Hiệu quả từ Dự án Pháp luật và Sinh kế cho người Mông ở Lào Cai

15/08/2008
Dự án “Pháp luật và sinh kế cho người Mông ở Lào Cai” do Trung tâm nghiên cứu và phát triển Dân số, xã hội và Môi trường (CPSE) thuộc Hội liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai được Đại sứ quán Phần Lan tài trợ thực hiện với thời gian là 18 tháng (từ tháng 12 năm 2006 đến tháng 5 năm 2008) tại hai xã Bản Phố và Bản Già thuộc huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai

Đây là hai xã đặc biệt khó khăn, có 100% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó chủ yếu là người Mông. Dự án bao gồm hai vấn đề chính là Pháp luật và sinh kế cho người dân bản địa. Thông qua hoạt động của Dự án nhằm tác động góp phần thay đổi hành vi của người dân như: giải quyết tình trạng bất bình đẳng giới; thực hiện dân chủ trong các hoạt động ở cộng đồng dân cư; nâng cao nhận thức về chính sách, pháp luật của Nhà nước để áp dụng trong cuộc sống; thay đổi nhận thức trong vệ sinh môi trường; lập kế hoạch phát triển kinh tế hộ gia đình; tăng cường sự tham gia của các tổ chức cộng đồng, người dân, nhất là phụ nữ nghèo trong các hoạt động phát triển cộng đồng, phát huy dân chủ ở cơ sở và cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Lào Cai.

 Đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ dự án là người dân ở hai xã Bản Phố và Bản Già. Dự án cũng tác động đến đội ngũ cán bộ cơ sở, thông qua các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nòng cốt địa phương về pháp luật, các kỹ năng lập kế hoạch phát triển kinh tế, các kỹ năng quản lý, giám sát, đánh giá dự án cũng như các kỹ năng, phương pháp hỗ trợ phát triển cộng đồng. Các hoạt động của dự án chú trọng nâng cao nhận thức và cải thiện hành vi cho người dân trong thực thi luật pháp, cải thiện mức sống thông qua các khoá tập huấn về pháp luật, lập kế hoạch phát triển và quản lý kinh tế hộ gia đình, kỹ thuật sản xuất và bảo quản nông phẩm.

Phát huy dân chủ ở cơ sở trên tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là nguyên tắc xuyên suốt quá trình triển khai các hoạt động, thực tế đã chứng minh đây là yếu tố chủ đạo trong sự thành công bước đầu của dự án.

Những kết quả mà Dự án đã thực hiện là: Tổ chức các cuộc họp để thành lập Ban quản lý Dự án; thành lập các nhóm đồng sở thích ở hai xã như nhóm trồng trọt, nhóm chăn nuôi, nhóm tìm hiểu pháp luật, nhóm nấu rượu; hướng dẫn về quản lý dự án và quản lý tài chính cho cán bộ Ban quản lý dự án và các cán bộ chủ chốt ở hai xã; phổ biến về pháp luật cho 160 người là các cán bộ chủ chốt xã và 3.200 người dân về các nội dung như các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được Hiến pháp quy định, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Bình đẳng Giới, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và Luật Giao thông đường bộ; tập huấn cho 80 người về lập kế hoạch có sự tham gia và kỹ năng hỗ trợ cộng đồng là cán bộ chủ chốt xã/thôn; 200 người tham gia lớp tập huấn lập kế hoạch sản xuất và phát triển kinh tế hộ; 200 người tham gia lớp kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch một số loại sản phẩm như lúa, ngô, đậu tương, lạc, đỗ và cách thức tiếp cận, tìm hiểu giá cả thị trường hàng hoá, sản phẩm. Một số cuộc toạ đàm cũng đã được thực hiện lồng ghép vào trong thực hiện các hoạt động này; biên soạn, in ấn và cấp phát các cuốn tài liệu Hỏi - Đáp pháp luật về Hình sự, Dân sự, Bình đẳng Giới, Dân chủ ở xã, phường, thị trấn...; Tổ chức cho 60 người tham quan, trao đổi kinh nghiệm trồng cây thảo quả với cán bộ và người dân tộc Dao đỏ ở xã Dền Sáng và tham quan các mô hình trồng trọt (trong đó có vườn rau) và vệ sinh môi trường ở xã Sảng Ma Sáo, huyện Bát Xát và đi tìm hiểu thị trường hàng hoá sản phẩm tại một số chợ và khu buôn bán ở thành phố Lào Cai; hỗ trợ giống, kỹ thuật cho 40 hộ trồng 7500 kg cỏ voi trên diện tích 3 ha và kỹ thuật ủ phân, ủ cỏ làm thức ăn cho gia súc trong mùa khô; hỗ trợ giống, kỹ thuật cho 30 hộ dân trồng 6000 cây Sa Mộc trên diện tích 3 ha; Hỗ trợ thành lập Trung tâm thông tin cộng đồng tại xã Bản Phố, Dự án đã cung cấp cho xã Bản Phố 02 chiếc Tivi, 02 bộ máy vi tính kết nối mạng Internet cùng 02 máy in và ổn áp để cán bộ xã dễ dàng truy cập, tiếp cận với thông tin về pháp luật, kỹ thuật để phổ biến cho nhân dân; hỗ trợ tiền vận chuyển, nguyên vật liệu cho 10 hộ dân ở xã Bản Già và 10 hộ dân ở xã Bản Phố xây dựng mô hình vệ sinh môi trường như chuồng trâu, chuồng lợn, nhà vệ sinh hoặc bể nước.

Sau khi tham gia các khoá tập huấn và hướng dẫn trực tiếp về từng nội dung và chủ đề cụ thể, đa phần người dân đều hiểu và biết áp dụng trong cuộc sống. Minh chứng cho vấn đề này là người dân đã quan tâm hơn đến pháp luật, phụ nữ đã tham gia ý kiến vào việc giải quyết công việc chung của cộng đồng, quyền trẻ em và ý thức về vệ sinh môi trường được nâng lên rõ rệt, dân chủ ở cơ sở và các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được áp dụng rộng rãi. Năng lực điều hành và thực hiện công việc theo chức năng của các cán bộ địa phương, chủ yếu là cán bộ các ban ngành ở xã và người dân được nâng cao. Các tổ chức cộng đồng ở vùng dự án được củng cố và phát triển. Mô hình vệ sinh môi trường và sinh kế được nhân rộng.

Trong xu thế phát triển chung của đất nước, Lào Cai là tỉnh đang thu hút nhiều dự án đầu tư. Các Ban, Ngành chức năng luôn tạo điều kiện thuận lợi cấp phép nhằm thu hút các nguồn lực từ bên ngoài vào tỉnh nhằm góp phần xoá đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Nguyễn Phúc Quỳnh