An Dũng - An Lão- Bình Định đưa Luật Hôn nhân và gia đình vào dân tộc Hrê

24/06/2008
Các văn bản pháp luật hôn nhân và gia đình được biên soạn thành những quy định ngắn gọn, thiết thực cung cấp cho các Gìa làng, thông qua các buổi sinh hoạt, lễ hội, già làng đã phổ biến đến bà con trong làng

Khi chúng tôi hỏi nơi nào tuyên truyền pháp luật có hiệu quả nhất, ông Phạm Minh Xây, Trưởng phòng Tư pháp huyện miền núi An Lão, Bình Định không ngần ngại giới thiệu cách tuyên truyền pháp luật hôn nhân và gia đình có hiệu quả của các già làng tại xã miền núi An Dũng. Cụ thể là việc tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình, Nghị định 32 áp dụng Luật Hôn nhân và gia đình vào các dân tộc thiểu số và Nghị định 87 về xử phạt hành chính trong hôn nhân và gia đình.

          Trước tiên, anh Đinh Văn Hoà, cán bộ Tư pháp chuyên trách của xã phối hợp với cán bộ Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Nông dân, Cựu Chiến binh của xã đem các Luật và Nghị định nói trên soạn ra thành những những quy định ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, như về độ tuổi nam nữ kết hôn, về xử phạt hành chính trong việc vi phạm pháp luật hôn nhân và gia đình, về những phong tục tập quán cần phát huy, những phong tục tập quán trong hôn nhân và gia đình bị cấm...sau đó, anh Hoà cung cấp cho 4 già làng trong xã làm đề cương, thông qua các buổi sinh hoạt, lễ hội của làng, các già làng đã phổ biến bằng tiếng Hrê đến bà con hiểu và nghiêm túc thực hiện. Già làng thôn 01, Đinh Văn Đinh, 72 tuổi cho rằng: “nhờ cán bộ ở xã chọn lọc các quy định pháp luật gần gũi với bà con, mà mình làm tài liệu “chỉ” cho trai gái trong làng biết kết hôn phải đúng cái luật hôn nhân và gia đình, trước khi cưới nhau phải đưa đến gặp cán bộ tư pháp xã hướng dẫn làm cho cái giấy “Kết hôn”, đem về trình cho mình thấy, mới được tổ chức đám cưới và sống chung được”.

             Già Đinh còn cho biết thêm, trước đây do chưa hiểu, trai gái trong làng lại lấy nhau trước cái tuổi mà pháp luật hôn nhân gia đình cấm, dần để cho mọi người trong làng hiểu, Già Đinh đem cái tài liệu mà cán bộ xã cung cấp để lồng vào các câu hát, đoạn thơ cho dễ thuộc, dễ nhớ bằng tiếng Hrê, ... thông qua họp bàn việc bảo vệ và phát triển rừng, khoán rừng cho từng hộ chăm sóc hoặc tại lễ cúng cơm mới được mọi người trong làng ngồi lại hát hoặc đọc các quy định hôn nhân và gia đình cho nhau nghe và cứ thế lan toả. Như mưa lâu thấm đất, “cái hôn nhân gia đình” thẩm thấu vào trong trí nhớ của bà con lúc nào không hay!

Kết quả thật đáng ngạc nhiên. Những ông chồng có tý rượu về nhà đã bớt gây gổ với vợ, tình trạng bỏ vợ, trai gái cưới hỏi sớm không còn so với trước, và không còn một phụ nữ Hrê nào lỡ có sai phạm về cuộc sống tình duyên bị đuổi ra khỏi làng như trước đây nữa, tệ nạn cầm đồ, nghi kỵ không xảy ra.. Nhưng điều thành công nhất của cách tuyên truyền, phổ biến pháp luật này là người Hrê ở 4 thôn trong xã An Dũng không còn cảm thấy cái luật hôn nhân gia đình xa lạ đối với họ nữa. Chị Đinh Thị Da, 27 tuổi, ở thôn 4 tâm sự: “Trước đây, cán bộ trên xã xuống giảng “cái hôn nhân gia đình” nhưng ta nghe chậm, một số người già không nghe được tiếng kinh hoặc nghe mà chẳng hiểu nhiều, giờ ta nghe ra “cái hôn nhân gia đình” bằng tiếng Hrê do già làng mình nói, mình thích lắm”.

          Đánh giá về cách tuyên truyền, phổ biến pháp luật xã An Dũng, Đinh Văn Bích, Chủ tịch UBND xã An Dũng cho rằng, An Dũng là xã miền núi đặc biệt khó khăn, kinh phí tuyên truyền pháp luật không có, nhưng chỉ có cách làm linh hoạt cung cấp tài liệu được biên soạn ngắn, thiết thực cho 4 già làng, cho 5 tuyên truyền viên pháp luật, và cho các thành viên của 4 tổ hoà giải trong xã để tuyên truyền pháp luật đến dân, mới phù hợp với trình độ dân trí và nhận thức của bà con dân tộc Hrê ở đây.

Với cách làm nhỏ, vừa tiết kiệm, vừa hiệu quả nhưng kết quả đem  lại nhận thức pháp luật cho bà con dân tộc Hrê ở đây cao, thiết nghĩ những kinh nghiệm trên cần được đúc kết để nhân rộng ra các làng, thôn có đồng bào dân tộc Hrê sinh sống trên địa bàn huyện An Lão

N.H.H