Tương Dương - Nghệ An: Hương ước đẩy lùi hủ tục

20/08/2008
Hương ước, quy ước thực ra chỉ là những văn bản mang tính “nội quy” làng, bản, tuy nhiên đây lại là những “công cụ” pháp luật cần thiết nếu được xây dựng và thực hiện nghiêm túc. Nhiều địa phương đã sử dụng hương ước đẩy lùi tệ nạn xã hội trong cộng đồng mình. Huyện Tương Dương – Nghệ an cũng là một địa phương như vậy.

100% bản làng có hương ước

Tương Dương là một huyện miền núi nghèo của tỉnh Nghệ An, có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, có nhiều đường tiểu ngạch và là địa bàn được coi là nóng trong vận chuyển trái phép các chất ma tuý vào nội địa. Tại đây nhiều năm qua các cơ quan chức năng đã bóc gỡ nhiều đường dây ma tuý lớn. Thậm chí có nhiều bản làng của Tương Dương bị gọi là “làng không chồng” do hầu hết đàn ông trong bản đều nghiện hút và vi phạm pháp luật phải vào trại giam. Ma tuý làm cho bản làng xơ xác và kéo theo nhiều tệ nạn như trộm cắp, cờ bạc…

Cách đây chừng 10 năm, Huyện uỷ, HĐND và MTTQ huyện Tương Dương đã chỉ đạo các thôn làng xây dựng và chỉnh sửa hương ước, quy ước với sự thẩm định của Phòng Tư pháp. Hương ước được xây dựng trên nguyên tắc phải phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và kế thừa phong tục tập quán của người dân địa phương. Làm được điều này không dễ huyện có đến 8 dân tộc anh em cùng chung sống với nhiều phong tục tập quán (thậm chí là hủ tục) khác nhau. Tuy nhiên, bằng công tác tuyên truyền vận động, cán bộ cơ sở đã giải thích cho người dân hiểu để cùng tham gia góp ý và thông qua hương ước. Do đó khi ban hành được sự đồng thuận cao. Đến nay tất cả 166 bản ở Tương Dương đã xây dựng được hương ước mới theo hướng dẫn mẫu của UBND tỉnh Nghệ An.

Vận dụng hương ước để xoá hủ tục

Vợ chồng anh Vi Văn T. và Lường Thị M. ở bản Na Hỷ có 2 con gái. Nghe lời mẹ đẻ, anh T đến chung sống như vợ chồng với chị H. nhằm có đứa con trai nối dòi tông đường. Mặc dù chị M. nhiều lần khuyên can chồng để anh trở về với gia đình nhưng anh T. không nghe, còn quay ra hắt hủi, đánh đập vợ con. Mâu thuẫn giữa mẹ chồng, nàng dâu, giữa người tình của chồng và chị M. ngày càng lớn. Tức nước vỡ bờ, một hôm chị H. đi làm rẫy về, chị M đã đón đường đánh chị H. gây thương tích nhẹ.

Làm thế nào để hoá giải mâu thuẫn không hề đơn giản này? Ban hoà giải xã Nhôn Mai phối hợp với Tổ hoà giải bản Na Hỷ đã họp bàn và quyết định phải gặp gỡ từng bên, kiên trì thuyết phục vận động để họ hiểu hành vi của các bên đều là vi phạm pháp luật. Hương ước bản Na Hỷ được đưa ra làm dẫn chứng. Hương ước quy định: mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có từ 1 đến hai con, bất kể là con gì để nuôi con cho tốt. Chị M. và anh T. đã có hai đứa con, có cuộc sống đầm ấm. Nay anh T. muốn có thêm con trai với chị H. là vi phạm cam kết hai vợ chồng anh chị đã ký với xã khi anh chị làm thủ tục đăng ký kết hôn (cam kết không sinh con thứ 3). Việc làm của anh T với chị H còn vi phạm Luật Hôn nhân gia đình, và nghiêm trọng phải bị xử lý hình sự. Các hoà giải viên còn giải thích cho anh T. hiểu rõ, con nào cũng là con, con trai mà sa vào nghiện hút, buôn bán ma tuý thì con gái mà sống sung túc, yên bình vẫn hơn. Những vấn đề này cũng được cán bộ thôn, xã giải thích cho mẹ đẻ anh T. Nhờ kiên trì vận động, cuối cùng anh T. cũng đã trở về với vợ con.

Ông Lô Văn Hoá - Trưởng phòng Tư pháp huyện Tương Dương – Nghệ An cho biết: trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều hủ tục lạc hậu vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng như trường hợp của anh T. Tuy nhiên, với việc vận dụng hương ước, phong tục tập quán tiến bộ để hoà giải các vụ tranh chấp nên đến nay 14 bản người Mông trên toàn huyện thì đã có 10 bản xoá được hủ tục “ em chồng lấy chị dâu, em vợ lấy anh rể”. Trẻ em 14, 15 tuổi trước đây vẫn bị bắt về làm vợ trong tết cổ truyền của người Mông thì nay đã giảm dần nhờ hủ tục này bị “cấm” trong các bản hương ước. Ngoài ra, hương ước còn được vận dụng để hoà giải các vụ tranh chấp về chăn nuôi, chồng trọt, về đất đai, xâm phạm quyền sở hữu, về thừa kế…

Vi phạm pháp luật trên địa bàn huyện Tương Dương đang có chiều hướng giảm, và điều đó có sự góp sức không nhỏ của các bản hương ước được xây dựng một cách công phu và đúng pháp luật. Tuy nhiên, cũng theo ông Lô Văn Hoá cái khó của tư pháp Tương Dương hiện tại là thiếu nguồn cán bộ có trình độ pháp lý, cán bộ huyện thì không có nguồn để tuyển dụng, còn cán bộ xã thì 17/22 xã có cán bộ trung cấp pháp lý tại chức mới ra trường. Vậy nhưng với khối lượng công việc quá lớn và trình độ cán bộ còn mỏng nên chất lượng công việc còn hạn chế. Xây dựng, củng cố và thực hiện hương ước chỉ là một phần rất nhỏ của công tác tư pháp cơ sở nhưng nếu không được đầu tư thoả đáng thì nó cũng không thể phát huy vai trò trong đời sống.

Bình An