Trung tâm TGPL Bình Định sau 6 tháng hoạt động

17/06/2008
Trong 6 tháng đầu năm 2008 với sự nỗ lực, cố gắng phấn đấu, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước Bình Định đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao và hoàn thành kế hoạch đề ra.
Cụ thể là:
1. Về cơ cấu tổ chức: Từ giữa năm 2007, Trung tâm đã nghiên cứu xây dựng Đề án kiện toàn Trung tâm theo Luật Trợ giúp pháp lý. Đến tháng 5/2008, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án tại Quyết định số 331/QĐ-UBND. Theo đó, Trung tâm có 10 biên chế, 2 phòng chuyên môn (Phòng nghiệp vụ và Phòng hành chính tổng hợp), 5 Chi nhánh trợ giúp pháp lý liên huyện. Riêng năm 2008, UBND tỉnh giao cho Trung tâm 14 biên chế (10 tại Trung tâm, 4 biên chế tại 2 Chi nhánh). Đến nay, Trung tâm được Sở Tư pháp điểu chuyển thêm cho 1 biên chế từ đơn vị cấp huyện về công tác tại Trung tâm. Năm 2008, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định bổ nhiệm 4 Trợ giúp viên pháp lý.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2008, Trung tâm đã tiến hành rà soát lại đội ngũ cộng tác viên, hiện nay Trung tâm có 110 cộng tác viên, trong đó có 10 người là luật sư. Trung tâm đang làm thủ tục trình Sở Tư pháp quyết định công nhận thêm 60 cộng tác viên là cán bộ hoà giải, thành viên Câu lạc bộ, một số cán bộ lãnh đạo và chuyên viên của các phòng, ban có liên quan như: tài nguyên môi trường, lao động, thương binh xã hội của huyện.
Về Câu lạc bộ: Bình Định đã có thêm 3 Câu lạc bộ, nâng tổng số Câu lạc bộ trong toàn tỉnh lên là 15, trong đó 10 Câu lạc bộ từ Dự án hỗ trợ hoạt động trợ giúp pháp lý ở Việt Nam 2005-2009, 2 Câu lạc bộ từ Quỹ trợ giúp pháp lý, 3 Câu lạc bộ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo.
2. Kết quả thực hiện trợ giúp pháp lý
Trong 6 tháng đầu năm 2008, Trung tâm đã thực hiện được 528 vụ việc trợ giúp pháp lý cho 528 đối tượng. So với năm 2007, tăng 106 vụ (tăng 25,1%). Tại trụ sở, Trung tâm đã trợ giúp cho 97 đối tượng với 97 vụ việc.
Về trợ giúp pháp lý lưu động: Trung tâm đã tổ chức 11 đợt lưu động tại 17 xã và 38 thôn của 9 huyện với trên 431 vụ việc (tăng 259 vụ việc so với cùng kỳ năm 2007, đạt tỷ lệ 250%).
Về thực hiện đại diện, bào chữa: Trung tâm đã cử luật sư cộng tác viên tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho 26 đối tượng với 26 vụ việc. Qua thẩm tra hồ sơ vụ án hình sự, các bản luận cứ của luật sư có sức thuyết phục cao, có chất lượng, đạt yêu cầu chất lượng.
Về sinh hoạt chuyên đề pháp luật: Trung tâm đã tổ chức 30 buổi sinh hoạt chuyên đề pháp luật, tại mỗi nơi sinh hoạt có trên 50 người tham dự, có nơi nhiều nhất lên tới 150 người. Các nội dung sinh hoạt chuyên đề tập trung vào vào các văn bản pháp luật mà nhân dân quan tâm như Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Đất đai, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Chương trình 135, Chương trình xoá đói giảm nghèo…
3. Các hoạt động khác
- Trung tâm đã làm việc với Hội luật gia, Hội Liên hiệp phụ nữ, Ban dân tộc, Hội Nông dân, Tỉnh đoàn, Sở Lao động thương binh và xã hội, Sở Tài nguyên và môi trường Bình Định để thống nhất chương trình phối hợp tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, nhất là các buổi sinh hoạt chuyên đề pháp luật.
- Trung tâm tham mưu cho Sở Tư pháp trình Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành quyết định thành lập Hội đồng phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng và Tổ giúp việc cho Hội đồng, đã dự thảo Quy chế làm việc của Hội đồng.
- Giúp Giám đốc Sở Tư pháp hoàn thành dự thảo báo cáo 1 năm thi hành Luật Trợ giúp pháp lý, báo cáo tình hình thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo.
- Tổ chức 2 đợt tập huán kiến thức pháp luật và kỹ năng trợ giúp pháp lý, kỹ năng phổ biến pháp luật cho 200 học viên là cộng tác viên, ban chủ nhiệm Câu lạc bộ và hoà giải viên cơ sở…
- Trung tâm xây dựng nội dung và hoàn thành việc lắp đặt bảng thông tin trợ giúp pháp lý tại 20 xã ven biển theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo.
- Trung tâm đã phát hành trên 8.000 tờ gấp pháp luật cho người dân các xã vùng sâu, vùng xa, các xã đặc biệt khó khăn.
4. Những khó khăn, vướng mắc
 Mặc dù được sự quan tâm của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh, Sở Tư pháp và các cấp, các ngành, tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm 2008, hoạt động trợ giúp pháp lý ở Bình Định vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như:
- Cơ sở vật chất của Trung tâm còn quá chật hẹp, ảnh hưởng tới việc tiếp dân và làm việc của cán bộ Trung tâm.
- Nhu cầu trợ giúp pháp lý của nhân dân lớn nhưng khả năng thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động và kết hợp với sinh hoạt chuyên đề pháp luật của Trung tâm còn hạn chế về kinh phí, phương tiện làm việc.
- Việc đào tạo nguồn nhân lực để bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý theo yêu cầu của Luật Trợ giúp pháp lý còn gặp nhiều khó khăn, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học luật không muốn về địa phương công tác…
5. Kế hoạch 6 tháng cuối năm
Trong 6 tháng cuối năm 2008, Trung tâm trợ giúp pháp lý Bình Định tiếp tục triển khai các hoạt động trong kế hoạch công tác năm 2008, tiếp tục phối hợp với Văn phòng luật sư cử luật sư tham gia tố tụng; cử Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm tham dự một số phiên toà để rút kinh nghiệm, học tập về kỹ năng tham gia tố tụng; tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động theo kế hoạch;, in tờ gấp pháp luật ra tiếng dân tộc; ghi nội dung tờ gấp bằng tiếng dân tộc vào băng cát-xéc, đĩa CD; tổ chức hội nghị tập huấn cho chuyên viên và cộng tác viên của Trung tâm; tổ chức trao đổi, học tập kinh nghiệm trợ giúp pháp lý ở một số địa phương; hoàn thành công tác tổ chức để đưa 2 Chi nhánh vào hoạt động theo đúng kế hoạch.
                                      Vũ Hồng Tuyến - Cục Trợ giúp pháp lý