Lạng Sơn: Kết quả trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số trong những năm vừa qua

30/06/2008
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có rất nhiều chính sách quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh các chính sách đầu tư hỗ trợ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, Đảng và Nhà nước cũng hết sức chú trọng tới việc nâng cao dân trí pháp lý, bảo đảm công bằng xã hội thông qua hoạt động trợ giúp pháp pháp lý (TGPL) cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới Đông Bắc, có 253 km đường biên giáp với Trung Quốc, dân số gần 800.000 người trong đó dân tộc thiểu số chiếm 83,5% dân số toàn tỉnh (dân tộc Nùng chiếm 42,97%, Tày chiếm 35,92%...), với 106/226 xã đặc biệt khó khăn (tại địa bàn này có tới 97% dân số là người dân tộc thiểu số). Xuất phát từ thực trạng đó, từ năm 1998 Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lạng Sơn (Trung tâm) được thành lập và đi vào hoạt động đã đạt được một số kết quả nhất định góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.

Trung tâm hiện có tổng số biên chế cán bộ là 05 người, 01 Chi nhánh, duy trì 12 Câu lạc bộ TGPL, 12 Tổ TGPL và 95 Cộng tác viên. Trong mấy năm vừa qua, Trung tâm luôn coi hoạt động trợ giúp pháp lý cho đồng bào  dân tộc thiểu số là công tác trọng tâm trong Chương trình, kế hoạch công tác của mình. Tùy theo từng địa bàn, phong tục tập quán của mỗi dân tộc, Trung tâm chủ động áp dụng linh hoạt, đa dạng các hình thức trợ giúp pháp lý đạt hiệu quả cao.

Qua gần 10 năm hoạt động, Trung tâm đã thực hiện TGPL cho 5.449 đối tượng (trong đó có 4.480 đối tượng là người dân tộc thiểu số, chiếm 82,2%). Riêng trong năm 2007, Trung tâm thực hiện TGPL cho 1075 đối tượng (có 833 đối tượng là người dân tộc thiểu số). Cũng theo báo cáo tổng hợp 04 tháng đầu năm 2008, Trung tâm đã TGPL cho 243/2289 đối tượng là người dân tộc thiểu số chiếm 84,08%.

Với địa hình đi lại khó khăn, Trung tâm đã xác định hoạt động TGPL lưu động là một hoạt động thường xuyên và hoạt động này sẽ đem lại thuận lợi hơn cho đồng bào dân tộc thiểu số vì họ thường ở địa bàn xa trung tâm, đồng thời thu hẹp khoảng cách giữa cán bộ và người dân, giúp họ chủ động hơn khi đưa các vấn đề cần trợ giúp. Vì vậy, trong năm 2007 Trung tâm đã thực hiện được 37 đợt TGPL lưu động tại 37 xã nghèo đặc biệt khó khăn thuộc 08 huyện trong tỉnh, trợ giúp cho 732 đối tượng, kết hợp tuyên truyền, giải đáp pháp luật cho trên 1.000 người tham dự chủ yếu là người dân tộc thiểu số; in ấn, phát hành 5.000 tờ gấp pháp luật và 500 cuốn sách tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng 02 ngôn ngữ chính là Tày và Nùng (gồm 83 vụ án buôn bán phụ nữ đã được TAND tỉnh Lạng Sơn xét xử từ 2000-2007)

 Bên cạnh hoạt động trợ giúp lưu động, Trung tâm đã kết hợp với Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh thực hiện chuyên mục “Trả lời bạn nghe đài” và “Trả lời bạn xem truyền hình”. Trung tâm đã tuyên truyền trên sóng phát thanh, truyền hình nhiều nội dung pháp luật, chính sách của Nhà nước. Đối với đồng bào dân tộc, điều kiện kinh tế khó khăn, hệ thống lưới điện quốc gia chưa được phủ khắp, nên Đài Phát thanh là người bạn tinh thần không thể thiếu của mỗi người dân vào những buổi tối trong tuần.  Ngoài ra, Trung tâm phối hợp với Phòng Tư pháp huyện, UBND các xã duy trì sinh hoạt thường xuyên Câu lạc bộ TGPL 1 kỳ/1 tháng. Xây dựng nội dung sinh hoạt phong phú, đa dạng theo chuyên đề pháp luật, giao lưu văn hóa văn nghệ… thu hút hàng nghìn người tham gia.

Do đời sống còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, nhiều phong tục tập quán còn lạc hậu, các chị em phụ nữ là đồng bào dân tộc thiểu số tại địa bàn thường bị phân biệt đối xử không công bằng, bị lợi dụng, cưỡng ép lừa gạt bán ra nước ngoài làm gái mại dâm. Theo Công an tỉnh Lạng Sơn, hiện còn trên 4.000 phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc, đa số là  người dân tộc thiểu số. Trước thực trạng đó, Trung tâm đã chủ động phối hợp với Hội Phụ nữ tỉnh lập đề án tuyên truyền phòng chống buôn bán phụ nữ; phối hợp với tổ chức “Di cư quốc tế” và tổ chức “Xứ sở của những con người từ thiện” do CHLB Đức tài trợ tiến hành biên soạn, phát hành 30.000 cuốn sách “Người trở về” để nói lên tình thương yêu cộng đồng đối với chị em phụ nữ khó khăn thiệt thòi. Trong các cuộc trợ giúp lưu động, Trung tâm đã tư vấn cho các chị em là nạn nhân của tôi phạm buôn bán và bị ngược đãi trong gia đình các kiến thức pháp luật cần thiết để chị em có thể tự bảo về mình, giải quyết được những vướng mắc pháp luật trong đời sống.

Để duy trì và phát huy những kết quả đã đạt được trong những năm vừa qua, trong thời gian tới Trung tâm cần tập trung triển khai đồng bộ và nâng cao hiệu quả công tác tập huấn kiến thức pháp luật kỹ năng TGPL; tăng cường phối kết hợp với các cơ quan, ban ngành đảm bảo hoạt động TGPL đến được đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh./.

Phạm Tiến Thành