Sở Tư pháp Quảng Ngãi tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá VIII về “chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”

26/08/2008

Công tác cán bộ có vai trò quan trọng, quyết định sự thành bại của công cuộc cách mạng trong mọi thời kỳ. Khi Trung ương ban hành Nghị quyết Trung ương 3 khoá VIII về “công tác cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, Sở Tư pháp đã tổ chức quán triệt nội dung của Nghị quyết cho toàn thể cán bộ, công chức, đảng viên của Sở gắn với 5 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 10/9/2002 về “xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá”; Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25/01/2002 của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 07-KH/TU ngày 06/6/2002 của Tỉnh uỷ về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý trên địa bàn tỉnh và 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 05/7/2007 của Tỉnh uỷ về phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2007-2010 và định hướng đến năm 2015.

Qua học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết mỗi cán bộ, đảng viên của Sở Tư pháp đã nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của cán bộ lãnh đạo, quản lý trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Trên cơ sở các tiêu chuẩn quy định, lãnh đạo Sở đã xây dựng, quy hoạch đội ngũ cán bộ dự nguồn các chức danh lãnh đạo của Sở trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Việc sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, không định kiến, không cục bộ địa phương, đảm bảo sự đoàn kết nội bộ, luôn gắn chuyên môn nghiệp vụ được đào tạo với nhiệm vụ được giao, mạnh dạn đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt những cán bộ trẻ có năng lực, có trách nhiệm, có phẩm chất đạo đức giữ đảm nhận các vị trí trưởng phó phòng Sở. Từ đó vai trò, năng lực của đội ngũ cán bộ được phát huy, chất lượng hiệu quả công việc của Sở luôn đạt và vượt chỉ tiêu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của ngành.

Công tác nhận xét, đánh giá cán bộ hằng năm cũng như nhận xét, đánh giá đề bạt, bổ nhiệm được tiến hành theo quy định của Trung ương và văn bản hướng dẫn của Ban Tổ chức Tỉnh uỷ. Việc nhận xét, đánh giá hết sức khách quan, đúng thực trạng cán bộ, không làm qua loa, chiếu lệ và hiệu quả của việc nhận xét đánh giá này giúp cho cán bộ, công chức nhận thức sâu sắc công việc được giao và trách nhiệm trước thủ trưởng cơ quan. Công tác quy hoạch cán bộ là một trong những nội dung quan trọng của công tác cán bộ, bảo đảm cho công tác cán bộ vừa mang tính khoa học vừa mang tính kế thừa, chủ động có tính dự báo, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Trên quan điểm đó Lãnh đạo Sở Tư pháp đã thực hiện tốt Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 31/3/1998 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; Chỉ thị số 27/CT-UBND ngày 28/5/1998 của UBND tỉnh về việc thực hiện công tác quy hoạch cán bộ, công chức và đề án quy hoạch số 03-ĐA/TU ngày 23/3/2004 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; đồng thời tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt quán triệt Nghị quyết 42-NQ/BCT ngày 30/11/2004 của Bộ Chính trị, Hướng dẫn số 47-HD/TCTW ngày 24/5/2005 của Ban Tổ chức Trung ương, Chỉ thị số 38-CT/TU ngày 31/5/2005 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Hướng dẫn số 356-HD/BTCTU ngày 27/10/2006 của Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Giám đốc Sở Tư pháp đã ban hành Quyết định số 30/QĐ-STP ngày 27/4/2007 về việc phê duyệt quy hoạch chức danh trưởng, phó phòng và tương đương đến năm 2010, đồng thời hàng năm tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch theo quy trình mà Ban Tổ chức Tỉnh uỷ hướng dẫn.

Đối với công tác luân chuyển cán bộ, kể từ khi có Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 25/01/2002 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 07-KH/TU ngày 06/6/2002 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý; lãnh đạo Sở Tư pháp đã xây dựng kế hoạch luân chuyển đối với các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc: điều động, luân chuyển trong nội bộ 4 cán bộ trưởng, phó phòng và 6 chuyên viên, kế toán viên; xin 2 cán bộ về bổ nhiệm phó chánh văn phòng và chánh thanh tra. Đồng thời chấp hành nghiêm túc việc điều động, luân chuyển cán bộ theo kế hoạch của tỉnh, Sở đã tiếp nhận 01 cán bộ từ Văn phòng UBND tỉnh bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở, 01 Phó Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ luân chuyển về giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở; đồng ý để Tỉnh điều động đối với 03 trưởng, phó phòng cho Văn phòng Tỉnh uỷ, Văn phòng UBND tỉnh và UBND thành phố. Thực hiện sự uỷ quyền của Bộ Trưởng Bộ Tư pháp về công tác quản lý cán bộ, Giám đốc đã luân chuyển cán bộ Chấp hành viên của cơ quan Thi hành án từ cấp huyện về tỉnh và ngược lại, điều động luân chuyển cán bộ giữa các huyện chủ yếu là luân chuyển chấp hành viên từ huyện đồng bằng tăng cường cho huyện miền núi và hải đảo.

Thực hiện Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức, Giám đốc Sở ban hành kế hoạch để thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhằm nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm của công chức, viên chức trong việc thực thi công vụ. Xác định công tác đào tạo,  bồi dưỡng cho cán bộ, công chức là nhiệm vụ trọng tâm kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của ngành Tư pháp, thời gian qua lãnh đạo Sở đã cử cán bộ, công chức đi học các lớp chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý Nhà nước... dưới hình thức đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng, chính vì vậy chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Sở  được nâng lên rõ rệt: đại học 32 người chiếm 91,7% (trong đó 04 công chức có 02 bằng đại học, 01 công chức có 03 bằng đại học); về lý luận chính trị có 03 cử nhân, 08 cao cấp và 02 trung cấp; về ngạch công chức có 05 chuyên viên chính, 27 chuyên viên. Trong công tác quản lý, bố trí, sử dụng cán bộ luôn là nhiệm vụ được lãnh đạo Sở quan tâm hàng đầu, đã tiến hành rà soát đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện có, từ đó tiến hành sắp xếp, bố trí công tác phù hợp với năng lực, sở trường của từng người bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thực hiện tốt các chính sách do trung ương và địa phương ban hành như chính sách đào tạo và thu hút nguồn nhân lực, chính sách hỗ trợ, khuyến khích cán bộ học tập lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước và nghiệp vụ đoàn thể, chính sách luân chuyển cán bộ…đã thể hiện sự quan tâm hơn đối với cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là cán bộ nữ khi được cử đi đào tạo, bồi dưỡng hoặc luân chuyển, điều động, bổ nhiệm. Lãnh đạo sở cũng thường xuyên quan tâm và thực hiện tốt các chế độ, chính sách lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thai sản, nuôi con nhỏ theo quy định; quan tâm chế độ làm việc ngoài giờ; tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức đi tham quan, tổ chức các buổi toạ đàm kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3…góp phần động viên, khích lệ đội ngũ cán bộ nữ.

Vấn đề cải cách tổ chức bộ máy: thực hiện Thông tư liên tịch số 04/2005/TTLT-BTP-BNV ngày 05/5/2005 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ  hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức các cơ quan chuyên môn giúp UBND quản lý Nhà nước về công tác tư pháp ở địa phương, Sở đã rà soát chức năng nhiệm vụ của ngành đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 38/QĐ-UBND ngày 19/7/2006 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Sở Tư pháp để phù hợp với nhiệm vụ mới mà ngành đang đảm nhận. Theo đó, Sở Tư pháp là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; thi hành án dân sự; công chứng, chứng thực; hộ tịch, quốc tịch, con nuôi có yếu tố nước ngoài, lý lịch tư pháp; luật sư, tư vấn pháp luật; trợ giúp pháp lý; giám định tư pháp; hoà giải cơ sở; bán đấu giá tài sản; trọng tài thương mại và công tác tư pháp khác theo quy định của pháp luật; thực hiện một số nhiệm vụ quyền hạn trong lĩnh vực tư pháp theo sự uỷ quyền của UBND tỉnh. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ mới, các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc của Sở được kiện toàn, từ 04 tổ chức giúp việc cho Giám đốc theo như Quyết định 944/QĐ-UBND ngày 15/7/2005 của UBND tỉnh được tăng lên 06 tổ chức với nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể, đồng thời 04 đơn vị trực thuộc được luật hoá với 02 luật, 01 Pháp lệnh và 01 Nghị định nên về tổ chức bộ máy được kiện toàn, đảm bảo triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Để đảm bảo nguyên tắc làm việc theo quy định của pháp luật, đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp trong hoạt động của cơ quan, Giám đốc Sở đã ban hành Quyết định số 85/QĐ-STP ngày 07/6/2006 về việc ban hành Quy chế làm việc của sở và ban hành Quyết định số 08/QĐ-STP ngày 06/02/2007 phân công nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức giúp việc cho giám đốc sở đã xác định rõ nguyên tắc làm việc, cơ chế phối hợp cũng như tăng trách nhiệm và tính tự chủ của các phòng, đơn vị trực thuộc sở và từng cán bộ, công chức, viên chức, phát huy tính dân chủ, tinh thần tập thể, tính kỷ luật và những sáng kiến đối với từng cá nhân. Ngoài ra, hoạt động phối hợp giữa Lãnh đạo Sở với Chi uỷ, với Công đoàn được thể hiện tại Quy chế phối hợp số 01, ngày 24/5/2007 giữa Chi uỷ và lãnh đạo Sở, Quyết định số 29 ban hành Quy chế phối hợp giữa lãnh đạo Sở với Ban chấp hành Công đoàn Sở. Nhìn chung, việc cải cách tổ chức bộ máy, công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo sở đối với tổ chức giúp việc cho Giám đốc Sở, các đơn vị trực thuộc Sở cũng như sự phối hợp trong công tác giữa các tổ chức giúp việc cho Giám đốc Sở với các đơn vị trực thuộc được thực hiện nhịp nhàng và đạt hiệu quả cao.

 Đạt được những kết quả trên sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá VIII về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, trước hết là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Cấp uỷ, sự năng động, sáng tạo của lãnh đạo Sở trong việc nhận thức và quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết và các quan điểm đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, quan tâm tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Tỉnh uỷ và UBND tỉnh về phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2007-2010 và định hướng đến năm 2015, thực hiện tốt mối quan hệ lãnh đạo về công tác tổ chức cán bộ theo qui định của Đảng và pháp luật nên đã tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong việc điều động, sắp xếp, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục thực hiện tốt công tác qui hoạch, đào tạo, nhận xét đánh giá cán bộ hàng năm, mạnh dạn đề bạt, bổ nhiệm những cán bộ trẻ có năng lực, đạo đức phẩm chất tốt vào chức danh chủ chốt nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của ngành./.

Văn Vũ