Tư pháp Bắc Ninh sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 49- NQ/TW

14/08/2008
Bám sát sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tỉnh uỷ, UBND và Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 49- NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Sở Tư pháp Bắc Ninh đã chủ động xây dựng kế hoạch và tích cực triển khai thực hiện, đến nay đã đạt được một số kết quả ban đầu quan trọng, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo.

Tổ chức bộ máy được kiện toàn, đội ngũ cán bộ không ngừng được đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sắp xếp theo yêu cầu nhiệm vụ. Hiện nay Sở Tư pháp đang quản lý 31 đầu mối và hướng dẫn nghiệp vụ cho 125 Ban tư pháp cấp xã. Trong những năm qua, Sở luôn tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức học tập nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị, quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học; mở 2 lớp Trung cấp Luật tại chức đào tạo cho 148 cán bộ Tư pháp- Hộ tịch cấp xã và cán bộ dự nguồn cho cơ sở, đồng thời bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng này mỗi năm từ 1- 2 đợt. Việc bố trí, sắp xếp cán bộ được làm thường xuyên theo yêu cầu nhiệm vụ, công tác quy hoạch và bổ nhiệm các chức danh quản lý được thực hiện đúng quy định của Đng và Nhà nhà nước.

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được đẩy mạnh góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở địa phương. Dưới sự chỉ đạo của các cấp uỷ, chính quyền, bằng những hình thức tuyên truyền phong phú như: thông qua hội nghị, thi tìm hiểu pháp luật, trợ giúp pháp lý, qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở, tủ sách pháp luật ở cấp xã, các ấn phẩm pháp lý (Bản tin Tư pháp Bắc Ninh, Tin phát thanh, tờ rơi, tờ gấp pháp luật)… nhiều chính sách, văn bản pháp luật đã được truyền tải đến đông đảo các tầng lớp nhân dân. Các tổ hoà giải cơ sở tiến hành hoà giải hàng trăm vụ việc mỗi năm, tỷ lệ hoà giải thành đạt trên 70% đã làm giảm đáng kể những mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, giữ gìn đoàn kết tình làng nghĩa xóm.

Quán triệt tinh thần Nghị quyết 49, các cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, bảo đảm các bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật được đưa ra thi hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cá nhân, tổ chức, góp phần giữ vững kỷ cương, trật tự xã hội. Tỷ lệ thi hành án hàng năm đều đạt trên 80% về việc và tiền, vượt các chỉ tiêu mà Bộ Tư pháp đặt ra.

Các chế định bổ trợ tư pháp dần được hoàn thiện theo yêu cầu Nghị quyết 49. Hoạt động luật sư, giám định tư pháp, công chứng đều có những chuyển biến tích cực. Trên địa bàn tỉnh có 5 công ty luật TNHH, 3 văn phòng luật sư, 1 chi nhánh, với 37 luật sư chính thức và 8 luật sư tập sự. Các tổ chức luật sư được kiện toàn theo quy định của Luật Luật sư và được tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ chuyên môn. Luật sư tham gia tranh tụng nhìn chung có chất lượng, nhiều đề xuất có lập luận thuyết phục được hội đồng xét xử chấp nhận. Các tổ chức giám định tư pháp được kiện toàn gồm 3 tổ chức: giám định pháp y, giám định pháp y- tâm thần, giám định kỹ thuật hình sự- pháp y, với 16 giám định viên. Mặc dù đội ngũ giám định viên còn mỏng, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật còn thiếu song các tổ chức giám định đã tiến hành giám định gần một nghìn vụ việc mỗi năm. Thông qua công tác giám định còn kịp thời phát hiện nhiều thủ đoạn, phương thức hoạt động tinh vi của tội phạm, nâng cao ý thức cảnh giác và tinh thần đấu tranh phòng chống tội phạm của nhân dân. Hoạt động công chứng cũng có những thay đổi sau khi Luật Công chứng, Nghị định 79/2007/NĐ- CP được ban hành. Các đơn vị công chứng đã cải tiến quy trình giải quyết công việc theo cơ chế “một cửa”, được đầu tư trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ chuyên môn, tự chủ về tài chính, giải quyết các yêu cầu công chứng theo thẩm quyền, góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa vi phạm pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của cá nhân, tổ chức, tạo sự ổn định và phát triển cho các quan hệ dân sự, kinh tế- xã hội.

Ngoài ra, Sở đã xây dựng và áp dụng thành công Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 vào hoạt động quản lý của cơ quan hành chính theo Quyết định 144/2006/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ và sự chỉ đạo của UBND tỉnh. Đây là một trong những công cụ quản lý khoa học, có tác dụng tích cực trong việc công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho cá nhân, tổ chức và nhiều lợi ích khác mà Hệ thống quản lý này mang lại.

Có thể nói, sau 3 năm nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết 49- NQ/TW cho thấy tinh thần và quyết tâm của Ngành về cải cách tư pháp thể hiện rõ ràng hơn, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức về nhiệm vụ cải cách tư pháp ngày càng đầy đủ hơn. Phát huy kết quả đã đạt được, trong những tiếp theo tập thể và cán bộ ngành Tư pháp Bắc Ninh sẽ tiếp tục cố gắng thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết 49 đặt ra đối với ngành Tư pháp.

Nguyễn Đình Định - Sở Tư pháp Bắc Ninh