Thực tiễn hoạt động pháp chế ở Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn: Vì sao văn bản “lờ” thẩm định?

14/07/2008
Chỉ trong 6 tháng đầu năm, đã có tới 40% văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) do các đơn vị thuộc Bộ soạn thảo, ban hành bỏ qua khâu thẩm định ở Vụ Pháp chế theo đúng quy trình ban hành VBQPPL. Phải chăng đã xuất hiện hiện tượng vi phạm pháp luật trong công tác xây dựng văn bản ở Bộ NN và PTNT?

40% VBQPPL bỏ qua khâu thẩm định

Hầu hết các đại biểu tham dự hội nghị sơ kết hoạt động pháp chế 6 tháng đầu năm  do Vụ Pháp chế, Bộ NN và PTNT tổ chức đều cảm nhận được sự lo lắng chứa đựng trong từng lời phát biểu của ông Nguyễn Văn Việt – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế khi ông này nói tới những tồn tại trong hoạt động soạn thảo, ban hành VBQPPL của các đơn vị thuộc Bộ.

Theo ông Việt, cho tới nay việc chuẩn bị hồ sơ thẩm định, tổ chức thẩm định và tiếp thu giải trình của các đơn vị soạn thảo VBQPPL vẫn chưa được thực hiện đầy đủ theo đúng quy định về trình tự, thủ tục, thời gian. Mặc dù luật đã quy định lượng thời gian vật chất để thẩm định một VBQPPL ít nhất là 7 ngày làm việc, nhưng Vụ Pháp chế thường xuyên nhận được những yêu cầu thẩm định rất gấp gáp với lý do quỹ thời gian chuẩn bị đã hết. Vì thế, chất lượng thẩm định tốt đôi khi cũng phải nằm ngoài ý muốn của cán bộ thẩm định. Nhưng, đáng lo hơn cả vẫn là con số chỉ trong 6 tháng đầu năm 2008 đã có tới 40% VBQPPL do các đơn vị thuộc Bộ soạn thảo, ban hành đã bỏ qua khâu thẩm định ở Vụ Pháp chế theo đúng quy trình ban hành VBQPPL. Không chỉ thế, có đơn vị chủ trì soạn thảo đã trình thẳng văn bản lên lãnh đạo Bộ ký trước khi có ý kiến của Vụ Pháp chế.

Bên cạnh việc xây dựng, hoạt động rà soát văn bản cũng chưa đạt hiệu quả cao. Vì tuy mang danh nghĩa rà soát, nhưng hầu hết các đơn vị chủ yếu chỉ tập trung vào việc tập hợp văn bản là chính, dẫn đến báo cáo kết quả rà soát không phản ánh được đúng tình hình, làm cho việc điều chỉnh kế hoạch xây dựng văn bản của một số đơn vị trở nên không kịp thời, tuỳ tiện.

“Chưa bao giờ hoàn thành đúng kế hoạch” là cụm từ mà Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Văn Tư đã dùng để nói về  tình trạng “nợ nần” trong hoạt động xây dựng VBQPPL của Bộ NN và PTNT. Theo báo cáo sơ kết, trong 6 tháng đầu năm, đã có tới 2 “khoản nợ” được luân chuyên: tháng 4 “nợ” 18 văn bản chưa xây dựng, ban hành kịp chuyển sang tháng 5, tháng 5 lại “nợ ” 22 văn bản chuyển sang tháng 6...“Chúng ta để tồn tại quá nhiều vướng mắc ở khâu xây dựng VBQPPL. Không chỉ vậy, trong Bộ đã bắt đầu manh nha hiện tượng vi phạm pháp luật trong hoạt động này, thể hiện qua việc xuất hiện các văn bản được xây dựng trái luật, trái thẩm quyền” - ông Tư nhấn mạnh.

Đi tìm nguyên nhân...

            Theo lãnh đạo Vụ Pháp chế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc kế hoạch xây dựng, ban hành VBQPL luôn chậm tiến độ. Trước tiên phải kể đến sự xung đột của các quan điểm trong quá trình soạn thảo. Vì vậy, quỹ thời gian xây dựng thường xuyên bị vỡ bởi thời lượng dành cho việc lấy ý kiến tham gia của các cơ quan liên quan đã chiếm quá nhiều. “Chúng ta nên tránh việc lấy ý kiến theo hình thức,số lượng, thay vì quan tâm đến chất lượng nội dung góp ý” – Vụ trưởng Nguyễn Văn Tư kêu gọi. Bên cạnh quỹ thời gian, quỹ vật chất dành cho công tác soạn thảo cũng eo hẹp không kém. Tại nhiều Cục chuyên ngành, nhu cầu ban hành văn bản luôn tỷ lệ nghịch với kinh phí xây dựng văn bản. Ngay tại cuộc họp sơ kết, các đại biểu cũng đang lo ngại việc sắp tới Bộ NN và PTNT sẽ phải xúc tiến xây dựng 3 dự án luật Thú y, Luật Bảo vệ thực vật, Luật Thuỷ lợi mà nguồn kinh phí xây dựng thì chưa nhìn thấy đâu.

            Những nguyên nhân tiếp theo đều được chốt lại ở chất lượng hoạt động pháp chế. Theo Phó Vụ trưởng Nguyễn Văn Việt, ở nhiều đơn vị thuộc Bộ, dù phải đảm nhiệm việc xây dựng, ban hành văn bản nhưng lại thiếu cán bộ được đào tạo chuyên ngành pháp lý, vì những lý do như lãnh đạo chưa quan tâm, không có điều kiện về kinh phí, nhân lực...

            Dưới góc độ cơ quan quản lý Nhà nước cấp trung ương trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng bản thân Bộ NN và PTNT cũng chưa dành sự chú trọng đúng mức tới việc bồi dưỡng cán bộ pháp chế ngành. Trong 6 tháng đầu của năm 2008, Bộ  chưa tổ chức một lớp tập huấn nào cho cán bộ pháp chế, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Bên cạnh đó, việc lãnh đạo Bộ thiếu cơ chế khen thưởng, biểu dương chuyên đề pháp chế đối với các tập thể, cá nhân cũng khiến cho động lực hoạt động, phát huy thế mạnh bị hạn chế đi rất nhiều.

Kết

            Trong 6 tháng còn lại của năm 2008, Bộ NN và PTNT sẽ phải xây dựng 90 VBQPPL trong đó có 12 Nghị định Chính phủ. Và, cũng trong ngần ấy thời gian, các quy trình, thủ tục, quy định mới của Luật Ban hành VBQPPL vừa được Quốc hội khoá XII thông qua tại kỳ họp thứ 3, có hiệu lực từ 1/1/2009 phải được phổ biến rộng rãi, để cán bộ toàn ngành nắm vững, áp dụng nhuần nhuyễn.  Khối lượng công việc khá lớn này thực sự là một thử thách đối với những người làm công tác pháp chế ngành nông nghiệp. Liệu họ về đích kịp hay không, câu trả lời vẫn còn nằm ở phía trước.

Xuân Hoa