Một số ghi nhận về hoạt động của ngành tư pháp Lào Cai sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW

02/07/2008
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, nhận thức đúng đắn về vai trò và trách nhiệm của cơ quan Tư pháp địa phương, sau 3 năm triển khai Nghị quyết số 49 công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có nhiều chuyển biến rõ nét.

Để triển khai có hiệu quả Nghị Quyết sở Tư pháp tỉnh Lào Cai đã tổ chức cho toàn thể cán bộ, Đảng viên nghiên cứu học tập Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị và chương trình công tác số 08/CT-TU ngày 30/6/2006 của Tỉnh uỷ Lào Cai về chiến lược cải cách Tư pháp giải đoạn 2006 - 2010 và đến năm 2020, xây dựng Kế hoạch số 371/KH-STP ngày 24/4/2006 và chương trình công tác số 567/Ctr-STP ngày 27/7/2006 của Sở Tư pháp về triển khai thực hiện Nghị quyết số 49 giai đoạn 2006 - 2010 theo chức năng nhiệm vụ trên địa bàn toàn tỉnh.

Ngành Tư pháp tỉnh Lào Cai luôn nhận được sự quan tâm của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, đội ngũ cán bộ Tư pháp của các cấp từ tỉnh đến huyện và các xã, phường, thị trấn không ngừng được củng cố, nâng cao trình độ, năng lực, biên chế được bổ sung theo yêu cầu nhiệm vụ, bước đầu đội ngũ cán bộ của ngành cơ bản đã thực hiện tốt chức năng là cơ quan tham mưu giúp UBND các cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác Tư pháp ở địa phương, công tác phối hợp giữa hệ thống cơ quan Tư pháp với các cơ quan chuyên môn của các cấp chính quyền ngày một tốt hơn. Công tác đào tạo nâng cao nghiệp vụ được các cấp uỷ Đảng và chính quyền thường xuyên chỉ đạo.

Công tác soạn thảo, thẩm định, rà soát kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh. Đã xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 22 ngày 23/5/2007 quy định về trình tự xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh. Tham gia ý kiến thẩm định vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật: 250 văn bản các loại. Tiến hành rà soát: 1.806 văn bản của các huyện, thành phố, qua rà soát đã có ý kiến và công bố cho 960 văn bản còn hiệu lực, 846 văn bản hết hiệu lực, sửa đổi, bổ sung, thay thế: 58 văn bản, đề nghị bãi bỏ 03 văn bản. Rà soát: 1.406 văn bản của HĐND, UBND tỉnh và ra thông báo còn hiệu lực: 986 văn bản, hết hiệu lực: 420 văn bản, bãi bỏ: 46 văn bản, sửa đổi bổ sung 80 văn bản.

Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đã tham mưu cho UBND tỉnh kiện toàn Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tổ thư ký khi có sự thay đổi về nhân sự.  Thường xuyên tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh và xây dựng các Kế hoạch theo giai đoạn, theo chuyên đề bám sát vào nhiệm vụ của ngành Tư pháp. Hàng năm tiến hành tổ chức hội nghị báo cáo viên pháp luật theo đợt (02đợt/năm), từ năm 2005 đến nay đã tổ chức 07 đợt cho 850 báo cáo viên pháp luật với 68 văn bản pháp luật do trung ương và địa phương ban hành, cấp 8.475 cuốn luật, 945 cuốn đề cương. Các ngành, các cấp đã tuyên truyền được 26.289 buổi cho 1.639.929 lượt người thông qua các hình thức tổ chức Hội nghị, hội thi, họp thôn, câu lạc bộ, truyền thông lưu động, sao in văn bản, sóng đài FM 162 buổi bằng các tiếng: Tày, Mông, Dao,.., làm mới 1.364m2 pano khổ lớn, 4.878 pano khổ nhỏ, 3.389 băng zôn, 24 áp phích. Chuyên mục “Pháp luật và đời sống” phát sóng định kỳ 01 số/tháng; Đã viết được 733 tin, bài với các nội dung phản ánh hoạt động của ngành và giới thiệu văn bản mới. Biên soạn, cấp phát 32.172 bộ tài liệu, tờ rơi, đề cương tuyên truyền. Biên soạn, in ấn và cấp phát 11.600 cuốn tài liệu gồm. Phối hợp với các sở ban ngành ký kết 07 kế hoạch liên ngành, duy trì các Câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật phường Kim Tân, Câu lạc bộ tuổi trẻ phòng chống tội phạm phường Cốc Lếu - thành phố Lào Cai và tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền như diễn đàn: “Thanh niên tình nguyện với phong trào đấu tranh phòng, chống tội phạm”, diễn đàn “Phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ qua biên giới và tuyên truyền pháp luật theo Đề án 666” tại xã Bản Vược huyện Bát Xát đã thu hút hơn 400 lượt người tham dự.

Tổ chức Hội thi Hoà giải viên giỏi tỉnh Lào Cai và đưa thí sinh đi dự thi hoà giải viên giỏi toàn quốc tại Hà Nội đã đạt được giải nhì toàn quốc; Hướng dẫn kiện toàn tổ chức hoạt động hoà giải và nghiệp vụ, tính đến nay toàn tỉnh có 2.015 tổ hoà giải với 6.820 hoà giải viên, trong 3 năm đã thụ lý trên 4.000 vụ việc; hướng dẫn khai thác, quản lý, sử dụng tốt tủ sách pháp luật của 164/164 xã, phường, thị trấn trong tỉnh, bình quân mỗi tủ sách pháp luật có từ 150 - 200 đầu sách. Phối hợp với Đài truyền hình tỉnh thực hiện. Triển khai có hiệu quả các đề án, dự án như: Đề án phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý tuyên truyền pháp luật tại cụm xã cho 450 lượt người là chủ hộ gia đình ở một số xã thuộc huyện Bát Xát, Bảo Yên, Bảo Thắng, cấp phát 450 bộ tài liệu. Đề án 666 triển khai trong 02 năm 2006-2007 đã lựa chọn 03 xã điểm; Đề án 164 thực hiện Quyết định số 164/2005/QĐ-UB ngày 27/4/2005 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2005-2006 tổ chức 13 hội nghị (58 buổi) cho 1.302 lượt người và cấp phát 1.302 cuốn tài liệu cho các đối tượng là báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật các huyện Bảo Thắng, Si Ma Cai, Bảo Yên, Bắc Hà và 04 cụm xã thuộc huyện Mường Khương, Si Ma Cai. Phối hợp với Sở Giáo dục, UBND thành phố Lào Cai, huyện Bảo Thắng, Sa Pa, Bát Xát tổ chức 08 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền cho 816 giáo viên dạy môn giáo dục công dân...

Công tác hành chính Tư pháp và bổ trợ Tư pháp đã kiện toàn đội ngũ luật sư, tổ chức hành nghề luật sư  đến nay tổng số luật sư của Đoàn luật sư Lào Cai có 06 luật sư. Sở Tư pháp đã tiếp nhận 01 hồ sơ chuyển đổi Văn phòng luật sư Thuỷ Vĩ thành Công ty luật hợp danh Thuỷ Vĩ gồm 04 thành viên hợp danh, Sở Tư pháp đã thẩm định và hoàn tất thủ tục cấp giấy đăng ký hoạt động cho công tác Luật hợp danh Thuỷ Vĩ theo đúng quy định, tổng số vụ việc đã thực hiện 1118 yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, tư vấn 15 vụ việc trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, hành chính, lao động. Công tác giám định Tư pháp đã có 65 giám định viên thuộc các lĩnh vực: pháp y, kỹ thuật hình sự, văn hoá, tài chính và tiến hành giám định được: 1.210 yêu cầu.

  Qua 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương đã quan tâm hơn về công tác Tư pháp, do đó đã tạo ra sự chuyển biến rõ rệt về mặt nhận thức về vị trí và vai trò của công tác Tư pháp. Lãnh đạo và cán bộ công chức ngành Tư pháp xác định đúng về vai trò của sự nghiệp cải cách Tư pháp trong giai đoạn cách mạng hiện nay, ý thức trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ Tư pháp được nâng lên rõ rệt. Các lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ Tư pháp được triển khai đạt hiệu quả trên cơ sở kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị. Công tác trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách đáp ứng được yêu cầu của người dân. Để công tác Tư pháp đáp ứng được yêu cầu được giao qua kết quả thực hiện có rất nhiều khó khăn vướng mắc nảy sinh cần kiến nghị như:

Đề nghị sửa đổi bổ sung Luật Quốc tịch cho phép người nước ngoài vào Việt Nam cư trú hoặc người Việt Nam đã có quốc tịch khi trở về có thể có 02 quốc tịch. Đề nghị Quốc hội trong phân bổ ngân sách hàng năm, nên xác định công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật là một mục tiêu, do đó khi phân bổ từ ngân sách trung ương cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tương ứng với yêu cầu nhiệm vụ hàng năm và dài hạn. Nghiên cứu có thể chuyển việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài cho Sở Tư pháp thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định. Đề nghị Quốc hội sửa đổi Luật luật sư, sửa đổi điều kiện bổ nhiệm luật sư nhằm thu hút những người cán bộ công tác trong ngành Tư pháp, Toà án, Kiểm sát ... đã nghỉ hưu, có tư cách đạo đức tốt, có đủ sức khoẻ tham gia hoạt động luật sư nhưng chưa đủ điều kiện trình độ (mới có trình độ Cao đẳng toà án, Kiểm sát hoặc qua chương trình luân huấn luật) trở thành thành viên của Đoàn Luật sư. Đối với luật sư là người tập sự hành nghề luật sư không được nhận và thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng. Do vậy để đảm bảo cho luật sư có thu nhập để ổn định cuộc sống đề nghị quy định cụ thể trong Luật luật sư mức hỗ trợ sinh hoạt phí cho luật sư tập sự theo lộ trình 3 năm hoặc 5 năm đối với từng vùng miền. Đề nghị quy định rõ trong Luật luật sư và các văn bản hướng dẫn trường hợp nào sẽ bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động; trình tự, thủ tục thu hồi giấy đăng ký hoạt động; trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại tố cáo đối với trường hợp bị từ chối cấp Giấy đăng ký hoạt động; Mức thu lệ phí đăng ký hoạt động luật sư đăng ký hoạt động với tư cách cá nhân. Đề nghị quy định rõ nguồn kinh phí hỗ trợ cho hoạt động luật sư, chính sách hỗ trợ luật sư phải được quy định cụ thể, rõ ràng để các địa phương trong cả nước thực hiện được thống nhất và đạt hiệu quả cao.

Đề nghị Bộ Tư pháp theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định số 67/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 của Chính phủ đề nghị Bộ Tư pháp  có ý kiến, trao đổi với các bộ, ngành: Tài chính, văn hoá, xây dựng, môi trường ... sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn, hồ sơ, trình tự, thủ tục bổ nhiệm giám định viên thuộc lĩnh vực do bộ, ngành mình quản lý. Ban hành văn bản hướng dẫn việc thực hiện dịch vụ giám định theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức và văn bản quy định cụ thể về mức thu phí, miễn, giảm, chế độ quản lý, sử dụng phí giám định Tư pháp và điều chỉnh tăng mức bồi dưỡng, thù lao khi thực hiện giám định. Sớm sửa đổi và thống nhất việc thực hiện Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP-BTC ngày 17/6/2005 của TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính về việc xét miễn, giảm án phí.

Nguyễn Lê Hằng