Sở Tư pháp Quảng Ngãi tăng cường tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ Tư pháp cấp xã

24/06/2008
Hiện nay, đội ngũ cán bộ Tư pháp cấp xã của tỉnh Quảng Ngãi là những người đang trực tiếp phải gánh vác nhiều công việc liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của nhân dân như công tác chứng thực, công tác hộ tịch, công tác phổ biến và giáo dục pháp luật, công tác văn bản QPPL, thi hành án…. thông qua những hoạt động của cán bộ Tư pháp cơ sở, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước được truyền tải vào cuộc sống, đến với từng người dân ở địa phương, giúp nhân dân ngày càng nắm rõ, hiểu biết hơn các chủ trương chính sách, pháp luật thực hiện quyền làm chủ, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Chính vì vậy đòi hỏi người cán bộ nói chung, đặc biệt là cán bộ làm công tác tuyên truyền pháp luật phải có kỹ năng, nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật và khả năng truyền đạt nhất định để tuyên truyền cho nhân dân.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, trên cơ sở thực hiện đề án 4 theo Quyết định 212/QĐ-TTg ngày 16/02/2004 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân xã, phường, thị trấn giai đoạn 2005-2010, năm 2006, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch chi tiết thực hiện các đề án trên, hàng năm Sở đã triển khai thực hiện tập huấn nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật tại các huyện, trong đó đối tượng tham gia tập huấn là nhóm đối tượng thuộc đề án 212 liên quan đến công tác Phổ biến & giáo dục pháp luật như cán bộ Tư pháp xã, Cán bộ Văn hoá – thông tin; cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã; Tổ trưởng tổ hoà giải và Trưởng thôn, khu dân cư…

Năm 2006, Sở Tư pháp đã tổ chức tập huấn tại huyện Sơn Hà cho gần 60 cán bộ cấp xã, năm 2007 tiếp tục tổ chức tập huấn tại 02 huyện là Bình Sơn và Sơn Tịnh cho gần 400 cán bộ đạt kết quả tốt, trên cơ sở đó năm 2008 Sở tiếp tục phối hợp với UBND các huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức và Ba Tơ tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác phổ biến giáo dục cho gần 600 cán bộ các xã, thị trấn của các huyện này. Nội dung của đợt tập huấn xoay quanh 8 chuyên đề về công tác phổ biến giáo dục pháp luật như: tuyên truyền miệng, tủ sách pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động các câu lạc bộ pháp luật, hoạt động trợ giúp pháp lý, kỹ năng biên soạn tài liệu tuyên truyền, nghiệp vụ hoà giải, và vấn đề xây dựng, củng cố lực lượng tuyên truyền viên ở cơ sở…Đây là những kỹ năng, nghiệp vụ cơ bản trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật mà các cán bộ cấp xã cần phải nắm vững. Tại lớp tập huấn, bên cạnh các nội dung truyền đạt, nhiều ý kiến từ cơ sở đã bày tỏ việc cần phải mở rộng triển khai tập huấn nhiều hơn nữa để giúp cán bộ xã, đồng thời nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện công tác phổ biến giáo dục ở cơ sở, nhất là công tác xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật;  công tác hoà giải ở cở sở hiện nay chưa có chế độ bồi dưỡng đối với hoà giải viên mặc dù theo quy định pháp luật hiện hành đã quy định mỗi vụ việc hoà giải thành được chi từ 50.000 đến 100.000 ngàn đồng... Hoặc vấn đề về xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật vẫn có nhiều ý kiến khác nhau vì trên thực tế còn gặp rất nhiều vướng mắc như kinh phí, vấn đề quản lý tủ sách, người trông coi, việc khai thác, sử dụng sách…Ngoài ra còn có ý kiến về sự chồng chéo, mâu thuẫn trong các quy định của pháp luật, dẫn đến việc viện dẫn, áp dụng vận dụng pháp luật khi giải quyết các vụ việc cụ thể gặp nhiều khó khăn…

Có thể nói, từ những lớp tập huấn, các ý kiến, thắc mắc của học viên đã được báo cáo viên giải đáp, trao đổi thẳng thắn hai chiều,  Sở Tư pháp cũng đã ghi nhận được tình hình cơ sở và những vướng mắc, khó khăn từ cơ sở để tổng hợp kiến nghị lên cấp trên với mong muốn chung làm cho công tác phổ biến & giáo dục pháp luật cho nhân dân ngày càng đạt hiệu quả hơn. Theo kế hoạch Sở Tư pháp sẽ tiếp tục tập huấn tại 02 huyện Ba Tơ và Trà Bồng, đồng thời xây dựng kế hoạch hàng năm để tập huấn cho tất cả các huyện trong tỉnh.

Mạnh Thắng