Thanh Hoá: Khó khăn trong thực hiện Pháp lệnh Hoà giải

20/08/2008
Hiện nay, Thanh Hoá có gần 6100 tổ hoà giải với hơn 35 ngàn hoà giải viên. Với số lượng đông đảo như vậy, tuy vậy theo ông Dương Khánh – Quyền Giám đốc Sở Tư pháp thì còn rất nhiều khó khăn về mô hình tổ chức cũng như hoạt động thực tế của các tổ hoà giải.

Pháp lệnh còn nhiều vấn đề “bỏ ngỏ”

“Phần lớn các hoà giải viên tự “suy tôn” mà không qua bất cứ cơ chế bầu bán nào cả”. Ông Dương Khánh nói. Cứ theo tiền lệ, người nào ở vị trí là Bí thư, trưởng thôn, mặt trận, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh… kể cả người cao tuổi thì đương nhiên là hoà giải viên. Khi không muốn làm nữa thì cứ thế rút mà cũng chả phải miễn nhiệm. Chính điều này gây ra sự không ổn định về nhân sự của các tổ hoà giải.

Một vấn đề khác ông Khánh phân tích, pháp luật hiện hành không quy định về Ban hoà giải nhưng thực tế vẫn tồn tại một Ban hoà giải của UBND cấp xã do Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch UBND làm trưởng ban, các ban ngành, đoàn thể khác tham gia là thành viên. Các vụ việc phức tạp do thôn, xóm chuyển lên hoặc có đơn yêu cầu UBND xã vẫn đứng ra giải quyết thông qua Ban hoà giải này. Việc hoà giải qua Ban hoà giải tạo tâm lý tin tưởng vững chắc của người dân địa phương vào chính quyền cơ sở.

Như vậy dù Pháp lệnh không quy định chức năng tham gia hoà giải trực tiếp của UBND cấp xã (chính quyền nhà nước) mà nhiệm vụ hoà giải là của tổ chức xã hội (tổ hào giải), nhưng thực tế UBND xã vẫn tham gia hoà giải và đạt hiệu quả cao. Ông Khánh cho rằng tới đây cần phải đưa vấn đề này vào Luật hoà giải, cần “chuyên nghiệp hoá” đội ngũ hoà giải. Tức là để trở thành hoà giải viên anh phải có kiến thức pháp lý nhất định chứ không chỉ cần có tinh thần tự nguyện. Một hoà giải viên phải được dân công nhận qua cơ chế bầu trực tiếp ở cơ sở, như vậy thì lời nói của hoà giải viên mới có trọng lượng.

Hiện nay, các khu phố, thôn làng ở Thanh Hoá đang tồn tại nhiều mô hình tự quản do các ngành thành lập như Tổ liên gia tự quản, Tổ bảo vệ an ninh thôn, tổ an ninh xã hội…tuy có những chức năng riêng nhưng có cùng nhiệm vụ tham gia hoà giải các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp ở cộng đồng dân cư. Như vậy nếu cùng một sự việc xảy ra nếu không tổ chức tốt sẽ dẫn đến sự chồng chéo về thẩm quyền giải quyết hoặc có khi lại không có tổ nào tham gia hoà giải vì đùn đẩy cho tổ khác. Do đó cần có sự chỉ đạo thống nhất các mô hình tự quản về hoà giải trong một văn bản luật.

Bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề về mô hình tổ chức như cơ cấu tổ hoà giải và các tổ viên, sự tham gia của các thành viên Mặt trận tổ quốc…trên thực tế ở địa bàn Thanh Hoá vẫn “khác xa” so với những quy định trong Pháp lệnh hoà giải hiện hành.

Cần chia làm hai thành phần hoà giải.

Theo ông Dương Khánh, bên cạnh vấn đề quy định rõ về chức năng nhiệm vụ của Ban hoà giải của UBND cấp xã, thì cần phân biệt thành viên Tổ hoà giải và hoà giải viên cho phù hợp với thực tiễn hiện nay. Tức là trong Luật hoà giải tới đây cần quy định 2 thành phần này một cách rõ ràng. Đối với hoà giải viên (là tổ viên tổ hoà giải) phải quy định tiêu chuẩn, được nhân dân tín nhiệm, chủ tịch UBND cấp xã công nhận và được bồi dưỡng kỹ năng hoà giải thường xuyên. Còn với các hoà giải viên chỉ tham gia trên tinh thần tự nguyện thì không đặt ra quá nhiều vấn đề về tiêu chuẩn, và việc họ tham gia hay không dựa vào sự tự nguyện là chính.

Tuy nhiên, dù là hoà giải viên được chuyên nghiệp hoá hay hoà giải viên tự nguyện thì vấn đề cần thiết vẫn phải quan tâm là chế độ cho họ. Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải cơ sở được ban hành năm 1998 nhưng mãi đến năm 2005 Bộ Tài chính mới có Thông tư 63 hướng dẫn phương thức chi cho hoạt động hoà giải, nhưng thực tế đến nay toàn tỉnh Thanh Hoá vẫn chưa thực hiện thống nhất việc sử dụng kinh phí cho hoạt động này, bởi nhiều vấn đề chưa có hướng dẫn cụ thể. Việc chi trả thù lao cho những người trực tiếp làm công tác hoà giải là việc làm rất cần thiết để động viên, khuyến khích họ cống hiến cho công việc. Bên cạnh đó, tuỳ khả năng ngân sách của từng địa phương cần có những hỗ trợ về điều kiện cơ sở vật chất cho các tổ hoà giải hoạt động.

Hiện nay, Luật hoà giải đang được Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng, thiết nghĩ các vấn đề của Thanh Hoá cũng là những vướng mắc chung của nhiều địa phương. Ban soạn thảo cần cân nhắc để thể hiện các nội dung này vào Dự thảo Luật.

Thu Hằng