Tổ chức pháp chế Bộ có trách nhiệm thẩm định dự thảo thông tư

14/07/2008
Nhằm khắc phục những bất cập của Luật Ban hành VBQPPL năm 1996, cũng như đáp ứng yêu cầu yêu cầu ngày càng cao của việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, hội nhập quốc tế khi Việt Nam đã là thành viên của WTO, mới đây Luật Ban hành VBQPPL sửa đổi đã được Quốc hội khoá XII kỳ họp thứ 3 thông qua.

Tuy đến ngày 1/1/2009 Luật Ban hành VBQPPL sửa đổi mới bắt đầu có hiệu lực, nhưng ngay từ bây giờ trong kế hoạch hoạt động 6 tháng cuối năm 2008 của hầu hết các tổ chức pháp chế Bộ, ngành đã lấy việc phổ biến rộng rãi những điểm mới của luật giúp cán bộ toàn ngành nắm vững, áp dụng nhuần nhuyễn, làm nhiệm vụ trọng tâm. Hỗ trợ cho mục tiêu này, cũng như thực hiện “Kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức ngành tư pháp năm 2008” theo Quyết định 113 ngày 31/01/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ pháp chế cho gần 100 cán bộ pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về những điểm mới của Luật Ban hành VBQPPL sửa đổi và đánh giá tác động của luật.

Hình thức văn bản: giảm bớt

Theo quy định của Luật năm 1996, hệ thống văn bản QPPL của n­ước ta hiện nay có nhiều hạn chế như: có hơn 20 loại văn bản khác nhau và do nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành, mỗi cơ quan ban hành 2 hoặc 3 loại văn bản; hệ thống văn bản QPPL phức tạp, khó theo dõi, khó áp dụng và khó xác định thứ bậc hiệu lực của văn bản. Để khắc phục tình trạng trên, luật đã sửa đổi theo hư­ớng giữ nguyên hình thức VBQPPL của Quốc hội, UBTVQH, Chủ tịch nư­ớc. VBQPPL của Chính phủ là Nghị định. Bộ trưởng, Thủ tr­ưởng cơ quan ngang bộ, Viện tr­ưởng Viện KSNDTC, Chánh án TANDTC thì chỉ giữ lại một hình thức văn bản là Thông tư. Bổ sung Quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nư­ớc. Tuy nhiên, để phù hợp với tình hình thực tiễn, luật quy định kể từ ngày 01/1/2009 khi luật có hiệu lực thì các VBQPPL đã đư­ợc ban hành dưới các hình thức bị lư­ợc bỏ (như­ nghị quyết, chỉ thị...) vẫn tiếp tục có hiệu lực thi hành cho đến khi bị bãi bỏ, huỷ bỏ hoặc đ­ược thay thế bằng VBQPPL khác.

Trách nhiệm soạn thảo dự thảo Thông tư thuộc về các đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang bộ, theo sự phân công của Bộ tr­ưởng, Thủ trư­ởng cơ quan ngang Bộ. Khi lấy ý kiến, dự thảo Thông tư­ phải được đăng tải toàn văn trên Trang thông tin điện tử của Bộ, cơ quan ngang Bộ trong thời gian ít nhất là sáu mư­ơi ngày để cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến. Tuỳ theo tính chất và nội dung của dự thảo, cơ quan soạn thảo gửi dự thảo lấy ý kiến của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khác có liên quan. Tổ chức pháp chế Bộ có trách nhiệm thẩm định dự thảo Thông tư theo nội dung thẩm định được quy định tại khoản 3 Điều 36 của Luật Ban hành VBQPPL sửa đổi.

Trình tự rút gọn được áp dụng khi nào?

Theo Điều 75 của Luật Ban hành VBQPPL, các trường hợp xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn được thực hiện trong trường hợp khẩn cấp hoặc cần sửa đổi ngay cho phù hợp với VBQPPL mới được ban hành. Hình thức VBQPPL đ­ược xây dựng, ban hành theo trình tự rút gọn bao gồm: luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH; lệnh, quyết định của Chủ tịch n­ước; nghị định của Chính phủ; quyết định của Thủ t­ướng Chính phủ.

Khi xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn cơ quan chủ trì soạn thảo không nhất thiết phải thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập để soạn thảo mà có thể trực tiếp tổ chức việc soạn thảo; cơ quan chủ trì soạn thảo có thể tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về dự thảo văn bản; cơ quan thẩm định có trách nhiệm thẩm định dự thảo văn bản ngay sau khi nhận được hồ sơ thẩm định; cơ quan thẩm tra có trách nhiệm thẩm tra dự thảo văn bản ngay sau khi nhận được hồ sơ thẩm tra. Việc thông qua văn bản trong trường hợp rút gọn cũng nhanh hơn. Cụ thể: Quốc hội xem xét, thông qua dự án, dự thảo văn bản tại một kỳ họp; UBTVQH, Chính phủ xem xét, thông qua dự án, dự thảo văn bản  trong một phiên họp.

Xuân Hoa