Tư pháp trong phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ nhân dân ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Việc triển khai thực hiện Đề án thứ tư đã được Sở Tư pháp và các cơ quan thành viên triển khai thực hiện sớm. Trong 2 năm các cơ quan phối hợp luôn bám sát mục tiêu của kế hoạch, triển khai các nội dung nhiệm vụ đã đề ra. Các cơ quan phối hợp không thành lập Ban điều hành, nhưng mỗi cơ quan đều phân công phòng chức năng và cử cán bộ theo dõi đôn đốc thực hiện kế hoạch triển khai đề án. Một số hoạt động cụ thể triển khai đề án được thực hiện:
Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Tư pháp, Công an cấp xã, Hội thẩm nhân dân.
Tổ chức tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luậtcho cán bộ tư pháp các xã, thị trấn.
Cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn là lực lượng quan trọng và là lực lượng nòng cốt trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở, do đó tập huấn và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ này thường xuyên được quan tâm chỉ đạo. Hàng năm, Sở Tư pháp tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp xã, đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh và huyện. Trong 2 năm, Sở Tư pháp đã tổ chức 08 lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tư pháp cấp xã về các lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ như: Soạn thảo văn bản, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, nghiệp vụ đăng ký quản lý hộ tịch, nghiệp vụ chứng thực...
Các phòng Tư pháp huyện tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ tuyên truyền viên cấp xã. Đội ngũ hoà giải viên toàn tỉnh hiện có 17.030 người, đang sinh hoạt ở 3.137 tổ hoà giải đựơc thành lập theo mô hình tổ bản, khối phố. Việc tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp lý, tổ chức trao đổi, học tập kinh nghiệm cho hoà giải viên hàng năm được giao cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện.
Bồi dưỡng nghiệp vụ cho công an xã, hội thẩm nhân dân
Từ năm 2006 đến 2008 Công an tỉnh đã tổ chức 32 lớp tập huấn nghiệp vụ cho chức danh là trưởng, phó, công an viên cấp xã; 28 lớp cho 1.732 lượt người thuộc lực lượng bảo vệ lâm trường, bảo vệ công ty…về các lĩnh vực như: xử lý vi phạm hành chính ở cấp xã, Chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với người phạm tội, phòng chống tệ nạn xã hội, an toàn trong phòng chống cháy nổ; kỹ năng tuyên truyền miệng…Trường Chính trị tỉnh tổ chức 23 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị và kiến thức pháp lý cho hơn 2000 lượt cán bộ cơ sở theo học tại trường…Toà án tỉnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho trên 200 lượt Hội thẩm nhân dân.
Xây dựng cơ chế phối hợp giữa ban tư pháp với các ban, ngành, tổ chức của hệ thống chính trị xã, phường, thị trấn trong việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật.
Nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó cơ quan tư pháp là đầu mối, vậy việc xây dựng cơ chế phối hợp trong hoạt động phổ biến, tuyên truyền pháp luật giữa Ban Tư pháp  với các ban, ngành tổ chức ở cấp xã là hết sức quan trọng và đã được cấp uỷ, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm chỉ đạo. Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp thường xuyên được kiện toàn, có quy chế, tổ chức hoạt động. Đến nay Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh có 36 thành viên là lãnh đạo các Sở, ban, ngành đoàn thể; Hội đồng phối hợp cấp huyện có 223 thành viên, Hội đồng cấp xã có 1.163 thành viên. Tính đến tháng 8 năm 2008, đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 654 Báo cáo viên pháp luật các cấp được công nhận và cấp thẻ báo cáo viên, trong đó có 121 báo cáo viên cấp huyện, tỉnh và tuyên truyền viên cấp xã có 532 người.
Việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân ở cấp xã: 
Nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật:
Bám sát nội dung đề án IV, Trên cơ sở chương trình chỉ đạo phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ và Kế hoạch của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh và tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Sở Tư pháp và các thành viên phối hợp đã tập trung tuyên truyền những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn triển khai kịp thời các văn bản pháp luật mới được Quốc hội khoá XI, XII thông qua tại các kỳ họp. Đặc biệt, là tiếp tục tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật phục vụ cho công tác di dân tái định cư Thuỷ điện Sơn La, bám sát sự chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chú trọng tuyên truyền sâu rộng các cuộc vận động lớn của Đảng như:
Đối với cán bộ cơ sở: Tập trung phổ biến về Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND; Luật Thể dục thể thao; Luật Đất đai; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Hôn nhân gia đình; Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; Luật phòng chống tham nhũng; Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí; Luật giáo dục; Luật cư trú; Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính; Pháp lệnh Hoà giải cơ sở, Quy chế dân chủ cơ sở và các văn bản về hộ tịch.
Đối với Nông dân: Ngoài những nội dung quy định trên cần tuyên truyền thêm về Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Bộ luật Dân sự…, thuế sử dụng đất nông nghiệp; các quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định tại Hiến pháp 1992 sửa đổi và công tác di dân tái định cư Thuỷ điện Sơn La.
Đối với đồng bào dân tộc thiểu số: Ngoài những nội dung nêu trên cần đi sâu tuyên truyền phổ biến Luật Biên giới quốc gia, Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Pháp lệnh Tôn giáo tín ngưỡng, Luật Trợ giúp pháp lý, Nghị định số 158/2005/NĐ-CP về công tác hộ tịch.
Đối với phụ nữ và thanh thiếu niên: Tập trung về Luật Bình đẳng giới; Luật Dạy nghề; Luật Nghĩa vụ quân sự; Luật Hình sự; Luật Hôn nhân gia đình; Luật Dân sự; Luật Chăm sóc và bảo vệ trẻ em; Luật Giáo dục; Luật Thanh niên; Luật Phòng, chống ma tuý; Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Pháp lệnh Dân số và công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản, Kế hoạch hoá gia đình ...
Các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được tập trung thực hiện
Hình thức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật:
Sở Tư pháp và các thành viên phối hợp thực hiện đề án đã tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nhất là những văn bản pháp luật mới ban hành cho cán bộ lãnh đạo, báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp. Cấp tỉnh tổ chức 06 cuộc hội nghị, ở cấp huyện trung bình hàng năm tổ chức hơn 67 hội nghị tập huấn, nói chuyện chuyên đề với khoảng 20 nghìn lượt người tham dự. Cấp xã ngoài việc thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật mới ban hành, còn đi sâu tuyên truyền, phổ biến nhiều chủ trương cụ thể liên quan đến việc thực hiện quy chế dân chủ và tình hình kinh tế - xã hội địa phương, công tác di dân tái định cư thuỷ điện Sơn La.
Hình thức biên soạn, phát hành tài liệu:
Sở Tư pháp và các ngành thành viên phối hợp phát hành hàng nghìn tờ rơi, tờ gấp pháp luật các loại có liên quan đến các lĩnh vực dân sự, hình sự, hôn nhân gia đình, quy chế dân chủ cơ sở, phòng chống tệ nạn xã hội, sinh hoạt cộng đồng, chương trình an toàn giao thông, công trình thuỷ điện Sơn La...để cấp phát đến tận người dân; Sở Tư pháp đã biên soạn lại nhiều đề cương nội dung các văn bản luật và các văn bản hướng dẫn thực hiện để giúp các ngành thành viên của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh, huyện, xã, báo cáo viên và tuyên truyền viên trong tỉnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có trọng tâm, trọng điểm, đúng thời điểm các văn bản có hiệu lực pháp luật. Góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh.
Hình thức thông qua việc xây dựng và khai thác tủ sách pháp luật:
Thực hiện Quyết định số 1067/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh Sơn La được trang bị tủ sách pháp luật ngay trong năm 1999, nhiều cơ quan, doanh nghiệp, trường học có tủ sách, ngăn sách pháp luật. Hàng năm, ngành Tư pháp tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ tư pháp - hộ tịch trên địa bàn tỉnh, trong đó có nội dung quản lý, khai thác tủ sách pháp luật: giới thiệu nghiệp vụ, quy chế, hướng dẫn phân loại, sắp xếp, bảo quản sách. Chỉ đạo tốt việc bổ sung các đầu sách, tài liệu phù hợp với đặc điểm kinh tế, văn hoá- xã hội của địa phương, phù hợp với nhiệm vụ chính trị của chính quyền cơ sở và với yêu cầu của người đọc. Định kỳ mua sách theo quý, năm và danh mục giới thiệu sách mới theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Các tủ sách pháp luật của xã không ngừng được bổ xung đầu sách. Đây là một trong những kênh phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả, giúp cho cán bộ chính quyền cơ sở thực hiện việc quản lý nhà nước theo pháp luật một cách có hiệu quả, giúp cho nhân dân thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ hợp pháp của công dân. Do được giải quyết từ cơ sở nên Sơn La là tỉnh không có khiếu kiện vượt cấp hoặc kéo dài cũng như điểm nóng về khiếu kiện tố cáo.
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là hệ thống truyền thanh cơ sở:
Sở Tư pháp đã phối hợp với các thành viên Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh như Công an, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Báo, Đài phát thanh truyền hình, Sở Y tế...xây dựng nhiều chuyên trang, chuyên mục với nhiều tin, bài, phóng sự liên quan đến hoạt động và thực thi pháp luật. Các huyện, thị xã duy trì thường xuyên chuyên mục "Giải đáp pháp luật" trên đài truyền thanh cấp huyện với thời lượng từ 15 đến 20 phút hàng tuần, kịp thời tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến đông đảo cán bộ và các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, Đài phát thanh - truyền hình tỉnh và đài phát thanh các huyện, thị còn phát các chương trình tiếng dân tộc dành cho đồng bào HMông, Thái...
Tính đến cuối tháng 6 năm 2008 toàn tỉnh có hơn 85% số dân được xem truyền hình, 3/4 số bản có hệ thống truyền thanh nội bộ. Đây là kênh thông tin thường xuyên, nhanh, kịp thời đối với bà con, một trong những hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật thiết thực và có hiệu quả. Các thành viên của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cấp xã đã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân cùng cấp, tiếp tục đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt đầu tư hệ thống loa truyền thanh cho các bản còn lại. Chỉ đạo các bản, tổ dân phố, cụm dân cư xử dụng hiệu quả hệ thống truyền thanh hiện có. Trên cơ sở hướng dẫn của tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị đã chỉ đạo Phòng Tư pháp, Phòng Văn hoá thông tin huyện, Uỷ ban nhân dân cấp xã, các tổ dân phố, bản, cụm dân cư đã xây dựng nội dung, chương trình, thời lượng và thời gian phát thanh. Kịp thời chuyển tải những nội dung pháp luật phù hợp với điều kiện địa phương, chú trọng tuyên truyền các văn bản pháp luật mới ban hành. Góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Thông qua thi tìm hiểu pháp luật:
Sở Tư pháp và thành viên phối hợp đã tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật thu hút đông đảo cán bộ nhân dân tham gia như thi "Hoà giải viên giỏi", thi "Tìm hiểu Luật Phòng cháy chữa cháy" "Luật Phòng chống ma tuý"... Các thành viên Hội đồng phối hợp của tỉnh như Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội nông dân, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã tổ chức nhiều hội thi, diễn đàn tìm hiểu pháp luật. Đây là hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đạt hiệu quả cao, vừa nâng cao năng lực thực thi pháp luật cho cán bộ, công chức nhà nước và cán bộ chính quyền cơ sở, vừa thu hút đông dảo quần chúng nhân dân tham gia tìm hiểu pháp luật.
Thông qua các loại hình câu lạc bộ:
Đã xây dựng các câu lạc bộ: "Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm"; "Mẹ chồng nàng dâu đoàn kết"; "Nông dân với pháp luật"; "Phụ nữ không sinh con thứ 3"; "Thanh, niên học sinh với pháp luật"; "Trợ giúp pháp lý"... Trong sinh hoạt các câu lạc bộ này đã chú trọng việc lồng, ghép nội dung pháp luật thiết thực gắn liền với chủ đề sinh hoạt, phát huy tốt hiệu quả và tác dụng trong nhân dân, góp phần xây dựng các phong trào quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội. Thực tế cho thấy việc phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động của các loại hình câu lạc bộ này vừa ít tốn kém, gọn nhẹ, không rườm rà, nặng nề nhưng có hiệu quả. Vì vậy, tổ chức Đảng, chính quyền, các đoàn thể của tỉnh rất quan tâm tạo điều kiện cơ sở vật chất, tinh thần, bảo đảm cho các loại hình Câu lạc bộ này ngày càng phát triển.
Thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý:
Trong 2 năm (2006 - 2007), Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Sơn La đã có nhiều nỗ lực để giải quyết các vụ việc trợ giúp pháp lý liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người nghèo, người có công, người dân tộc thiểu số và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật. Nhiều vụ việc phức tạp, khiếu kiện vượt cấp, kéo dài nhiều năm do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn dến làm giảm lòng tin của đối tượng đối với pháp luật của Nhà nước đã được Trung tâm tư vấn, hướng dẫn để giải quyết dứt diểm, giải toả tâm lý bức xúc, khiếu kiện trong nhân dân, nhất là với những vùng có "điểm nóng". Trong 2 năm, Trung tâm trợ giúp pháp lý đã tiến hành trợ giúp pháp lý miễn phí 1.529 vụ việc (trong đó số vụ việc về lĩnh vực hôn nhân gia đình là 127 vụ việc) cho 7.596 lượt đối tượng trợ giúp pháp lý.
Cùng với việc thực hiện trợ giúp pháp lý tại trụ sở, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đã phối hợp cùng đội ngũ công tác viên ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã đã tổ chức đi trợ giúp pháp lý lưu động xuống các cơ sở bản được 29 đợt, đến được 35 xã của 11 huyện, thị xã trong tỉnh chủ yếu là các xã vùng II, vùng III, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như HMông, Khơ Mú, Sinh Mun, Dao...Trong các đợt công tác đã tiến hành trợ giúp pháp lý và tuyên truyền pháp luật cho hàng nghìn lượt người dân nắm bắt về các lĩnh vực pháp luật: hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, khiếu nại tố cáo, phòng chống ma tuý...và các chế độ chính sách khác, trực tiếp phát được 24.438 tờ rơi, tờ gấp pháp luật (trong đó chữ Thái là 1980 tờ) với trên 30 nội dung pháp luật liên quan đến các lĩnh vực pháp luật khác nhau để cho nhân dân tự tìm hiểu và 300 băng casset tuyên truyền pháp luật (trong đó tiếng H.Mông là 120 băng, tiếng Thái là 180 băng) phát được 443 quyển sổ tay hỏi đáp pháp luật.
Hoạt động trợ giúp pháp lý trong những năm qua đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong việc thực hiện chức năng xã hội của Nhà nước, giúp đỡ pháp lý cho đông đảo các dân tộc, người nghèo, các đối tượng chính sách và một số đối tượng khác, đồng thời không thể thiếu trong đời sống pháp luật của xã hội, Hoạt động này đã góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống, góp phần thực hiện chủ trương xoá đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, bảo đảm công bằng xã hội.
Thông qua các phiên toà xét xử lưu động và công tác thi hành án trên địa bàn
 Với vai trò là cơ quan phối hợp trong Đề án, Toà án nhân dân tỉnh đã hướng dẫn toà án nhân dân địa phương tổ chức xét xử lưu động trên 50 vụ tại địa phương, thông qua đó góp phần tuyên truyền giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân ở địa phương.
Cùng với công tác xét xử lưu động, công tác thi hành án trong thời gian qua cũng đạt kết quả cao: Năm 2006 thi hành án dân sự thi hành đạt kết quả  56% về việc, 47% về tiền; năm 2007 đạt kết quả 76% về việc, 74% về tiền.
Phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường
Thực hiện chủ trương đưa pháp luật vào giảng dạy trong trường học, Sở Tư pháp đã phối hợp với Sở Giáo dục- Đào tạo tổ chức triển khai Luật Giáo dục tới toàn thể cán bộ, công chức Phòng Giáo dục, giáo viên dạy môn giáo dục công dân các trường trung học phổ thông; hàng năm phối hợp tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân ở các trường trung học cơ sở trong toàn tỉnh về Luật phòng, chống ma tuý, Luật giao thông đường bộ...
Bằng tuyên truyền cổ động:
Sở Tư pháp thường xuyên phối hợp cùng ngành Văn hoá- thông tin và những đơn vị có liên quan tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật sâu rộng trong nhân dân, như thông qua tuyên truyền miệng, tuyên truyền cổ động trực tiếp bằng panô, áp phích, các đội chiếu bóng lưu động, triển lãm tranh ảnh cổ động những vấn đề về an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ và phát triển rừng, phòng chống ma tuý và các tệ nạn xã hội, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội...
Các hình thức khác:
Ngoài các hình thức phổ biến trên, các ngành và địa phương trong tỉnh còn tiến hành phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua lễ hội truyền thống, sinh hoạt văn hoá: Kết hợp lồng ghép các kiến thức pháp luật vào các hoạt động văn hoá, lễ hội truyền thống của các dân tộc. Nội dung pháp luật hấp dẫn, dễ hiểu, dễ nhớ, thiết thực, xúc tích, diễn đạt phù hợp với từng đối tượng, tâm lý, lứa tuổi; gắn các quy phạm pháp luật với các quy phạm đạo đức, chuyển tải nội dung pháp luật ra dạng thơ, ca, hò, vè. Nhằm giúp nhân dân tiếp cận những quy định của pháp luật một cách thuận tiện nhất, góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Nhiều huyện còn tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua việc tổ chức thực hiện các phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng, chống tội phạm, xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư…
Qua việc sơ kết giai đoạn 1 thực hiện đề án 4 thuộc Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ. Tiểu ban chỉ đạo tiến hành đánh giá kết quả 02 triển khai thực hiện đề án, rút ra những bài học kinh nghiệm, đề ra những chủ trương, biện pháp tiếp tục việc thực hiện đề án trong giai đoạn tiếp theo./.
Bùi Huy Toàn, Sở Tư pháp Sơn La