Lai Châu: Một số kết quả công tác PBGDPL 6 tháng đầu năm và phương hướng 6 tháng cuối năm 2008

25/08/2008
Trong 6 tháng đầu năm 2008, các ngành, các địa phương tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật chủ yếu thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, từ tỉnh đến cơ sở; thông qua việc biên soạn, in ấn, phát hành tài liệu, tờ gấp pháp luật; trên các phương thiện thông tin đại chúng như Đài phát thanh - truyền hình, đài truyền thanh cơ sở, Báo Lai Châu, các ấn phẩm mang tính báo chí; các hội nghị triển khai, tập huấn, các cuộc họp cơ quan, chị bộ; thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, xét xử lưu động...

Nội dung tập trung phổ biến, giáo dục pháp luật là những văn bản pháp luật mới ban hành và những văn bản pháp luật có liên quan và ảnh hưởng trực tiếp, trực tiếp đến hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước, cũng như  đời sống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh với tổng số trên 3727 cuộc, với trên 157.368 lượt người tham gia.

Các đơn vị điển hình trong việc tổ chức thực hiện công tác này là Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện Tam Đường, Than Uyên; Mường Tè; Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; Công an tỉnh; Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh; Hội cựu chiến binh tỉnh; Uỷ ban Mặt trận tổ quốc tỉnh; Đài phát thanh - truyền hình tỉnh....Trong 6 tháng đầu năm 2008 Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện huyện Mường Tè đã triển khai được 622 buổi, với tổng số là 26.695 lượt người tham gia; Hôi LHPN các cấp đã thực hiện tổ chức tuyên truyền được 195 buổi cho trên 13.674 lượt người tham gia; Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã thực hiện thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” cho 50.000 lượt người tham gia và 100% thôn, bản, khu phố được tìm hiểu Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật trong toàn quân với 98% sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và 98,5% hạ sỹ quan, chiến sỹ, công nhân viên được học tập các văn bản pháp luật có liên quan, đồng thời phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương tuyên truyền pháp luật cho quần chúng nhân dân trên địa bàn được 215 buổi = 11.285 lượt người tham dự; Công an tỉnh đã tuyên truyền vận động nhân dân 97/97 xã với 1.077 thôn, bản, tổ dân phố thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của đảng và nhà nước. Bên cạnh đó, còn phối hợp tổ chức thực hiện tuyên truyền đến 11.210 hộ gia đình và trên 23.300 lượt giáo viên, học sinh, cán bộ CNVC trong các cơ quan, doanh nghiệp và trường học tham gia; Đài phát thanh - truyền hình tỉnh đã duy trì đều đặn chuyên mục “Nhà nước và pháp luật” trên sóng phát thanh - truyền hình. Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2008 đã có 55 chuyên mục với tổng số 247 tin, bài, phóng sự có nội dung pháp luật được phát trên sóng phát thanh, truyền hình của tỉnh (kể cả bằng bốn tiếng dân tộc là Thái, Mông, Dao, Hà Nhì và chương trình Truyền hình tiếng Thái và tiếng Mông ) với 42 chuyên đề với các lĩnh vực pháp luật như: pháp luật về chính sách hỗ trợ bồi thường và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; vê chính sách trồng cây cao su; Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Nghị định 152/2005/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và các văn bản về phòng, chống ma tuý; về cư trú ....; Báo Lai Châu trong 6 tháng đầu năm 2008 đã đăng tải 53 số Báo Lai Châu thường kỳ và 6 số báo dành cho đồng bào các dân tộc vùng cao với trên 120 tin, bài, ảnh tuyên truyền pháp luật về các tệ nạn xã hội; Sổ tay sinh hoạt Chi bộ do Ban tuyên giáo tỉnh uỷ phát hành, thường xuyên duy trì mục “phổ biến, giáo dục pháp luật” đăng tải những văn bản mới ban hành tới các chi, đảng bộ trong toàn tỉnh và thông qua hệ thống báo cáo viên pháp luật các cấp, thực hiện phổ biến pháp luật giúp cán bộ, đảng viên, các tổ chức cơ sở đảng nắm được làm căn cứ để triển khai lãnh đạo, chỉ đạo và tuyên truyền đến cán bộ và nhân dân trên từng địa bàn; Thông tin "Tư pháp Lai Châu" là ấn phẩm của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Lai Châu, được xuất bản định kỳ 2 tháng một số, số lượng 300 cuốn/1số, phát hành tới tận cơ sở, các tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn, các điểm bưu điện văn hoá xã, các Đồn biên phòng…cùng với các ấn phẩm mang tính báo chí khác của một số ngành, lĩnh vực với nhiều tin, bài, ảnh phản ánh đời sống chính trị - xã hội, phản ánh thực trạng thực hiện, vi phạm pháp luật ở địa phương; hướng dẫn, giải đáp pháp luật; giới thiệu văn bản; nghiên cứu, trao đổi nghiệp vụ...; Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý là một trong những hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đem lại hiệu quả trực tiếp, thiết thực nhất. Qua các đợt trợ giúp pháp lý lưu động, đã góp phần chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài việc tư vấn, đại diện, bào chữa 117 vụ việc theo yêu cầu; Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh còn phối hợp với Phòng Tư pháp các huyện, thị và các cơ quan có liên quan tổ chức được 10 đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại các huyện Phong Thổ, Sìn Hồ, Tam Đương, Than Uyên với 122 đối tượng được trợ giúp pháp lý và tuyên truyền pháp luật là 1.676 lượt người nghe. Nhận thức rõ được ý nghĩa, tác dụng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các phiên toà xét xử lưu động nên ngành Toà án đã trực tiếp tổ chức và phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương chỉ đạo Toà án nhân dân các huyện, thị xã trong tỉnh tổ chức xét xử lưu động 37 vụ án hình sự, thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo quần chúng nhân dân ở địa phương nơi diễn ra phiên toà xét xử. Thông qua các phiên toà xét xử lưu động tại các huyện, thị đã góp phần không nhỏ trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật đến với quần chúng nhân dân, góp phần đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm....

Từ một số kết quả trên đã góp phần tích cực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Trong 6 tháng cuối năm  2008, quán triệt nội dung Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 15 tháng 10 năm 2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) về việc tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TU ngày 25 tháng 3 năm 2004 của tỉnh uỷ lâm thời Lai Châu V/v thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW. Tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền cùng cấp và chủ động thực hiện thường xuyên chế độ kiểm tra định kỳ, đột xuất việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW và Thông báo Kết luận số 74-TB/TW của Ban bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong tình hình mới. Mỗi ngành, mỗi địa phương cần có kế hoạch thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2008-2012.

   Tiếp tục kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh, các huyện, thị xã theo hướng bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả. Bên cạnh việc kiện toàn tổ chức Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp, cần có những giải pháp tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tiến hành kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở các sở, ban, ngành tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã.

Cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo  của các cấp uỷ đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; từng bước đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào nền nếp, cần đổi mới một số hình thức tuyên truyền nhằm đạt hiệu quả cao hơn nữa trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Các ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị  cần quan tâm củng cố và sắp xếp cán bộ có đủ năng lực, trình độ làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Ưu tiên dành một phần kinh phí đảm bảo cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Việc phổ biến, giáo dục pháp luật phải được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục, kịp thời và rộng khắp. Nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phải phù hợp với từng đối tượng và từng địa bàn. Do đó, cần đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kết hợp tăng cường lồng ghép có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với những hoạt động văn hoá, văn nghệ quần chúng; các buổi nói chuyện chuyên đề; các cuộc thi tìm hiểu; các buổi sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật; biên soạn tài liệu bằng nhiều thứ tiếng dân tộc khác nhau…Nội dung tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật phải thiết thực, sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với trình độ dân trí và đặc điểm, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội tại địa phương.

Trong thời gian tới các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc đối với công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân trong tỉnh, đưa công tác này trở thành nề nếp tạo thành thói quen và tìm hiểu pháp luật trở thành món ăn tinh thần của cán bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Trần Thiêm