Hà Nôi: Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tư pháp đáp ứng yêu cầu mới

26/05/2006
Hà Nôi: Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tư pháp đáp ứng yêu cầu mới
Ngày 25/5, Ban Thường vụ Thành uỷ tổng kết 4 năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TƯ và triển khai thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về công tác tư pháp.

 Quán triệt tinh thần cải cách tư pháp theo Nghị quyết 08-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, 4 năm qua, các cơ quan tư pháp đã đổi mới phương thức hoạt động, kiện toàn tổ chức, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, bước đầu tạo chuyển biến tích cực. Công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và các hoạt động bổ trợ tư pháp được thực hiện theo hướng tôn trọng quyền dân chủ, bảo đảm công bằng xã hội. Hạn chế việc lạm dụng bắt khẩn cấp, bắt oan, sai, hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự; tỷ lệ bắt giữ được đưa ra truy tố, xét xử cao.

Các cơ quan tư pháp đã tập trung giải quyết nhiều vụ án trọng điểm, án tham nhũng; chất lượng công tác thi hành án dân sự được nâng lên, việc xét đặc xá, bồi thường thiệt hại cho những trường hợp bị oan sai theo tinh thần Nghị quyết 388/UBTVQH được thực hiện hiệu quả. Với kết quả trên, công tác tư pháp đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tuy nhiên, hoạt động tư pháp ở Hà Nội vẫn còn hạn chế, yếu kém cần khắc phục, nhất là khi triển khai Nghị quyết 49-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Ðó là, đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp còn thiếu, trình độ nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị của một bộ phận cán bộ yếu kém, thậm chí sa sút về phẩm chất đạo đức, vi phạm pháp luật. Tình trạng vi phạm trong hoạt động điều tra, bắt, tạm giữ, tạm giam, xét xử và thi hành án vẫn còn, thậm chí có vụ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến lòng tin của người dân đối với các cơ quan bảo vê pháp luật...

Phát biểu kết luận, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Phùng Hữu Phú ghi nhận những cố gắng của các cơ quan tư pháp thành phố trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của các tổ chức với công dân. Ðể tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp ở Thủ đô, đáp ứng yêu cầu về chiến lược cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TƯ, đồng chí Phùng Hữu Phú nhấn mạnh, các cấp uỷ Ðảng, chính quyền phải vào cuộc và coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách cần tập trung chỉ đạo.

Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và của người dân đối với công tác tư pháp. đặc biệt tuyên truyền các văn bản pháp luật có quan hệ trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ công dân như Luật đất đai, chính sách đền bù khi Nhà nước thu hồi đất, Luật dân sự, Luật phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí...

Các cơ quan tư pháp cần chủ động khắc phục những yếu kém, hạn chế, bám sát tình hình kinh tế- xã hội, xây dựng chương trình, kế hoạch phù hợp, hiệu quả, trong đó lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm cho từng thời. Tiếp tục rà soát là quy chế hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm; thực hiện nghiêm quy định trong hoạt động tố tụng, không để lọt tội phạm, nhưng không để xảy ra oan sai.

Chủ động phân loại, giải quyết các khiếu nại trong hoạt động tư pháp nhất là trong tố tụng dân sự, thi hành án dân sự, không để xảy ra bức xúc kéo dài trong nội bộ nhân dân. Tổ chức bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán... tuyển chọn, bố trí đủ cán bộ có chức danh tư pháp trong các đơn vị.

(Theo Kinh tế và Đô thị)