Nhìn lại việc thực hiện nghị định số 135/2003/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm tra và xử lý VBQPPL trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

14/07/2008
Sau bốn năm thực hiện Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật nhìn chung công tác kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Bắc Giang bước đầu đã đạt được một số kết quả, từng bước nâng cao chất lượng công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương, góp phần đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Bốn năm qua kể từ năm 2004 đến nay, Sở Tư pháp đã tham mưu giúp HĐND, UBND tỉnh tự kiểm tra 320 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản có chứa đựng quy phạm pháp luật, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố đã tham mưu giúp HĐND, UBND cấp huyện tự kiểm tra 615 văn bản quy phạm pháp luật. Qua đó đã phát hiện 08 văn bản ở cấp tỉnh, 234 văn bản ở cấp huyện có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật, không phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đã kịp thời kiến nghị  HĐND, UBND ban hành văn bản thay thế, sửa đổi, bổ sung theo đúng quy định của pháp luật, riêng cấp tỉnh còn 04 văn bản quy phạm pháp luật đang trong quá trình xem xét áp dụng biện pháp xử lý cho phù hợp.

Đi đôi với công tác tự kiểm tra văn bản, công tác kiểm tra văn bản cũng thường xuyên được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Bốn năm qua, Sở Tư pháp đã tổ chức 11 đợt,  kiểm tra 109.493 văn bản các loại, trong đó có 195 văn bản quy phạm pháp luật ở 10/10 huyện, thành phố. Qua công tác kiểm tra đã phát hiện 45 văn bản có sai phạm thẩm quyền nội dung và hình thức. Phòng Tư pháp các huyện, thành phố đã tiến hành kiểm tra 1.324 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản có chứa đựng quy phạm pháp luật do cấp xã ban hành, qua đó phát hiện 626 văn bản có sai phạm. Kết quả kiểm tra 109.493 văn bản các loại cho thấy số lượng văn bản có sai sót chiếm tỷ lệ khá lớn. Sai sót điển hình là: Sai phạm trong văn bản hành chính thông thường ở huyện Sơn Động, Lục Nam, Yên Dũng chiếm 70%, huyện Hiệp Hoà chiếm 80%, riêng huyện Lục Ngạn có tới 100% văn bản có sai phạm. Trong văn bản quy phạm pháp luật, tỷ lệ văn bản có vi phạm về thể thức, kỹ thuật trình bày cũng không nhỏ: huyện Lạng Giang có 2/5 (40%), huyện Lục Nam có 7/15 (47%), huyện Hiệp Hoà có 24/31 (77%), huyện Lục Ngạn 21/21 (100%). Những sai sót chủ yếu là: văn bản trình bày sai về số, ký hiệu tên cơ quan ban hành văn bản; văn bản trình bày sai tên loại; văn bản trình bày sai thẩm quyền ký ban hành, văn bản QPPL có vi phạm về thời điểm có hiệu lực của văn bản (quy định văn bản QPPL có hiệu lực kể từ ngày ký, quy định hiệu lực trở về trước, cá biệt có một số văn bản QPPL được ban hành có mâu thuẫn về thời điểm ban hành văn bản)… Cùng với những sai phạm về thể thức và kỹ thuật trình bày, tình trạng văn bản ban hành có vi phạm về thẩm quyền nội dung vẫn xảy ra. Những sai sót về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản và những sai sót về thẩm quyền nội dung trong các VBQPPL của HĐND, UBND cấp huyện là rất đáng quan tâm, đó là chưa kể những VBQPPL chồng chéo nội dung, sao chép gần như nguyên văn VBQPPL của cấp trên, không bảo đảm nguyên tắc thống nhất của hệ thống pháp luật. Những sai sót trên Sở Tư pháp đã kiến nghị HĐND, UBND nơi được kiểm tra ra Quyết định chỉnh sửa hoặc bãi bỏ những VBQPPL có sai phạm.

Để có được những kết quả nêu trên, trước hết đó là việc Sở Tư pháp luôn xác định công tác văn bản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện công tác này ở Phòng Tư pháp các huyện, thành phố, kịp thời có biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ để nâng cao chất lượng công tác kiểm tra văn bản ở địa phương. Hàng năm, Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp các huyện, thành phố đã xây dựng Kế hoạch kiểm tra văn bản và tổ chức kiểm tra theo đợt, theo yêu cầu hoặc đột xuất. Trung bình mỗi năm, Sở Tư pháp kiểm tra 4 đến 5 huyện, thành phố, Phòng Tư pháp kiểm tra trên 50% số xã, thị trấn của địa phương mình. Sau mỗi đợt kiểm tra đã có Thông báo kết luận kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện Thông báo. Đồng thời với công tác chuyên môn, công tác tổ chức, cán bộ luôn được quan tâm kiện toàn. Ở cấp tỉnh, Phòng Xây dựng và kiểm tra văn bản thuộc Sở Tư pháp được UBND tỉnh thành lập trên cơ sở tách ra từ Phòng Văn bản - Phổ biến giáo dục pháp luật. Hiện nay, Phòng có 3 biên chế chuyên trách làm công tác xây dựng và kiểm tra văn bản. ở cấp huyện, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố đã được quan tâm bổ sung. Nếu như trước đây Phòng chỉ có 1 đến 2 biên chế thì nay đã được bố trí bình quân 3 đến 4 biên chế/phòng. Bên cạnh đó công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ soạn thảo, ban hành, rà soát, hệ thống hoá, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức các buổi tuyên truyền theo chuyên đề được chú trọng đầu tư qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác soạn thảo, kiểm tra văn bản.

Có được kết quả trong công tác kiểm tra văn bản 4 năm qua còn phải nói đến những nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ mới của đội ngũ cán bộ, công chức Phòng Xây dựng và kiểm tra văn bản thuộc Sở Tư pháp. Bên cạnh đó có đóng góp của đội ngũ cộng tác viên kiểm tra văn bản của tỉnh. Hiện nay, đội ngũ cộng tác viên ở cấp tỉnh gồm 45 đồng chí là công chức ở các ngành trực thuộc UBND tỉnh, đó là các cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, am hiểu pháp luật, hoạt động tích cực và có hiệu quả. Tồn tại hiện nay là ở cấp huyện chưa thành lập được đội ngũ cộng tác viên kiểm tra văn bản.

Có thể nói, những kết quả đạt được sau 4 năm thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xử lý văn bản là đáng ghi nhận. Song chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Bắc Giang còn có những tồn tại, hạn chế nhất định như: Công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật của các huyện, thành phố chưa được quan tâm thực hiện đúng mức; văn bản quy phạm pháp luật trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước và ở nhiều địa phương chưa được tổ chức kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời những sai sót; trên 60% văn bản do HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã ban hành được kiểm tra có sai phạm về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản, 15% văn bản hành chính nhưng có chứa quy phạm pháp luật, 40% văn bản sai phạm về thẩm quyền hình thức, 15% văn bản có sai phạm về thẩm quyền nội dung; một số cơ quan, ban, ngành, địa phương chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật; việc gửi văn bản đến cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra chưa được thường xuyên theo quy định; đội ngũ công chức làm công tác kiểm tra văn bản chậm được kiện toàn, còn yếu về chất lương (nhất là ở cấp huyện) và thiếu về số lượng; kinh phí, trang thiết bị làm việc chưa đáp ứng được yêu cầu; việc đầu tư xây dựng hệ cơ sở dữ liệu phục vụ công tác kiểm tra văn bản chưa được chú trọng.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế thì có nhiều, song có thể chỉ ra được những nguyên nhân cơ bản là: HĐND, UBND một số địa phương cấp huyện và cấp xã, chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong xây dựng nhà nước pháp quyền và trong thực hiện các quy định của hệ thống pháp luật Việt Nam; chưa quan tâm chỉ đạo chặt chẽ việc triển khai, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND, về kiểm tra và xử lý văn bản, về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chuyên môn tham mưu giúp việc cho HĐND, UBND, nhất là ở cấp huyện trong việc soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa thường xuyên, chặt chẽ dẫn đến nhiều văn bản có sai phạm về thể thức và thẩm quyền; còn coi nhẹ công tác rà soát, hệ thống hoá, lưu trữ văn bản quy phạm pháp luật; công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của Phòng Tư pháp còn hạn chế, thiếu chủ động.

Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, thiết nghĩ phải có những giải pháp đồng bộ từ trung ương đến cơ sở, cụ thể như sau:

Thứ nhất: Định kỳ 5 năm hoặc 10 năm Chính phủ chỉ đạo thực hiện công tác rà soát, hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành trên tất cả các lĩnh vực. Khi xây dựng thể chế, chính sách, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành trung ương phải có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình tham mưu, tránh việc các văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành có sự chồng chéo, mâu thuẫn gây khó khăn trong việc áp dụng ở địa phương.

Thứ hai: Đề nghị Bộ Tư pháp: Thường xuyên mở các lớp tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ kiểm tra văn bản và các lớp nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra văn bản. Xây dựng hệ cơ sở dữ liệu các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác kiểm tra, xử lý văn bản để trang bị cho cơ quan Tư pháp địa phương hoặc thường xuyên trang bị miễn phí các dữ liệu văn bản pháp luật dưới các hình thức phù hợp như đĩa cứng…

Thứ ba: Tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, quán triệt và thực hiện nghiêm túc Luật ban hành VBQPPL của HĐND, UBND năm 2004, các Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của Bộ Tư pháp về kiểm tra, xử lý VBQPPL. Đặc biệt là thực hiện tốt Thông tư liên tịch số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP ngay 06/5/2005 của Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản.

Thứ tư: Đề nghị HĐND,  UBND các huyện, thành phố: Thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương. Đề cao kỷ luật, kỷ cương, tuân thủ triệt để nguyên tắc pháp chế trong công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Không được căn cứ vào tính đặc thù của địa phương để ban hành văn bản trái với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên. Lựa chọn, bố trí những cán bộ có đủ trình độ, năng lực, hiểu biết pháp luật để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, kiểm tra văn bản. Đồng thời đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là những cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện công tác soạn thảo, kiểm tra văn bản ở cơ sở. Nâng cao vai trò của cơ quan Tư pháp trong việc thẩm định văn bản quy phạm pháp luật trước khi ban hành cũng như công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản để phát hiện kịp thời những văn bản quy phạm pháp luật có sai phạm. Bố trí kinh phí hỗ trợ cho công tác kiểm tra, xử lý văn bản theo quy định của Thông tư liên tịch số 158/2007/TTLT-BTC-BTP ngày 28 tháng 12 năm 2007 của Liên bộ Tài chính và Tư pháp hướng dẫn quản lý và sử dựng kinh phí hỗ trợ cho công tác kiểm tra, xử lý văn bản./.

Hoàng Giang