Quảng Ngãi: Với hơn bốn năm thực hiện công tác kiểm tra văn bản

25/07/2008
Được sự quan tâm của lãnh đạo chính quyền tỉnh Quảng Ngãi, sự phối hợp của các cấp, các ngành trong tỉnh, sự chỉ đạo của Lãnh đạo Sở Tư pháp và sự nỗ lực của cán bộ, công chức của ngành tư pháp, hơn bốn năm qua từ 2004 đến nay, Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai thực hiện toàn diện các nội dung về công tác kiểm tra văn bản, góp phần vào việc quản lý, điều hành của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp trong tỉnh có hiệu quả cao, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Ngãi.

Để đảm bảo thể chế về công tác kiểm tra, xử lý văn bản ở địa phương được thực hiện thống nhất và toàn diện, từ năm 2006 đến nay Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi đã tham mưu trình Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh cho ý kiến và ban hành các văn bản để điều chỉnh về lĩnh vực kiểm tra văn bản, thực hiện như: Chỉ thị về tăng cường công tác kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; Chỉ thị về đảm bảo kinh phí cho công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; các Quyết định ban hành Chương trình, kế hoạch hàng năm về công tác kiểm tra và quyết định về công nhận đội ngũ cộng tác viên kiểm tra văn bản cấp tỉnh. Đây là những hành lang, cơ sở pháp lý bước đầu để Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ kiểm tra văn bản. Chính vì vậy, công tác kiểm tra văn bản của tỉnh Quảng Ngãi trong những năm quan đạt được kết quả đáng khích lệ trên các mặt:

 Công tác tự kiểm tra văn bản của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi được Sở Tư pháp Quảng Ngãi tham mưu thực hiện từ năm 2005. Số lượng văn bản tự kiểm tra từ năm 2005 đến tháng 4 năm 2008 là 127 văn bản, qua kiểm tra phát hiện có 14 văn bản sai sót. Năm 2005 hoàn thành xong việc xử lý bãi bỏ, huỷ bỏ 04 văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân tỉnh: Huỷ bỏ Quyết định số 02 năm 2002 về việc ban hành Quy định một số cơ chế chính, sách ưu đãi đầu tư vào Khu công nghiệp Dung Quất trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi (giai đoạn 2002–2005);  Bãi bỏ Điều 10 bản Quy định về một số cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi (giai đoạn 2002-2005) ban hành kèm theo Quyết định số 03 năm 2005; Bãi bỏ khoản a Điều 5 bản Quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển các Khu du lịch, điểm du lịch của tỉnh Quảng Ngãi (giai đoạn 2003-2005) ban hành kèm theo Quyết định số 93 năm 2003; Bãi bỏ khoản 1 Điều 5 bản Quy định về một số cơ chính sách khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi (ngoài các khu công nghiệp) ban hành kèm theo Quyết định số 94 năm 2003. Năm  2006 hoàn thành xong việc xử lý huỷ bỏ 03 văn bản của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi: Huỷ bỏ Quyết định số 1912 năm 2006 về việc thành lập Hội đồng định giá, bán tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước cấp tỉnh;  Huỷ bỏ và ban hành văn bản mới thay thế Quyết định số 472 năm 2006 về việc ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi;  Huỷ bỏ Quyết định số 564 năm 2006 ban hành Quy định tạm thời trình tự, thủ tục cưỡng chế quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thuế. Năm 2007, Sở Tư pháp Quảng Ngãi phát hiện và báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh về 07 trường hợp văn bản do Uỷ ban nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân ban hành trong năm 2007 có sai sót nhưng hiện tại Uỷ ban nhân dân tỉnh mới xử lý thay thế 01 quyết định sai về nội dung (Quyết định số 07 năm 2007 của UBND tỉnh ban hành Quy định tạm thời về một số nhiệm vụ quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi), 01 văn bản hết hiệu lực là Quyết định số 20 năm 2007 của UBND tỉnh ban hành Quy định tạm thời về chính sách khuyến khích đối với cán bộ, công chức tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc (do nội dung không còn phù hợp với Nghị định số 132 năm 2007 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế); còn lại 05 văn bản chưa xử lý, trong đó có 04 văn bản của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh sai về thẩm quyền ban hành: Quyết định số 414 năm 2007 về việc ban hành đơn giá bồi thường cây quế; Quyết định số 19 năm 2007 về việc điều chỉnh giá đất ở một số vị trí trên địa bàn huyện Bình Sơn; Quyết định số 48 năm 2007 về việc điều chỉnh, bổ sung giá đất ở một số vị trí trên địa bàn huyện Sơn Tịnh; Chỉ thị số 27 năm 2007 về việc tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trên mạng Internet trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và 01 văn bản sai về nội dung: Quyết định số 22 năm 2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định mức thu học phí đào tạo lái xe ô tô hạng B1, B2 và hạng C tại các cơ sở đào tạo lái xe thuộc tỉnh quản lý. Trong 04 tháng đầu năm 2008, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành 24 văn bản quy phạm pháp luật. Qua tự kiểm tra, phát hiện 01 văn bản là Quyết định số 30 năm 2008 về bãi miễn một số loại phí và lệ phí áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và được xử lý thay thế bằng Quyết định số 71 năm 2008 về việc điều chỉnh Quyết định số 30 năm 2008.

Công tác kiểm tra theo thẩm quyền được Sở Tư pháp tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi thực hiện đạt kết quả cao. Việc kiểm tra văn bản theo thẩm quyền hiện nay được thực hiện chủ yếu theo phương thức Sở Tư pháp thành lập Đoàn kiểm tra đến từng huyện để tiến hành kiểm tra chuyên sâu, toàn diện về công tác ban hành, quản lý văn bản và có báo cáo kết luận kiểm tra. Từ năm 2006 đến nay, việc kiểm tra văn bản được thực hiện một cách chặt chẽ theo kế hoạch do Uỷ ban nhân  dân  tỉnh ban hành; phạm vi và nội dung kiểm tra được mở rộng so với trước đây, không chỉ kiểm tra đối với các văn bản đã ban hành, mà còn kiểm tra cả văn bản cá biệt, văn bản hành chính thông thường và tất cả những hoạt động quản lý nhà nước về công tác văn bản của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân huyện. Từ năm 2004 - 2007, đã tiến hành kiểm tra 24 đợt tại 14 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, bình quân mỗi năm, Uỷ ban nhân dân tỉnh giao Sở Tư pháp Quảng Ngãi thành lập 05 - 06 đoàn kiểm tra, thời kỳ kiểm tra là khoảng 2 đến 3 năm. Tổng số văn bản được kiểm tra trong hơn 04 năm là 191.496 văn bản các loại, phát hiện 5.097 văn bản sai (gồm cả văn bản quy phạm và văn bản cá biệt). Trong đó kiến nghị Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các huyện xử lý bãi bỏ, huỷ bỏ, sửa đổi, bổ sung, thay thế 167 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản cá biệt có chứa quy phạm pháp luật. Đối với số văn bản cá biệt sai còn lại, kiến nghị các huyện rút kinh nghiệm và có biện pháp chấn chỉnh.

          Kiểm tra văn bản gửi đến được triển khai thực hiện từ năm 2006, tổng số văn bản Sở Tư pháp đã kiểm tra là 332 văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các huyện gửi đến sau khi ban hành. Qua kiểm tra, kiến nghị Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các huyện xử lý 01 nghị quyết và 29 quyết định có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật          

Về  đội ngũ cộng tác viên, xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ công tác kiểm tra, rà soát văn bản, Sở Tư pháp đã phối hợp với các Sở, ban, ngành trong trong tỉnh lựa chọn cán bộ, công chức giỏi, có kinh nghiệm quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực để tham gia làm công tác viên. Trong năm 2006 Sở đã trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi thành lập đội ngũ Cộng tác viên kiểm tra văn bản (đợt 1) với 34 người đang công tác tại các sở, ban, ngành để phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện công tác kiểm tra văn bản. Nhìn chung đều có năng lực chuyên sâu về lĩnh vực, ngành mà cộng tác viên đang công tác, nên về cơ bản đã đảm bảo và đáp ứng được yêu cầu của công tác kiểm tra văn bản. Hiện nay, để đáp ứng yêu cầu công tác kiểm tra văn bản trong thời gian tới, Sở đang  thực hiện kiện toàn, bổ sung thêm lực lượng đội ngũ cộng tác viên kiểm tra văn bản tỉnh trong năm 2008 (đợt 2).

           Việc xây dựng hệ cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác kiểm tra văn bản chưa được đầu tư xây dựng thành hệ cơ sở dữ liệu chung cho các cơ quan sử dụng, mà bước đầu chỉ được Sở Tư pháp Quảng Ngãi tập hợp, thu thập theo từng chuyên đề để phục vụ cho hoạt động tự kiểm tra, rà soát văn bản và kiểm tra theo thẩm quyền của Sở Tư pháp.

          Công tác tập huấn nghiệp vụ kiểm tra, nhìn chung ở cấp tỉnh chưa được tổ chức thường xuyên, từ năm 2004 đến nay, công tác tập huấn, hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm tra, rà soát văn bản ở cấp tỉnh chỉ được tổ chức một lần vào năm 2007. Đối với công tác tập huấn trực tiếp tại các huyện, từ năm 2006 - 2007 đã được Sở Tư pháp tổ chức tập huấn 05 đợt cho 05  huyện trên địa bàn tỉnh.

          Về kinh phí cho công tác kiểm tra, bắt đầu từ năm 2007, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã bố trí kinh phí để Sở Tư pháp chi cho hoạt động kiểm tra. Việc bố trí kinh phí chưa được nhiều nhưng bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu của công tác kiểm tra văn bản.

Sự tác động của công tác kiểm tra văn bản: Với mục đích của công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật là nhằm phát hiện những nội dung trái pháp luật của văn bản để kịp thời đình chỉ việc thi hành, sửa đổi, huỷ bỏ hoặc bãi bỏ văn bản bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xác định trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành văn bản trái pháp luật, do đó công tác kiểm tra văn bản ở tỉnh Quảng Ngãi có sự tác động rất lớn đối với hoạt động giám sát, chấp hành, điều hành và tham mưu của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh:

Đối với cấp tỉnh, công tác kiểm tra văn bản đã góp phần rất lớn vào việc nâng cao chất lượng xây dựng và ban hành văn bản trên địa bàn tỉnh. Qua công tác tự kiểm văn bản do Sở Tư pháp thực hiện hàng năm, đã kịp thời giúp Uỷ ban nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xử lý, điều chỉnh các văn bản ban hành không phù hợp, đồng thời đánh giá được chất lượng, trách nhiệm, năng lực tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật từ các sở, ban, ngành, qua đó Uỷ ban nhân dân tỉnh đã kịp thời chỉ đạo, khắc phục và hoàn thiện công tác soạn thảo, ban hành văn bản và thể chế hoá các quy định về công tác này.

          Đối với cấp huyện, đặc thù trong công tác kiểm tra văn bản theo thẩm quyền đối với cấp huyện ở tỉnh Quảng Ngãi, là ngoài kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Uỷ ban nhân dân  tỉnh còn giao Sở Tư pháp thực hiện kiểm tra đối với các văn bản cá biệt và văn bản hành chính thông thường, công tác thẩm tra, thẩm định, việc gửi văn bản quy phạm đến cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, công tác tổ chức tự kiểm và kiểm tra theo thẩm quyền của cấp huyện nhằm giúp các huyện hoàn thiện đồng bộ hoạt động xây dựng, ban hành văn bản của mình. Chính vì vậy, trong 03 năm trở lại đây, hoạt động xây dựng, ban hành văn bản của các huyện sau khi được kiểm tra đã nâng cao rõ rệt về mặt chất lượng, hạn chế và khắc phục được nhiều sai sót cơ bản trong văn bản quy phạm và cả các văn bản cá biệt, văn bản hành chính thông thường; công tác thẩm tra, thẩm định văn bản, công tác tự kiểm tra, kiểm tra theo thẩm quyền của một số huyện đã được triển khai, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực. Hoạt động kiểm tra văn bản không chỉ kịp thời kiến nghị, chấn chỉnh xử lý đối với các văn bản ban hành sai, mà còn giúp cho các huyện rất nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý hành chính nhà nước ở địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm tra văn bản còn những hạn chế nhất định như:

Trong công tác tự kiểm tra văn bản do Sở Tư pháp tham mưu trình xử lý nhưng còn một số trường hợp văn bản của Uỷ ban nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh có sai sót nhưng chưa được các cơ quan dự thảo tham mưu cho Uỷ ban nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xử lý và Uỷ ban nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh cũng chưa cương quyết chỉ đạo xử lý kịp thời, một số văn bản Sở Tư pháp còn chậm kiến nghị xử lý. Bên cạnh đó, nhận thức của các cấp, các ngành vẫn còn thiếu đồng bộ, thiếu quan tâm, chưa hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác kiểm tra và xử lý văn bản sau khi ban hành.

 Trong công tác kiểm tra văn bản theo thẩm quyền vẫn còn có một số huyện chưa thực sự quan tâm đến công tác văn bản, cụ thể là chậm xử lý những văn bản có dấu hiệu trái pháp luật do Sở Tư pháp phát hiện và kiến nghị, dẫn đến một số trường hợp văn bản ban hành có nội dung quy định trái pháp luật vẫn tồn tại, mà không kịp thời được bãi bỏ, huỷ bỏ, sửa đổi, bổ sung và thay thế. Bên cạnh đó, đối với những trường hợp cố tình lẩn tránh, không chịu xử lý văn bản khi Sở Tư pháp đã có kiến nghị nhưng sau đó do công việc quá nhiều Sở Tư pháp chậm tham mưu kịp thời cho Uỷ ban nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xử lý.

          Ngoài ra công tác kiểm tra văn bản còn gặp những khó khăn: Một là, hiện tại công tác kiểm tra văn bản của Sở Tư pháp Quảng Ngãi được thực hiện lồng ghép chung các công tác chuyên môn khác, trong khi biên chế chỉ có 05 người nhưng phải thực hiện một khối lượng công việc tương đối nhiều, như: thẩm định, soạn thảo, góp ý luật, pháp chế, đăng ký giao dịch bảo đảm, hương ước, quy ước nên chất lượng vẫn còn hạn chế, chưa kịp thời phát hiện, kiến nghị, theo dõi xử lý toàn diện các văn bản sai sót, đặc biệt là việc kiểm tra văn bản theo thẩm quyền đối với văn bản do Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các huyện gửi đến chưa được chú trọng đúng mức, đôi lúc còn mang tính hình thức. Hai là, việc tổ chức kiểm tra văn bản trực tiếp tại Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các huyện hiện đang được Uỷ ban nhân dân tỉnh giao Sở Tư pháp rút ngắn thời gian từ 03 năm một lần, xuống còn bình quân mỗi huyện định kỳ 02 năm một lần, hướng đến còn 01 năm. Tuy nhiên, yêu cầu này chỉ thực hiện được đối với một vài huyện, còn lại một số huyện vẫn phải 03 năm kiểm tra một lần, vì để thực hiện được mục tiêu này thì bình quân mỗi năm Sở Tư pháp phải triển khai kiểm tra đủ 07/14 huyện của tỉnh (kiểm tra 1/2 tổng số huyện của tỉnh). Nhưng hiện tại do yêu cầu về công việc chuyên môn ngày một nhiều và phức tạp hơn, trong khi chưa có bộ phận đảm nhiệm chuyên trách về công tác kiểm tra văn bản nên không thể thực hiện được mục tiêu này. Vì vậy, công tác kiểm tra văn bản hiện tại vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu nhanh chóng, kịp thời phát hiện ngăn ngừa các sai sót, thiệt hại do văn bản ban hành trái pháp luật gây ra. Ba là, do chưa có quy định về chế tài để xử lý đối với cơ quan, người có thẩm quyền thiếu trách nhiệm trong việc ban hành và xử lý văn bản nên làm cho công tác kiểm tra văn bản chưa thực sự được các cơ quan, cá nhân có liên quan thực thi, chấp hành nghiêm chỉnh.

 Một số kinh nghiệm về kiểm tra, xử lý văn bản, đó là:

Đối với công tác tự kiểm tra văn bản, việc thành lập đội ngũ cộng tác viên để phối hợp với cơ quan tư pháp trong quá trình tự kiểm tra văn bản của Uỷ ban nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, nhất là đối với những văn bản thuộc ngành, lĩnh vực mà cộng tác viên đó đang công tác và cộng tác kiểm tra những văn bản của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cấp huyện có liên quan. Khi kiến nghị xử lý đối với văn bản có sai sót, cơ quan tư pháp cần có sự phối hợp với cơ quan đã chủ trì tham mưu xây dựng văn bản đó, để việc tiến hành xử lý văn bản được chặt chẽ, nhanh chóng và có sự thống nhất giữa các bên.

          Đối với công tác kiểm tra văn bản theo thẩm quyền: Bên cạnh việc kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cấp huyện gửi lên sau khi ban hành, định kỳ hàng năm cần phải tổ chức các Đoàn trực tiếp kiểm tra văn bản tại Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân của các huyện (hàng năm, tỉnh Quảng Ngãi tiến hành kiểm tra trực tiếp từ 05 - 06 huyện). Qua quá trình kiểm tra cho thấy, chính hoạt động kiểm tra trực tiếp này, không những phát hiện được nhiều vấn đề, nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan làm ảnh hưởng đến chất lượng văn bản của huyện, mà còn giúp cho đội ngũ làm công tác văn bản cấp tỉnh kiểm chứng việc thực thi những cơ chế, chính sách do Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành ở địa phương, qua đó, tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân  tỉnh có những điều chỉnh, bổ sung hoặc chỉ đạo kịp thời. Để công tác kiểm tra văn bản theo thẩm quyền dưới hình thức thành lập đoàn kiểm tra đạt kết quả, vào cuối mỗi năm, Sở Tư pháp đều tham mưu trình Uỷ ban nhân dân tỉnh  ban hành kế hoạch kiểm tra văn bản cho năm sau, trong kế hoạch nêu rõ số huyện và thời điểm tiến hành kiểm tra để Sở Tư pháp và những huyện được kiểm tra có sự chủ động. Việc thành lập đoàn kiểm tra văn bản được giao cho Giám đốc Sở Tư pháp quyết định và đi đôi với việc thành lập đoàn kiểm tra, Sở Tư pháp Quảng Ngãi luôn xây dựng cụ thể kế hoạch kiểm tra văn bản cụ thể gửi đến Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân từng huyện trước khi tiến hành kiểm tra để đơn vị được kiểm tra chủ động bố trí hồ sơ, tài liệu và các vấn đề liên quan đến yêu cầu kiểm tra. Khi thực hiện kiểm tra văn bản, cần mở rộng phạm vi kiểm tra, đó là kiểm tra cả công tác thẩm tra, thẩm định văn bản, tự kiểm tra, kiểm tra theo thẩm quyền, việc gửi văn bản quy phạm đến cơ quan có thẩm quyền giám sát, kiểm tra sau khi ban hành. Vì chất lượng văn bản của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các huyện cao hay thấp về cơ bản phụ thuộc vào chính  hoạt động quản lý nhà nước về công tác văn bản của huyện đó, do vậy, việc kiểm tra cả hoạt động quản lý nhà nước đối với công tác văn bản là hết sức cần thiết. Bên cạnh việc kiểm tra văn bản quy phạm, Uỷ ban nhân dân tỉnh còn giao Sở Tư pháp Quảng Ngãi tổ chức kiểm tra cả văn bản cá biệt, các văn bản hành chính thông thường để phát hiện ra những văn bản cá biệt có chứa quy phạm, văn bản quy phạm ban hành dưới hình thức cá biệt, hạn chế, phòng ngừa những sai sót cơ bản thường xảy ra trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành của huyện.

Những kiến nghị: Để công tác kiểm tra thực sự có hiệu quả đề nghị Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ sớm ban hành văn bản để hướng dẫn, quy định về tổ chức biên chế làm công tác kiểm tra văn bản với thẩm định văn bản của Sở Tư pháp nhằm nâng cao chất lượng của công tác thẩm định và kiểm tra văn bản trong thời gian tới. Đề nghị Bộ Tư pháp thường xuyên tổ chức tập huấn chuyên sâu về công tác kiểm tra văn bản, đặc biệt là trong các lĩnh vực WTO, thuế, đất đai, tài chính, xây dựng... để nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác kiểm tra văn bản. Để thực hiện tốt theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 12 Nghị định số 135 năm 2003 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị hàng năm Bộ Tư pháp nên có kế hoạch để kiểm tra tại địa phương, nhằm phát huy được những ưu điểm và kiến nghị xử lý sai sót kịp thời, góp phần nâng cao công tác ban hành, xây dựng, kiểm tra văn bản ở địa phương. Ngoài ra, thực hiện điểm đ khoản 3 Điều 12, khoản 1 Điều 18 và Điều 19 Nghị định số 135 năm 2003 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật sau khi kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh gửi đến, Bộ Tư pháp cần có văn bản gửi về địa phương đối với kết quả kiểm tra văn bản của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (nếu có sai sót) để địa phương kịp thời chấn chỉnh./.

Hữu Duy