Hà Tĩnh: Thị xã Hồng Lĩnh sau 10 năm thực hiện công tác hoà giải cơ sở và xây dựng tủ sách pháp luật

14/07/2008
Sau khi Pháp lệnh số 09/1998/PL-UBTVQH 10 ngày 25 tháng 12 năm 1998 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở và Nghị định số 160/1999/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải cơ sở có hiệu lực, từ chỗ toàn thị xã có 66 tổ hoà giải với 270 hoà giải viên đến nay đã có 67 tổ với số hoà giải viên lên đến 399 người.

Các tổ hoà giải được cơ cấu thành phần đúng quy định của pháp lệnh, các tổ viên là những người tự nguyện, có uy tín và nhiều kinh nghiệm trong thôn xóm, khối phố. Trong mỗi xóm, khối phố có một tổ hoà giải với 5 đến 7 thành viên là đại diện của các tổ chức, đoàn thể như MTTQ, hội phụ nữ, hội nông dân, hội người cao tuổi.

Sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh tổng số vụ việc tổ hoà giải đã thụ lý là 781 vụ việc, cụ thể là 156 về dân sự, 219 về hôn nhân và gia đình, 215 đất đai và 191 về các lĩnh vực khác; Trong đó có 167 vụ hoà giải không thành chiếm tỷ lệ 21,38% và 614 vụ hoà giải thành công chiếm tỷ lệ 78,62%. Một con số khá cao đáng được khích lệ và học tập mô hình cũng như các phương pháp mà các tổ hoà giải đã tiến hành thành công trong thời gian vừa qua.

Những vụ hoà giải không thành công thì tổ hoà giải chuyển lên Ban Tư pháp tiến hành hoà giải ở cấp xã hoặc hoà giải theo hình thức liên thôn, liên phố. Đó là những vụ việc có tính chất phức tạp cần có sự tham gia của các cấp chính quyền hoặc có thể qua xét xử của các cấp toà án.

Đa số các vụ việc được tiến hành hoà giải hợp tình hợp lý chứng tỏ năng lực và tâm huyết  của các hoà giải viên đóng góp vào sự thành công là không nhỏ.

Ngoài những kinh nghiệm trong cuộc sống, trình độ của các hoà giải viên còn được nâng cao, bổ sung nhờ sự hướng dẫn nghiệp vụ của Ban tư pháp, Phòng tư pháp, Sở tư pháp một cách thường xuyên và kịp thời nhằm cung cấp đầy đủ các chủ trương, văn bản hướng dẫn, tài liệu mẫu biểu cần thiết phục vụ cho công tác hoà giải. Đồng thời với các báo cáo của các tổ hoà giải, Phòng tư pháp tổ chức thường xuyên các đợt kiểm tra để kịp thời bổ cứu, khắc phục những tồn tại để công tác này đạt hiệu quả cao nhất. Chính vì thế trong những năm qua công tác hoà giải tại thị xã Hồng lĩnh thực sự đi vào đại bộ phận đời sống của nhân dân, đã làm yên ấm bao mái nhà, giữ gìn trật tự thôn xóm khối phố, củng cố niềm tin và sự yêu mến của mọi người. Ý thức được tầm quan trọng của công tác hoà giải trong đời sống nhân dân không chỉ là nói suông, nói không có cơ sở mà muốn thành công phải đảm bảo cơ sở pháp lý do đó tủ sách pháp luật đã ra đời ở thị xã ngay sau khi có quyết định số 1067/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 25/11/1998.

Đến nay tại thị xã đã xây dựng được tủ sách pháp luật với các đầu sách đảm bảo cung cấp những thông tin cần thiết nhất cho nhân dân và cán bộ trong toàn thị xã. UBND Thị xã, Sở Tư pháp đã cung cấp cho các xã, phường trên 15 loại sách miễn phí. Tủ sách của các đơn vị được đặt ở Trung tâm giao dịch một cửa, cán bộ quản lý phải có trình độ trung cấp Luật trở lên. Việc quản lý và sử dụng tủ sách pháp luật của các xã được phòng tư pháp kiểm tra thường xuyên để có hiệu quả nhất.

Hằng năm các đầu sách được bổ sung tuỳ theo nhu cầu, có phân loại theo hiệu lực sách, sắp xếp khoa học để sử dụng dễ dàng. Nguồn công báo hằng ngày được đưa về với tủ sách pháp luật thị xã và được lên danh mục, lưu trữ theo từng tháng rồi phổ biến cho cán bộ Tư pháp- Hộ tịch các xã phường. Qua kiểm tra thấy có xã có phương pháp lưu trữ công báo sáng tạo như xã Thuận Lộc làm cho việc khai thác rất thuận lợi, tiết kiệm được thời gian cho người sử dụng.

Hằng năm dưới sự chỉ đạo của UBND Thị xã, Phòng tư pháp tổ chức các đợt tuyên truyền, nhân bản tài liệu được phô tô ở dạng tờ rơi, tờ gấp cung cấp cho các tủ sách cơ sở. Trong những năm gần đây Phòng tư pháp đã cấp hơn 5000 loại văn bản như: Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống ma tuý; Các văn bản về an toàn giao thông…Đây là những tài liệu hết sức cần thiết đối với công tác hoà giải.

Tuy được sự quan tâm của các cấp uỷ, UBND Thị xã nhưng với kinh phí hạn hẹp nên số đầu sách và số văn bản áp dụng còn hạn chế; mặt khác cán bộ tư pháp còn quá nhiều việc nên thời gian nghiên cứu sách chưa được thoả đáng. Để tủ sách thực sự là cẩm nang cho công tác quản lý lãnh đạo, để việc xây dựng và quản lý tủ sách đi vào nề nếp thì các văn bản quy định về công tác tủ sách cần được ban hành thành Pháp lệnh để nâng cao trách nhiệm của các cơ quan tổ chức liên quan.

Như vậy qua 10 năm thực hiện công tác hoà giải cơ sở và xây dựng tủ sách pháp luật ở Thị xã Hồng Lĩnh thực sự là chất lượng, có hiệu quả và đáng để chú trọng nhiều hơn nữa trong thời gian tới./.

Nguyễn Thành Huế