Ngành Tư pháp Ninh Bình: Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ chính trị

01/08/2008
Thực hiện Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ chính trị về “chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020”, Kế hoạch số 06 - KH/TU ngày 07/3/2006 của Ban thường vụ Tỉnh uỷ Ninh Bình “về quán triệt thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ Chính trị”, 3 năm qua ngành Tư pháp Ninh Bình đã tổ chức thực hiện Nghị quyết 49/NQ-TW đã đạt được một số kết quả.

Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ Ninh Bình, ngay say khi tiếp thu Kế hoạch số 06/KH-TU của Ban thường vụ Tỉnh uỷ về việc “quán triệt thực hiện Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ chính trị”, Sở Tư pháp đã tiến hành chỉ đạo xây dựng và ban hành Kế hoạch số 02/KH-STP ngày 14/3/2006 để triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ chính trị và Kế hoạch số 06 của Tỉnh uỷ trong ngành Tư pháp toàn tỉnh. Sở Tư pháp đã tổ chức 2 hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về ‘một số nhiệm vụ trọng tâm công tác Tư pháp” và triển khai quán triệt học tập nội dung Nghị quyết  49 của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 06/KH-TU của Thường vụ Tỉnh uỷ và Kế hoạch số 02 của Sở Tư pháp về triển khai  quán triệt học tập nội dung Nghị quyết 49 của Bộ chính trị  cho gần 200 lượt người là cán bộ, công chức, đảng viên, đoàn viên, chấp hành viên… thuộc Sở Tư pháp quản lý và toàn thể cán bộ công chức các Phòng tư pháp huyện, thị xã, thành phố. Sau khi được quán triệt, học tập nội dung của Nghị quyết 49, nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức ngành Tư pháp đã được nâng lên và nhận thấy  cần phải xây dựng các cơ quan Tư pháp từ tỉnh tới cơ sở thật sự trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu quả, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích chính đáng của công dân, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. 

Trong 3 năm qua việc tổ chức chỉ đạo triển khai Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị được thực hiện thường xuyên trong suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo điều hành công tác trong toàn ngành Tư pháp và đã đạt được những kết quả chủ yếu sau: 

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật luôn được tăng cường, hầu hết các văn bản pháp luật mới và những văn bản pháp luật liên quan thiết thực đến đời sống nhân dân được tập trung tuyên truyền phổ biến cho cán bộ và nhân dân. Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL tỉnh đã phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tổ chức quán triệt học tập cho 172.000 lượt người được học tập nội dung các văn bản luật như Bộ luật dân sự, Luật phòng chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Luật giáo dục, Luật hợp tác xã, Luật an toàn giao thông đường bộ, Luật khiếu nại tố cáo và các văn bản pháp luật khác của TW, của tỉnh liên quan đến nhân dân. Sở Tư pháp đã tham mưu cho Tỉnh uỷ dự thảo Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác tuyên truyền PBGDPL, soạn thảo 02 đề cương phổ biến Luật phòng chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí; 18 đề cương phổ biến các đạo luật mới được Quốc hội ban hành để phổ biến tới cán bộ và nhân dân trong tỉnh. 

Công tác kiểm tra và xử lý văn bản QPPL được tăng cường hơn và đi vào nề nếp. Sở Tư pháp đã tổ chức kiểm tra công tác xây dựng và ban hành văn bản của 08 huyện, thị xã, thành phố xử lý theo thẩm quyền 13 văn bản có nội dung trái thẩm quyền, 61 văn bản viện dẫn căn cứ sai hoặc không chính xác, 17 văn bản có một phần nội dung trái hoặc không phù hợp với văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên. Sở Tư pháp đã tham mưu cho HĐND và UBND tỉnh rà soát và từ kiểm tra 192 văn bản QPPL của HĐND và UBND tỉnh ban hành từ năm 1992 – 1995. Qua rà soát và tự kiểm tra đã giúp HĐND và UBND tỉnh phát hiện 26 văn bản QPPL có nội dung trái hoặc không phù hợp với văn bản QPPL cấp trên để đề nghị huỷ bỏ, sửa đổi hoặc bổ sung kịp thời. 

Công tác Thi hành án dân sự đã có nhiều cố gắng đẩy mạnh việc xác minh phân loại án và tổ chức thi hành triệt để các vụ án có điều kiện thi hành. Nhiều vụ việc kéo dài nhiều năm nay đã được giải quyết dứt điểm như vụ Thìn - Tuyết ở Thị xã Tam Điệp, vụ Lê Đại Nghĩa ở Hoa Lư, vụ An – Tiu ở huyện Kim Sơn, vụ Dũng – Thu ở huyện Yên Mô, vụ Trần Văn Thất ở huyện Yên Khánh.. tỷ lệ thi hành án năm sau cao hơn năm trước. Từ năm 2006 đến nay số việc phải thi hành án là 10.606 vụ việc, trong đó có điều kiện thi hành là 5281 việc, đã thi hành xong là 3326 việc đạt 63.2% về việc; tổng số tiền phải thi hành là 239.815.000.000đ, trong đó có điều kiện thi hành là 49.530.227đ, đã thu được 31.130.475.000đ đạt tỷ lệ 62,8% so với số tiền  có điều kiện thi hành.

Công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực Tư pháp được thực hiện nghiêm túc, các vụ việc khiếu nại của dân được giải quyết kịp thời. 3 năm qua Thanh tra Sở Tư pháp đã tiếp nhận 124 đơn khiếu nại chủ yếu là đề nghị chậm được thi hành án dân sự. Sở Tư pháp đã chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh giải quyết theo qui định của pháp luật.

Công tác tổ chức cán bộ có nhiều chuyển biến tích cực. Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh Quyết định thành lập mới và đi vào hoạt động có hiệu quả 2 đơn vị trực thuộc Sở là Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và Phòng công chứng số 2 tại Thị xã Tam Điệp. 3 năm qua Sở Tư pháp đã bổ nhiệm lại 4 trưởng phòng, bổ nhiệm mới 7 trưởng, phó phòng, 8 phó trưởng Thi hành án dân sự cấp huyện, thị xã, thành phố. Đến nay sau khi kiện toàn các phòng, trung tâm thuộc Sở đang đi vào hoạt động đem lại hiệu quả tích cực. Đặc biệt là hàng năm Sở Tư pháp đã tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ phòng Tư pháp huyện, thị và tất cả công chức Tư pháp hộ tịch 147 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh với các chuyên đề về công tác tuyên truyền PBGDPL, công tác soạn thảo và tự kiểm tra văn bản, kỹ năng và phương pháp hoà giải cơ sở, công tác hộ tịch cơ sở, nghiệp vụ thi hành án dân sự.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện Nghị quyết 49 ngành tư pháp Ninh Bình còn bộc lộ một số tồn tại đó là: hiệu quả một số lĩnh vực hoạt động còn chưa cao trong công tác tuyên truyền còn nhiều văn bản chưa được phổ biến sâu rộng tới nhân dân để thực hiện, mới chỉ phổ biến tới đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, một số vụ án chưa được thi hành dứt điểm, tỷ lệ án chuyển giao cho cấp xã thi hành đạt  thấp, công tác tự kiểm tra và xử lý văn bản QPPL ở một số nơi chưa thường xuyên, hiệu quả thấp; việc tháo gỡ khó khăn về tổ chức bộ máy, cán bộ còn nhiều bất cập, việc phân công cán bộ, công chức ở một số đơn vị chưa phù hợp với năng lực chuyên môn. Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ trong ngành chưa thường xuyên, một số cán bộ công chức chưa chủ động tự giác học tập nâng cao trình độ chuyên môn phục vụ công tác nên hiệu quả chất lượng công việc chưa cao.

Thiều Thị Tú