Khánh Hoà: Triển khai thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý trong tình hình mới.

02/07/2008
Tỉnh uỷ Khánh Hoà vừa ban hành Chương trình hành động số 20-CTr/TU về Thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý trong tình hình mới.

Theo đó, Tỉnh uỷ Khánh Hoà đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cụ thể như sau:

1- Cấp uỷ, chính quyền các cấp nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá tình hình, kết quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống ma tuý của địa phương, đơn vị mình; đồng thời, có kế hoạch và biện pháp khắc phục những tồn tại, yếu kém, bất cập trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý.

Cấp uỷ, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt đối với công tác phòng, chống ma tuý và đưa nội dung này vào chương trình hoạt động, chỉ đạo thường xuyên, đồng thời cụ thể hoá thành các mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với từng đơn vị, địa phương. Trước mắt, cần rà soát, bổ sung nội dung, kế hoạch để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra trong Kế hoạch tổng thể phòng, chống ma tuý đến năm 2010 và Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về phòng, chống ma tuý đến năm 2010 của UBND tỉnh.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU, ngày 28/6/2002 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về phòng, chống ma tuý, tội phạm cướp giật và giải quyết tệ nạn ăn xin trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện công tác phòng, chống ma tuý và kịp thời chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện ở từng đơn vị, địa phương. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống ma tuý; đồng thời, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ này là một trong những tiêu chí để bình xét thi đua, khen thưởng, phân loại tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị hàng năm; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật phòng, chống ma tuý.

  2- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của hội đồng nhân dân, sự chỉ đạo, điều hành của uỷ ban nhân dân các cấp đối với công tác phòng, chống ma tuý.

  Hội đồng nhân dân các cấp xây dựng các nghị quyết chuyên đề về công tác phòng, chống ma tuý. Định kỳ hàng năm, hội đồng nhân dân các cấp thông qua kế hoạch và nghe báo cáo kết quả công tác phòng, chống ma tuý.

  Uỷ ban nhân dân các cấp thường xuyên chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống ma tuý và xác định công tác phòng, chống ma tuý là một trong các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, lồng ghép việc thực hiện các mục tiêu phòng, chống ma tuý trong các chính sách và chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Định kỳ tổ chức các cuộc họp nghe báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện công tác phòng, chống ma tuý để có sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời.

3- Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy cơ quan phòng, chống ma tuý từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo đủ khả năng, điều kiện thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma tuý có hiệu quả. Tăng cường năng lực cho lực lượng trực tiếp đấu tranh, phòng, chống tội phạm ma tuý ở cơ sở và cán bộ làm công tác thường trực, tham mưu, quản lý nhà nước về phòng, chống ma tuý đủ mạnh và thật sự trong sạch, có trách nhiệm và quyết tâm cao trong việc kiểm soát, ngăn chặn ma tuý.

Xây dựng các quy chế phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống ma tuý; đồng thời, hoàn thiện công tác tổ chức và cơ chế phòng, chống tệ nạn xã hội ở cơ sở xã, phường, thị trấn.

4- Đổi mới nội dung và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma tuý trong Đảng, cơ quan nhà nước và các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp và toàn xã hội về mối hiểm hoạ do ma tuý gây ra, tính cấp bách của công tác phòng, chống ma tuý trong tình hình mới, để từ đó, tự giác, tích cực tham gia đấu tranh, phòng, chống tệ nạn ma tuý.

5- Để thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống ma tuý và quản lý, hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai nghiện ma tuý tái hoà nhập cộng đồng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tái nghiện, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ cụ thể sau:

- Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản pháp quy trong việc quản lý, giúp đỡ người sau cai nghiện tái hoà nhập cộng đồng; trong đó, phân công và xác định cụ thể trách nhiệm của từng đơn vị, địa phương đối với nhiệm vụ công tác này.

- Tiếp tục tổ chức thực hiện công tác cai nghiện ma tuý và quản lý người sau cai nghiện ma tuý theo đúng quy trình, thủ tục hành chính, không để xảy ra sai sót trong quá trình xét duyệt đưa người nghiện ma tuý vào cơ sở chữa bệnh.

- Nghiên cứu và tổ chức triển khai áp dụng các phương thức, mô hình cai nghiện mới và phòng, chống HIV/AISD phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

- Đẩy mạnh xã hội hoá công tác phòng, chống ma tuý. Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể nhằm khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia vào công tác phòng, chống ma tuý, nhất là công tác cai nghiện, dạy văn hoá, dạy nghề và tiếp nhận, tạo việc làm cho người sau cai nghiện nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ người tái nghiện.

- Tổ chức thực hiện các hình thức cam kết thi đua xây dựng từng gia đình, từng địa bàn, thôn, xóm, phường, xã, cơ quan, đơn vị, trường học, chi bộ không có ma tuý. Xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến thực hiện tốt công tác phòng, chống ma tuý. Kịp thời động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống ma tuý ở địa phương.

6- Tăng mức đầu tư từ ngân sách nhà nước và tranh thủ các nguồn viện trợ quốc tế, huy động sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, doanh nhân và xã hội nhằm phục vụ phòng, chống ma tuý.

Tập trung ưu tiên đầu tư trang, thiết bị chuyên dùng cho lực lượng trực tiếp đấu tranh, phòng, chống tội phạm ma tuý ở Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Hải quan tỉnh. Bảo đảm đầu tư hợp lý về kinh phí, nhân lực, vật lực phục vụ công tác giám định ma tuý, cai nghiện ma tuý và tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma tuý.

Hoàn thiện chế độ, chính sách hỗ trợ cho người nghiện trong quá trình cai nghiện và tạo việc làm cho những người đã hoàn thành cai nghiện. Có chế độ, chính sách hợp lý đối với các cán bộ làm công tác chuyên trách, trực tiếp, kiêm nhiệm và những người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước tham gia công tác phòng, chống ma tuý.

7- Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học và sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm về phòng, chống và kiểm soát ma tuý. Tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học để trao đổi, học tập kinh nghiệm về đấu tranh, phòng, chống tội phạm ma tuý; về cai nghiện và quản lý đối tượng sau cai nghiện tại cộng đồng; về xây dựng xã, phường, đơn vị lành mạnh không có ma tuý... Mở các lớp tập huấn để nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý.

8- Mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế để chủ động phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả việc vận chuyển ma tuý trái phép nước ngoài vào địa bàn tỉnh. Chủ động, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế về kinh nghiệm, kỹ thuật, trang thiết bị, tài chính cho các hoạt động phòng, chống ma tuý trên địa bàn tỉnh thông qua các dự án, tài trợ của các tổ chức phi Chính phủ. Tăng cường hợp tác quốc tế về phòng, chống ma tuý thông qua các hoạt động nghiên cứu, khảo sát, trao đổi và học tập kinh nghiệm. 

Tỉnh uỷ cũng đã giao trách nhiệm cho Đảng uỷ Công an tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chương trình hành động này và định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

Hải Dương