Phú Yên tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở

15/08/2008
UBND tỉnh Phú Yên vừa tiến hành đánh giá 10 năm thực hiện Pháp lệnh về Tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở. Qua đó cho thấy, công tác tổ chức và hoạt động hoà giải ở tỉnh Phú Yên được kiện toàn, góp phần rất lớn cho việc củng cố tình làng nghĩa xóm, đảm bảo an ninh tật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư.

Trong 10 năm qua, kể từ khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, các cấp uỷ Đảng đã chỉ đạo chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan trong hệ thống chính trị ở địa phương không ngừng xây dựng, cũng cố, kiện toàn các Tổ hòa giải ở cơ sở. Các cơ quan phươngp ở các cấp đã từng bước nâng cao trình độ pháp luật và kỹ năng hoà giải cho các tổ viên Tổ hoà giải ở cơ sở, đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng của công dân và cộng đồng dân cư. Đến nay trong Phú Yên đã có 645 Tổ hoà giải ở các thôn, buôn, khu phố với 4.125 tổ viên Tổ hoà giải và 107 Ban hoà giải, Hội đồng hoà giải ở các xã, phường, thị trấn. Trong đó: Huyện Sông cầu, trong 59 thôn có 62 Tổ, với 457 hoà giải viên; Huyện Tuy An, trong 90 thôn và tổ dân phố đã có 104 Tổ hoà giải, với 735 hoà giải viên; Huyện Đồng Xuân, trong 54 thôn có 56 Tổ hoà giải, với 289 hoà giải viên;Huyện Sơn Hoà, trong 74 thôn và tổ dân phố đã có 102 Tổ hoà giải, với 438 hoà giải viên; Huyện Sông Hinh, trong 82 thôn, buôn, có 83 Tổ hoà giải, với 384 hoà giải viên; Huyện Đông Hoà, trong 50 thôn, có 50 Tổ hoà giải, với 384 hoà giải viên; Huyện Tây Hoà, trong 70 thôn, có 70 Tổ hoà giải, với 537 hoà giải viên; Huyện Phú Hoà, trong 39 thôn, có 39 Tổ hoà giải, với 342 hoà giải viên; và TP. Tuy Hoà, trong 76 thôn và khu phồ, có 79 Tổ hoà giải với 559 hoà giải viên;

Cơ cấu tổ chức và thành viên của các Tổ hoà giải rất đa dạng, số lượng thành viên của Tổ hoà giải thường có từ 5 đến 9 người, hầu hết Tổ trưởng Tổ hoà giải là Trưởng thôn hoặc thành viên của Mặt trận. Trong tổng số 4.125 tổ viên Tổ hoà giải được nhân dân bầu ra trong các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể như: Mặt trận tổ quốc, Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội người cao tuổi, già làng, trưởng buôn. Trong đó: 526 thành viên là Trưởng thôn và Phó Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố; 147 thành viên là Bí thư Chi bộ; 472 thành viên của Ban công tác Mặt trận; 478 thành viên của Chi Hội Phụ nữ; 520 thành viên của  Chi Hội Nông dân; 321 thành viên của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; 387 thành viên của Hội Cựu Chiến binh; 421 thành viên của Hội Người cao tuổi; 71 thành viên là già làng , Trưởng buôn và 782 thành viên là thành phần khác. Về độ tuổi: 397 thành viên có độ tuổi dưới 30 (chiếm 9,62%); 1.026 thành viên có độ tuổi từ 30 đến 45 (chiếm 24,87 %); 1.525 thành viên có độ tuổi 46 đến 55 (chiếm 36,96 %); 1.177 thành viên có độ tuổi 56 trở lên (chiếm 28,55 %). Số người có trình độ văn hoá bậc tiểu học 899 người; bậc trung học cơ sở 2.179 người; bậc trung học phổ thông 1.047 người; trong đó số tổ viên Tổ hoà giải có trình độ chuyên môn hệ trung cấp 123 người; cao đẳng 19 người;  đại học 27 người.

Theo số liệu báo cáo của Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố trong tỉnh, từ năm 1998 đến tháng 5 năm 2008 các Tổ hoà giải ở thôn, buôn, khu phố, cụm dân cư và các Ban hoà giải ở xã, phường, thị trấn trong tỉnh tiếp nhận 17.177 vụ việc; đã tiến hành hoà giải thành 13.307 vụ việc, đạt tỷ lệ 77,4% ; chuyển 2.328 vụ việc hoà giải không thành lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật, chiếm tỷ lệ 13,5%, số vụ việc còn lại đang tiếp tục tiến hành hoà giải. Trong đó các tổ chức hoà giải ở huyện Sông Cầu tiếp nhận 1.360 vụ việc, hoà giải thành 923 vụ việc (đạt 67,8%);  huyện Phú Hoà tiếp nhận 2.459 vụ việc, hoà giải thành 2.239 vụ việc (đạt 91,05%); huyện Sông Hinh tiếp nhận 1.207 vụ việc, hoà giải thành 812 vụ việc (đạt 86,19%); thành phố Tuy Hoà tiếp nhận 2.404 vụ việc, hoà giải thành 2.075 vụ việc (đạt 86%); huyện Tuy An tiếp nhận 2.141 vụ việc, hoà giải thành 1.810 vụ việc (đạt 84,54%); huyện Đồng Xuân tiếp nhận 712 vụ việc, hoà giải thành 542 vụ việc (đạt 76,72%);  huyện Đông Hoà tiếp nhận 3.105 vụ việc, hoà giải thành 2.682 vụ việc (đạt 91,06%); huyện Tây Hoà tiếp nhận 2.496 vụ việc, hoà giải thành 1.623 vụ việc (đạt 65%); huyện Sơn Hoà tiếp nhận 1.293 vụ việc, hoà giải thành 601 vụ việc (đạt 40,36%); Nhìn chung, hầu hết các địa phương trong tỉnh thực hiện tốt công tác hoà giải, đạt tỷ lệ hoà giải thành cao. Trong tổng số các vụ việc mà các Tổ chức hoà giải ở cơ sở tiếp nhận để hoà giải thì có 5.911 vụ việc thuộc lĩnh vực đất đai (chiếm 34,5%);  5.153 vụ việc thuộc lĩnh vực dân sự (chiếm 29,9%); 2.829 vụ việc thuộc lĩnh vực hôn nhân và gia đình, (chiếm 16,4%), số còn lại 3.284 vụ việc thuộc các lĩnh vực khác (chiếm 19,2 %). Các địa phương như Hoà Quang Nam, Hoà Quang Bắc, Hoà Trị, Hoà An, Hoà Thắng huyện Phú hoà; Xuân Thịnh, Xuân Cảnh, Xuân Hoà, Xuân Bình, huyện Sông Cầu; An Nghiệp, An Mỹ, An Hải, An Ninh Tây, thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An; Đa Lộc, Xuân Phước, Xuân Sơn Bắc, Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân; Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh có số vụ việc hoà giải thành đạt tỷ 91 % trở lên.

Có thể nói, trong 10 năm qua số vụ việc tranh chấp nhỏ trong nhân dân, trong cộng đồng dân cư không phải là ít, số vụ việc cần phải hoà giải trong lĩnh vực đất đai còn nhiều, tình hình tật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư còn khá phức tạp, vì vậy đòi hỏi các cấp, các ngành, các cơ quan, đoàn thể cần phải nỗ lực hơn nữa với nhiều hình thức, cách thức, phương  pháp khác nhau và dành nhiều thời gian hơn nữa để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật sâu rộng trong nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú, nhằm làm hạn chế tối đa các vụ việc cần phải hoà giải, giữ vững trật tự, an toàn xã hội và tình làng nghĩa xóm trong nhân dân, trong cộng đồng dân cư.

Trong 10 năm qua, nhờ sự quan tâm lãnh đạo của cấp uỷ, chỉ đạo của chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp uỷ và chính quyền cấp xã, sự phối hợp đồng bộ của Mặt trận và các tổ chức thành viên cùng cấp, cùng với sự nhiệt tình, năng động, sánh tạo của tổ viên Tổ hoà giải và công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật, hướng dẫn kỹ năng hoà giải, kiểm tra của ngành Tư pháp đã tạo điều kiện cũng cố, kiện toàn, ổn định về công tác tổ chức đối với các Tổ hoà giải ở cơ sở cũng như không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức, kỹ năng hoà giải cho các Tổ viên Tổ hoà giải để lực lượng này có đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Chính vì vậy, trong 10 năm qua các Tổ hoà giải ở địa phương ngày càng được kiện toàn, củng cố về số lượng cũng như chất lượng, các thôn trong tỉnh đều được thành lập Tổ hoà giải; tổ trưởng Tổ hoà giải và các thành viên là những người có uy tín, có kinh nghiệm thực tiễn và được bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ; số vụ việc hoà giải thành trung bình hàng năm đạt tỷ lệ từ 60% đến 80%, kịp thời giải quyết tốt các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và vận động nhân dân chấp hành pháp luật; phòng ngừa và hạn chế vi phạm pháp luật; bảo đảm trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, giảm một cách đáng kể các đơn thư khiếu nại, khiếu kiện lên cơ quan hành chính cấp trên hoặc cơ quan Toà án, giúp cho các cơ quan nhà nước giảm tải việc giải quyết đơn thư khiếu nại, khiếu kiện không cần thiết, tiết kiệm thời gian, tiền bạc của nhân dân, mang lại lợi ích kinh tế, văn hoá xã hội, tinh thần không chỉ cho cá nhân, cho cộng đồng dân cư mà cho cả toàn xã hội. Đặc biệt, đã chấm dứt từng trạng gửi đơn vượt cấp hoặc kéo đoàn khiếu kiện lên Trung ương.

Bên cạnh những thành tích đạt được, công tác hoà giải ở cơ sở hiện nay còn một số hạn chế nhất định cần phải được khắc phục trong thời gian đến. Đó là:

- Một số nơi cấp uỷ, chính quyền địa phương chưa thấy hết tầm quan trọng, ý nghĩa và tác dụng của công tác hoà giải, chưa thực sự chú trọng và quan tâm đúng mức, do vậy trong  lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành còn chung chung chưa cụ thể, việc triễn khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về công tác hoà giải còn chậm; số lượng vụ việc, hiệu quả hoà giải chưa cao, thiếu kịp thời, thiếu đôn đốc,  kiểm tra.

Uỷ ban nhân dân và các cơ quan tư pháp ở địa phương mặc dầu đã có nhiều cố gắng trong công tác hoà giải ở sở, nhưng trong chừng mực nào đó chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình đối với công tác tổ chức, chưa tạo điều kiện thuận lợi tối đa về kinh phí, về cơ sở vật chất cho công tác hoà giải. Về kinh phí, mặc dù UBND tỉnh đã ban hành Quyết định quy định mức chi cho công tác hoà giải là 70.000đồng/vụ. Tuy nhiên cho đến nay chưa địa phương nào thực hiện. Riêng xã Hoà Thành huyện Đông Hoà chi cho một vụ hoà giải thành là 10.000đồng.

-  Mặc dầu công tác tổ chức tập huấn bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng hoà giải cho các tổ viên đã được triển khai thực hiện, nhưng chưa có tính ổn định kế hoạch còn mang tính thời vụ, nội dung bồi dưỡng chưa rộng, chưa sâu còn nặng về lý thuyết thiếu thực tế, thời gian tập huấn còn hạn chế, đây cũng là một trong những nguyên nhân làm dẫn đến số lượng và chất lượng hoà giải chưa đạt như mong muốn.

- Chưa tổ chức kịp thời việc sơ kết tổng kết theo định kỳ để rút ra cách thức, phương pháp hoà giải tốt làm cơ sở điển hình nhân rộng; chưa phát động phong trào thi đua, kịp thời khen thưởng, biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích để khích lệ tinh thần đối với những người có tâm huyết trong công tác hoà giải.

-  Cơ chế phố hợp: Mặc dầu trong 10 năm qua, Uỷ ban nhân dân các cấp, các cơ quan tư pháp ở địa phương đã phối hợp chặt chẽ với  các cơ quan Mặt trận cùng cấp và các thành viên trong việc cũng cố, kiện toàn các Tổ hoà giải ở cơ sở nhưng chưa thường xuyên, thiếu sự kiểm tra về chất lượng, dẫn tới tình trạng không kịp thời bổ sung những thành viên có năng lực, có uy tín hoặc bãi miễn những thành viên thiếu năng lực, thiếu nhiệt tình, mất uy tín trong tổ chức hoà giải ở cơ sở. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho số vụ hoà giải thành ở một số địa phương đạt tỷ lệ không cao.

-  Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa thực sự đầu tư đúng mức cả về tổ chức, biên chế, và kinh phí. Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tuy đã được thành lập từ cấp tỉnh đến cấp xã nhưng hoạt động không đều, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm; các thành viên của Hội đồng (nhất là cấp xã ít được bồi dưỡng về kiến thức pháp luật), vai trò tham mưu của của cán bộ tư pháp-hộ tịch không kịp thời nên việc triển khai, tuyên truyền pháp luật đến nhân dân còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa đầy đủ.

Từ những kết quả đã đạt được trong công tác tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở trong 10 năm qua, và những tồn tại, yếu kém cần phải khắc phục đối với công tác này, chúng ta có thể rút ra những bài học kinh nghiệm như sau:

- Thứ nhất:  Trong thực tiễn, và nhất là 10 năm kể từ khi Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở có hiệu lực, nếu nơi nào cấp uỷ Đảng và Uỷ ban nhân dân, các đoàn thể ở địa phương nhận thức đầy đủ về công tác hoà giải thì địa phương đó ít xảy ra xích mích, ít vi phạm pháp luật, ít đơn thư khiếu nại, tình đoàn kết trong nội bộ dân cư được đảm bảo; tình làng, nghĩa xóm, đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng dân cư được được phát huy, tật tự an ninh được ổn định góp phần rất lớn trong công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật. Điều đó cho thấy: khi nào, nơi nào, ở đâu cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương nhận thức đúng đắn và quan tân đúng mức đến công tác hoà giải thì ở đó các Tổ hoà giải hoạt động có hiệu quả.

- Thứ hai:  Địa phương nào, cơ sở nào thường xuyên quan tâm củng cố, xây dựng các Tổ hoà giải phù hợp với địa bàn dân cư, có đủ số lượng, đảm bảo thành phần và các tổ viên Tổ hoà giải có uy tín, được bồi dưỡng về kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ thì địa phương đó có vụ việc hoà giải thành cao, lượng đơn thư khiếu nại, khởi kiện lên cơ quan cấp trên hoặc đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền giảm thiểu tối đa, nhận thức về pháp luật trong nhân dân được nâng cao, tật tự an ninh được giữ vững. Điều đó trước hết, các cơ quan tư pháp ở địa phương phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt nam và các đoàn thể ở cơ sở, thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của các tổ viên Tổ hoà giải để có hướng bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng hoà giải cũng như đạo đức xã hội, giúp cho đội ngũ này có đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ của mình, đồng thời có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng các thành viên mới do Mặt trận giới thiệu để bổ sung hoặc thay thế những tổ viên bị giảm sút uy tín, thiếu nhiệt tình, thiếu năng lực, vi phạm pháp luật.

Thứ ba : Mặc dầu, Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở và Nghị định 160/1999/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về Tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở không quy định việc thành lập Ban hoà giải hoặc Hội đồng hoà giải cấp xã, mà chỉ thành lâp các Tổ hoà giải ở thôn, buôn, cụm dân cư, khu phố. Tuy nhiên trên thực tế mô hình về tổ chức hoà giải này đem lại hiệu quả rất cao, hầu hết các vụ việc phức tạp đều được hoà giải thành tại đây, hạn chế tối đa các vụ việc phải chuyển lên các cơ quan nhà nước có thẩm giải quyết theo luật định.

- Thứ tư : Trong thực tiễn hoạt động hoà giải cho thấy, trình độ dân trí về pháp luật là vấn đề then chốt bảo đảm cho việc hoà giải thành trong công tác hoà giải. Chính vì vậy cần phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đưa pháp luật đi vào cuộc sống, nhằm mục đích nâng cao nhận thức pháp luật trong nhân dân để mỗi công dân hình thành trong ý thức của mình nếp “sống làm việc và xử lý theo pháp luật”.

- Thứ năm : Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khuyến khích và động viên cả hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể khác ở cơ sở, cộng đồng dân cư tích cực tham gia vào hoạt động hoà giải ở cơ sở. Gắn hoạt động hoà giải với các phong trào “Bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phong trào “Xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá”, phong trào “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”…ở các thôn, buôn, khu phố trong toàn tỉnh.

Huỳnh Xuân- Huỳnh Huyện