Quảng Ngãi: Thực trạng về công tác luật sư

06/06/2008
Hoạt động nghề nghiệp của luật sư là một công cụ hữu hiệu nhằm bảo vệ công lý, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền, thực hiện đúng nguyên tắc “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” và “Mọi người dân đều bình đẳng trước pháp luật” để tiến tới đạt được mục tiêu của Nhà nước ta là“Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”

Với vai trò là cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi quản lý về tổ chức luật sư và hành nghề luật sư, trong nhiều năm qua Sở Tư pháp đã có nhiều nỗ lực tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý công tác luật sư đạt được những kết quả nhất định. Để các quy định của pháp luật về lĩnh vực luật sư thực sự có hiệu quả vào thực tiễn đời sống, Sở đã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản để triển khai thực hiện về công tác luật sư, đồng thời tổ chức các Hội nghị để triển khai Nghị định 15 của Hội đồng Bộ trưởng năm 1989 về Quy chế Đoàn Luật sư, Pháp lệnh luật sư 2001, Nghị định 94 của Chính phủ, Luật Luật sư năm 2006, Nghị quyết 65 năm 2006 của Quốc hội; Nghị định 28 năm 2007 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Luật sư cho lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thành phố, Đoàn Luật sư và toàn thể luật sư trên địa bàn tỉnh để quản lý và thực hiện trong từng giai đoạn, thời gian cụ thể.

Thực hiện các quy định về luật sư, từ năm 1990 Sở đã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh thành lập Đoàn Luật sư tỉnh. Kể từ khi thành lập cho đến nay số lượng luật sư chính thức, cũng như luật sư tập sự của Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ngãi có những biến động về số lượng. Tính đến ngày 30/5/2008, tổng số luật sư của Đoàn Luật sư là 18 thành viên (trong đó: nam 13, nữ 05; số lượng luật sư chính thức: 15 và luật sư tập sự: 03). Sở  đã cấp giấy phép hoạt động cho 09 Văn phòng luật sư trên địa bàn tỉnh dưới hình thức Văn phòng luật sư do một luật sư thành lập, được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân, nhưng hiện nay chỉ có 07 Văn phòng luật sư hoạt động đó là Văn phòng luật sư Công Anh (có Chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh); Văn phòng luật sư Lê Huynh (có Chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh); Văn phòng luật sư Quốc Ân; Văn phòng luật sư Lê Tấn Thi; Văn phòng luật sư Quang Tín; Văn phòng luật sư Quang Vinh và Văn phòng luật sư Lê Văn An. Hiện tại 02 Văn phòng đã chấm dứt hoạt động là Văn phòng luật sư Quang Tuấn và Văn phòng luật sư Như Phúc.

Mặc dù các quy định của pháp luật về luật sư chưa rõ ràng và cụ thể về công tác quản lý nhà nước của Uỷ ban nhân dân tỉnh và Sở Tư pháp đối với Đoàn Luật sư, các Văn phòng Luật sư và các luật sư nhưng để tăng cường củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ luật sư trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu của xã hội, đồng thời tăng cường trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư thực hiện tốt các quyền, nhiệm vụ của mình, năm 2007 Sở đã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch về việc triển khai thực hiện Luật Luật sư với các nội dung: Tiếp tục quán triệt, phổ biến các văn bản về luật sư; tăng cường công tác quản lý nhà nước, củng cố, kiện toàn Đoàn Luật sư tỉnh, các Văn phòng luật sư và đội ngũ luật sư; trách nhiệm chủ trì, phối hợp của Sở Tư pháp với Công an, Viện Kiểm sát, Toà án và Đoàn Luật sư tỉnh thực hiện các quy định của pháp luật về luật sư. Đây là tiền đề để quản lý công tác luật sư và hoạt động luật sư  trên địa bàn tỉnh bước đầu đi vào nề nếp và có những khởi sắc. Để triển khai thực hiện Kế hoạch của Uỷ ban nhân dân tỉnh, cũng trong năm 2007 Sở đã ban hành Kế hoạch phát triển công tác luật sư trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và Giám đốc Sở đã quyết định thành lập Đoàn khảo sát, kiểm tra để khảo sát, kiểm tra hoạt động và việc chấp hành các quy định về luật sư của các Văn phòng luật sư trên địa bàn tỉnh. Đoàn đã tiến hành khảo sát, kiểm tra tại 06 Văn phòng đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi theo các quy định của Luật Luật sư, Nghị định 76 năm 2006 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp; Luật trợ giúp pháp lý, Nghị định 07của Chính phủ đối với các Văn phòng có tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý; tình hình hoạt động, mối quan hệ phối hợp của các Văn phòng luật sư với các cơ quan tố tụng và các địa phương; việc chấp hành Quy tắc ứng xử nghề nghiệp, Điều lệ của Đoàn luật sư tỉnh và khảo sát về cơ sở vật chất, trụ sở, phương tiện làm việc của các Văn phòng luật sư. Qua đó đã kịp thời chấn chỉnh những sai sót trong quá trình hoạt động của các Văn phòng luật sư nhằm giúp họ thực hiện đúng các quy định của pháp luật về luật sư. Đồng thời Sở đã tổ chức toạ đàm trao đổi nghiệp vụ về kỹ năng hành nghề luật sư khi tham gia tố tụng và tư vấn pháp luật với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Toà án nhân dân tỉnh, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư, tất cả luật sư thuộc Đoàn luật sư tỉnh Quảng Ngãi, Lãnh đạo và Phòng chuyên môn thuộc Sở Tư pháp. Bên cạnh đó Sở còn hỗ trợ các loại sách pháp luật nhằm củng cố tủ sách pháp luật của Đoàn luật sư và các Văn phòng luật sư trên địa bàn tỉnh.

Để thực hiện tốt vai trò luật sư tham gia trợ giúp pháp lý cho các đối tượng theo đúng Luật Trợ giúp pháp lý, Sở đã có văn bản yêu cầu Đoàn Luật sư chỉ đạo các Văn phòng có hoạt động tham gia làm cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh từ năm 2007 (kể cả những Văn phòng đã hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh làm cộng tác viên từ năm 2004 đến 2006) phải làm thủ tục đăng ký tại Sở Tư pháp và Sở đã cấp Giấy tham gia trợ giúp pháp lý cho 05 Văn phòng luật sư theo quy định của pháp luật.

 Ngoài ra, Sở cũng đã có văn bản kiến nghị với Bộ Tư pháp cần quy định rõ về cơ chế quản lý Nhà nước đối với hoạt động này, đồng thời có hành lang pháp lý để địa phương thực hiện hỗ trợ cơ sở vật chất cho Đoàn Luật sư tỉnh hoạt động; đồng thời đề nghị Bộ Tư pháp kiến nghị với Toà án nhân dân tối cao chỉ đạo cho Toà án nhân dân địa phương cần có kế hoạch bố trí cho Luật sư phòng nghiên cứu hồ sơ, phòng đợi trong quá trình tham gia phiên toà nhằm củng cố, nâng cao vai trò và hoạt động của Luật sư theo đúng chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Về hoạt động, nhìn chung Đoàn Luật sư tỉnh, các Văn phòng luật sư trên địa bàn tỉnh chấp hành đúng chủ trương, chính sách của Đảng và quy định của pháp luật, không có Văn phòng nào hành nghề ngoài lĩnh vực đã đăng ký trong Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động do Sở Tư pháp cấp. Trong lĩnh vực tham gia tố tụng, các Văn phòng luật sư tham gia hoạt động đều, có hiệu quả, đội ngũ luật sư có tâm huyết với nghề, có phẩm chất đạo đức, chính trị vững vàng, do đó đã thực hiện tốt việc bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân. Đối với các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu, Đoàn Luật sư cử luật sư tham gia bào chữa đầy đủ và bảo đảm được chất lượng bào chữa của luật sư tại phiên toà, góp phần bảo vệ công lý và công bằng xã hội. Các Văn phòng luật sư hoạt động có hiệu quả, trung bình hàng năm các Văn phòng luật sư trên địa bàn tỉnh đại diện bào chữa cho gần 300 vụ án các loại, tư vấn pháp luật về mọi lĩnh vực cho người dân khi có nhu cầu với chất lượng bào chữa và tư vấn đạt tỷ lệ cao đã góp phần cùng cơ quan tố tụng giải quyết các vụ án khách quan, đúng pháp luật. Về vấn đề tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng chính sách, người nghèo, trẻ vị thành niên trong thời gian qua các Văn phòng luật sư thực hiện đạt kết quả cao; đã tư vấn, tham gia tố tụng miễn phí nhiều vụ việc cho những người có hoàn cảnh khó khăn theo quy định của Luật Luật sư.

Tuy nhiên, hiện nay có trường hợp ông Đỗ Đức Cường, sinh năm 1946 tại huyện Long Thành - tỉnh Đồng Nai hiện tạm trú tại xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi là người không phải luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ngãi, không phải là thành viên của Văn phòng luật sư nào trên địa bàn tỉnh, không là cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh và cũng không có giấy tờ chứng minh ông Cường là luật sư thuộc Đoàn Luật sư nào trong nước. Mặc dù không đủ điều kiện hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ pháp lý, nhưng nhiều năm nay ông Đỗ Đức Cường đã hành nghề với danh nghĩa luật sư tham gia tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng cho người dân có nhận thù lao làm ảnh hưởng đến uy tín của các luật sư hoạt động chân chính thuộc Đoàn luật sư tỉnh Quảng Ngãi.

Với sự nỗ lực của Sở Tư pháp, Đoàn Luật sư, các Văn phòng Luật sư và các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã góp phần thiết thực trong việc phát triển công tác luật sư, đưa hoạt động này dần dần đi vào nề nếp và đạt được nhưng kết quả đáng khích lệ. Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, trong công tác luật sư còn những bất cập, khó khăn nhất định:

Thứ nhất, do Luật Luật sư, Nghị định 28 của Chính phủ, Thông tư 02 của Bộ Tư pháp có quy định nhưng chưa cụ thể về nội dung quản lý Nhà nước của Sở Tư pháp đối với Đoàn Luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư và các luật sư nên việc quản lý, giám sát, kiểm tra, kỷ luật, kỷ cương đối với luật sư rất khó thực hiện. Đồng thời, theo quy định của Nghị định 28 của Chính phủ thì Sở Tư pháp có nhiệm vụ tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh các biện pháp hỗ trợ phát triển hành nghề luật sư tại địa phương nhưng vì Bộ Tư pháp chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên khi tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ cho hoạt động này là không thể thực hiện được, do đó trong những năm qua hầu như không có biện pháp hỗ trợ kinh phí nào cho việc phát triển nghề luật sư trên địa bàn tỉnh.

Thứ hai, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi số Luật sư đang hoạt động hầu hết là lớn tuổi (04 luật sư trên 60 tuổi, 04 Luật sư trên 55 tuổi) nên việc phân công các vụ án theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng thường gặp những trở ngại, đặc biệt là miền núi, hải đảo; số Luật sư trẻ lại không hoạt động tại địa phương. Trong khi đó số cử nhân luật mới ra trường thì không có nguyện vọng về làm việc tại địa phương hoặc không muốn hành nghề luật sư, còn một số cán bộ công tác trong ngành pháp luật về hưu thì không đủ điều kiện trở thành luật sư vì không có bằng đại học luật hoặc chưa qua lớp đào tạo nghề luật sư nên nguồn luật sư để bổ sung trong thời gian đến rất hạn chế. Bên cạnh đó, các thành viên của Đoàn Luật sư của tỉnh Quảng Ngãi chủ yếu hành nghề và sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh, do đó việc gặp gỡ trao đổi nghiệp vụ, nắm bắt các thông tin cũng như các văn bản pháp luật rất khó khăn. 

Thứ ba, hiện nay Đoàn Luật sư không có trụ sở, phải tạm sử dụng một phần mặt bằng của Văn phòng luật sư Công Anh để làm việc, các trang thiết bị của Đoàn  hầu như không có. Vì không có trụ sở giao dịch nên khi có hội họp hoặc phối hợp cùng các cơ quan hữu quan khác để giải quyết công việc Ban chủ nhiệm Đoàn gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến mối quan hệ của Đoàn Luật sư tỉnh với các cơ quan hữu quan tại địa phương phần nào bị hạn chế. 

Thứ tư, các quy định của pháp luật về luật sư chưa quy định rõ trách nhiệm của Đoàn Luật sư, các Văn phòng luật sư phải báo cáo kết quả hoạt động cho Sở Tư pháp để Sở báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Tư pháp dẫn đến việc báo cáo còn lơ là và tính chịu trách nhiệm chưa cao của Đoàn luật sư và các Văn phòng luật sư đối với Sở Tư pháp.

Thứ năm, Luật sư khi hành nghề còn gặp trở ngại vì một số cơ quan, tổ chức chưa thực sự tạo điều kiện để luật sư thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật.

Từ những thực trạng, khó khăn, bất cập nêu trên, đồng thời để hoạt động luật sư của cả nước nói chung và của tỉnh Quảng Ngãi nói riêng ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu, sự phát triển của xã hội và xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, đề nghị hàng năm Bộ Tư pháp nên tổ chức các lớp bồi dưỡng về kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề luật sư. Cần có quy định để hướng dẫn rõ: Các biện pháp hỗ trợ phát triển hành nghề luật sư tại địa phương; cơ chế miễn lớp đào tạo nghề luật sư cho số cán bộ công tác trong ngành pháp luật về hưu; cơ chế hỗ trợ kinh phí cho số cử nhân luật trẻ tham gia lớp đào tạo nghề luật sư; có hành lang pháp lý cụ thể để địa phương có cơ sở tạo điều kiện cấp hoặc cho thuê mặt bằng làm trụ sở cho Đoàn Luật sư tỉnh và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Đoàn Luật sư; đồng thời Bộ Tư pháp quan tâm hỗ trợ một phần kinh phí từ nguồn dự án của Bộ để hỗ trợ cho địa phương trong quản lý, hoạt động luật sư. Ngoài ra, đề nghị Bộ Tư pháp nên kiến nghị với Toà án nhân dân tối cao chỉ đạo cho Toà án địa phương có kế hoạch bố trí cho Luật sư phòng nghiên cứu hồ sơ, phòng đợi trong quá trình tham gia phiên toà nhằm nâng cao vai trò, vị trí của luật sư trong hoạt động xét xử./.

Hữu Duy