Sở Tư pháp Hải Phòng với công tác thẩm định dự thảo VBQPPL

13/08/2008
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) Sở Tư pháp Hải Phòng đã và đang gặp không ít khó khăn vướng mắc cả khách quan và chủ quan do sự bất cập của pháp luật và sự thiếu chuyên nghiệp của các cơ quan xây dựng, ban hành văn bản mang lại. “Cái khó ló cái khôn”, những người làm công tác thẩm định nơi đây đã vượt lên khó khăn bằng những sáng kiến để hóa giải vướng mắc, hoàn thành nhiệm vụ.

Giải pháp “mưa dầm thấm lâu”

            Theo Luật Ban hành VBQPPL của HĐND, UBND thì sau khi tổ chức lấy ý kiến tham gia của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan, cơ quan chủ trì soạn thảo, chỉnh lý dự thảo văn bản và gửi hồ sơ thẩm định đến Sở Tư pháp trước khi trình UBND thành phố. Tuy nhiên, vẫn có một số Sở, ngành sau khi soạn thảo dự thảo VBQPPL đã không gửi tới Sở Tư pháp thẩm định mà trình luôn lên UBND thành phố. Do đó, đã có những VBQPPL được UBND thành phố ban hành mà chưa hề có ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp.

Để khắc phục tình trạng này, đồng thời cũng là biện pháp để tăng cường sự chỉ đạo của UNND thành phố đối với công tác xây dựng và ban hành VBQPPL, Sở Tư pháp Hải Phòng đã tham mưu để UBND thành phố ban hành “Quy chế xây dựng, thẩm định, ban hành và kiểm tra xử lý VBQPPL” nhằm đảm bảo quy trình xây dựng – thẩm định – ban hành thông suốt. Trong đó, Hồ sơ thẩm định VBQPPL nhất thiết phải có Công văn chỉ đạo của UBND thành phố về việc giao Sở Tư pháp thẩm định VBQPPL.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 14 của Quy chế trên, thì Hồ sơ thẩm định dự thảo VBQPPL phải có các văn bản tham gia ý kiến của các cơ quan , tổ chức về nội dung dự thảo. Yêu cầu này xuất phát từ thực tế là hiện nay, hầu hết các ngành chủ trì soạn thảo sau khi tổ chức lấy ý kiến tham gia của các cơ quan, tổ chức thường chỉ tiếp thu, chỉnh lý mà không tổng hợp thành báo cáo. Do vậy, cơ quan thẩm định không rõ nội dung nào được tiếp thu, chỉnh lý, nội dung nào không tiếp thu cũng như lý do của vấn đề này để có ý kiến cụ thể. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp cơ quan soạn thảo tổ chức lấy ý kiến tham gia của các cơ quan khác nhưng không tiếp thu, mà cũng không có giải trình.

So với yêu cầu về Hồ thẩm định đã được quy định tại Luật Ban hành VBQPPL của HĐND, UBND thì những yêu cầu này có mở rộng hơn. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận đây là một giải pháp mang tính “mưa dầm thấm lâu” nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác thẩm định đối với các dự thảo VBQPPL của các Sở, ngành, cũng như khắc phục hạn chế khi hàng năm UBND thành phố chưa phê duyệt được Kế hoạch ban hành VBQPPL.           

Gửi Báo cáo thẩm định- để không thành “áo gấm đi đêm”

            Theo quy định của luật thì Báo cáo thẩm định dự thảo VBQPPL của Sở Tư pháp sẽ được gửi tới cơ quan soạn thảo để tiếp thu và chỉnh lý dự thảo trước khi trình UBND thành phố. Tuy nhiên, hiện nay Báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp Hải Phòng luôn có ít nhất là 2 địa chỉ để gửi tới. Đó là UBND thành phố, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan phối hợp khác. Việc này trên thực tế đã khắc phục được tình trạng có những trường hợp cơ quan chủ trì soạn thảo không tiếp thu ý kiến thẩm định, nhưng cũng không báo cáo giải trình với UBND thành phố. Vì thế nhiều văn bản QPPL Sở Tư pháp có ý kiến đề nghị không ban hành do chưa đáp ứng yêu cầu đã được UBND thành phố chấp thuận.

Điểm mới này dựa trên Quy trình thực hiện việc thẩm định Quyết định Chỉ thị của UBND thành phố do Sở Tư pháp Hải Phòng ban hành. Quy trình bao gồm 5 bước từ lúc Sở Tư pháp tiếp nhận hồ sơ yêu cầu thẩm định cho tới lúc gửi Báo cáo thẩm định tới UBND thành phố và cơ quan soạn thảo để chỉnh lý. Trong đó, việc báo cáo UBND thành phố kết quả thẩm định được đặc biệt chú trọng bằng các hình thức thông tin tại cuộc họp  và văn bản.

            Tuy nhiên, hiện nay ở Hải Phòng, việc tổ chức xem xét, quyết định việc ban hành hay không ban hành VBQPPL thông qua phiên họp của UBND thành phố theo quy định của luật vẫn chưa được thực hiện. Tồn tại này dễ dẫn đến việc những ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp sẽ không được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu hoặc tiếp thu không đúng yêu cầu mà cũng không được giải trình làm rõ báo cáo UBND thành phố. Với thực trạng này, công tác thẩm định VBQPPL của cơ quan tư pháp vô hình chung trở thành “áo gấm đi đêm”, mang tính hình thức.

Xuân Hoa