Bình Định: Đánh giá 04 năm thi hành Pháp lệnh Giám định tư pháp

26/08/2008
UBND tỉnh Bình Định vừa tổ chức đánh giá 04 năm tổ chức, triển khai thực hiện 24/2004/PL-UBTVQH11 ngày 29/9/2004 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá 11 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2005 trên địa bàn tỉnh.

Bình Định là một tỉnh Duyên hải miền Trung, có diện tích tự nhiên trên 6.000km2 và dân số trên 1,6 triệu người, địa hình đa phần là núi cao và bờ biển trải dài trên 100km, có nhiều dân tộc anh em sinh sống phân bố ở 10 huyện và 01 thành phố. Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nền kinh tế ở tỉnh nhà luôn được cải thiện, nhưng theo đó là tình hình tai nạn, bệnh lý tâm thần, tệ nạn xã hội cũng có chiều hướng ngày càng gia tăng cả về số vụ và tính chất phức tạp. Do đó, hoạt động giám định tư pháp trên các lĩnh vực này trong những năm qua đã hỗ trợ đắc lực cho công tác tố tụng, giúp cho cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan, đúng người, đúng pháp luật. Số lượng giám định năm sau luôn cao hơn năm trước, nhất là giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, giám định khoa học hình sự. Mặc dầu cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu thốn, kinh phí hoạt động hạn chế, tất cả các giám định viên đều làm công tác kiêm nhiệm.

Sau khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Giám định tư pháp và Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức họp các Tổ chức giám định và các sở, ban, ngành có liên quan để phổ biến, quán triệt các văn bản pháp luật về giám định tư pháp. Đồng thời, công tác tuyên truyền cũng được thực hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng, đài phát thanh, truyền hình, báo chí của địa phương.

Hiện nay, Bình Định có 19 giám định viên  pháp y(có 17 giám định viên và 2 kỹ thuật viên). Trong đó: Giám định viên trưởng là Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, 5 giám định viên là trưởng hoặc phó khoa của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, 11 giám định viên đang công tác tại 11 huyện, thành phố. Tất cả giám định viên đều kiêm nhiệm. Tuy nhiên, hiện nay khó khăn, Giám định pháp y chưa có trụ sở riêng, phải mượn 1 phòng của Khoa giải phẫu bệnh Bệnh viện Đa khoa tỉnh để làm việc. Trang thiết bị phục vụ cho chuyên môn hiện nay quá cũ chưa thay thế được do không có kinh phí. Trong đó, tổ chức giám định pháp y tâm thần có 4 giám định viên, trong đó: giám định viên trưởng là Giám đốc Bệnh viện tâm thần, 3 giám định viên thuộc biên chế của Phòng KHTH, khoa khám, khoa I. Tất cả giám định viên đều kiêm nhiệm.

Căn cứ Thông tư số: 09/2006/TT-BCA-C11 ngày 22/8/2006 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 67/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giám định tư pháp, kể từ ngày 01/01/2007 Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Bình Định (PC 21) có  15 người, trong đó đã bổ nhiệm  13 người làm giám định viên (12 giám định KTHS, 01 giám định pháp y). Giám định giao thông vận tải - Sở Giao thông vận tải có 04 giám định viên. Giám định tài chính - kế toán - Sở Tài chính 05 giám định viên viên, Giám định khoa học kỹ thuật - Sở Khoa học và công nghệ 07 giám định viên; Giám định văn hoá thông tin - Sở Văn hoá, thể thao và du lịch có 05 giám định viên.

Như vậy, hiện nay tổng số giám định viên tư pháp trên các lĩnh vực là 55 giám định viên. Bộ Tư pháp đã cấp thẻ giám định viên cho 54 giám định viên. Chất lượng đội ngũ giám định viên đều có trình độ chuyên môn đại học trở lên, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, có độ tuổi trung bình 46 tuổi. Số lượng các vụ việc giám định đã thực hiện từ năm 2005 đến tháng 5  năm 2008, cụ thể: Giám định pháp y: 2.304 vụ việc; Giám định pháp y tâm thần: 118 vụ việc; Giám định tâm thần kết hôn có yếu tố nước ngoài từ năm 2005 đến tháng 6/2008: 593 trường hợp, giám định sức khoẻ tâm thần: 05 trường hợp. Giám định kỹ thuật hình sự:  825 vụ việc

Sở Tư pháp  giúp UBND tỉnh trong việc quản lý nhà nước về giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh. Các sở, ngành chuyên môn luôn có sự phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp trong việc quản lý tổ chức, hoạt động nghiệp vụ, lựa chọn người đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm; cấp và thu hồi thẻ giám định viên tư pháp. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, các Tổ chức giám định tư pháp, các giám định viên có vướng mắc trong chuyên môn báo cáo với sở, ngành chủ quản và chuyên ngành cấp trên để kịp thời chỉ đạo, xác định kết quả giám định chính xác, khách quan, lưu trữ hồ sơ giám định khoa học. Những hạn chế trong công tác quản lý về giám định tư pháp: Từ khi Pháp lệnh Giám định tư pháp có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2005 và Nghị định số 67/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Tư pháp, UBND tỉnh đã ra quyết định giải thể các Tổ chức giám định tư pháp và quyết định miễn nhiệm Giám định viên Trưởng các Tổ chức Văn hoá - Thông tin,  Tài chính - Kế toán, Giao thông - Vận tải, Khoa học - Kỹ thuật. Sở Tư pháp có nhiệm vụ phối hợp với các sở, ngành chuyên môn đề xuất, trình UBND tỉnh bổ nhiệm giám định viên chuyên ngành. Theo báo cáo của các sở, ngành thì kết quả giám định tư pháp những năm qua trên địa bàn tỉnh Bình Định, được thực hiện  theo giấy mời của các Tổ chức giám định, không có kết quả giám định tư pháp độc lập. Nguyên nhân trực tiếp là khi giải thể các Tổ chức giám định, miễn nhiệm giám định viên trưởng thì các Tổ chức này không còn tư cách pháp nhân, nên sự gắn kết giữa các giám định viên trong lĩnh vực của ngành rời rạc, thiếu sự gắn kết. Sự phối hợp giữa Sở Tư pháp với các Sở, ngành trên không được chặt chẽ, thông tin kết quả giám định hàng năm không có báo cáo, thiếu sự quan tâm chỉ đạo của Thủ trưởng các đơn vị.

Qua hơn 4 năm thực hiện Pháp lệnh Giám định tư pháp, các Tổ chức giám định tư pháp đã thực hiện được kết quả như trên là sự cố gắng nỗ lực với tinh thần trách nhiệm cao luôn khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao của giám định viên các Tổ chức giám định tư pháp và sự chỉ đạo kịp thời của các sở, ngành chuyên môn. Tuy nhiên bên cạnh đó gặp không ít những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động giám định tư pháp ở các đơn vị, cụ thể: Công tác tuyển chọn đội ngũ làm giám định viên rất khó khăn, nhất là giám định viên pháp y. Hầu hết bác sĩ không muốn làm công tác pháp y, vì công việc khám nghiệm tử thi đòi hỏi mất nhiều thời gian, công việc tiếp xúc tử thi vừa nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và trách nhiệm cao trước pháp luật, chịu nhiều áp lực từ gia đình và xã hội, do bác sĩ pháp y gắn liền với xác chết nhưng do ở nước ta chưa được xã hội nhìn nhận đúng đắn và quan tâm đúng mức. Kiến thức của giám định viên chuyên ngành còn hạn chế, ít có điều kiện cập nhật thông tin mới, tài liệu tham khảo khan hiếm, tập huấn nghiệp vụ chưa được thường xuyên. Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành trung ương trong việc hướng dẫn thực hiện nghiệp vụ chuyên môn chưa kịp thời, nhất là những vướng mắc khi thực hiện đánh giá kết quả giám định trong thực tiễn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện làm việc, phương tiện hoạt động cho các tổ chức giám định tư pháp còn nhiều hạn chế; chất lượng và hiệu quả của hoạt động chuyên môn giám định tư pháp chưa cao.

Sau 4 năm thực hiện Pháp lệnh, đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành hữu  quan ban hành biểu mức thu phí các loại giám định tư pháp, ban hành chế độ bồi dưỡng 1 vụ/1 giám định viên vì những quy định cũ hiện nay không còn phù hợp, lạc hậu; ban hành bảng tỷ lệ thương tích dành cho giám định pháp y.Chính phủ ban hành chính sách đãi ngộ ngành nghề đặc thù cho giám định viên tư pháp từ chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp trách nhiệm nghề nghiệp, để thu hút nhân lực, động viên những giám định viên yêu ngành, yêu nghề. Trung ương hỗ trợ một phần kinh phí đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện hoạt động giám định tư pháp. Hàng năm tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ giám định viên, in ấn, phát hành cập nhật thông tin mới về lĩnh vực giám định tư pháp.

Nguyễn Huỳnh Huyện