Sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW trên địa bàn thị xã Cam Ranh:

24/06/2008
Ngày 19/6/2008, Thị uỷ Cam Ranh (tỉnh Khánh Hoà) đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020.

Qua 3 năm triển khai và thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW, đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của từng cơ quan, đơn vị, của từng tập thể và cán bộ trực tiếp làm công tác tư pháp của thị xã như tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm ngày càng chính xác và kịp thời, công tác điều tra án được tiến hành đúng trình tự thủ tục. Đặc biệt là từ khi có Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và các Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW, Thường trực Thị uỷ hàng quý đều duy trì và tổ chức giao ban các cơ quan khối Nội chính để nắm bắt tình hình và chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm quý đến. Kết quả cụ thể qua 3 năm thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp ở các cơ quan như sau:

*Đối với Công an: Thường xuyên quan tâm củng cố lực lượng tiếp nhận và xử lý tin báo tội phạm. Trong 3 năm qua, ngành đã tiếp nhận 1.252 tin báo từ các nguồn như đơn thư: 393; công dân trực tiếp báo và báo qua điện thoại: 775 tin; qua công tác nghiệp vụ, quản lý hành chính: 06 tin; qua các tổ chức xã hội, cơ quan đoàn thể: 78 tin. Đã xác minh 1.181 tin (trong đó có 911 tin báo đúng, 107 tin báo sai, 63 tin báo đúng một phần), tiến hành khởi tố điều tra: 231 vụ với 260 bị can; xử lý hành chính 215 vụ; phục vụ công tác nghiệp vụ 602 tin; chuyển cơ quan khác giải quyết 22 tin; trật tự quản lý kinh tế và chức vụ 45 tin.

Công tác tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo: tiếp nhận 468 đơn, trong đó có 373 đơn thư tố cáo, tố giác tội phạm và 95 đơn khiếu nại. Đã tiến hành xác minh, giải quyết 461 đơn thư các loại; đang tiếp tục xác minh, giải quyết 07 đơn.

Đã thụ lý, điều tra, xử lý tội phạm 450 vụ với 768 bị can (chưa bao gồm án điều tra bổ sung) trong đó giải quyết 390 vụ với 738 bị can; đã tiến hành bắt 360 đối tượng, trong đó bắt quả tang 52 đối tượng, bắt khẩn cấp 65 đối tượng; bắt tạm giam 100 đối tượng. Nhìn chung, từ khi thực hiện việc tăng thẩm quyền cho cơ quan điều tra cấp thị xã, những vụ án nghiêm trọng, rất nghiêm trọng xảy ra có khung hình phạt đến 15 năm đều do cơ quan cấp thị xã thụ lý, giải quyết đã làm cho lượng án tăng hơn nhiều so với thời gian trước (năm 204: 74 vụ -127 bị can; 2005: tăng 19 vụ-49 bị can; 2006: 86 vụ - 280 bị can…) Tuy nhiên từ khi thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, các vụ án, bị can khởi tố được tiến hành điều tra và kết luận đúng thời gian quy định, không có trường hợp nào bị giam, giữ quá hạn, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm.

*Đối với Toà án nhân dân: đã thụ lý xét xử: 1.003/1.079 vụ án các loại như:

- Án Hình sự xét xử 354 vụ-467 bị cáo, trong đó án tăng thẩm quyền 80 vụ-144 bị cáo. Chủ yếu tập trung ở các nhóm tội phạm như cướp tài sản, vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, cố ý gây thương tích, mua bán trái phép chất ma tuý, hiếp dâm và chứa gái mại dâm…

- Án Dân sự, Hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại đã thụ lý 649/1715 vụ, trong đó có 08 vụ kinh doanh thương mại tăng thẩm quyền.

Đặc biệt đã xét xử một số phiên toà mẫu theo tinh thần cải cách về tranh tụng tại phiên toà đó là Hội đồng xét xử chỉ xét hỏi những vấn đề chưa rõ, không hỏi theo cách truy xét như trước đây mà chỉ lắng nghe Kiểm sát viên, Luật sư và các bị cáo tranh luận đối đáp nhau.

Nhìn chung qua 3 năm thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỷ lệ án được giải quyết năm sau luôn cao hơn năm trước. Chất lượng xét xử được nâng lên, án bị huỷ hoặc sửa ngày càng giảm. Các bản án đã giải quyết đều đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật đã đáp ứng được yêu cầu của nhân dân. Tập trung chú trọng mở các phiên toà xét xử lưu động tại địa bàn gây án vì thế có tác dụng giáo dục tốt hơn.

Đã tạo mọi điều kiện cho các Hội thẩm tham gia nghiên cứu hồ sơ để thực hiện trách nhiệm của mình trong xét xử cũng như tập huấn nghiệp vụ xét xử nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các Hội thẩm.

* Đối với Viện Kiểm sát nhân dân: đã thụ lý án Hình sự 358 vụ/732 bị can; giải quyết 343 vụ/687 bị can. Trong đó truy tố là 323 vụ/627 bị can, đạt 94,1%, đình chỉ điều tra 12 vụ/45 bị can, chiếm 3,5%, chuyển nơi khác 8 vụ/15 bị can chiếm 2,4%. Khởi tố tăng thẩm quyền 83 vụ, đã truy tố 82 vụ, xét xử 80 vụ/144 bị cáo.

Chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hình sự đã được nâng cao, kiểm sát viên được phân công đã nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, chứng cứ buộc tội và gỡ tội cho bị cáo để xây dựng đề cương xét hỏi, chuẩn bị kết luận đầy đủ …nên đã thực hiện tốt chức năng của mình trong việc tranh luận, đảm bảo mức hình phạt Toà tuyên án đối với bị cáo đều nằm trong khung đề nghị của Viện Kiểm sát.

Công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam trong 03 năm là 226 người, đã giải quyết 226, chuyển tạm giam 194, chuyển nơi khác 24, thay thế biện pháp ngăn chặn 08. Tổng số tạm giam là 367, đã giải quyết 328, hiện còn tồn 39. Thực hiện quy chế của ngành, hàng ngày cán bộ, kiểm sát viên theo dõi, nắm bắt tình hình bắt, tạm giam, tạm giữ và xử lý tại nhà tạm giữ. Nhìn chung các trường hợp bắt giữ đều đảm bảo tính căn cứ và đúng quy định của pháp luật, không có trường hợp nào bắt, giữ, giam oan sai phải trả tự do hoặc giam giữ quá hạn.

Thực hiện quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự, đã kiểm sát 227 bản án, 481 quyết định của Toà án, đồng thời tham gia 100% phiên họp giải quyết các vụ án dân sự và hôn nhân gia đình. Đối với công tác kiểm sát thi hành án hình sự đã tập trung kiểm sát việc hồ sơ thi hành án, đặc biệt là các án không có điều kiện thi hành theo phân loại của cơ quan Thi hành án Dân sự thị xã.

Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc trách nhiệm của ngành được phân loại, xử lý theo đúng trình tự, đảm bảo về mặt thời gian. Đã tiếp nhận và giải quyết 294 đơn, tiếp 49 lượt công dân. Việc thụ lý, giải quyết không để đơn thư tồn đọng hoặc đùn đẩy trách nhiệm cho các cơ quan khác gây khó khăn cho người khiếu nại, tố cáo.

* Đối với Phòng Tư pháp: Việc soạn thảo, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo được ban hành theo đúng trình tự, thủ tục, đúng thời gian quy định.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thị xã ngày càng được chú trọng và đạt hiệu quả cao. Trong 03 năm qua, đã tham mưu cho UBND thị xã tổ chức 36 lượt hội nghị phổ biến, tập huấn 43 Bộ luật, Luật, Pháp lệnh và hơn 32 Nghị định, Thông tư và các văn bản khác cho khoảng 6.000 lượt cán bộ tham gia. Thực hiện chứng thực theo cơ chế 01 cửa tại Văn phòng HĐND và UBND thị xã theo chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hoà, đồng thời hướng dẫn UBND các xã, phường tổ chức thực hiện theo phân cấp thẩm quyền của cấp cơ sở, bước đầu tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, tổ chức khi có nhu cầu chứng thực.

Đã tổ chức triển khai Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác thi hành án dân sự và 06 giải pháp về tăng cường nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án, đồng thời tiếp tục chuyển giao các vụ việc dân sự có giá trị dưới 500.000đồng trở xuống cho các xã, phường đôn đốc thi hành. Kết quả chuyển giao cho UBND xã, phường 20 vụ với tổng số tiền là 13.811.400 đồng.

Đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp và các tổ trưởng tổ hoà giải cơ sở, đồng thời quan tâm công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị cho cán bộ, công chức trong ngành nhằm đáp ứng nhiệm vụ công tác được phân công. 

Báo cáo sơ kết đã nhận định: Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW, bộ máy tổ chức các cơ quan Tư pháp của thị xã đã được kiện toàn, đồng thời nâng cao phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm của đội ngũ làm công tác tư pháp. Công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp ngày càng chặt chẽ, thống nhất trong việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án từng bước đi vào nề nếp. Việc bắt giam, giữ có nhiều chuyển biến tích cực. công tác giám sát, kiểm sát được chú trọng thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, không để oan sai. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ quan tư pháp được xây dựng, sửa chữa, nâng cấp nhằm đáp ứng theo yêu cầu nhiệm vụ mới. Hoạt động của các cơ quan tư pháp đã đóng góp thiết thực vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Hải Dương