Một số giải pháp đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở

02/07/2008
Nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được Chỉ thị 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ xác định là trách nhiệm chung của tất cả các ngành các cấp, của cả hệ thống chính trị. Xã, phường, thị trấn là nơi trực tiếp với quần chúng nhân dân, nhiệm vụ PBGDPL càng phải được quan tâm tổ chức nhiều hơn, hiệu quả hơn.

Đã qua có một số hình thức, biện pháp tổ chức PBGDPL được các địa phương áp dụng có kết quả, thu hút được nhiều người tham gia như: thi tìm hiểu pháp luật, thi hái hoa dân chủ, lồng ghép PBGDPL vào các hoạt động hội nghị, tập huấn, hoà giải, văn nghệ quần chúng… Mặc dù công tác này đã và đang được các cấp uỷ, chính quyền cơ sở rất quan tâm, song hiệu quả của việc nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân vẫn còn nhiều hạn chế. Do cách thức, phương pháp thực hiện ở cơ sở còn biểu hiện đơn điệu, xơ cứng, thiếu chủ động và thiếu tính sáng tạo. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến cho việc tuyên truyền, PBGDPL ở nhiều địa phương chưa mang lại kết quả như mong muốn. Để góp phần đưa công tác này đi và nề nếp, có hiệu quả tốt hơn, từ thực tiễn tổ chức các hoạt động PBGDPL có thể vận dụng một số phương pháp sau đây:

Một là: Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn chỉ đạo Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL cùng cấp phải lập chương trình PBGDPL ngay từ đầu năm, trong đó xác định rõ mục tiêu cần đạt, những công việc phải làm trong năm và trách nhiệm thực hiện. Nội dung nhiệm vụ không nêu chung chung, mà phải chỉ rõ các công việc cụ thể phải làm trong năm là gì; trách nhiệm thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể đó là ai, thời gian nào…

Hai là: Tổ chức, các nhân được phân công thực hiện nhiệm vụ nào thì phải chủ động sắp xếp, tính toán các công việc phải làm, phương tiện, kinh phí phải có... Việc nào vượt thẩm quyền phải chủ động đề xuất giải pháp thực hiện với người có trách nhiệm.. Nếu là tổ chức thì khi bắt tay vào thực hiện một nhiệm vụ PBGDPL nào đó phải bàn bạc và thống nhất trong tập thể; phân công cụ thể công việc cho từng người.

Ba là: Thường trực Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL xã, phường, thị trấn (Tư pháp) phải phát huy tốt hơn vai trò chủ động trong việc đề xuất công việc, phối hợp chặt với các thành viên của hội đồng để cùng thực hiện nhiệm vụ, theo dõi tiến độ thực hiện, tổng hợp báo cáo…

Bốn là: Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các hoạt động PBGDPL trên địa bàn; cuối năm Hội đồng phối hợp cần họp để tổ chức đánh giá tình hình và kết quả thực hiện; kịp thời đề xuất, kiến nghị với UBND và cơ quan tư pháp cấp trên trong chỉ đạo, hỗ trợ thực hiện công tác PBGDPL ở cơ sở.

Nếu được quan tâm và thực hiện tốt các giải pháp trên chắc chắn sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy công tác PBGDPL ở cơ sở. Mong rằng UBND, Ban Tư pháp, Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL xã, phường, thị trấn quan tâm vận dụng, tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp này ở địa phương.

Nguyển Sơn