Tây Trà-Quảng Ngãi: Vất vả tư pháp vùng cao

06/06/2008
Tây Trà là huyện miền núi cao của tỉnh Quảng Ngãi, nằm cách trung tâm tỉnh lỵ gần 100 km về phía tây, đây là huyện được thành lập vào năm 2003 trên cơ sở tách ra từ một số xã của huyện Trà Bồng, là huyện có tình hình kinh tế đặc biệt khó khăn, nhất là mùa mưa lũ nơi đây thường xuyên bị cô lập nhất là nạn sạt lỡ đường. Trong điều kiện khó khăn chung của huyện thì công tác Tư pháp nơi đây vốn đã khó lại càng khó khăn hơn, Phòng Tư pháp vỏn vẹn chỉ có 02 biên chế, cán bộ Tư pháp-Hộ tịch cấp xã thì không đồng đều về chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác chưa đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao. Nhận thức rõ điều đó nên ngay từ đầu năm Phòng Tư pháp đã tham mưu UBND huyện tập trung triển khai nhiệm vụ đến tận cơ sở.

Trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, Phòng Tư pháp đã tham mưu cho UBND huyện ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật  năm 2008 qua đó đã tổ chức Hội nghị triển khai 03 văn bản luật cho cán bộ chủ chốt trên địa bàn huyện. Đặc biệt năm nay Phòng Tư pháp đã phối hợp với Đài Truyền thanh và phát lại truyền hình huyện mở chuyên mục “Tìm hiểu pháp luật” phát trên sóng của đài vào các buổi sáng và trưa thứ ba hàng tuần đã mang lại hiệu quả thiết thực và được đông đảo nhân dân hoan nghênh. Ngoài ra, Phòng Tư pháp còn tổ chức cấp phát nhiều tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho nhân dân trên địa bàn huyện đã góp phần đưa pháp luật nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Vì là huyện vùng núi cao, đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn nên nhu cầu chứng thực đối với các loại giấy tờ bằng tiếng nước ngoài cũng như các giao dịch dân sự hầu như là không có. Công tác này của cấp xã cũng được UBND huyện quan tâm song do địa bàn các xã xa khu trung tâm huyện lỵ, dân cư thưa thớt cộng với năng lực của cán bộ một số xã còn hạn chế nên việc chứng thực ở một vài xã rất ít thực hiện. Mặt khác công tác chứng thực ở đây chủ yếu cũng chỉ là công tác chứng thực bản sao còn nhu cầu chứng thực chữ ký, hợp đồng giao dịch hầu như không có.

Công tác quản lý đăng ký hộ tịch và hoà giải ở cơ sở là những nhiệm vụ Phòng Tư pháp luôn coi là nhiệm vụ trọng tâm, vì vậy đã thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các xã trong việc tổ chức thực hiện, đảm bảo mọi sự kiện hộ tịch phát sinh đều phải được đăng ký. Để công tác này đi vào nề nếp, Phòng Tư pháp đã thành lập Đoàn kiểm tra công tác tư pháp và tiến hành kiểm tra ở một số xã, qua đó kịp thời chấn chỉnh uốn nắn những sai sót đồng thời hướng dẫn nghiệp vụ, kết quả sáu tháng đầu năm đã đăng ký khai sinh cho 150 trường hợp, đăng ký kết hôn cho 35 cặp, khai tử 56 trường hợp và nhận con nuôi 01 trường hợp. Công tác hoà giải trên địa bàn huyện thường xuyên được UBND huyện quan tâm và ngày càng mang lại hiệu quả, đã hoà giải thành nhiều mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong nhân dân, góp phần giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Sáu tháng đầu năm, 48 Tổ hoà giải trên địa bàn huyện với 301 Hoà giải viên đã hoà giải thành 43/50 vụ việc, đạt tỷ lệ 86%. Để đẩy mạnh công tác này trong thời gian đến Phòng Tư pháp đã tham mưu cho UBND huyện hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các tổ hoà giải.

Công tác thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật được UBND huyện quan tâm tuy nhiên biên chế của Phòng Tư pháp còn thiếu nên kết quả mang lại còn nhiều hạn chế. Công tác ban hành văn bản của cấp xã cũng còn nhiều bất cập, sáu tháng đầu năm hầu như không ban hành văn bản quy phạm pháp luật nào, công tác lưu trữ cũng không được chú trọng nên đã làm cho công tác kiểm tra gặp rất nhiều khó khăn.

Với những kết quả đạt được như trên tuy chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ song đó cũng là sự cố gắn lớn của cán bộ, công chức Phòng Tư pháp, một huyện đến nay mặt bằng dân trí của người dân vẫn còn thấp, nhận thức pháp luật còn nhiều hạn chế như huyện Tây Trà./.

Cao Nguyên