Ngành tư pháp Ninh Bình: Nỗ lực vươn lên hoàn thành các chỉ tiêu 6 tháng đầu năm 2008

17/06/2008
Trong 6 tháng đầu năm 2008, được sự quan tâm của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình đã tổ chức triển khai thực hiện chương trình trọng tâm công tác tư pháp năm 2008 và đạt được những kết qủa quan trọng, giải quyết hầu hết các chỉ tiêu đề ra.

Công tác văn bản Quy phạm pháp luật: 6 tháng đầu năm, Sở Tư pháp đã tham gia đóng góp ý kiến vào 10 Dự thảo văn bản QPPL, 1 Đề án, 1 báo cáo của Tỉnh uỷ và Trung ương yêu cầu, trong đó 4 văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội, Chính phủ, 8 văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của UBND tỉnh; Thẩm định 32 Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của UBND tỉnh chủ yếu về các lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường thuỷ nội địa, phòng chống tội phạm trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin; Điều chỉnh đơn giá nhà cửa, vật kiến trúc và nội thất; Quyết định kiện toàn tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện…Rà soát 131 văn bản QPPL trong đó 32 văn bản của UBND tỉnh, 99 văn bản của UBND cấp huyện. Qua rà soát phân loại số văn bản còn hiệu lực thi hành là 96 văn bản, số văn bản hết hiệu lực thi hành 35 văn bản, kiến nghị bãi bỏ 01 văn bản của UBND tỉnh, 09 văn bản của UBND huyện.

Thực hiện “kế hoạch rà soát văn bản thuộc các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp” ban hành kèm theo Quyết định số 2892/QĐ-BTP ngày 27/12/2007 của Bộ Trưởng Bộ Tư pháp và Kế hoạch số 06/KH-UBND ngày 25/01/2008 của UBND tỉnh Ninh Bình. Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã tiến hành rà soát các văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh và HĐND, UBND các huyện, thành phố, thị xã đã ban hành về các lĩnh vực Tư pháp ở địa phương. Kết quả đã rà soát đối chiếu 77 văn bản trong đó có 36 văn bản còn hiệu lực thi hành, 41 văn bản hết hiệu lực thi hành, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, huỷ bỏ 12 văn bản (trong đó kiến nghị bãi bỏ 01 văn bản của UBND tỉnh do không còn phù hợp Luật công chứng năm 2006, kiến nghị bãi bỏ 09 văn bản và huỷ bỏ 02 văn bản của UBND các huyện, thành phố, thị xã).

Thực hiện sự phân công của UBND tỉnh, Sở Tư pháp Ninh Bình đã phối hợp với Sở Tài chính và các ngành, địa phương có liên quan chủ trì xây dựng dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành Quy định về quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ cho công tác xây dựng và ban hành văn bản QPPL của HĐND và UBND các cấp trình UBND tỉnh thông qua để trình HĐND tỉnh.

Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật: Thực hiện sự chỉ đạo của Giám đốc Sở Tư pháp, Phòng Tuyên truyền PBGDPL đã phối hợp với Phòng Tư pháp thành phố Ninh Bình tổ chức Hội nghị tập huấn bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho đội ngũ hoà giải viên cơ sở; giúp UBND tỉnh đôn đốc các sở, ban, ngành, các huyện thành phố thị xã báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh hoà giải cơ sở và Quyết định 1067/QĐ-TTg  của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng tủ sách pháp luật. Đã tiến hành cấp phát 5000 tờ gấp có nội dung tuyên truyền đến nhân dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp một số quy định của pháp luật về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, Luật bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em, Luật bình đẳng giới, chế độ chính sách trợ cấp, cứu trợ xã hội. Biên tập in ấn phát hành 1200 cuốn bản tin Tư pháp nội dung tin bài tập trung phản ánh những hoạt động nổi bật của ngành trong năm 2007; xây dựng 06 chuyên mục pháp luật và đời sống trên sóng Đài phát thanh và truyền hình tỉnh.

Thực hiện sự chỉ đạo của Lãnh đạo Sở, các Phòng Tư pháp đã tập trung tuyên truyền phổ biến Chỉ thị 406/TTg ngày 08/8/1994 của Thủ tướng Chính phủ về cấm sản xuất buôn bán và đốt pháo, Chỉ thị số 03/2008/CT-TTg ngày 17/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp tết Nguyên đán, Nghị định 146/2007/NĐ-CP ngày 14/9/2007 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ…Phòng Tư pháp huyện Kim Sơn, Yên Mô, Gia Viễn và Thị xã Tam Điệp đã in sao 100 bộ băng đĩa có nội dung là các tiểu phẩm tuyên truyền về Luật đất đai, bồi thường thiệt hại, quyền sở hữu, Luật lao động, Luật môi trường,  bảo hiểm xã hội… tuyên truyền trên đài truyền thanh cơ sở;  Phòng Tư pháp huyện Hoa Lư đã phối hợp với Trung tâm Y tế, Công an, và Quản lý thị trường tổ chức tuyên truyền và kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà hàng ăn uống trong dịp tết nguyên đán Mậu tý năm 2008.

Hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đã bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành và địa phương cũng như kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật các cấp. Đã tập trung phổ biến các văn bản pháp luật mới được Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ ban hành như: Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật trợ giúp pháp lý, Luật đất đai Pháp lệnh cực chiến binh, Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

Công tác phối hợp tuyên truyền pháp luật của các ngành thành viên trong Hội đồng phối hợp đã có nhiều cố gắng điển hình như Công an tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Sở Tư pháp, Sở văn hoá thông tin Sở Giao thông vận tải, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, Toà án nhân dân, Hội cực chiến binh, Mặt trận tổ quốc, Đoàn thanh niên,

Công tác hoà giải 6 tháng đầu năm cũng được tăng cường. Toàn tỉnh đã hoà giải thành 728/840 vụ việc đạt tỷ lệ 86,6%. Nhiều địa phương đã làm tốt công tác này, góp phần giải quyết các tranh chấp dân sự, đất đai, giải phóng mặt bằng, hôn nhân gia đình điển hình là huyện Yên Khánh 79 vụ việc, đạt 84%, huyện Yên Mô 103 vụ việc đạt 88,7%.

Công tác trợ giúp pháp lý: 6 tháng đầu năm Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã tổ chức 33 buổi trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã nghèo của huyện Nho Quan, Kim Sơn, Yên Mô, Yên Khánh, Gia Viễn và Thị xã Tam Điệp. Tại các buổi trợ giúp lưu động đã cấp phát 7.627 tờ gấp tuyên truyền các lĩnh vực pháp luật tới người dân và tư vấn trực tiếp cho 427 trường hợp với 509 yêu cầu trợ giúp pháp lý của công dân thuộc các lĩnh vực dân sự, đất đai, hành chính, chính sách xã hội, hình sự, hôn nhân và gia đình. Thông qua các buổi trợ giúp lưu động, Đoàn TGPL đã đề nghị UBND xã, phường quan tâm tới công tác hoà giải ở cơ sở, công tác quản lý đất đai và giải quyết các thủ tục về cấp gíây chứng nhận quyền sử dụng đất, chế độ trợ cấp ưu đãi đối với một số trường hợp nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho công dân.

Tại Trung tâm TGPL tỉnh đã tiến hành tiếp nhận và trợ giúp 68 việc, cử 50 lượt Luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý theo đúng tình tự thủ tục quy định của pháp luật; tổ chức hội nghị với các Phòng Tư pháp huyện, thành phố, thị xã bàn biện pháp nâng cao hiệu quả chất lượng hoạt động tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý lưu động tại cơ sở. Xây dựng đề án kiện toàn, củng cố tổ chức của Trung tâm TGPL và các Chi nhánh trợ giúp pháp lý trình UBND tỉnh phê duyệt.

Công tác Thi hành án dân sự: Để công tác thi hành án trong toàn tỉnh đạt hiệu quả cao hơn, Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh đã đôn đốc các phòng chuyên môn, Thi hành án dân sự các huyện, thành phố, thị xã tổ chức tốt việc xác minh, đôn đốc thi hành các vụ việc có khả năng thi hành đảm bảo có 75% án được thi hành xong và đạt 55-60% tỷ lệ thực thu về tiền, làm giảm án tồn đọng.

Tính đến hết 31/5/2008 các cơ quan Thi hành án trong tỉnh đã tổ chức thi hành 3.420 việc với số tiền 77.280.692.000đ, trong đó án có điều kiện 1.702 việc với số tiền có khả năng thu 11.589.883.000đ. Ngoài việc uỷ thác 61 việc với số tiền trên 2,4 tỷ đồng để địa phương khác thi hành theo thẩm quyền, các đơn vị đã thi hành 885 việc, thi hành đều 48 việc, đình chỉ 62 việc, thi hành dở dang 425 việc, hoãn 19 việc, tạm đình chỉ 02 việc, trả đơn yêu cầu  8 việc, thi hành chưa có kết quả 282 việc. Đã thu ngân sách Nhà nước 1.194.368.000đ, thu cho cơ quan và tổ chức xã hội 365.373.000đ, thu cho công dân 1.478.312.000đ, thu bằng tài sản ước tính 776.171.000đ, đạt tỷ lệ về việc 80% so với số việc có điều kiện thi hành, trong đó xong hoàn toàn 51% và thực thu về tiền đạt 26,2%. Một số đơn vị có số việc thi hành xong đạt kết quả cao: Thành phố Ninh Bình 197 việc, huyện Nho Quan 167 việc, kết quả tiền thu về cao: Thành phố Ninh Bình 926.750.000đ, Thi hành án tỉnh 695.998.000đ, huyện Nho Quan 317.307.000đ.

Án chuyển giao cấp xã đôn đốc thi hành 611 việc với số tiền phải thu 119.660.000đ; đã thi hành xong 170 việc, thi hành dở dang 27 việc, chuyển về cơ quan thi hành án 43 việc, chưa thi hành 371 việc, về tiền cấp xã thu cho ngân sách 23.039.000đ, thu cho công dân 1.350.000đ.

Công tác hành chính Tư pháp và bổ trợ tư pháp:  

- Công tác Hộ tịch: Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh thụ lý, xử lý trình UBND tỉnh quyết định và tổ chức trao giấy chứng nhận kết hôn cho 08 trường hợp đăng ký kết hôn với người nước ngoài; tổ chức trao 04 trẻ em ở Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Ninh Bình làm con nuôi người nước ngoài.

Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn đã đăng ký khai sinh 2738 cháu, khai tử 1.202 trường hợp, kết hôn 1660 đôi. Các huyện, thành phố, thị xã đã cải chính hộ tịch cho 69 trường hợp. Công tác đăng ký và quản lý hộ tịch ở các huyện thành phố, thị xã và cơ sở ngày càng chặt chẽ và đi vào nề nếp hơn. Điển hình làm tốt công tác này là thành phố Ninh Bình, huyện Yên Mô, Thị xã Tam Điệp, huyện Gia Viễn, huyện Yên Khánh.

- Cấp phiếu lý lịch tư pháp: Sở Tư pháp đã thụ lý 896 hồ sơ xin cấp phiếu  lý lịch tư pháp chủ yếu xuất cảnh sang Cộng hoà Séc, Ma cao- Trung Quốc, Liên bang Nga, Ả rập xê út, đã phối hợp với Công an tỉnh cấp phiếu lý lịch tư pháp cho 865 trường hợp không có tiền án theo đúng quy định của pháp luật, đạt tỷ lệ 96,5% so với số hồ sơ thụ lý.

- Công tác công chứng, chứng thực; Trong 6 tháng đầu năm Phòng Công chứng số 1 và số 2 đã chứng nhận 30 hợp đồng, thu 29.440.000đ trong đó 16 hợp đồng thế chấp tài sản, 14 hợp đồng uỷ quyền.

- Công tác bán đấu giá tài sản: Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh đã phối hợp với Sở Tài chính, Công an tỉnh, các cơ quan Thi hành án dân sự, Quản lý thị trường tỉnh tổ chức ký 09 hợp đồng uỷ quyền bán đấu giá các lô tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước do vi phạm hành chính và tài sản bảo đảm thi hành án.Tổ chức đấu giá thành 06 phiên đấu giá với tổng giá trị khởi điểm 1.596.456.000đ, đấu giá thành 1.598.669.000đ vượt giá khởi điểm 2.213.000đ.

Công tác Thanh tra giải quyết khiếu nại tố cáo: Thanh tra Sở đã tích cực tham mưu giúp lãnh đạo sở thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động của ngành tư pháp Ninh Bình và thường xuyên tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền của Sở Tư pháp. Đã tiến hành 03 cuộc thanh tra về công tác Thi hành án dân sự, công chứng và công tác giải quyết khiếu nại tố cáo trong đó kết luận 02 cuộc, 01 cụộc đang tiến hành thanh tra với tổg số sai phạm 15.719.000đ; kiến nghị xử lý không chấp nhận thanh toán 11.739.000đ, yêu cầu trả lại cơ quan cấp kinh phí 2.080.000đ và yêu cầu trả lại công dân do nhận hỗ trợ kinh phí cưỡng chế 3.000.000đ. Trong 6 tháng đầu năm Thanh tra sở đã tiếp 18 lượt công dân đề nghị , khiếu nại về công tác thi hành án dân sự, công chứng, chứng thực, cấp phiếu lý lịch tư pháp, tiếp nhận 16 đơn khiếu nại chủ yếu về thi hành án dân sự, về tranh chấp dân sự, về hôn nhân gia đình. Thanh tra sở đã tham mưu cho Giám đốc sở xử lý, chuyển các đơn thư đến các cơ quan giải quyết theo thẩm quyền, bảo dảm đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, công tác chỉ đạo tổ chức cán bộ cũng được Lãnh đạo sở quan tâm. Để nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp cơ sở, Sở Tư pháp đã phối hợp với Sở Nội vụ, Trường chính trị tỉnh Ninh Bình tổ chức tập huấn nghiệp vụ tư pháp cho 342 học viên là lãnh đạo chuyên viên Phòng Tư pháp các huyện, thành phố, thị xã, Chủ tịch UBND các xã và cán bộ Tư pháp hộ tịch của 147 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. 

Thiều Thị Tú