Quảng Ninh: Tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở và xây dựng, khai thác Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn

22/08/2008
Quảng Ninh: Tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở và xây dựng, khai thác Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn
Nhằm đánh giá thực trạng công tác hoà giải ở cơ sở và công tác xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật cấp xã sau 10 năm triển khai, ngày 19 tháng 8 năm 2008, tại thành phố Hạ Long, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 triển khai thực hiện Pháp lệnh tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở và Quyết định số 1067/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn.

Tham dự Hội nghị có đại diện Bộ tư pháp và trên 200 đại biểu đại diện cho các sở, ban ngành, các tổ hoà giải ở cơ sở, cán bộ quản lý tủ sách, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đến dự và chỉ đạo hội nghị.

Đối với công tác hoà giải ở cơ sở:

Tính đến tháng 6/2008 toàn tỉnh đã thành lập được 1.730 tổ hoà giải với 9.413 hoà giải viên. Ở hầu hết các thôn, bản, khu phố đều có ít nhất một tổ hoà giải, nhiều nơi có từ 2 tổ hoà giải trở lên, như thành phố Hạ Long có 341 tổ hoà giải/150 khu phố với 2.143 hoà giải viên; huyện Đông Triều có 175 tổ hoà giải/174 thôn, khu phố với 1.200 hoà giải viên; huyện Đông Hưng có 181 tổ hoà giải/179 thôn, khu phố với 928 hoà giải viên… Số lượng hoà giải viên mỗi tổ hoà giải ít nhất là 3 người, phổ biến là từ 5 - 7 người. Thành phần và cơ cấu tổ hoà giải rất đa dạng, có sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và người có uy tín ở thôn, khu như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Luật gia, các già làng, trưởng bản, trưởng chi họ tộc, trưởng thôn, tổ trưởng tổ khu phố. Tổ trưởng tổ hoà giải do các tổ viên bầu, thường là người đứng đầu các tổ chức chính trị, chính trị xã hội, già làng, trưởng bản, có nơi là Hiệu trưởng trường học, giáo viên có uy tín. Hoà giải viên là người có trình độ văn hoá, kiến thức pháp luật nhất định, có uy tín, gương mẫu chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước.

Theo báo cáo của 14 huyện, thị xã, thành phố, trong 10 năm qua các tổ hoà giải trong toàn tỉnh đã tiếp nhận 48.259 vụ việc, trong đó hoà giải thành được 42.591 vụ việc, đạt tỷ lệ 88,2%. Các vụ việc hoà giải chủ yếu là những mâu thuẫn, tranh chấp về đất đai, quan hệ hôn nhân gia đình, vi phạm trật tự công cộng, trách nhiệm dân sự. Hoà giải viên đã vận dụng kinh nghiệm, kiến thức pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng, truyền thống đạo lý của dân tộc để giải thích, thuyết phục các bên tranh chấp, giúp họ nhận thức vấn đề, nhận ra sai lầm và khuyết điểm để đi đến thoả thuận cùng nhau khắc phục. Nhiều vụ việc phức tạp đã được giải quyết thấu tình đạt lý, đồng thời giữ gìn được tình làng, nghĩa xóm, đoàn kết cộng đồng cùng nhau xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư.

Đối với công tác xây dựng và khai thác tủ sách pháp luật cấp xã:

          Hiện nay, trên toàn tỉnh 100% các xã, phường, thị trấn đều xây dựng được tủ sách pháp luật. Tủ sách pháp luật cũng được thành lập tại các điểm bưu điện văn hoá xã (Uông Bí, Hoành Bồ, Yên Hưng, Đầm Hà, Cẩm Phả); tại thôn, làng, ấp, bản (Hoành Bồ, Yên Hưng, Cẩm Phả); tại các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị (Yên Hưng, Đầm Hà, Cẩm Phả, Tiên Yên); tại các đồn biên phòng. Kinh phí đầu tư cho mỗi tủ sách trung bình đạt từ 1 triệu đến 1,2 triệu đồng/năm. Trong những năm gần đây, một số huyện, thị xã có chủ trương “xã hội hoá” việc xây dựng tủ sách pháp luật nên đã nhận được sự đóng góp từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Tại các địa phương, tủ sách pháp luật được khai thác dưới nhiều hình thức khác nhau, cán bộ và nhân dân có thể đến đọc tại chỗ, mượn về nghiên cứu, lồng ghép giới thiệu sách trong các buổi giao lưu văn hoá, văn nghệ. Tủ sách pháp luật cũng là nơi cung cấp tài liệu cho cán bộ, đoàn thể, hoà giải viên, tuyên truyền viên, giáo viên, học sinh.

Theo thống kê của 12/14 huyện, thị xã, thành phố, trong 10 năm qua đã có 753.299 lượt người đến đọc, mượn sách pháp luật. Tủ sách pháp luật là một công cụ quan trọng, là cẩm nang pháp luật giúp chính quyền cơ sở hoạt động công khai, minh bạch và đúng pháp luật, phát huy dân chủ cơ sở, giảm thiểu các đơn thư khiếu kiện do thiếu hiểu biết pháp luật.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh đã trao tặng bằng khen cho 30 tập thể và 26 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hoà giải ở cơ sở và quản lý tủ sách pháp luật cấp xã.

          Hội nghị cũng nêu ra những khó khăn, hạn chế trong 10 năm triển khai công tác hoà giải ở cơ sở và công tác quản lý, khai thác tủ sách pháp luật ở cấp xã cần khắc phục trong thời gian tới:

-         Ở một số địa phương, cán bộ lãnh đạo chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng, vị trí, vai trò của công tác hoà giải và công tác xây dựng, khai thác tủ sách pháp luật chất lượng chưa cao, nhiều nơi còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ kinh phí và chỉ đạo của tỉnh, huyện.

-         Công tác chỉ đạo, hướng dẫn và bồi dưỡng nghiệp vụ tuy có sự quan tâm xong vẫn chưa được thường xuyên. Năng lực của một số cán bộ tư pháp, hoà giải viên còn hạn chế, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.

-         Kinh phí dành cho công tác hoà giải ở cơ sở và đầu tư cho tủ sách pháp luật trong những năm qua từng bước được quan tâm xong vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Nhà nước sớm ban hành Luật hoà giải ở cơ sở để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của công tác này có hiệu quả; đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi Thông tư số 63/2005/TT-BTC ngày 05/8/2005 để phù hợp với thực tế và xây dựng cơ chế hỗ trợ cho hoà giải viên, trợ giá và cấp phát sách, báo, tài liệu pháp luật cho vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số; đề nghị Bộ Tư pháp tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý và đội ngũ hoà giải viên. Để công tác hoà giải ở cơ sở và khai thác tủ sách pháp luật có hiệu quả trong thời gian tới, Uỷ ban nhân dân tỉnh sẽ quan tâm, tăng cường sự chỉ đạo, hỗ trợ địa phương trong công tác này.

Nguyễn Thị Quế